Sa mạc trong đời thường
Mt 14:22-36
22 Đức Giê-su liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng.23 Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình.24 Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió.25 Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ.26 Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy! “, và sợ hãi la lên.27 Đức Giê-su liền bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ! “28 Ông Phê-rô liền thưa với Người: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.”
29 Đức Giê-su bảo ông: “Cứ đến! ” Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giê-su.30 Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với! “31 Đức Giê-su liền đưa tay nắm lấy ông và nói: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi? “32 Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay.33 Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!”
34 Khi qua biển rồi, thầy trò lên đất liền, vào Ghen-nê-xa-rét.35 Dân địa phương nhận ra Đức Giê-su, liền tung tin ra khắp vùng, và người ta đem tất cả những kẻ đau ốm đến với Người.36 Họ nài xin Người cho họ chỉ sờ vào tua áo của Người thôi, và ai đã sờ vào thì đều được khỏi.
Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. (Mt 14,23)
Phân tích
Chuyện xảy ra sau phép lạ hóa bánh ra nhiều:
1. Chúa Giêsu “bắt buộc” các môn đệ phải xuống thuyền ngay, để sang bờ bên kia trước, còn Ngài thì ở lại cho dân chúng ra về. Một sự khẩn trương, vội vã, có vẻ như đang đứng trước một nguy hiểm. Tại sao? vì sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng đã quá hăng hái, một sự hăng hái trần tục vì thấy mình được hưởng thụ vật chất. Sự hăng hái này không hợp với sứ mạng Messia của Chúa Giêsu. Ngài không muốn cho sự hăng hái lệch lạc này tác động lên các môn đệ, và vội vã bảo các ông sang ngay nơi khác.
2. Chúa Giêsu đi trên mặt nước: Cựu ước nhiều lần nói về việc đi trên mặt nước ( G 9,8- 38,16; Tv 77,20; Kb 3,15; Si 24,5) nhưng đều gán vào cho Thiên Chúa. Vậy với chi tiết Chúa Giêsu đi trên mặt nước, Mátthêu ngụ ý so sánh Chúa Giêsu với Thiên Chúa.
3. Phêrô đi trên mặt nước: So sánh với 2V 2,1-55: Ngôn sứ Êlia dùng áo choàng đập xuống nước, nước rã làm hai cho ông đi qua. Về sau Êlisê dùng tấm áo choàng của Thầy Êlia của mình mà đập xuống nước, nước cũng rẽ làm hai cho Êlisê đi qua. Nghĩa là Êlisê đã nhận được thần lực của Thầy mình, nhưng có điểm khác biệt là: Êlisê nhận thần lực qua một vật dụng là tấm áo, còn Phêrô nhận thần lực của Thầy chỉ nhờ đức tin. Một trong những tư tưởng thần học của Mátthêu là người môn đệ được Thầy ban cho cùng quyền lực như Thầy. Hãy xem 9,6 – 9,8 – 10,1 – 16,19 – 18,18. Nhưng điều đáng lưu ý là các môn đệ nhận được quyền lực của Thầy nhờ đức tin.
4. Phêrô sợ, nên bị chìm. Ông xin Chúa Giêsu cứu thì được Ngài cần tay nâng lên. Qua việc này Chúa Giêsu muốn huấn luyện cho các môn đệ (mà Phêrô là đại diện) để giúp họ tiến bước dần trên cuộc hành trình đến đức tin.
Suy gẫm
1. Tin Mừng Gioan cho biết thêm là sau khi hóa bánh ra nhiều, dân chúng muốn tôn Chúa Giêsu lên làm vua. Chúa Giêsu không muốn các môn đệ mình lây nhiễm các quan niệm về Đấng Messia lệch lạc ấy nên buộc họ vội vàng rời khỏi nơi đó. Chúa Kitô không muốn người ta coi Chúa như một Đấng chỉ ban cơm bánh. Chúa không muốn người ta đến với Ngài chỉ để xin những ơn vật chất.
2. Chúng ta hãy coi cách Chúa Giêsu giáo dục đức tin cho Thánh Phệrô và các tông đồ: Ban đầu Ngài để cho các tông đồ bị bão biển đe dọa (cũng như Phêrô bị chìm xuống). Khi các ông sơ, các ông nghĩ tới Chúa. Cuối cùng Ngài ra tay cứu giúp, kết quả là các ông tin vào Ngài “Thật, Thầy là con Thiên Chúa”.
Nhiều khi xem ra Chúa bỏ mặc chúng ta trong những hoàn cảng khó khăn. Nhưng đó chính là cách Chúa giáo dục đức tin cho chúng ta. Do đó đừng hoảng sợ, cũng đừng nản lòng. Hãy kêu lên Chúa như Phêrô xưa: “Lạy Thầy, xin cứu con”.
