Đức Mẹ và các thánh có ban ơn cho ai không?

Hỏi: xin cha giải thích hai câu hỏi sau đây:

All-Saints.jpg1- Tại sao cần cầu nguyện và cầu nguyện cách nào cho được Chúa dễ nhậm lời?

2- Lời cầu nguyện thường nghe sau đây có đúng tín lý, giáo lý  hay không: “Xin Chúa, Đức Mẹ, Thánh Giuse (hay Thánh Phêrô, Phaolô…) ban nhiều ơn lành cho ông bà, anh chị em  v.v”

Trả lời:

1-  Tại sao cần cầu nguyện?

Cầu nguyện (pray) nói chung và và cầu xin nói riêng (cầu xin =petition) là một phần của cầu nguyện  là việc đạo đức rất đáng khuyến khích và thực hành vì nó nói lên niềm tin  của  người tín hữu  nơi Thiên Chúa là Đấng  không ai trông thấy bằng mắt nhưng tin chắc có Ngài hiện diện và luôn lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta.

Nói một cách thông thường, thì cầu nguyện là trò chuyện thân mật với Chúa trong tình Cha-con khi vui khi buồn, khi thành công cũng như lúc thất bại, gặp lắm gian nan, đau khổ…trên đường đời. Chúa Giêsu đã nêu gương cầu nguyện cho  các Tồng Đồ xưa và mọi người tín hữu chúng ta ngày nay khi Chúa luôn cầu nguyện cùng Chúa Cha  trong suốt hành trình ba năm đi rao giảng Tin Mừng Cứu Độ và cho đến phút trước khi tắt hơi thở trên thập giá.

Trước hết, Chúa đã vào hoang địa để ăn chay, cầu nguyện  suốt 40 đêm ngày, trước khi ra rao giảng Tin Mừng Cứu Độ.. (cf Mt 4:1-11; Mc 1: 12-13; Lc 4 : 1-13). Chúa đã  dạy các Tông Đồ cầu nguyện với Kinh Lậy Cha mà chúng ta đang đọc mỗi ngày (Mt 6: 9-13; Lc 11: 2-4). Chúa cũng đặc biệt  tha thiết cầu xin cùng Chúa Cha trong chương 17 Phúc Âm Thánh Gioan, trước khi Người chịu khổ hình Thập giá. Và khi bị treo trên thập giá, Chúa Giêsu cũng đã cầu xin cho những kẻ đóng đinh Người như sau:

 “Lậy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm.”(Lc 23: 34)
 

Sau hết, trước khi tắt hơi thở cuối cùng trên thập giá, Chúa cũng đã than thở lần chót cùng  Chúa Cha với những lời thống thiết như sau:  

Ê-li, Ê-li lê-ma xa-bác tha-ni” nghĩa là “Lậy Thiên Chúa, lậy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con.” (Mt 27: 46)

Nhưng Chúa đã vui lòng chịu mọi sự khó và chết sau  khi Người phó linh hồn cho Chúa Cha:   “Lậy Cha, con xin phó linh hồn con trong tay Cha.” (Lc 23:46)

Như thế đủ cho thấy là Chúa Giêsu đã coi việc cầu nguyện cần thiết và quan trọng đến mức nào trong  khi thi hành  sứ mạng rao giảng Tin Mừng cứu độ và cứu chuộc nhân loại mà Chúa Cha đã trao phó cho Người.

Hơn thế nữa,  Chúa đã làm gương sáng ngời cho chúng ta về sự cần thiết phải cầu nguyện, vì  qua cầu nguyện,  chúng ta được xích  lại gần Thiên Chúa là Cha luôn lắng nghe lời cầu xin tha thiết của mọi con cái loài người. 
 

Cầu nguyện cũng  để nói lên lòng tin và hy vọng  vào  Chúa là Đấng  duy nhất ban phát mọi ơn lành và giúp ta đứng vững trong mọi thử thách, khó khăn, gian truân trong hành trình đức tin.

Lại nữa, cầu xin cũng để thú nhận rằng chúng ta rất yếu đuối, dễ nghiêng chiều về sự xấu, và tội lỗi , nên rất cần ơn Chúa để chiến thắng ma quỉ, xác thịt và gương xấu của thế gian, luôn đe dọa lôi kéo chúng ta ra khỏi tình thương của Chúa và mất hy vọng được cứu rỗi.

Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã dạy các Tông Đồ:
Vậy anh  em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.” (Lc 21: 36)

Nhưng để cho lời cầu xin của chúng ta được hữu hiệu chấp nhận, chúng ta phải nhờ cậy Đức Mẹ, Thánh Cả Giuse và các Thánh Nam nữ khác, kể các các linh hồn thánh trong Luyện ngục,  nguyện giúp cầu thay cho chúng ta. Phải nhờ cậy các Thánh vì các Ngài đang được vui hưởng Thánh Nhan Chúa trên Thiên Quốc và có thể nguyện giúp cầu thay đắc lực cho chúng ta và  cho các linh hồn thánh trong Luyện Tội. Chỉ  nhờ cậy thôi  chứ không cầu xin Đức Mẹ  và các Thánh vì chỉ  có Chúa là Đấng ban phát mọi ơn lành cho chúng ta qua lời cầu bầu của Đức Mẹ, của Thánh Cả Giuse, các Thánh Nam Nữ và cả các linh hồn thánh trong Luyên Ngục.

