Phản ảnh tượng là một chính sách do các hoàng đế của Đế Quốc Byzantine thuộc thiên niên kỷ thứ nhất ban hành và áp đặt lên thế giới Kitô Giáo thời ấy.
Thực vậy, nó xuất hiện dưới thời các Hoàng Đế Leo III (717–741) và Constantine V (741–775), và công đồng phản ảnh tượng năm 754. Chính sách này, sau đó, bị chặn đứng tại Công Đồng Nixêa thứ hai (787). Sau đó, nó được phục hồi và sau cùng bị hủy bỏ (815-842).
Đại để, chính sách này dựa vào Điều Răn Thứ Nhất (Xh 20:4-5) để ngăn cấm ảnh tượng vì sợ chúng sẽ dẫn đến việc thờ ngẫu thần. Ít nhất, thì sự hiện diện của chúng trong các nhà thờ cũng làm người ta chia trí, không chiêm niệm các vấn đề hoàn toàn thiêng liêng.
Năm 726, việc Hoàng Đế Leo III, với sự hỗ trợ của nhiều giám mục, ra lệnh tháo gỡ tượng Chúa Kitô khỏi cổng hoàng cung đã chính thức mở màn cho chính sách này. Tiếp theo là việc triệt hạ các ảnh tượng ở khắp nơi, nhất là những ảnh tượng có thể tháo gỡ được vì đây là đối tượng của lòng sùng kính bình dân (hôn kính, đốt nến…). Ai chống lại lệnh này sẽ bị lưu đầy, tịch thu tài sản, và tệ nhất là chặt chân chặt tay.
Dĩ nhiên, lệnh trên bị chống đối, mạnh nhất là của các đan sĩ. Thánh Gioan Đamascênô, phát ngôn viên của Thượng Phụ Giêrusalem, viết 3 khảo luận bênh vực các ảnh tượng thánh, trong khi ngôi vị giáo hoàng thì cực lực chống lại chính sách của Hoàng Đế. Các Đức Grêgôriô II (715–731) và Grêgôriô III (731–741) viết thư phản đối, và thượng hội đồng Rôma năm 731 chính thức phản kháng.
Có giải thích cho rằng Hoàng Đế Leo III vốn xuất thân từ vùng chủ trương Chúa Kitô chỉ có 1 bản tính, đó là bản tính Thiên Chúa (monophysite), nên cấm ảnh tượng chỉ là kết luận hợp luận lý. Nhưng cũng có người cho rằng thời cai trị của Leo III gặp nhiều tai ương khủng khiếp. Năm 726, núi lửa phun dữ dội tại Thera. Các thư của Thượng Phụ Germanos và các biên niên ký của Theophanes và Nikephorus làm chứng cho giả thuyết nói rằng Leo coi những tai họa này như dấu hiệu Thiên Chúa bất bình về việc thờ ảnh tượng. Trong khi ấy, Hồi Giáo, với việc thờ phượng Thiên Chúa không cần ảnh tượng, thì thành công một cách rực rỡ.
Qủa tình, chính sách của Leo III không hề có căn bản thần học vững chắc. Nên người kế vị ông là Constantine V đã tìm cách để ảnh tượng bị Giáo Hội ngăn cấm, và áp đặt chính sách ngăn cấm như một nghĩa vụ lương tâm chứ không phải chỉ là nghĩa vụ công dân.
Khoảng năm 752, ông ta soạn thảo lý thuyết nguyên thủy của chính sách này, viết nó thành khảo luận và hai năm sau yêu cầu 1 công đồng chung phê chuẩn. Công đồng này, họp tại Hiereia với sự hiện diện của 338 nghị phụ, đã lên án mọi ảnh tượng là ngẫu thần và tuyên bố rằng lên ảnh tượng cho Chúa Kitô là sai lạc vì nhất thiết việc này một là phân rẽ hai bản tính của Chúa Kitô và do đó, tạo nên ngôi thứ bốn cho Thiên Chúa Ba Ngôi, hai là đặt giới hạn cho Ngôi Lời vốn vô giới hạn.
Dĩ nhiên, Thiên Chúa vô giới hạn, nhưng vì Thiên Chúa đã nhập thể, đã tự mạc khải trong xác phàm, thì rõ ràng, vẽ hình ảnh về Chúa Kitô là điều được phép. Bác bỏ việc Chúa Kitô mang hình thức có giới hạn là bác bỏ việc Người Nhập Thể, một việc vốn là dụng cụ của cứu rỗi.