3. Có một bà nổi tiếng là đạo đức, nhân hậu và luôn bình tâm trước mọi thử thách. Một bà khác ở cách xa ít dặm, nghe nói thì tìm đến, hy vọng học được bí quyết để sống bình tâm và hạnh phúc. Bà hỏi: “Thưa bà, có phải bà có một đức tin lớn lao?” “Ồ không, tôi không phải là người có một đức tin lớn lao, mà chỉ là người có một đức tin nhỏ bé đặt vào một Thiên Chúa lớn lao.”
4. “Sau khi giải tán đám đông, Người lên núi và cầu nguyện chiều đến Ngài vẫn ở đó một mình”. (Mt14,23).
Con thường thấy mình không có giờ cầu nguyện, không có giờ đi vào sa mạc để ở bên Chúa và trò chuyện với Chúa. Nhưng thật ra sa mạc ở sát bên con, chỉ cần một chút cố gắng của Tình yêu là con có thể tạo ra sa mạc. Mỗi ngày con có biết bao nhiêu giây phút có thể gặp Chúa mà con đã bỏ mất. Khi chờ một người bạn, chờ đèn xanh ở ngã tư, chờ điện thoại trả lời, chờ món hàng đang được gói. Khi lên cầu thang, khi đến nơi làm việc, khi bị kẹt xe, khi cúp điện bất ngờ, thay vì bực bội nóng ruột con lại cảm thấy mình sống an bình trong sự hiện diện của Chúa. Lạy Chúa, những sa mạc ngắn ngủi hằng ngày giúp con tỉnh thức để nhạy cảm với Chúa. Xin cho con yêu mến Chúa hơn, để tìm ra những sa mạc mới và vui vẻ bước vào.
5. Chúa liền đưa tay nắm lấy ông và nói: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi” (Mt14,31).
Trong cuộc sống Kitô hữu, Đức tin là điều quan trọng. Chúng ta vẫn tin có Chúa, vẫn đi lễ, vẫn rước lễ hằng ngày, làm việc thệc thiện, việc bác ái giúp đỡ người khác; nhưng đôi lúc, chúng ta đã làm những việc đó như một người máy hay theo một thói quen.
Do đó, thật là tồi tệ khi ta gặp phải rủi ro hay thất bại nào…Vì ta đã đối phó bằng cách để Chúa qua một bên, bỏ hết mọi việc từng làm. Dần đần ta không còn giữ được đức tin và lúc này tâm trạng của ta rất giống tâm trạng của Thánh Phêrô khi được Chúa cho đi trên mặt biển. Mỗi người chúng ta thử nhìn xem mình sống đạo ra sao, mình đã thực sự có đức tin chưa? Hay chúng ta tin vì thấy bạn bè mình tin, không tin không được. Hay ta chỉ tin vì được sinh ra trong một gia đình Công giáo.v.v..
Bài Ðọc I: (Năm II) Gr 30, 1-2. 12-15. 18-22
“Vì tội lỗi ngươi quá nặng, nên Ta đã làm cho ngươi những sự ấy. Nhưng Ta sẽ đem Giacóp về nhà xếp”.
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Có lời Chúa phán cùng Giêrêmia rằng: “Chúa là Thiên Chúa Israel phán thế này: Ngươi hãy chép vào sách mọi lời Ta đã phán với ngươi”.
Vì Thiên Chúa phán rằng: “Nơi giập gãy của ngươi đã bất trị, thương tích ngươi làm độc quá đỗi. Không ai đoái thương băng bó cho ngươi: không có thuốc hay chữa ngươi bình phục. Mọi kẻ yêu ngươi đã bỏ quên ngươi, không tìm kiếm ngươi nữa, vì Ta đã đánh ngươi bị thương như kẻ thù sửa phạt ngươi nặng nề, vì sự gian ác của ngươi quá nhiều, tội lỗi của ngươi quá nặng, nên Ta đã làm cho ngươi những sự ấy”.
Chúa phán thế này: “Ðây Ta đem những kẻ trong nhà xếp Giacóp bị bắt trở về gia cư họ, Ta sẽ xót thương. Thành sẽ được xây lại trên nơi cao của nó, đền thờ sẽ được trùng tu theo trật tự của nó. Thế là sẽ vang lên lời ca tụng và tiếng reo mừng. Ta sẽ làm cho nó thêm nhiều, và nó sẽ không bị hạ nhục. Con cái nó sẽ được như xưa; trước mặt Ta, cộng đồng nó sẽ đứng vững. Ta sẽ hỏi thăm mọi người áp bức nó. Thủ lãnh nó sẽ bởi nó mà ra; vua chúa nó sẽ từ trong nó mà lên. Ta sẽ cho nó triều yết và nó sẽ đến gần Ta, vì thật ra có ai dám liều mạng đến gần Ta? – Chúa phán như thế -. Bấy giờ các ngươi sẽ là dân Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi”.
Để lại một phản hồi