Sứ điệp Lộ Đức và Tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm

Biến cố Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức đã đạt tới cao điểm của nó vào ngày 25.3.1858, vào ngày Lễ Truyền Tin(1), ngày Đức Mẹ tự giới thiệu: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Thai!” Đó là lần thứ 16 trong 18 lần Đức Mẹ hiện ra cùng thiếu nữ Bernadette Soubirous ở hang núi Massabielle, miền Nam Pháp.
Sứ điệp Lộ Đức và Tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm
 
1. Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội
 
Biến cố Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức đã đạt tới cao điểm của nó vào ngày 25.3.1858, vào ngày Lễ Truyền Tin(1), ngày Đức Mẹ tự giới thiệu: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Thai!” Đó là lần thứ 16 trong 18 lần Đức Mẹ hiện ra cùng thiếu nữ Bernadette Soubirous ở hang núi Massabielle, miền Nam Pháp.
 
Thánh địa Lộ Đức, nơi Đức Mẹ đã hiện ra với thánh nữ Bernadette năm 1858
 
Quả vậy, trước câu hỏi của Bernadette: “Thưa Mademoiselle, xin cô vui lòng cho con biết cô là ai?”, Đức Maria đã mở rộng hai tay ra hướng về trái đất. Sau đó Đức Mẹ lại chấp hai tay trên ngực, ngước mắt lên trời và nói bằng thổ ngữ địa phương của vùng đó vào lúc bấy giờ: “Que soy era Immaculada Councepciou” – Ta là Đấng Vô Nhiễm Thai! Và Bernadette – tuy đã 14 tuổi, nhưng chưa rước lễ lần đầu và hầu như chưa học giáo lý gì cả – không hề hiểu được câu nói của “Madame trắng” kia. Dĩ nhiên khi đi xem lễ các ngày Chúa Nhật, Bernadette chắc chắn đã được nghe nói về ơn Vô Nhiễm Thai của Mẹ Thiên Chúa, nhưng em không hiểu được các bài giảng bằng tiếng Pháp. Hơn nữa, ý niệm “Vô Nhiễm Thai” đối với em cả là một điều bất khả tri giống như mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi vậy.
 
Sau biến cố hiện ra của Đức Mẹ, Bernadette đã phải nhắc đi nhắc lại câu nói “Que soy era Immaculada Councepciou” cho Vị Linh mục Quản Xứ của em cũng như các cơ quan chính quyền, nhưng đối với em câu nói đó cũng giống như một câu bùa chú, không thể hiểu được. Cha Peyramale, vị Quản Xứ lúc bấy giờ, rất ngạc nhiên về kiểu nói khác thường này, vì lúc bấy giờ người ta thường chỉ nói “sự vô nhiễm thai của Đức Maria” hay “Đức Maria vô nhiễm”, chứ không một ai xưng tụng Đức Mẹ bằng tước hiệu “Đấng Vô Nhiễm Thai” cả. Chỉ về sau vị Quản Xứ mới hiểu ra được rằng kiểu nói đó là một minh chứng hùng hồn cho sự tinh tuyền tuyệt đối của Mẹ Thiên Chúa và việc Mẹ được cưu mang không hề vương vấn tội nguyên tổ. Chính tính chất đặc biệt của câu nói “Ta là Đấng Vô Nhiễm Thai” đối với vị Quản Xứ – người vào lúc đầu hoàn toàn nghi ngờ về tính cách chính xác của việc Đức Mẹ hiện ra – đã trở thành luận cứ cho sự khả tín của sứ điệp trời cao, bởi vì bé gái thị kiến chưa đủ khả năng để hiểu được câu nói khó hiểu và bất bình thường đó. 
Sứ điệp Lộ Đức gắn bó chặt chẽ với đặc sủng Vô Nhiễm Thai của Đức Mẹ, mà trước đó bốn năm – năm 1854 – đã được ĐTC Piô IX long trọng công bố thành tín điều. Như vậy, qua lời tự nhận mình là Đấng Vô Nhiễm Thai, Đức Mẹ đã gián tiếp chuẩn y quyền giáo huấn vô ngô của Đức Giáo Hoàng Roma, mà Công đồng chung Vatican I vào năm 1870 đã khẳng định như một giáo huấn bó buộc. Đức Piô XII trong Thông điệp dịp kỷ niệm 100 năm biến cố Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức, đã cho rằng: “Chắc chắn lời phán quyết vô ngộ của Đức Giáo Hoàng Roma, của Đấng diễn giải chính thức của chân lý mặc khải, không cần đến sự chuẩn y của trời cao hầu trở thành có giá trị cho đức tin của các tín hữu. Nhưng dân Kitô giáo và các chủ chăn của mình đã cảm thấy vô cùng xúc động và biết ơn khi câu trả lời của trời cao được phát ra trên môi miệng Bernadette: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Thai!”
 