Chính vì thế, khi Leo IV lên ngôi năm 775, chính sách cấm ảnh tượng từ từ được nới lỏng. Nhất là dưới thời Constantine V, lúc Hoàng Thái Hậu Irene nhiếp chính, bà đã triệu tập thành công công đồng Nixêa II năm 787. Công đồng này đã xác nhận tính hợp pháp, sự ưu việt và tính giới hạn của việc tôn kính ảnh tượng. Rất tiếc, các quyết định của Công Đồng không được triều đình của Charlemagne đón nhận nồng nhiệt. Hơn nữa, một số giới ở Phương Tây không ủng hộ công đồng này.
Bởi thế, Hoàng Đế Leo V (813–820) đã hủy bỏ sắc lệnh năm 787 và phục hồi sắc lệnh của Công Đồng Hiereia. Nhưng thời gian đã đem lại nhiều thay đổi và “phe” ủng hộ ảnh tượng có được những phát ngôn viên sáng giá như Nicephorus và Theodore Học Giả, lại thêm các giám mục chống đối chính sách cấm ảnh tượng lần này có óc tổ chức tốt hơn, nên việc cấm đoán trở nên bớt khắc nghiệt và nhất là một năm sau khi Theophilus qua đời, hoàng thái hậu Theodora nhiếp chính đã phục hồi các ảnh tượng. Một thượng hội đồng, triệu tập vội vàng bởi Thượng Phụ Methodius (834–847), đã tuyên bố ủng hộ quyết định của Nixêa II. Sắc lệnh năm 843 này sau đó được lặp lại bởi các công đồng long trọng hơn vào các năm 861, 867, 869 và 879.
Chuyện trên ăn nhằm chi tới Đức Phanxicô của thế kỷ 21? Nhà báo John Allen Jr. bảo có. Nhân dịp Phục Sinh 2018.
Thực thế, theo nhà báo này, dịp Phục Sinh năm nay, Đức Phanxicô đọc tất cả 6 bài giảng hay diễn văn, trong các buổi Phụng Vụ chính ở Vatican, ngoại trừ buổi Phụng Vụ Thứ Sáu Tuần Thánh (do Cha Cantalamessa phụ trách thuyết giảng). Tổng cộng, ngài nói hơn 6,000 chữ trong khoảng 96 giờ, về đủ mọi vấn đề.
Xét chung, hơn 6,000 chữ trên cho thấy Đức Phanxicô không chùn bước trước việc thận trọng mở cửa cho người Công Giáo ly dị và tái hôn dân sự được rước lễ và ngoài vấn đề này, ngài nói tới hết các điểm chính trong viễn kiến và nghị trình chung của ngài.
Trong đó, có vấn đề các linh mục phải gần gũi dân, được nêu lên trong Thánh Lễ Truyền Dầu (Thứ Năm Tuần Thánh); vấn đề chống án tử hình, nêu lên lúc Rửa Chân tại Nhà Tù Regina Coeli, cũng trong Thứ Năm Tuần Thánh; vấn đề “holy shame” (xấu hổ cách thánh thiện) trong suy niệm Thứ Sáu Tuần Thánh…
Nhưng theo Allen, bài diễn văn nắm bắt được tinh thần và viễn kiến tổng quan của triều giáo hoàng Phanxicô là bài giảng trong Lễ Truyền Dầu kỷ niệm việc Chúa Kitô thiết lập chức linh mục.
Phần lớn, đó là một bài suy niệm về tầm quan trọng của việc gần gũi, vừa như một phẩm tính thiêng liêng và mục vụ vừa là đặc điểm chuyên biệt của mối liên hệ giữa Thiên Chúa và nhân loại. Hai đoạn đặc biệt sau đây quả là những chiếc chìa khóa giải thích học đối với điều Đức Phanxicô từng cố gắng thực hiện trong Đạo Công Giáo suốt 5 năm qua:
“Sự gần gũi cũng là chìa khóa mở cửa sự thật; không phải chỉ là chìa khóa mở lòng thương xót, mà còn là chìa khóa mở cửa sự thật. Các khoảng cách có thực sự được rút ngắn khi có sự thật hay không? Có, chúng được rút ngắn. Vì sự thật không chỉ định nghĩa các hoàn cảnh và sự vật từ một khoảng cách xa nào đó, bằng việc lý luận trừu tượng và hợp luận lý. Nó còn hơn thế nữa. Sự thật còn là trung tín. Nó làm anh chị em gọi người ta bằng tên thật của họ, như Chúa vốn gọi tên họ, trước khi xếp phạm trù cho họ hay định nghĩa ‘hoàn cảnh của họ’.Có một thói quen đáng ghét, không phải sao, là bước theo ‘nền văn hóa tĩnh từ’: là thế này, là thế nọ, như thế này… Không! Đây là một người con của Thiên Chúa. Rồi thì nhân đức này thiếu sót kia, nhưng [trước hết] là sự thật tín trung về con người, chứ không phải tĩnh từ bị coi như bản chất của họ.
