Để tham gia công tác truyền giáo chung của Giáo hội, các tu sĩ Maryknoll đầu tiên cần phải kiên nhẫn, tự tin và kiên cường
Cha Thomas F. Price, ngồi bên trái, và cha James A. Walsh, ngồi ở giữa, đồng sáng lập dòng Maryknoll
Fathers & Brothers, chụp hình chung với các cha bạn cùng dòng Maryknoll là cha James E. Walsh, ngồi bên
phải, cha Francis X. Ford, đứng bên trái, và cha Bernard Meyer, tại dòng Maryknoll, New York, năm 1918.
Ảnh: Wikimedia/Maryknoll Missionaries Archives
100 năm sau khi được Tòa Thánh cho phép bắt đầu công tác truyền giáo tại Trung Quốc, dòng Maryknoll Fathers & Brothers tưởng nhớ “nguồn linh hứng ban đầu và tính kiên cường” của các vị sáng lập hội dòng trong Thánh lễ kỷ niệm 100 năm bắt đầu công tác truyền giáo.
Cha Raymond J. Finch, bề trên tổng quyền dòng Maryknoll, chủ tế Thánh lễ hôm 2-4 tại nhà nguyện Nữ Vương Các Tông Đồ ở Trung tâm Dòng Maryknoll.
Cờ của nhiều nước trong số 47 nước do các thừa sai dòng Maryknoll phục vụ, được treo ở các cột trong nhà nguyện nhằm nhắc nhớ những nỗ lực của nhà dòng trong công tác truyền giáo và thúc đẩy Giáo hội địa phương ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.
Maryknoll, dòng truyền giáo nước ngoài của Mỹ, do các giám mục của Mỹ thành lập năm 1911 nhằm tuyển chọn, đào tạo, và sai đi hỗ trợ các thừa sai Mỹ ở nước ngoài.
Cha Finch kể lại “cuộc hành trình dài đầy gian khổ đến châu Á” của Đức cha (lúc đó là linh mục) James A. Walsh. Lúc đó, các khu vực truyền giáo do Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin phân chia. Đức cha Walsh phải thương lượng với các nhóm truyền giáo khác nhượng lại trách nhiệm cho dòng Maryknoll trước khi xin phép Tòa Thánh. Quá trình này mất 7 năm và kết thúc vào tháng 4-1918.
Cha Finch nói “khó mà hiểu hết được tính kiên nhẫn, tự tin và kiên cường của các tu sĩ Maryknoll đầu tiên. Sự cám dỗ đó là phải vượt qua những trở ngại và thách thức, thậm chí xem nhẹ những khó khăn kinh khủng mà các ngài gặp phải”.
Các ngài mơ ước giúp Giáo hội Mỹ tham gia sứ mạng chung của Giáo hội Công giáo là “đem tin mừng đến những nơi xa xôi nhất trên thế giới của chúng ta”. Các ngài theo đuổi ước mơ đó cho dù đứng trước nhiều thách thức và khó khăn bao gồm những bất đồng nội bộ và các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội và Giáo hội, ngài kể.
Dòng Maryknoll được thành lập khi Giáo hội ở Mỹ đang mở rộng phục vụ dòng người nhập cư Công giáo nghèo, theo cha Finch.
Các tu sĩ dòng Maryknoll đầu tiên tin, như Đức cha Walsh thường nhắc nhớ các vị giám chức bạn, rằng cách duy nhất Giáo hội Công giáo ở quê nhà có thể đáp ứng nhu cầu linh mục là sẵn sàng phái họ đến những nơi cần họ nhiều hơn.
Thế giới, Giáo hội và công tác truyền giáo đã thay đổi trong 100 năm qua, cha Finch nói.
“Truyền giáo không chỉ từ thế giới ‘Công giáo’ đến thế giới ‘ngoại đạo’, từ Tây phương đến Đông phương, từ Bắc đến Nam, ngài giải thích.
“Ngày nay truyền giáo từ mọi nơi đến mọi nơi”, và Thánh Bộ Truyền Giáo không còn phân chia khu vực truyền giáo nữa. Truyền giáo là ơn gọi cơ bản của mọi Kitô hữu, “tuy nhiên cho dù công tác truyền giáo thay đổi đến đâu đi nữa thì các điều cốt lõi vẫn không thay đổi”.
Vẫn còn đúng khi nói truyền giáo là nói về chia sẻ đức tin và tin mừng và về nhìn xa hơn bản thân và những nhu cầu thực sự của chúng ta để đáp ứng nhu cầu của tha nhân từ người bên cạnh chúng ta đến người ở phía bên kia thế giới, theo cha Finch.
Các thừa sai dòng Maryknoll hiện nay đang làm việc tại 20 quốc gia. Các tín hữu tham dự Thánh lễ kỷ niệm 100 năm đợt “sai đi” đầu tiên dâng lời cầu nguyện bằng tiếng Trung Quốc, Swahili, Tagalog, Tây Ban Nha, Hàn Quốc và tiếng Anh, phản ánh tính đa dạng của “cánh đồng xa xôi”.
Lễ vật được chọn từ văn khố dòng Maryknoll bao gồm tràng hạt Mân Côi, sách lễ và Kinh Thánh thuộc về các thừa sai phục vụ tại châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh và Hoa Kỳ.
Ca đoàn dòng Maryknoll hát các bài trong tác phẩm “Missa ad Gentes” (“Thánh lễ đến với muôn dân”) do cha Jan Michael Joncas biên soạn kỷ niệm 100 năm thành lập dòng Maryknoll năm 2011.
(UCAN 06.04.2018)
Để lại một phản hồi