Các thông báo được đọc khi nào trong Thánh lễ?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi 1: Liệu các thông báo cho cộng đoàn, chẳng hạn ngày họp thanh niên, khóa học hôn nhân, ngày nào buổi cầu nguyện sẽ được tổ chức, vv, có nên đọc sau khi Rước lễ không, thưa cha? Hoặc liệu chúng nên đọc sau khi lễ xong (nghĩa là ngoài phụng vụ)?

Hỏi 2: Liệu đàn phong cầm (organ) có được tiếp tục chơi nhẹ nhàng, khi linh mục tráng chén sau Rước Lễ, và nhà tạm vẫn còn mở cửa? – L. B., Rabat, Malta.

Đáp:

Trả lời cho câu hỏi 1, chúng ta có thể nói rằng thời điểm chính xác cho các thông báo này là sau lời nguyện Hiệp lễ, nhưng trước khi linh mục ban phép lành cuối lễ. Nếu cần, các tín hữu nên ngồi để nghe thông báo. Do đó, Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma [GIRM] nói như sau về các nghi thức kết thúc:

“90. Nghi thức kết thúc gồm có:

“a. Loan báo ngắn, nếu cần;

“b. Chào và ban phép lành: có những ngày và có những trường hợp phép lành này được diễn tả một cách phong phú bằng một lời nguyện trên dân Chúa hay một công thức long trọng hơn;

“c. Giải tán cộng đoàn giáo dân do phó tế hay vị tư tế nói;

“d. Vị tư tế và phó tế hôn bàn thờ và sau đó các vị này cùng với các thừa tác viên khác cúi mình sâu chào bàn thờ.

“166. Ðọc lời nguyện Hiệp Lễ xong, nếu có điều gì cần loan báo cho giáo dân, thì nói vắn tắt.

“184. Khi vị tư tế đã đọc lời nguyện Hiệp Lễ, nếu cần loan báo điều gì cho giáo dân, thầy phó tế sẽ nói vắn tắt, trừ khi chính linh mục muốn làm việc này” (Bản dịch Việt ngữ của Lm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

Các qui chế dường như nêu ra rằng linh mục hay thầy phó tế đọc các thông báo này. Đây là một sự thực hành khá phổ biến, tuy nhiên, ít nhất vào một số dịp, một giáo dân có thể đọc thông báo đặc biệt, thí dụ, một đại diện của giới trẻ giáo xứ, hoặc một đại diện của một hội đoàn mời gọi tham gia các sinh hoạt đoàn thể.

Các chỉ dẫn nhấn mạnh rằng các thông báo như thế cần phải ngắn gọn. Chỉ trong trường hợp rất đặc biệt, thời gian thông báo có thể dài hơn trong các thánh lễ thông thường. Trong những dịp đặc biệt, như lễ truyền chức linh mục hay phó tế, thời gian này có thể được sử dụng cho một bài cám ơn ngắn. Trong lễ tang, một bài điếu văn có thể được đọc vào lúc này, mặc dù qui chế và tập tục thay đổi từ nước này sang nước khác.

Đối với âm nhạc sau Rước lễ, Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma có các điều sau đây về âm nhạc:

“88. Sau khi cho rước lễ, vị tư tế và giáo dân tùy nghi cầu nguyện trong lòng một khoảng thời gian. Nếu muốn, tất cả cộng đoàn cũng có thể hát một thánh thi, một thánh vịnh hay một bài thánh ca ngợi khen nào khác.

“163. Cho rước lễ xong, vị tư tế rước hết rượu thánh hiến còn lại ngay tại bàn thờ; còn bánh thánh còn dư thì hoặc rước hết tại bàn thờ hay đưa cất trong nhà tạm.

Vị tư tế trở lại bàn thờ, thu những mụn bánh nếu có; rồi ngài đứng sang phía cạnh bàn thờ hay tới bàn phụ mà gạt các mụn bánh trên đĩa thánh và trong bình thánh vào chén thánh; ngài vừa tráng chén, vừa đọc thầm: “Quod ore sumpsimus, Lạy Chúa, miệng chúng con…” và dùng khăn lau chén mà lau. Nếu tráng chén trên bàn thờ, thì sau đó người giúp lễ sẽ đem bình và chén xuống bàn phụ. Cũng có thể để bình chưa tráng, nhất là khi có nhiều bình, trên một khăn thánh ở bàn thờ hay bàn phụ, che đậy lại tùy nghi, để liền sau lễ, khi giải tán dân chúng rồi, sẽ tráng.

“164. Sau đó, vị tư tế có thể trở về ghế. Có thể giữ thinh lặng thánh một lúc, hoặc hát thánh ca ngợi khen hay thánh vịnh (x. số 88).

“313. Còn phong cầm và các nhạc cụ khác đã được chấp thuận cách hợp pháp, thì phải đặt vào chỗ thích hợp, để chúng có thể trợ giúp ca đoàn và giáo dân hát và, nếu độc tấu, thì mọi người có thể nghe tốt được. Nên làm phép đàn phong cầm, trước khi sử dụng trong phụng vụ, theo nghi thức mô tả trong sách Nghi thức Rôma.

Trong Mùa Vọng được phép đánh phong cầm và các nhạc cụ khác cách vừa phải, phù hợp với đặc tính của mùa này, nhưng đừng đi trước niềm vui trọn vẹn của lễ Chúa Giáng Sinh.

Trong Mùa Chay tiếng phong cầm và các nhạc cụ khác chỉ để giúp hát mà thôi, trừ Chúa Nhật Laetare (IV Mùa Chay), lễ trọng và lễ kính” (Bản dịch, như trên).

Do đó, chúng ta có thể phân biệt hai thời điểm, là khi linh mục tráng chén và khi linh mục trở về ghế. Cũng có hai bài hát khác nhau. Bài hát trong khi Rước lễ, và một bài thánh thi hoặc bài thánh vịnh tùy chọn được hát trong lúc tạ ơn, trừ khi cộng đoàn giữ một khoảng thời gian thinh lặng.

Tôi có thể nói rằng, ngoại trừ trong Mùa Chay, đàn phong cầm có thể tiếp tục chơi một số đoạn của bài hát Rước lễ, trong lúc tráng chén. Nhiều tín hữu đã ngưng hát, và bắt đầu cảm tạ Chúa cách riêng tư, và đôi khi ca đoàn Rước lễ vào lúc này sau khi các tín hữu đã Rước lễ.

Tuy nhiên, trong khi việc giữ thinh lặng thường được ưa thích hơn, các qui chế trên dường như chỉ ra rằng nếu một bài thánh vịnh hoặc thánh thi suy ngắm được chọn, thì bài này nên được mọi người hát, chứ không là bài dành cho đàn phong cầm.

 (Nguyễn Trọng Đa/ Zenit.org 20-9-2016)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*