“Chúng ta phải thận trọng để đừng sa vào chước cám dỗ biến một số sự thật trừu tượng thành ngẫu tượng. Chúng có thể là những ngẫu tượng thoải mái, luôn dễ với tới; chúng cung hiến một số thanh thế và quyền lực và khó mà biện phân được chúng. Vì ‘ngẫu tượng sư thật’hay bắt chước, nó giả trang bằng lời Tin Mừng, nhưng nó không để những lời này đụng tới trái tim. Tệ hơn nữa, nó làm những con người bình thường xa cách sự gần gũi đầy tính chữa lành của lời nói và bí tích của Chúa Giêsu”.
Theo Allen, điều chúng ta được nghe ở trên là một tuyên bố trọn vẹn, có tính sấm ngôn, cho thấy rõ mục tiêu xuyên suốt của Đức Phanxicô: ngài cương quyết đập nát “các ngẫu tượng sự thật” mà ngài tin đang giam hãm cả Giáo Hội lẫn thế giới nói chung, đang nuôi dưỡng “nền văn hóa tĩnh từ” ưa phê phán, một nền văn hóa luôn dẫn đạo bằng các thất bại của người ta chứ không bằng các “sự thật tín trung” tiềm tàng trong họ.
Chiến dịch đập nát ngẫu tượng này, theo Allen, không những giải thích cho Amoris Laetitia, mà còn giải thích rất nhiều điều khác trong triều đại giáo hoàng này, từ các loại giám mục được Đức Phanxicô bổ nhiệm, đến lý do tại sao ngài cứ tiếp tục nói chuyện với nhà báo Ý mà ai cũng biết là có một lịch sử dài hay bóp méo lời lẽ của ngài, qua cả việc ngài qua mặt một thánh bộ ở Vatican, một thánh bộ, trong rất nhiều năm, theo Allen, vốn coi vai trò của mình là bảo vệ “các sự thật trừu tượng”, đó là Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin.
Dĩ nhiên, ở đây, theo Allen, có một nghịch lý khổng lồ. Đó là trong lịch sử Kitô Giáo, những người phản ảnh tượng vốn là những người rất cực đoan và chiểu tự (literalist) bị Đức Phanxicô phê phán. Nhưng chính ngài lại là một người Công Giáo phản ảnh tượng vĩ đại. Không theo nghĩa giật các ảnh tượng khỏi tường nhà thờ, mà là gột bỏ các điều trừu tượng khỏi tâm trí người ta.
Nhận định của Allen dĩ nhiên không sai. Chỉ có điều hơi lạ vì trước đây, nhà báo này hay nhấn mạnh tới phương thức “và…và, cả…lẫn, vừa…vừa” nơi Đức Phanxicô, chứ không một chiều như thế này. Thực sự, trong Đạo Công Giáo, tín lý gồm các “sự thật trừu tượng” vẫn là phần chủ yếu mà bất cứ tín hữu nào cũng cần phải nắm vững trước khi đi vào thực hành đạo. Chúng là đèn soi các bước chân “tín trung” của ta.
Đàng khác, phản ảnh tượng là một sự kiện lịch sử hay đúng hơn là một sai lầm lịch sử, có thể nói là lạc giáo, bị Đức Phanxicô kết án. Không những bằng giáo thuyết mà còn bằng thực hành. Những lần ngài ôm hôn tượng Chúa, tượng Đức Mẹ trong các cuộc tông du và sau đó thân hành đến Nhà Thờ Đức Bà Cả cảm ơn Đức Mẹ nói lên việc ngài đánh giá cao giá trị biểu tượng của tượng ảnh Công Giáo.
Vả lại, cái sai lầm của chính sách phản ảnh tượng là bác bỏ nhân tính của Chúa Giêsu, trong khi, triều đại Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh tới nhân tính ấy, nó là nguồn thương xót vô hạn, khiến các “trừu tượng” trở thành gần như vô nghĩa. Thiển nghĩ không nên ví ngài là nhà phản ảnh tượng vĩ đại!
Vũ Văn An
(vietcatholic 04.04.2018)
Để lại một phản hồi