Lật lại lịch sử hình thành và phát triển Công giáo ở đồng bằng Nam bộ, có lẽ hiếm xứ đạo nào hội tụ nhiều nét đặc biệt như Cù Lao Giêng. Nơi đây, từ thế hệ này nối qua thế hệ khác, con người như những chứng nhân rạng ngời của đức tin và yêu thương…
Nói đến Cù Lao Giêng (GP Long Xuyên), cư dân sông nước nghĩ ngay đến cụm từ “cổ xưa”. Họ đạo ra đời từ cuối thế kỷ XVIII, là một trong những vùng đầu tiên của địa phận Nam Vang nảy nở hạt giống Tin Mừng. Quần thể kiến trúc nhà đạo cổ xưa ở đây mãi cho đến bây giờ vẫn tồn tại uy nghi, trở thành điểm tham quan hấp dẫn.
Tu viện Chúa Quan Phòng trầm mặc thu hút nhiều khách tham quan – ảnh: Hùng Luân
CHÁY MÃI NGỌN LỬA ÐỨC TIN
Giáo hữu Cù Lao Giêng luôn tự hào về lòng mộ đạo. Một quá khứ vàng son đã được viết lên bởi những con người vùng đất này. Chính cha ông họ đã đổ giọt máu đào để hạt giống Tin Mừng bén rễ và lan truyền. Dẫn chúng tôi thăm một vòng nhà thờ, ông Nguyễn Hồng Nhân, Phó Chủ tịch Nội vụ HĐMVGX Cù Lao Giêng nói về nếp sinh hoạt quê mình: “Có lẽ bài học đức tin được xem là khởi đầu và quan trọng nhất của bổn đạo. Con cái lớn lên có học hành thế nào thì giáo lý, kinh kệ, việc đạo luôn phải chu toàn… Dù ai bận làm gì, hễ mà nói việc nhà thờ là đều sắp xếp để hợp sức. Sống trong xứ truyền thống lâu đời nên chuyện chung cũng là chuyện không của riêng ai”. Một thoáng xứ cổ, khuôn viên thánh đường rộng rãi và xanh mát. Phía sau là dãy Đất Thánh đông đảo phần mộ, chôn cất các tín hữu nhiều thế hệ, được cộng đoàn dâng lễ tưởng nhớ đều đặn vào Chúa nhật đầu tháng. Tháng Các Đẳng, chiều mỗi Chúa nhật còn có thánh lễ riêng để con cháu có thêm dịp tỏ bày tấm lòng với ông bà đã khuất, một nếp truyền thống được lưu giữ từ nhiều năm.
Thánh đường Cù Lao Giêng – ảnh: Hùng Luân
Họ đạo có khoảng 4.300 tín hữu, với 7 giáo khu, mỗi khu có một tên thánh. Cách nhà thờ vài chục bước chân là đền tưởng niệm thánh Emmanuel Lê Văn Phụng và cha thánh Phêrô Đoàn Công Quí. Hai vị là gương chứng nhân nổi bật nhất của xứ đạo, đã hy sinh khi làm chứng cho đức tin. Lễ giỗ các ngài được kính trọng thể vào cuối tháng 7 và được xem là lễ trọng đối với toàn thể con dân xứ Cù Lao Giêng. Dòng chảy sinh hoạt với các tập tục truyền thống của giáo xứ tiếp tục được gìn giữ và phát huy. Vào tháng 5, bà con trong họ đạo chộn rộn chuẩn bị các tiết mục dâng hoa, kính Đức Mẹ. Ông Trương Văn Ên, Phó Chủ tịch ngoại vụ HĐMVGX cho biết: “Ngày 1.5, các khu mang theo các kiệu Đức Mẹ tập trung về nhà thờ khai mạc Tháng Hoa. Lễ xong thì mỗi khu có chương trình kiệu riêng. Cứ chiều chiều là dân tập trung theo khu để đọc kinh, lần hạt, qua từng nhà. Rồi tới cuối tháng họ đạo làm lễ bế mạc chung. Ngày 13 hằng tháng từ tháng 5 đến tháng 10, kỷ niệm các lần Mẹ hiện ra tại Fatima, cha xứ cũng dâng lễ và kiệu Đức Mẹ quanh nhà thờ”. Họ đạo hiện có 2 chủng sinh tu học tại ĐCV Thánh Quí (Cần Thơ), 1 chủng sinh học tại ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn. Trong lịch sử, đã có nhiều linh mục, tu sĩ xuất thân từ đây. Để duy trì ngọn lửa thánh hiến qua các thế hệ, ông Ên kể với chúng tôi giáo xứ có nhiều hoạt động cổ võ ơn gọi : “Cha chánh xứ quan tâm đến lực lượng kế thừa lắm. Ngài luôn khuyến khích con em trong họ nếu được, chọn sống đời dâng hiến để phục vụ chung cho Giáo hội, tiếp nối tinh thần của thế hệ đi trước…”.
