Tản mạn chuyện nhà đạo :
LÒNG THƯƠNG XÓT HAY CHỮA LÀNH ?
Chúa Nhật II Phục sinh được gọi là Chúa nhật về Lòng Thương Xót.Lễ này được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thiết lập vào ngày 30.4.2000,nhân dịp tuyên phong Chân phước Faustina Kowalska người Ba Lan lên bậc hiển thánh.Thánh nữ là người có lòng sùng kính và truyền bá Lòng Thương Xót của Chúa.
Thật vậy, Lòng Thương Xót là câu chuyện của thời đại chúng ta hôm nay,giữa một thế giới đầy dẫy chiến tranh,bạo lực,chết chóc,và người ta cư xử tàn nhẫn với nhau.Vì thế,con người không biết đâu là chỗ cậy dựa an toàn cho mình,ngoài việc trông cậy vào Lòng Thương Xót Chúa.
Ngày nay,người ta nói nhiều về Lòng Thương Xót,có những cộng đoàn, hiệp hội,phong trào cầu nguyện,học hỏi và loan truyền Lòng Thương Xót ở khắp mọi nơi, thế nhưng,chúng ta có hiểu đúng về Lòng Thương Xót của Chúa.
Bài trình thuật Tin Mừng theo Thánh sử Gioan (Ga 20,19-31) đọc vào Chúa Nhật II Phục sinh cho chúng ta thấy Thánh Tôma đã cảm nghiệm sâu xa về Lòng thương xót.
Trước tiên,ông là người cứng tin,ông không tin vào lời các tông đồ kể lại việc Chúa Giêsu đã sống lại.Và chính Chúa Giêsu Phục sinh đã hiện ra một lần nữa với các tông đồ,lần này có cả Tôma.Chúa Giêsu mời gọi ông đụng chạm đến những vết thương nơi thân xác Ngài,nhờ đó mà ông thêm lòng tin.Sau cùng,Thánh Tôma đã tuyên xưng lòng tin của mình một cách mạnh mẽ nhất : “Lạy Thiên Chúa con, lạy Thiên Chúa của con”.
Lòng Thương Xót Chúa là gì nếu chúng ta không đụng chạm đến vết thương trong cuộc thương khó Chúa.Vết thương là dấu chứng Chúa Giêsu đã chịu chết,bị đánh đòn đến bầm dập nơi thân xác.Chúa Giêsu Phục sinh cũng là Đấng đã đi qua cuộc thương khó,chấp nhận mọi hy sinh tủi nhục vì biết bao nhiêu tội lỗi con người.
Có lẽ hơn ai hết,Thánh Tôma nhận ra lòng thương xót của Chúa.Ngay buổi chiều mà các tông đồ hội họp,ông vẫn còn lo đi trốn,sợ hãi không dám họp mặt với anh em.Xem ra,Thánh Tôma ẩn trốn kỹ quá sau cái chết của Thầy.Khi bạn bè kể chuyện Chúa Giêsu đã sống lại và hiện ra với các ông, lúc này Tôma lại không tin.Chỉ khi gặp gỡ Chúa Giêsu Phục sinh ông mới mạnh mẽ xác tín vào Thầy.
Trong các giáo phận tại Việt Nam,nhất là tại Giáo phận Sài Gòn,dường như người ta mộ mến tìm đến với Lòng Thương xót Chúa qua những giờ cầu nguyện, thánh lễ,những giờ xin khấn xin ơn.
Một số người đến với Lòng thương xót của Chúa chỉ để xin cầu nguyện,chữa lành bệnh phần xác,cùng những câu chuyện kể vui nhộn của những người lên làm chứng về Lòng thương xót.Cứ như thế,chúng ta đang “đóng khung” giới hạn lòng thương xót Chúa.Chúng ta chỉ muốn Chúa đáp ứng lại những nhu cầu của minh,đòi Chúa phải đi theo mình,chứ không phải chấp nhận đi con đường khổ giá đau thương với Chúa Giêsu.