Nhưng lý do nào đã khiến Mẹ Thiên Chúa – qua biến cố hiện ra với Bernadette vào ngày 25.3.1858 – chuẩn y tín điều đã được Đức Piô IX công bố?

2. Sự diễn biến lịch sử của tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm
 
Ở đây chúng ta không bàn về sự can thiệp của trời cao, nhưng chúng ta chỉ dựa theo lý do về lịch sử các tín điều và về tình trạng tinh thần đặc biệt vào giữa thế kỷ 19. Chúng ta có thê bắt đầu với một cái nhìn vào sự phát triển có tính cách lịch sử của định tín. Thật ra chưa có một tín điều nào đã phải trải qua một thời gian nghiên cứu và đầy tranh cãi lâu như tín điều Vô Nhiêm Thai của Đức Maria. Nguyên tắc nền tảng của tín điều là sự mặc khải được dựa trên sự liên kết chặt chẽ của Mẹ Thiên Chúa với chương trình cứu độ của Đức Kitô.
 
Theo “Tiền Phúc Âm” – (Protoevangelium), thì Thân Mẫu Đấng Messia là kẻ thù của “con rắn” (St 3,15) và vì thế Người không bị đặt dưới quyền lực của ma quỷ qua tội nguyên tổ được. Trong lời truyền tin của Thiên thần, Đức Mẹ đã được xưng nhận là Đấng đầy ơn phúc (x. Lc 1,28), Đấng được chính Thiên Chúa kén chọn để giao cho sứ mệnh làm Mẹ Con Một của Người. Từ nền tảng Kinh Thánh này, các thánh Giáo Phụ đã tuyên xưng Đức Mẹ ngay từ thế ký II là “Êvà mới” bên cạnh Đức Kitô, A-dong mới. Đức tin và sự vâng phục của Đức Mẹ đã quân bình được điều Eva gây ra do sự bất phục tòng của bà. Sự công bố long trọng tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” tại Công đồng Ephesus năm 431 đã kêu mời sự tin nhận Đức Maria là Đấng “hoàn toàn tinh tuyền” và Đấng “hoàn toàn thánh thiện”.
 
Từ thế kỷ VI, Giáo Hội mừng kính Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời – xuất phát từ phía đông đế quốc Roma – Nhờ vào sự liên kết đặc biệt của Người với công trình cứu chuộc của Đức Kitô, Đức Maria không thể bị rơi vào vòng hư nát của thể xác phàm nhân, mà tội A-dong đã gây ra. Sự so sánh Êvà-Maria, lời ngợi khen Mẹ Thiên Chúa và việc cử hành việc Đức Mẹ được rước về Trời là nền tảng cho sự phát biểu về nguồn gốc thánh thiện của Đức Maria trong Giáo Hội Đông Phương. Bằng chứng thứ nhất về tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời được tìm thấy trong một bài giảng của Đức Giám Mục Theotechnus thành Livias (ngày nay thuộc nước Gio-đan) vào thế kỷ thứ VI(2).
LoDuc-Bernadette.jpg
 
Thiếu nữ Bernadette (14 tuổi) đã được nhìn thấy Đức Mẹ
 
Trong khi đó ở Tây phương, lời phát biểu của thánh Augustinô (429) lại mang tính cách khác. Khi phát biểu về Đức Maria, thánh nhân không muốn đề cập đến vấn đề tội lỗi, mặc dù quan điểm thánh nhân về vấn đề tội nguyên tổ nơi Đức Maria cũng không “tích cực” lắm(3). Từ thế kỷ VIII, Giáo Hội Đông Phương theo lễ nghi Hy Lạp mừng Lễ Đức Mẹ được cưu mang trong cung lòng thánh nữ Anna vào ngày 9 tháng 12. Từ thế kỷ XI Lễ này cũng được bắt đầu mừng ở Tây Phương theo lễ nghi La-tinh, khởi đầu từ Anh Quốc. Đan sĩ Eadmer thuộc Dòng Biển Đức, một học trò của thánh Anselm Canterbury (Tk. XII), là nhà thần học đầu tiên đã đề cập rõ ràng về sự thụ thai hoàn toàn không vướng mắc nguyên tội của Mẹ Thiên Chúa.
 
