Thánh Giuse HOÀNG LƯƠNG CẢNH, Trùm họ dòng Đaminh (1763-1838)

Ngày 05 Tháng 9

GiuseHoangLuongCanh.jpgLời kinh thắp sáng cuộc đời.

Đã là Kitô hữu thì ai cũng từng thuộc và đọc một số kinh để cầu nguyện. Thế nhưng số người sống theo lời kinh mình đọc không phải là nhiều. Đối với cụ lang Giuse Cảnh, thì lời kinh chính là hơi thở của cuộc đời mình. lời kinh là nến sáng soi dẫn hành trình dương gian tiến về nước Chúa. Đọc truyện tử đạo của cụ, ta thấy rất rõ điều đó.

Giuse Hoàng Lương Cảnh sinh ra dưới thời chúa Trịnh Doanh năm 1763 tại làng Ván, tỉnh Bắc Giang. Sống ở làng Thổ Hà, huyện Yên Việt, ông được mọi người quý mến, nổi tiếng hiền lành và bác ái. Là một lang y, ông tận tụy với các bệnh nhân, thường chữa trị miễn phí cho người nghèo. Tuy không đi tu, nhưng trọn ngày sống của ông được dệt bằng kinh nguyện và các việc tông đồ. Ông đã rửa tội nhiều người trong giờ hấp hối, đặc biệt cho trẻ em. Giáo dân Thổ Hà tín nhiệm và bầu ông làm Trùm họ. Từ đó, ông càng hăng say hơn với việc truyền giáo và phục vụ cộng đoàn dân Chúa.

Đầu tháng 07 năm 1838, đang khi quân lính bao vây bắt các giáo hữu làng Thổ Hà, có người mời ông đến chữa bệnh và rửa tội cho con họ. Dù biệt nguy hiểm, ông Trùm vẫn tìm cách lén đi giúp đỡ, nhưng khi đến bên đó, quân lính phát giác ra, bắt ông đeo gông và giải về Bắc Ninh với cha Tự, Thày Uùy, ba ông Trùm xứ khác và một số giáo dân.

Sức mạnh của lời kinh

Ngày 12.7 quan đưa tất cả ra tòa, để dọa và bắt họ bước qua Thánh Giá. Ba ông Trùm kia và một giáo dân nhát gan đã nghe lời để được tha về. Chỉ còn bảy người tuyên xưng niềm tin là cha Tự, cụ lang Cảnh, hai thày Úy và Mậu, cùng ba thanh niên Mới, Đệ, Vinh. Xét rằng cụ Giuse ở chức vụ Trùm họ lại cao niên, nên có ảnh hưởng lớn đến giáo dân, quan kết án xử tử cụ như cha Tự, còn năm người kia chị bị án phát lưu.

Dù tuổi già sức yếu, cụ lang Cảnh vẫn giữ lòng trung kiên, vui lòng chấp nhận mọi hình khổ, không than van, không oán trách. Những lần quan bắt bước qua Thánh Giá cụ quỳ xuống hôn tượng Chịu Nạn và thầm thĩ đọc kinh. Thấy thế, quan bảo cụ đọcto lên, cụ liền đọc lớn tiếng những lời kinh nguyện cầu thay cho những lời giải thích lý luận. Khi thấy cụ đọc kinh Chúa Thánh Thần: “. Xin yên ủi chúng con, dạy dỗ chúng con làm những việc lành.” Khi thì đọc kinh Thánh Danh Giêsu: “Chúa Giêsu là đường nẻo thật, ai theo đường này thì sẽ sống mãi vui vẻ chẳng cùng…” Đặc biệt có lần cụ đọc một lời kinh làm cho các quan ngạc nhiên phá lên cười: “Cầu Chúa Giêsu cho các vua trị nước cho yên, càng ngày càng thịnh”. Họ hỏi sao cụ lại cầu cho kẻ hành hạ mình như thế. Cụ bình tĩnh trả lời các quan về giới luật yêu thương của đạo Chúa.

Một lần khác quan hỏi ý kiến cụ về những kẻ bỏ đạo hoặc tố cáo linh mục, cụ chậm rãi kể tích truyện Giuđa phản thày vì 30 đồng bạc, rồi cụ thêm: “Thực ra lính cũng chẳng bắt được Chúa Giêsu, vì khi Chúa nói chính Ta đây, toán lính Do Thái bị té ngã xuống hết, chính Chúa đưa tay cho họ trói để hoàn tất việc chuộc tội thiên hạ, trong đó có cả các quan nữa đấy”.

Vinh phúc nghìn thu.

Quan tỉnh Bắc Ninh tội nghiệp người già yếu, nên tìm hết cách khuyên dụ cụ bỏ đạo về với con cháu. Nhưng cụ trả lời: “Xin quan cứ làm án cho tôi được chết với cha Tự của tôi, thì tôi mừng rỡ bội phần”. Ngày 15.9.1838, tỉnh Bắc Ninh nhận được bản án từ kinh đô ra. Thay vì án xử giảo như các quan đề nghị, bản án quyết định: “Đạo trưởng Nguyễn văn Tự và Đạo mục Hoàng Lương Cảnh phải trảm quyết ngay tức khắc”.

Khi biết tin sắp bị xử tử, vị linh mục và cụ trùm họ liền vui vẻ chào giã biệt các bạn tù. Viên cai ngục kêu riêng cụ Cảnh ra, có ý cho uống chén nước trà để lấy sức, cụ đáp: “Xin cám ơn, tôi chẳng thiết ăn uống gì nữa, chỉ mong theo cha tôi ra pháp trường thôi”. Thấy cha Tự mặc bộ tu phục trắng toát trên mình, cụ cũng khóac tấm áo dòng ba, như biểu hiện nỗi lòng người con Cha Thánh Đaminh. Cụ nâng niu trên tay ảnh Chuộc Tội nhỏ mà trong hai tháng tù vừa qua cụ đã hôn kính cả nghìn lần, giờ đây là nguồn trợ lực qúy giá của cụ trong cơn thử thách cuối cùng.

Đường ra pháp trường nô nức như ngày hội. Cha Tự thong thả vừa đi vừa xướng kinh Cầu Các Thánh, cụ Lang Cảnh bước đi vất vả hơn vì yếu sức, nhưng vẫn đều đặn thưa đáp: “Cầu cho chúng tôi”. Hai vị như thấy lòng mình ấm lại vì như thấy tòan thể chư thánh đều hiện diện đâu đây sẵn sàng đón mình về Trời cao. Đến nơi xử, vị chứng nhân đức tin và cha Tự qùy xuống trên hai chiếc chiếu nhỏ. Lý hình theo lệnh trống thi hành phận sự, đưa cụ về hưởng Thánh Nhan Chúa muôn đời. Hôm đó là ngày 05.9.1838, cụ Trùm Cảnh đã quá thất tuần, 75 tuổi.

Thi hài cụ Giuse Cảnh được chôn táng dưới một ngọn đồi gần đấy. Sau giáo dân làng Thổ Hà rước về họ mình.

Ngày 27.05.1900, Đức Giáo Hoàng Lêo XIII suy tôn cụ Trùm Giuse Hoàng Lương Cảnh lên bậc Chân Phước của Giáo Hội. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.


Lm. Đào Trung Hiệu, OP

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*