Kitô hữu và người Hồi giáo: Cùng nhau đến với Đức Maria

WHĐ – Một buổi gặp gỡ có tên gọi “Cùng nhau đến với Đức Maria” đã được các tu sĩ dòng Đa Minh tổ chức tại thủ đô Paris của Pháp, vào sáng thứ Bảy, 14-04-2018 vừa qua.
Kết quả hình ảnh cho Kitô giáo

Đây là nét độc đáo trong một bối cảnh có rất đông người Hồi giáo Sunni, đặc biệt là người Hồi giáo Shia và Sufi: họ vào trong nhà nguyện tu viện Truyền Tin của Dòng Đa Minh (Quận 8, Paris) để nghe các bài hát và bài đọc.Các bài đọc – bằng tiếng Ả Rập và tiếng Pháp, từ Kinh Koran, từ Phúc âm, và cả thư của Imam Ali gửi cho một người bạn của ông là Thống đốc Ai Cập – xen kẽ với các bài hát, trong đó có kinh Ave tuyệt hay do ca đoàn nhà thờ Saint-Ephrem-le-Syriaque ở Paris trình bày; kết thúc là một “lời cầu khẩn chung”.

“Nếu chúng ta có mặt ở đây, đó là vì tất cả chúng ta đều yêu mến Đức Maria”, đó là khẳng định của Đức cha Michel Dubost, nguyên giám mục Evry và cựu Chủ tịch Hội đồng Quan hệ liên tôn của Hội đồng Giám mục Pháp; đồng thời cũng là điều mà Sheikh Ismael Al-Khaliq, Imam của Hiệp hội Imam Shia Al-Khoei, có trụ sở tại Lilas thuộc ngoại ô Paris, nhấn mạnh.

Nói với cả “trái tim” và “khối óc”
Trong khi hầu hết các cuộc gặp gỡ loại này, tại Pháp, nối kết người Kitô hữu và người Hồi giáo Sunni, nét đặc biệt của cuộc gặp gỡ nói trên là cho thấy “Hồi giáo ở Pháp” trong sự đa dạng của nó: người Shia – với sự tham dự của một phái đoàn gồm nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo từ Najaf ở Iraq; người Sufi, với đại diện là Abdelhafid Benchouk, giám đốc Nhà Sufi, có trụ sở tại Saint-Ouen ở ngoại ô Paris, và cộng đoàn Dervish Spirit; và cả người Sunni. Gérard Testard, Chủ tịch Efesia, người đưa ra sáng kiến tổ chức các cuộc gặp gỡ “Cùng nhau đến với Đức Maria” ở Pháp, đã rất vui mừng với “bước mới này trong cuộc gặp gỡ, nhờ sự giúp đỡ của Amir Jaje, một tu sĩ Đa Minh người Iraq và là chuyên gia về Hồi giáo Shia, mới đến Pháp từ vài tháng nay.

Theo những mong muốn của những người tổ chức, chương trình nhắm đến cả “con tim” và “khối óc” của những người tham dự:các Kitô hữu của cộng đoàn dòng Đa Minh hay ở ngoài, và nhiều người Hồi giáo đi với gia đình hoặc bạn bè. “Những gì các Kitô hữu và người Hồi giáo nói về Đức Maria không phải là như nhau. Nhưng cũng chính là người nữ ấy, và chúng tôi tin chắc rằng bà yêu mỗi người chúng tôi, theo như chúng tôi là ai”, Đức cha Dubost khẳng định. “Với người Hồi giáo, chúng ta biết Mẹ là Nữ vương Hòa bình, và được tôn kính ở Trung Đông, nơi có rất nhiều người đau khổ vì bị thù ghét, chúng ta có thể xin Mẹ giúp chúng ta xây dựng bình an, hết lòng vâng nghe lời Thiên Chúa, là lời ban bình an”.

Khám phá lại bản sắc của chính mình
Dựa trên kinh nghiệm 25 năm của mình tại Cameroon, vị giám tỉnh dòng Đa Minh Pháp, Michel Lachenaud, cho thấy rằng có thể “chia sẻ tình bằng hữu trong buổi gặp gỡ”. Hơn cả việc “đối thoại về học thuật” vốn bị khựng lại vì “nhiều trở ngại”, cuộc gặp gỡ gần gũi này có thể và phải “giúp chúng ta tái khám phá bản sắc riêng của chúng ta”, để “sửa đổi những định kiến” và cuối cùng là để “thấy rằng quan điểm riêng của chúng ta về Phúc Âm bị hạn chế”.

“Thiên Kinh Koran mời gọi chúng ta đoàn kết với nhau quanh những điểm chung. Ở đây, tất cả chúng ta đều thờ phượng Thiên Chúa. Hãy trân trọng những điểm chung của chúng ta và tôn trọng những điều khác biệt”, đó là phát biểu của vị Sheikh trẻ Seyyed Jawad al-Khoei, một thành viên của Hội đồng Liên tôn Baghdad. Ông cho rằng một diễn từ nhà đạo phải “tôn trọng quyền con người, chứ không phụ thuộc vào điều kiện sắc tộc hay tôn giáo”.

Một buổi gặp gỡ “Cùng nhau đến với Đức Maria” cấp quốc gia (nước Pháp) sẽ được tổ chức tại Vương cung thánh đường Thánh Tâm ở Montmartre vào thứ Bảy 7 tháng Năm sắp tới, đặc biệt sẽ có bài phát biểu của Đức cha Jean-Marc Aveline và của Mohamed Bajrafil, lãnh tụ Hồi giáo tại Ivry-sur-Seine, là diễn giả và thần học gia Hồi giáo.
(La Croix)
 

Minh Đức

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*