Trong khi đó, đa số các nhà thần học thời Trung cồ, đặc biệt thánh Tôma Aquinô và thánh Bonaventura, đã không đồng ý quan điểm như thế về Vô Nhiễm Thai của Đức Maria, nhưng cho rằng Đức Mẹ đã được thánh hóa ngay lập tức khi được cưu mang trong cung lòng thân mẫu Mẹ, vì theo các ngài, là một thành phần nhân loại, Đức Maria cũng cần sự cứu rỗi của Đức Kitô. Nghĩa là trong một khoảnh khắc ngắn ngủi nào đó, Đức Maria cũng vướng mắc tội nguyên tổ.
 
Điểm đột phá thần học rõ ràng và dứt khoát nhất về đặc sủng Vô Nhiễm Thai của Đức Maria là do Duns Scotus (+1308), nhà thần học người Anh thuộc Dòng Phan-xi-cô, phát động. Ông dựa trên tư tưởng “tiền cứu rỗi”, qua đó Đức Maria – nhờ vào công nghiệp cứu chuộc của đức Kitô trong tương lại – đã hoàn toàn được gìn giữ khỏi nguyên tội ngay trước khi Mẹ được thụ thai.
 
Dựa vào thế giá thánh Tôma Aquinô, các nhà thần học Dòng Đa-minh đã trong một thời gian dài gắt gao chống lại sự xác tín lan tràn rộng rãi trong Giáo Hội chủ trương rằng Đức Mẹ đã được thụ thai mà không hề vương vấn nguyên tội; vì theo họ, nếu chủ trương như thế thì Đức Mẹ không được hưởng ơn cứu độ của Đức Kitô. Nhưng ngay trong hàng ngũ các thầy Dòng Đa-minh con số những người ủng hộ quan điểm “Immaculata Conception” mỗi ngày mỗi tăng. Từ thế kỷ XIV, các phân khoa thần học của các đại học danh tiếng ở Âu Châu – khởi đầu từ đại học Sorbonne ở Paris (Pháp), cũng như đại học Köln, Mains (Đức) và Wien (Áo), v.v… – chỉ cấp văn bằng đại học cho những sinh viên đồng thuận với giáo huấn Đức Mẹ Vô Nhiễm. Sự định nghĩa có tính cách tín lý về sự Vô Nhiễm Thai của Đức Maria đã được đề xuất trong Công đồng Basel năm 1439, nhưng về sau vì không được đa số các nghị phụ đồng ý nên Đức Giáo Hoàng tuyên bố vô hiệu lực. Nhưng từ thế kỷ XV trở đi, các Đức Giáo Hoàng đều cổ vũ mỗi ngày một hơn việc tổ chức mừng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm. Do đó, vào năm 1708, Đức Clemens XI đã cho mừng khắp nơi trong toàn Giáo Hội. Dĩ nhiên, Sách Lễ Dòng Đa-minh có bản văn riêng, và trong đó ghi: “sự giải thoát của Đức Maria khỏi nguyên tội sau khi linh hồn được phó vào trong thể xác”. Nhưng cuối cùng, vào năm 1842, câu văn này hoàn toàn bị loại bỏ. Bề Trên Cả Dòng Đa-minh xin phép cho Dòng của ngài cũng được mừng kính Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm cùng với toàn thể Giáo Hội.
 
Về phía Tòa Thánh luôn luôn ủng hộ sự xác tín phổ cập trong Giáo Hội về đặc sủng Vô Nhiễm Thai của Đức Maria. Đức Giáo Hoàng Sixtus IV nghiêm cấm tất cả những chống đối cho rằng giao huấn về sự Vô Nhiễm Thai của Đức Maria là lạc đạo. Còn thánh Giáo Hoàng Piô V, một thầy Dòng Đa-minh, cấm đưa giáo huấn ra bàn cãi một cách công khai, ngoại trừ ở các đại học. Năm 1661 Đức Giáo Hoàng Alexandre VII đã ban hành một Sắc Chỉ nêu lên những yếu tố quan trọng, như một chuẩn bị cho định tín năm 1854.
 