Lòng Thương Xót là một ơn huệ vô cùng lớn lao,Chúa ban cho con người, không dừng lại ở việc được chữa lành bệnh tật.Tuy rằng,trong suốt cuộc đời công khai rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu luôn thực hiện những phép lạ,chữa lành những người đau yếu thể xác cũng như tâm hồn,những tội nhân được ơn hòa giải với Thiên Chúa.
Điều người ta cảm nghiệm không phải là ơn chữa lành,nhưng là ơn hoán cải tâm hồn trở về với Chúa,ơn sống đức tin vững vàng trong những gian nan thử thách.Trước lòng thương xót của Chúa,ai cũng là những tội nhân là những người con hư hỏng lầm lỗi,khuyết điểm.Càng cảm nghiệm sâu xa về Lòng thương xót của Chúa,chúng ta càng thấy mình bất xứng vô dụng,phải sống khiêm tốn,hạ mình hơn,bớt đi tính cao ngạo vỗ ngực xưng tên mình trước đám đông.
Người viết còn nhớ những lời chia sẻ của một anh bạn nhạc sĩ.Anh sáng tác một số ca khúc ca ngợi tình yêu thương của Thiên Chúa,anh chia sẻ:“Tôi tin vào lòng thương xót Chúa, ngay cả khi vợ ốm,con đau, đứa con gái tật nguyền bẩm sinh không đi lại được.Nó chỉ nằm yên một chỗ la hét.Đau đớn lắm,nhưng nghĩ đến tình thương Chúa không bỏ rơi mình,tôi vẫn vui tươi lạc quan,vẫn hăng say phục vụ tham gia sinh hoạt hội đoàn,và sống Tín thác vào Chúa hơn”.
Thú thật,nói về lòng thương xót Chúa,về sự tín thác thì dễ dàng,nhưng khi trải nghiệm những biến cố đau khổ trong cuộc đời trong những hoàn cảnh đó,tin tưởng vào Chúa không dễ chịu chút nào.
Chúng ta tin Chúa đang đồng hành chia sẻ với mình trên đường đời,khi chúng ta đang bị thất nghiệp,khi ta là người vợ đảm đang mà chồng lúc nào cũng nóng nảy cau có, không cho vợ đi lễ nhà thờ.Khi chúng ta đối diện với sự chia ly người thân ra đi,khi công ăn việc làm bị thất bại thua lỗ.
“Phúc cho những ai không thấy mà tin”.Đây là mối phúc của Lòng Thương Xót,chúng ta có dám tin Chúa đang hiện diện với mình, dù không thấy Ngài, dù Ngài im lặngvđể mặc chúng ta đối diện với đau khổ,khi chúng ta làm việc tốt mà vẫn bị người ta chê trách,hiểu lầm và nghi ngờ.
Thánh nữ Faustina đã trải qua kinh nghiệm về những điều trên trong cuộc đời của ngài, thánh nhân sẵng sàng chịu mọi đau khổ,bị chị em trong nhà dòng nghi ngờ,nhất là từ khi được Chúa Giêsu mặc khải về Lòng Thương Xót cho ngài.Chúa Giêsu ủy thác cho thánh nhận sứ mạng loan truyền Lòng Thương Xót cho mọi người,đó là nhiệm vụ cao trọng và nặng nề vô cùng.
“Cha sai con đem tình thương của Cha đến cho toàn thế giới. Cha không muốn đoán phạt, nhưng muốn chữa lành và ghì chặt nhân loại đau thương vào Trái Tim Thương Xót của Cha” (NK 1588); “Con là thư ký của Lòng Thương Xót Cha. Cha đã tuyển dụng con làm nhiệm vụ ấy ở đời này và đời sau” (NK 1605)…”Nhiệm vụ và công tác suốt đời con là tiếp tục làm cho các linh hồn được biết về Lòng Thương Xót lớn lao của Cha dành cho họ và kêu gọi họ tín thác vào Lòng Thương Xót vô hạn của Cha (NK 1567).
