Đức Hồng Y Ernest Simoni quả quyết trừ quỷ từ xa bằng mobile phone cũng có hiệu quả như thường

Khóa học và hội nghị về trừ tà tại Vatican diễn ra từ 16 đến 21 tháng Tư đang thu hút sự chú ý của các phương tiện truyền thông Công Giáo.

Kết quả hình ảnh cho Ernest SimoniBuổi chiều ngày thứ Hai 16 tháng Tư, cử toạ đã nghe một bài thuyết trình rất sôi nổi của Đức Hồng Y Ernest Simoni, là Tổng Giám Mục Shkoder-Pult, Albania.

Từ năm 1946 cho đến cuộc cách mạng lật đổ cộng sản tại Đông Âu, Albania bị cai trị bởi một chế độ hà khắc và thù nghịch với tôn giáo quyết liệt nhất trong khối cộng sản. Hậu quả là Giáo Hội tại quốc gia này vẫn còn đang trong tiến trình phục hồi; và hiện nay, Giáo Hội vẫn còn thiếu linh mục một cách trầm trọng.

Chính Đức Hồng Y Ernest Simoni là một thí dụ điển hình cho thấy sự tàn bạo của cộng sản Albania. Ngày 24 tháng 12 năm 1963, Đức Hồng Y Ernest Simoni, lúc đó còn là một linh mục, đã bị bắt vì dám cử hành lễ cầu hồn cho tổng thống Mỹ Kenedy. Ngài bị kết án tử hình nhưng sau đó được giảm án còn chung thân khổ sai và phải lao động cải tạo trong tù suốt 28 năm. Khi quốc gia này thoát khỏi họa cộng sản, ngài mới được trả tự do.

Đức Hồng Y Ernest Simoni cho biết trong bối cảnh Giáo Hội Albania thiếu linh mục trầm trọng như vậy, các linh mục trong tổng giáo phận của ngài phải trừ quỷ qua điện thoại cầm tay trước các nhu cầu ngày càng gia tăng.

“Có những linh mục trong tổng giáo phận của tôi đang thực hiện phép trừ quỷ qua điện thoại di động của họ. Tạ ơn Chúa, dù làm từ xa như thế, vẫn có hiệu quả như thường.”

Đức Hồng Y Ernest Simoni cho biết thêm trong các trường hợp không thể đến tận nơi, các linh mục đọc các lời nguyện giải phóng (prayers of liberation), là một phần của nghi lễ trừ tà, qua điện thoại di động.

Giáo sư Giuseppe Ferrari cũng xác nhận tính hiệu quả cuả các lời cầu nguyện trừ tà qua điện thoại di động. Ông nói:

“Các linh mục cầu nguyện với mọi người qua điện thoại để trấn tĩnh họ. Một số nhà trừ quỷ nói rằng điều này vẫn có hiệu quả. Làm như thế có chính thống không, có đúng hay không thì tôi không biết”.

Tuy nhiên, giáo sư Giuseppe Ferrari khích lệ các linh mục nếu có thể được nên đến tận nơi, và chỉ trừ tà qua điện thoại di động trong trường hợp bất khả kháng.

Ông giải thích như sau:

“Những người bị quỷ ám thường có những hành vi bạo lực đối với những người xung quanh và những hành vi này phải được ngăn chặn trong quá trình trừ quỷ. Nếu bạn không có ở đó, bạn khó có thể khống chế các khiá cạnh thể lý”.

Khoảng 250 linh mục đến từ 50 quốc gia đang tham dự hội nghị năm nay tại trường đại học Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ ở Rôma khi các Giám Mục từ khắp nơi trên thế giới báo cáo sự gia tăng nhu cầu trừ quỷ.

Khóa học về trừ quỷ bắt đầu vào năm 2004, và kể từ đó số linh mục tham dự mỗi năm đã tăng hơn gấp đôi.

Đầu năm nay, một linh mục người Ái Nhĩ Lan, là cha Pat Collins, cho biết các yêu cầu về trừ quỹ đã tăng lên một cách lũy tiến và cho biết các nhà lãnh đạo Giáo hội tỏ ra lúng túng trước tình trạng này.

Cha Pat Collins nói: “Có nhiều người tin rằng họ đang bị khống chế bởi một thế lực tà ác. Tôi nghĩ trong nhiều trường hợp, họ lo sợ vớ vẩn thôi. Nhưng khi họ hướng đến Hội Thánh và kêu cứu, Giáo Hội lại không biết phải làm gì với họ và cuối cùng là giới thiệu họ với một nhà tâm lý học hay một ai đó, và cuối cùng trong tiến trình lòng vòng đó, nạn nhân bị bỏ rơi không được ai giúp đỡ.”

Trong chương cuối cùng của tông huấn mới, Gaudete et Exsultate (Mừng rỡ Hân hoan), Đức Giáo Hoàng nhắc đến ma quỷ nhiều lần, và khẳng định rằng đó không phải là “chuyện thần thoại” và các Kitô hữu cần phải có tinh thần chiến đấu liên tục chống lại ma quỷ.

Ngài nói: “Chúng ta không nên nghĩ về ma quỷ như một huyền thoại, một biểu trưng, một biểu tượng, một hình dung từ hoặc một ý tưởng”.

“Sai lầm này sẽ dẫn chúng ta đến sự mất cảnh giác, gây ra những bất cẩn và cuối cùng dễ bị tổn thương hơn.”

Đặng Tự Do

(vietcatholic 17.04.2018/ Catholic Herald)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*