Vào đầu thế kỷ XIX tín điều vẫn còn bị chống đối nơi một số người thuộc phái Jansénistes (phái Khắc Khổ) ở Pháp, bởi vì theo họ thì sự phát triển thần học của Giáo Hội đã được khép lại với thời thượng cổ (thánh Augustinô). Phái Jansénistes ngày xưa cũng có thể so sánh với một số các nhà thần học ngày nay đã giới hạn việc phát triển các tín điều lại trong thiên niên kỷ thứ nhất mà thôi. Nhưng đại đa số trong Hội đồng Giám Mục Đức và các phân khoa thần học trong vùng lãnh thổ nói tiếng Đức – dĩ nhiên không hẳn vì lý do đại kết Kitô giáo – đã tỏ thái độ hoàn toàn lạnh nhạt với khuynh hướng của các nhà thần học đó.
 
Bởi vậy, khi giáo sư thần học Georg Hermes (đh. Köln/Đức) và các học trò của ông tuyên truyền sự hoài nghi về đặc sủng vô nhiễm thai của Đức Maria, thì vào năm 1837 Đức Tổng Giám Mục Köln đã đòi buộc các Linh mục trong Giáo phận của ngài phải tuyên tín giáo huấn đó trên giấy tờ hẳn hoi. Ngoài ra, việc công bố cách long trọng tín điều đã được cổ vũ nhờ lời đề nghị của thánh Leonhard Porto Maurizio (1751) triệu tập một “Công đồng bằng văn thư”, tức Đức Thánh Cha thăm dò ý kiến của các Giám Mục trên thế giới. Trong thế ký XVII và XVIII, các vua Tây Ban Nha luôn luôn cố gắng vận động ban hành tín điều.
 
Vào năm 1840, 51 Giám Mục người Pháp đã đệ trình Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XVI thỉnh nguyện thư xin ban hành thành tín điều. Và sau đó các Giám Mục khác cũng đồng thuận như vậy. Ngoài ra, từ năm 1834 một số lớn các vị Hồng Y, Giám Mục và các Dòng Tu (kể cả Dòng Đa-minh) đã xin Đức Grêgôriô đưa tĩnh từ “vô nhiễm” vào trong Kinh Tiền Tụng ngày Lễ Đức Maria được cưu mang và vào trong Kinh Cầu Đức Bà: “Nữ Vương chẳng hề mắc tội tổ tông”, một điều mà các thầy Dòng Phan-xi-cô đã làm từ lâu. Đến năm 1847 thì các sách phụng vụ do Đức Piô X ban hành đều có thêm vào trong Kinh Tiền Tụng va Kinh Cầu Đức Bà tước hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm.
 
Hiện tượng này đã làm sống động lại tinh thần sống đạo sốt sắng trong Giáo Hội Công Giáo, mà những biến động bất ổn của thời phục hưng cũng như cuộc cách mạng Pháp làm vùi lấp đi. Kho tàng truyền thống của Giáo Hội đặc biệt về Đức Kitô và Đức Maria lại được tái khám phá. Nhiều Dòng Tu mới thành lập đã đề cao lòng sùng kính Đức Mẹ. Biến cố chủ chốt chính là biến cố Đức Mẹ hiện ra cùng thánh nữ Catharina Labouré ở đường “Rue du Bac” ở Paris (1830), trong đó Đức Mẹ đã tự giới thiệu trên bức “Ảnh Đức Mẹ Ban Ơn” với Lời Kinh: “Lạy Đức Maria Vô Nhiễm, xin cầu cho chúng con những kẻ chạy đến nương ẩn nơi Mẹ.” Ngoài ra còn có vô số tác phẩm thần học đã đóng góp vào công cuộc soạn sửa cho định tín về Đức Mẹ Vô Nhiễm, trong đó phải kể trước hết công trình đặc khảo của Linh mục Dòng Tên Giovanni Perrone năm 1847.
 
