Tập trung các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trong tay, giáo hoàng là một trong các “quốc vương” cuối cùng của thế giới. Qua việc bầu chọn ngài và qua sự trải rộng các đặc quyền của ngài, ngài không giống như một nhà lãnh đạo cổ điển Quốc gia nào hết.
Đứng đầu Quốc gia nhỏ nhất thế giới và Tòa Thánh, đại diện pháp lý cho Giáo hội công giáo trên chính trường quốc tế, hiện nay Đức Giáo hoàng cai trị mà trên thực tế không đương đầu với một quyền uy đã được thiết lập. Nhưng vương quyền giáo hoàng cũng đã được tái thiết lập trong mấy chục năm qua, Đức Phaolô-VI (1963-1978) với tự sắc “Pontificalis Domus” (tháng 3 năm 1969) đã tái tổ chức lại Phủ giáo hoàng.
Nghi thức, một phần quan trọng trong lãnh vực ngoại giao
Bỏ một số chức vị xưa cũ như tước vị hồng y cung đình, một hình thức quan đại thần hay thần học gia của giáo hoàng, ngài cũng thay đổi các quan hầu với “áo choàng và gươm” thành những người quý phái của Tòa Thánh, những người này có tính cách biểu tượng trong các buổi tiếp kiến với các nguyên thủ Quốc gia ngoại quốc. Tuy nhiên từ tháng 5 năm 2013, Tòa Thánh không tuyển thêm nữa. Tất cả xuất thân từ giới quý tộc Rôma hay giới trưởng giả.
Về phần mình Đức Giám mục Georg Gänswein, chủ tịch Phủ Giáo hoàng từ năm 2012 quản trị các công việc của quan nội thần. ngài lo các việc khác nhau như chuẩn bị cho các buổi tiếp kiến chung và riêng, tổ chức các buổi lễ không có tính cách phụng vụ của giáo hoàng và các việc thực tế trong các chuyến tông du. Dấu hiệu của tầm quan trọng trong chức vụ này là Đức Giám mục Gänswein luôn ngồi bên mặt Đức Giáo hoàng trong các buổi tiếp kiến chung, còn thư ký đặc biệt thì ở bên trái.
Chủ tịch Phủ Giáo hoàng, người giữ các nghi thức
Chủ tịch Phủ Giáo hoàng cũng là người giữ các nghi thức. Tại Vatican, nghi thức giữ một phần quan trọng trong thủ tục ngoại giao. Khi một lãnh tụ Quốc gia nước ngoài đến Vatican, Đức Giám mục Gänswein – hay một nhân vật nói tiếng nước đó đến đón họ ở Sân Thánh Damase. Đội cận vệ Thụy Sĩ đón họ theo cung cách quân đội, các hiệp sĩ của Tòa Thánh làm hàng rào danh dự. Dĩ nhiên trong nghi thức đón tiếp long trọng này, Tòa Thánh không để một cái gì sơ xuất xảy ra, không có gì là tình cờ. Cả thứ tự các bài quớc ca. Là chủ nhà, quốc ca Tòa Thánh – Inno e marcia pontificale –, quốc ca duy nhất bằng tiếng la-tinh trên thế giới được cất lên cuối cùng.
Ngay cả ở nước ngoài, Đức Giáo hoàng cũng giữ chức vụ lãnh đạo Quốc gia khá đặc biệt của mình. Khi vừa đến phi trường, một phái đoàn chính thức luôn chờ ngài để vinh danh ngài. Đôi khi các máy bay chiến đấu hộ tống máy bay của ngài, như ngày 15 tháng 1 – 2018 ở Pêru đã làm cho các ký giả đi theo ngài tròn xoe mắt!
Các thuộc tính đã bị bỏ
Tuy nhiên với thời gian, một vài thuộc tính quốc vương đã dần dần bị bỏ. Vào thế kỷ thứ 18, một đại sứ nước ngoài phải vào Cửa Đồng, rồi leo lên bậc thang hoàng triều để đến phòng Đức Giáo hoàng tiếp kiến.
Cho đến thời Đức Gioan-Phaolô I năm 1978, tân giáo hoàng được bầu chọn cử hành lễ đăng quang ở Đền thờ Thánh Phêrô. Trong buổi lễ này, tân giáo hoàng sẽ nhận vương miện giáo hoàng, gọi là vương miện ba triều. Vương miện này có ba tầng kế nhau, đại diện cho quyền lực thiêng liêng của người đại diện Chúa Kitô, quyền lực thế gian với quyền xét xử các Quốc gia thuộc Tòa Thánh trong cương vị thừa kế Thánh Phêrô và cuối cùng là quyền lực trên các vua mà trên lý thuyết, vị lãnh đạo Giáo hội có thể tôn lên làm vua hay truất phế.
Quyền tôn lên làm vua hay truất phế các vua
Quyền này đã bị bỏ từ thời Đức Phaolô-VI, vương miện luôn đại diện cho huy hiệu của giáo hoàng và của Vatican. Từ thời Đức Bênêđictô XVI (2005-2013), mũ giám mục thay thế cho vương miện giáo hoàng. Tuy nhiên ba vạch hàng ngang trên vương miện vẫn lưu giữ để nhắc lại các biểu tượng ngày xưa. Từ ngày 27 tháng 9 năm 1978, ngày hôm trước ngày Đức Gioan-Phaolô I qua đời, một thuộc tính quốc vương khác cũng đã bị bỏ: ngôi di động – la sede gestatoria. Để giải thích cho việc bỏ nghi thức này, Đức Bênêđictô XVI (2005-2013) đã tuyên bố ngày 7 tháng 5 – 2005 trong ngày ngài giữ ghế giám mục Rôma ở Đền thờ Thánh Phêrô Thánh Gioan-Latran: “Giáo hoàng không phải là quốc vương. Sứ vụ của giáo hoàng là bảo đảm để vâng lời Chúa Kitô và Lời của Chúa Kitô”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Để lại một phản hồi