Kinh nghiệm của Thánh Tôma giúp chúng ta nhận ra lòng thương xót của Chúa,chúng ta có bị đánh động đến độ chỉ biết thinh lặng phủ phục,cúi mình và xác tín vào tình thương của Chúa.Vì tình thương Chúa lớn lao quá, ông không thể kể xiết được.
Tuyệt vời thay Lòng Chúa thương xót,Thánh Tôma thấy mình quá bất xứng,Chúa là Đấng quyền năng có thể làm được mọi sự,nếu chúng ta đặt niềm tin tưởng vào Ngài.Lòng tín thác giúp chúng ta đương đầu với khổ đau,thử thách,khi đời có lúc vui cũng như lúc buồn,khi thành công cũng như thất bại, làm sao chúng ta vẫn cất cao lời ca tạ ơn lòng thương xót Chúa,cũng như chia sẻ Lòng thương xót Chúa cho mọi người.
Nhận thấy, một số người tìm đến với Lòng Thương Xót chỉ để nhận được ơn này ơn kia, tin vào phép lạ xảy ra, nơi những trung tâm hành hương hay nhà thờ nào đó,hoặc là chỉ chạy đến với người “nghe đồn” là có thể chữa đủ thứ bệnh.Tất cả chúng ta chỉ là dụng cụ của Thiên Chúa,đều có nhiệm vụ loan báo Lòng Thương xót Chúa,cũng như chia sẻ với nhau về tình thương của Chúa.Nếu Chúa muốn,Ngài có chữa lành bệnh tật chúng ta,phần chúng ta chỉ là chân thành cầu nguyện, cậy dựa vào Chúa chứ không phải là một ai đó có khả năng chữa bệnh.
Điều quan trọng vẫn là chúng ta đưa người ta về với Chúa, giúp họ nhận ra Lòng Thương xót Chúa, đừng quy về mình, vì chỉ có Chúa mới là trung tâm thờ phượng, không nên dùng những phép lạ,ơn chữa lành để thu hút người ta đi theo mình.Làm như thế,thay vì làm chứng cho Chúa,chúng ta lại che khuất Chúa,tôn vinh bản thân mình lên,từ đó làm việc gì cũng cố tình tô vẽ hình ảnh đánh bóng tên tuổi mình, biểu dương, trình diễn lực lượng hội nhóm của mình.
Chuyện kể rằng: Một vị thửa sai đến thăm trại phong cùi,trò chuyện với một cụ già bệnh phong 70 tuổi,bị bệnh từ năm 15 tuổi.Giờ đây,ông chẳng còn mũi và bị vi trùng Hansen ăn cụt mất tay chân,khiến cho cụ phải ngồi trên nghế lăn để di chuyển.Cụ già này vẫn giữ một niềm tin sắc đá,chăm chỉ cầu nguyện và luôn vui sống chiếu tỏa tinh thần lạc quan cho người chung quanh.Vị thừa sai hỏi cụ già bệnh phong: “Mai mốt khi cụ được gặp Chúa,liệu cụ có hỏi tại sao Ngài lại để cho ông bị phong cùi như thế này không ? “.Cụ già đáp: “Tôi sẽ không hỏi Chúa như vậy, tôi chỉ nói với Ngài, con luôn luôn tín thác nơi Chúa”
Lạy Chúa Giêsu Phục sinh,xin cho chúng con cảm nghiệm lòng thương xót, để chúng con vững tin trước những sóng gió của cuộc đời,chúng con đến với Chúa không phải tìm kiếm những phép lạ,nhưng chúng con được thúc đẩy bởi lòng mến Chúa,biết hết lòng ăn ăn với những tội lỗi của mình trước Lòng Thương Xót vô bờ của Chúa.
Giuse Nguyễn Bình An
Để lại một phản hồi