VƯƠN MÌNH PHÁT TRIỂN
Ngôi nhà thờ với tháp chuông trầm mặc như dấu hiệu nhận biết giữa vùng đa tôn giáo này, Công giáo đã có chỗ đứng từ lâu. Nét cổ kính của Cù Lao Giêng không pha lẫn vào đâu được. Những dòng chữ được chạm khắc trên tường vách trải theo thời gian mòn dần. Theo sách Kỷ lục An Giang 2009, đây là ngôi nhà thờ xưa nhất của tỉnh. Theo một số tài liệu còn lưu lại, năm 1879, linh mục Gazignol khởi công xây dựng nhà thờ Cù Lao Giêng, 10 năm sau công trình mới hoàn thành. Năm 2003, thời linh mục Louis Mai Hùng Dũng làm chánh xứ, nhà thờ được trùng tu nhưng vẫn giữ nguyên lối kiến trúc Roman. Cả nhà mấy dì phước ở kế bên cũng rêu phong. Cách đó vài trăm mét, nhà thờ cổ của dòng Phanxicô và tu viện Chúa Quan Phòng cũng tồn tại hơn trăm năm, làm thành một quần thể kiến trúc độc đáo. Với những nét đặc biệt về cơ sở vật chất và thời gian, Cù Lao Giêng càng mê hoặc khách thập phương. “Khoảng chục năm trở lại đây, khách du lịch bắt đầu để ý nhiều hơn tới nhà thờ Cù Lao Giêng, nhất là vào tháng sáu, tháng bảy trong dịp hè, nhiều đoàn hay đến. Họ đạo không có chủ trương biến nhà thờ thành nơi du lịch nhưng nếu ai có cần hướng dẫn thì xứ cử người ra chỉ dẫn và giới thiệu để nhiều người biết về lịch sử, văn hóa, sinh hoạt tôn giáo… nhất là với khách nước ngoài”, ông Nguyễn Hồng Nhân tiết lộ.
Lễ giỗ thánh Phêrô Quí và Emmanuel Phụng luôn quy tụ đông đảo giáo hữu – ảnh: Tư liệu giáo xứ
Giáo dân phát triển kinh tế đa ngành nghề, bên cạnh nghề nông truyền thống, các hộ còn phát triển chăn nuôi, buôn bán, thủ công. Nổi bật lên là nghề đan giỏ nilông. Hiện nay, hơn 90% hộ gia đình tại họ đạo và nhiều gia đình thuộc các xã lân cận theo nghề này kiếm thêm thu nhập. Dân trong xứ ngày đi làm vườn, trồng trọt, chiều về đan giỏ. Mỗi chiếc được 10.000-12.000 đồng. Tùy vào số lượng sản phẩm làm ra mà thù lao theo đó nhân lên. Làng nghề đã được UBND tỉnh An Giang công nhận vào năm 2014 là làng nghề tiểu thủ công nghiệp.
Cuộc sống giáo hữu đang khởi sắc. Những lần thăm hỏi của cha sở với giáo dân, những cuộc gặp gỡ giữa giáo dân với nhau trong giờ đọc kinh liên gia, kiệu Đức Mẹ càng làm cho tình liên đới trong xóm đạo được thắt chặt. Người làng quê, cốt cách giản dị, thế nên nhà nào có thiếu hụt cũng được dễ bề cảm thông, giúp đỡ. Trải qua trăm năm, ngọn lửa đức tin và lòng đạo đức như chất keo kết nối những con người mộc mạc, chân chất thêm yêu thương, làm sáng danh Chúa.
Thánh Phêrô Ðoàn Công Quí sinh năm 1826 tại thôn Hưng Ðịnh, tổng Bình Chánh Thượng, huyện Bình An, phủ Phước Long, trấn Biên Hòa (nay là phường Hưng Ðịnh, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương). Năm 1847, ngài nhập Ðại Chủng viện Thánh Giuse (Thị Nghè), tháng 9.1858, chịu chức linh mục cách âm thầm tại Thủ Dầu Một, sau đó được cử đi phục vụ tại các giáo xứ Lái Thiêu, Gia Ðịnh, Kiến Hòa, làm cha phó họ đạo Cái Mơn (Vĩnh Long), rồi cha sở họ đạo Ðầu Nước (Cù Lao Giêng, An Giang) từ ngày 27.12.1858. Về nhiệm sở mới được 10 ngày, cha bị bắt cùng với ông câu Emmanuel Lê Văn Phụng và 32 giáo dân khác. Trong thời gian giam cầm, quan thẩm vấn hứa sẽ tha, đồng thời dùng nhiều phương kế dụ dỗ lẫn đe dọa, tra tấn nhưng thánh nhân kiên quyết không chối đạo. Ngày 30.7.1859, linh mục Phêrô Ðoàn Công Quí và ông câu Emmanuel Lê Văn Phụng nhận án tử, ra pháp trường xử trảm vào ngày hôm sau tại Châu Ðốc. Ðức Giáo Hoàng Piô X suy tôn hai vị tử đạo lên bậc chân phước vào ngày 2.5.1909. Ngày 19.6.1988, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong các ngài lên bậc hiển thánh. |
Hùng Luân (cg&dt.vn)
Để lại một phản hồi