Lời Chúa: Thứ Năm tuần Bát Nhật Phục Sinh

Kinh hồn bạt vía

Thứ Năm tuần Bát Nhật Phục Sinh
Lời Chúa: 

 Lc 24,35-48

35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!” 37 Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. 38 Nhưng Người nói: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? 39 Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” 40 Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. 41 Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không?” 42 Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. 43 Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.
44 Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” 45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh 46 và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; 47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. 48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này.
 
(Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh / HĐGMVN)

 

Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?”  (Lc 24,39)

 
Suy niệm: 
A. Phân tích (Hạt giống…)
 
Thánh Lu-ca tiếp tục tường thuật cuộc hiện ra thứ hai của Chúa Giêsu Phục sinh, lần này là hiện ra cho các tông đồ ở Giê-ru-sa-lem:
 
1. Hai môn đệ từ Emmau vừa trở về cho các môn đệ hay Chúa Giêsu đã sống lại.
 
2. Chúa Giêsu hiện ra:
 
Ngài chứng minh cho các ông hiểu rằng sau khi sống lại, Ngài vẫn là một như ngày trước (có chân tay xương thịt, biết ăn uống).
 
Ngài cắt nghĩa bài học Thánh kinh: Đức Kitô phải qua cái chết mới tới Phục sinh.
 
Ngài bảo các ông nhân danh Ngài “rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân”.
 
B. Suy niệm (…nẩy mầm)
 
1. “Chính Thầy đây. Hãy sờ xem: Ma đây có xương thịt như Thầy có đâu”: Chúa Giêsu Phục sinh đang sống và hiện diện bên cạnh tôi. Đây không phải chỉ là một kiểu nói, không phải chỉ là niềm tin, mà là sự thật. Chúa Giêsu hôm qua, hôm nay và mãi mãi là một. Tôi phải sống với niềm tin xác tín ấy.
 
2a. “Các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy”: không những tôi phải sống với niền tin xác tín rằng tôi đang sống với Chúa Phục sinh đang hiện diện bên cạnh, mà còn phải làm sao cho cách sống đó khiến người ta nhìn vào và cũng tin như thế.
 
2b. Một bề trên tu viện công giáo đến tìm vị ẩn sỹ ấn giáo tại chân núi Hy Mã Lạp sơn và trình bày về tình trạng bi đát của tu viện của ông:
 
Trước kia tu viện này là một trung tâm thu hút nhiều khách hành hương. Nhà thờ lúc nào cũng vang tiếng hát của giáo dân từ khắo nơi đến. Trong tu viện không còn chỗ nhận người vào tu hằng ngày đến gõ cửa nữa. Thế mà tu viện bây giờ chẳng khác nào ngôi chùa hoang phế. Nhà thờ vắng lặng, tu sĩ thì leo teo mấy người, cuộc sống thật là buồn tẻ.
 
Vị bề trên hỏi tu sỹ Ấn giáo cho biết nguyên nhân nào hay tình trạng nào đưa tới tình trạng trên đây. Tu sĩ Ấn giáo ôn tồn bảo: “Các tội đã và đang xảy ra trong cộng đoàn đó là tội vô tình”. Và ông giải thích: “Đấng Cứu Thế đã cải trang thành một người trong qúi vị, mà qúi vị không nhận ra Ngài”.
 
Nhận được lời giải đáp, vị bề trên hớn hở trở về tu viện. Ông tập họp mọi người lại và loan báo cho họ biết Đấng Cứu Thế đang cải trang thành một người trong nhà. Các Tu sĩ đều mở to đôi mắt và quan sát nhau. Ai là Đấng Cứu Thế đang cải trang vậy? Nhưng có một điều chắc là một khi Ngài đã cải trang thì không ai có thể nhận ra Ngài được. Mỗi người trong họ có thể là Đấng Cứu Thế.
 
Vậy là từ đó mọi người đối xử với nhau như là đối xử với Đấng Cứu Thế. Chẳng bao lâu bầu khí huynh đệ, sức sống và niềm vui đã trở lại với tu viện. Từ khắn\p nơi người ta lại tìm đến tu viện để tĩnh tâm và cầu nguyện. Nhiều người trẻ cũng đến xin gia nhập cộng đoàn (Trích “Món quà Giáng Sinh”).
 
3. “Bình an cho chúng con. Này Thầy đây, đừng sợ”: trong khoảng thời gian vắng Chúa, các môn đệ rất hoang mang và sợ hãi. Nay Chúa đã trở lại và đang ở với họ, họ tìm lại được bình an. Xin Chúa luôn ở với con, để ban cho con được bình an giữa bao xáo trộn của cuộc đời.
 
4. Chúa nói với họ: “Sao anh em lại hoảng hốt? Sao còn ngờ vực trong lòng?”.
 
Ở đời ai cũng sợ một điềi gì đó. Hãy nói thật cho tôi biết bạn sợ cái gì nhất? Còn tôi, tôi sợ cuộc sống nhất, tôi sợ tất cả những gì thuộc về cuộc sống này.
 
Bạn thử nghĩ xem, là sao tôi tránh được lo sợ khi quanh tôi giá trị con người được tính bằng nhan sắc, tiền bạc gia thế. Còn lẽ phải, sự công bằng lúc nào cũng thuộc về tay kẻ mạnh. Còn tình yêu ư? Lúc nào cũng chỉ là kẻ bịp bợm, nếu không nói là giải trí bản năng. Vì sự sinh tồn, vì hưởng thụ, vì lòng tham, vì ích kỉ…con người lao vào cấu xé lẫn nhau, làm khổ nhau.
 
Tôi sợ mình không đủ dũng cảm để đấu tranh dành lấy công bằng. Tôi sợ mình không đủ cao thượng để hy sinh nhường đường cho kẻ khác. Tôi sợ một ngày nào đó vì sự sinh tồn tôi phải bán tất cả để tìm lấy cho mình một chỗ đứng, khi đó tôi không còn là tôi nữa…Nỗi sợ hãi làm tôi không còn tin vào bất cứ điều gì, tôi không tin vào tình người: tôi không tin người tốt sẽ được sống hạnh phúc.
 
Tôi không hiểu sống để là gì, khi hiện tại tương lai đầy ắp nỗi sợ hãi. Tôi muốn thoát khỏi sự sợ hãi, tôi muốn được bình an…và trong cơn hoảng loạn, tôi đã nghĩ đến cái chết… tôi quên mất mình đang sống mùa Phục sinh, Phục sinh của Đức Giêsu Kitô.
 
Cầu nguyện: 

Lạy Chúa, xin cho con thoát khỏi sự sợ hãi, biết can đảm vượt qua mọi thử thách để được lớn lên, trưởng thành trong vòng tay của Ngài. (Epphata).

(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*