Các linh hồn này không thể tự giúp mình được nữa vì thời giờ đã mãn cho họ lập công đền tội hay phạm thêm tội nào nữa. Vì thế các linh hồn cần sự trợ giúp  của các Thánh trên Thiên Đàng và các tín hữu còn sống trên trần thế để mau được tha mọi hình phạt hữu hạn và sớm được gia nhập hàng ngũ các Thánh trên Thiên Đàng. Tuy nhiên, các linh hồn trong Luyện Tội cũng có thể cầu xin cho chúng ta đang lữ hành trên trần thế., cách hữu hiệu.

Chỉ có các Thánh là không cần sự trợ giúp của ai nữa vì các ngài đã đủ điều kiện để hưởng Thánh Nhan Chúa trên Thiên Đàng  rồi, và có thể cứu giúp các linh hồn nơi Luyên tội và các tín hữu còn sống trên trần thế này qua lời cầu  xin  Chúa  thay  cho chúng ta và các linh hồn nơi Luyện tội.  Đó là tín điều các Thánh thông công ( communion of Saints) mà Giáo Hội dạy các tín hữu tin và thực hành để mưu ích cho mình và cho các linh hồn thánh nơi Luyện Tội.

2-
 ĐỨC MẸ và CÁC THÁNH CÓ BAN  ƠN CHO TA KHÔNG?

Như đã nói ở trên, vì chỉ có Chúa là Đấng ban phát mọi ơn lành, nên nếu cầu xin như  câu hỏi đặt ra là,  “xin Chúa, Đức Mẹ, Thánh… ban ơn cho ai“. thì lời cầu xin này không phù hợp  với niềm tin chỉ có Chúa là Nguồn duy nhất  ban phát mọi ơn thánh cho con người.

Đức Mẹ và các Thánh không  ban ơn  cho ai, mà chỉ cầu thay nguyện giúp đắc lực cho ta trước Tòa Chúa mà thôi.

Thật vậy, Thiên Chúa là Nguồn ơn sủng (grace=gratia) và giầu lòng thương xót như Người đã nói với ông MôSê trên núi Sinai xưa kia  như sau:  “Thiên Chúa nhân hậu và ân sủng, chậm bất bình, giầu lòng  thương xót  và thành tín” (Xh 34:6). Vì thế, chúng ta phải cầu xin Chúa và chỉ một mình Người ban phát mọi ơn phúc cần thiết cho ta như lòng mong ước.

Tuy nhiên, để cho lời cầu xin của chúng ta được đắc lực nhậm lời thì Giáo Hội dạy chúng ta phải cậy nhờ các Thánh nam nữ, nhất là Mẹ Maria là Nữ Vương Thiên Đàng, là người “đầy ơn phúc”, nguyện giúp cầu thay cho. Nhưng, dù với địa vị là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos) vì là Mẹ thật của Chúa Kitô cũng là Thiên Chúa, Đức Mẹ cũng không cao hơn Thiên Chúa trong uy quyền và ân sủng.  

Bằng cớ là  khi còn tại thế, nhân đến dự tiệc cưới tại Cana với Chúa Giêsu, Đức Mẹ là người trước tiên đã nhìn thấy việc gia chủ hết rượu nên đã  nói với Chúa rang “họ hết rượu rồi” (Ga 2:3). Mẹ nói thế vì Mẹ  để tùy quyền Chúa quyết định chứ  Mẹ không tự ý làm điều gì theo ý mình. Nhưng cũng vì lời Mẹ chuyển cầu thay cho gia chủ mà Chúa Giêsu đã làm phép lạ công khai đầu biến nước lã thành rượu ngon, mặc dù “giờ của tôi chưa đến” ( Ga 2 :4). 

Sự kiện này cho thấy rõ uy tín và hiệu lực của lời cầu bầu của Đức Mẹ  cho ta trước Chúa. 

Với tất cả các Thánh nam nữ khác, Giáo Hội  cũng dạy rằng: :…

Những  nhân chứng  đức tin đã đi trước chúng ta vào Nước Trời, nhất là những vị  đã được Giáo Hội công nhận là “thánh” và đang dự phần vào truyền thống sống động của cầu nguyện   bằng  gương mẫu đời sống của các ngài  và bằng việc để lại cho  chúng ta sách vở của các ngài về việc  cầu nguyện hôm nay. Các ngài đang chiêm ngưỡng và ca tụng Thiên Chúa và không ngừng lo cho những anh  em  mà các ngài đã để lại trên trần thế. Khi các ngài được vào hưởng niềm vui với Chúa của mình, các ngài được Chúa trao phó cho nhiều công việc, trong đó việc chuyển cầu  thay cho kẻ khác là việc phục vụ hết mình cho ý định của Thiên Chúa. Chúng ta có thể và phải xin các ngài nguyện giúp cầu thay cho chúng ta và cho toàn thế giới.” (SGLGHCG, # 2683; LG. #50) 

Mặt khác Công Đồng Tridentinô
 (Trent 1563) cũng dạy rằng: “Thật tốt lành và hữu ích khi khiêm tốn cầu khẩn cùng các Thánh để xin ơn sủng của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.” 

Như thế, trên hết chúng ta phải cậy nhờ Chúa Kitô  khi  xin mọi ơn phúc của Chúa Cha. Các Thánh là những người đã thánh thiện đủ và đang được ở gần Chúa Giêsu hơn các tín hữu còn lữ hành trên trần thế hay đang được tinh luyện trong Luyên tội (purgatory), nên có thể nguyện giúp cầu thay (intercede)  đắc lực  cho ta và cho các linh hồn trong nơi thanh luyện đó.

Chính vì thế mà Giáo Hội đã đặc biệt kêu cầu sự trợ giúp thiêng liêng của Đức Mẹ và các Thánh Nam Nữ qua Kinh cầu các Thánh được đọc trong những dịp đặc biệt như Lễ Truyền Chức thánh, Khấn Dòng, và đêm vọng Phục Sinh.

Tóm lại, khi cầu nguyện để xin bất cứ điều gì, ta cần nhớ rõ là chỉ một mình Thiên Chúa tức Chúa Cha là Nguồn ban phát mọi ơn lành mà thôi.

Nhưng cho được xin bất cứ ân sủng nào của Chúa Cha cách xứng hợp và hữu hiệu, chúng ta trước hết phải cậy nhờ hay nhân danh  Chúa Giêsu-Kitô như Chúa đã dạy các tông đồ xưa: “…tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người sẽ ban cho anh  em.” (Ga 15:16).

Đó là lý do tại sao Giáo Hội luôn kết thúc mọi lời cầu nguyện bằng câu: Nhờ Chúa Kitô Chúa chúng con, cũng như luôn nhắc đến Đức Mẹ và các thánh khi cử hành phụng vụ. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể cầu xin  Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần vì các Ngài cũng là Thiên Chúa đồng bản tính ( bản thể=substance)  với Chúa Cha.

Như vậy, kiểu nói: cầu xin Đức Mẹ, Thánh Cả Giuse hay bất cứ Thánh nào khác phải được hiểu là nhờ Mẹ và các Thánh nguyện giúp cầu thay cho chúng ta mà thôi. Nghĩa là Đức Mẹ và các Thánh không thể  ban phát  ơn sủng  nào cho ai, mà chỉ nhận lãnh từ   Chúa Giêsu những ơn mà Chúa Cha đã ban qua Chúa Giêsu nhở lời cầu thay nguyện giúp của Đức Mẹ và các Thánh. 

Tóm lại,  cho được chính xác, chúng ta phải cầu xin như sau :
Nguyện xin Thiên Chúa, nhờ Chúa Giêsu Kitô và qua lời cầu bầu của  Mẹ Maria, và Thánh….. ban nhiều ơn lành cho chúng ta (hay cho ai).

Nghĩa là, mỗi  khi  xin gì cùng Đức Mẹ và các Thánh, chúng ta phải xin trong tinh thần  nhờ cậy Đức Mẹ và các thánh chuyển cầu thay cho ta trước Tòa Chúa, là Nguồn mạch duy nhất của mọi ơn phúc được ban cho con người nhờ  công nhiệp  Chúa Kitô , và qua lời cầu bầu của Đức Mẹ và các Thánh nam nữ đang vui hưởng Thánh Nhan Chúa trên Thiên Đàng..

Đó là cách cầu nguyện xứng hợp đẹp lòng Chúa và vui lòng Đức Mẹ và các thánh nhất.

Sau hết, cũng vì mục đích tôn thờ Thiên Chúa cách đúng đắn, phù hợp với đức tin, thì  mỗi khi bước vào một nhà thờ hay nhà nguyện nào nơi có đặt Mình Thánh Chúa trong Nhà tạm (Tabernacle) chúng ta phải bái quỳ (genuflect) hay cúi đầu bái lậy Thánh Thể  trước khi bái kính ảnh tượng Đức Mẹ hay bất cứ  thánh nam nữ nào có ảnh tượng trong nhà thờ. Nghĩa là không nên chậy thẳng vào nơi có ảnh tượng Đức Mẹ, Thánh Cả Giuse hay Thánh nào khác để cầu xin  mà quên Chúa Giêsu đang hiên diện trong Nhà Tạm; và ở đâu có Chúa Giêsu thì ở đó cũng có Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

Ước mong những  giải đáp trên  giúp quí tin hữu biết cầu nguyện cách xứng hợp đẹp lòng Thiên Chúa là Nguồn ban phát mọi ơn lành cho ta  qua Chúa Kitô và nhờ lời chuyển cầu hữu  hiệu của Đức Mẹ, Thánh Cả Giuse và các Thánh Nam Nữ đang vui hưởng Thánh Nhan Chúa trên Thiên Đàng.Amen

Ước mong những giải đáp trên thỏa mãn các câu hỏi đặt ra.

LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*