Từ năm 1848 các Ủy Ban Toà Thánh đã chính thức bắt đầu nghiên cứu vấn đề. Năm 1849, Đức Giáo Hoàng IX đã yêu cầu các Đức Giám Mục trên khắp thế giới cho biết ý kiến về định tín có thể sẽ được công bố. Trong số 603 vị trả lời, có 546 vị ủng hộ việc đưa đặc sủng Vô Nhiễm Thai của Đức Maria đặt thành tín điều. Trong số 57 vị Giám Mục còn lại, thì chỉ có 8 vị là hoàn toàn chống lại việc ban bố tín điều; số các vị còn lại hoặc giữ thái độ trung lập hoặc cho rằng việc lập thành tín điều là quá vội vàng. Dĩ nhiên, tất cả các Giám Mục đều chứng nhận rằng Dân Chúa khắp nơi xác tín rất sâu xa về sự Vô Nhiễm Thai của Đức Maria.
3. Nội dung ý nghĩa của tín điều
 
Cuối cùng, vào ngày 8.12.1854, qua Sắc Chỉ “Ineffablis Deus”, tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Thai đã được long trọng công bố: “Do quyền năng của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, của hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô và do quyền năng của Ta, Ta giải thích, tuyên bố và minh định rằng giáo huấn cho rằng Đức Trinh Nữ Rất Thánh Maria nhờ ơn thánh và lòng ưu ái đặc biệt của Thiên Chúa Toàn Năng dựa vào công nghiệp Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc nhân loại, đã được giữ gìn tinh tuyền trước vết nhơ tội nguyên tổ, được Thiên Chúa mặc khải và vì thế đòi buộc mọi tín hữu phải tin một cách chắc chắn và bền vững”(4).
 
Tín điều nhấn mạnh đến việc Đức Maria được gìn giữ hoàn toàn trước tội nguyên tổ. Sắc lệnh của Công đồng Trient về tội nguyên tổ đã định nghĩa: “Tội lỗi là sự chết của linh hồn” (peccatum, quod mors est animae)(5). Sự ghi nhận này người ta có thể tìm gặp trong Công Nghị Orange II năm 529(6) và trong các tác phẩm của thánh Augustinô. Các Giáo Phụ Hy-lạp cũng đồng một quan điểm như thế về hậu quả của tội nguyên tổ. Khác với Luther, một thầy Dòng Augustin và là cha đẻ của hệ phái Tin Lành ở Đức, Công đồng Trient phân biệt giữa tội nguyên tổ và khuynh hướng phạm tội (concupiscence), điều mà thánh Phaolô thỉnh thoảng cũng gọi là “tội”(7), nhưng đó không phải là “tội thực sự”, nhưng là khuynh hướng “do tội gây ra và hướng chiều về tội”(8). Tridentinum cho rằng tội riêng của con cháu A-dong là hậu quả của ảnh hưởng tội nguyên tổ, là “sự di truyền của A-dong”, và cuộc sống xum họp thân giao với thiên Chúa trên Thiên đàng được đánh dấu bằng ý niệm “sự công chính và thánh thiện”(9), điều mà thánh Phaolô cũng đề cập trong Thư Êphêsô (4,24) như là tình trạng của những người đã được chịu Phép Thánh Tẩy.
 
Điều quan trọng đáng ghi nhận ở đây là tính cách đặc biệt về việc gìn giữ khỏi tội nguyên tổ “nhờ ơn thánh và lòng ưu ái đặc biệt của Thiên Chúa Toàn Năng” (singulari omnipotentis Dei gratia et privilegio)(10). Ở đây, người ta tự hỏi: Phải chăng đặc sủng này chỉ dành cho một mình Đức Maria mà thôi? Sắc Chỉ “Ineffabilis Deus” đã khẳng định rõ ràng là đặc sủng đó chỉ dành cho Mẹ Thiên Chúa mà thôi, và ngoài Đức Maria không một tạo vật nào được hưởng đặc sủng đó. Tuy nhiên, Đức Piô IX đã không công bố dự kiến xác định tính cách đặc thù tuyệt đối của việc Đức Mẹ Vô Nhiễm. Vì lý do đó, nên những ý kiến ngông cuồng quá khích cho rằng cả Thánh Giuse cũng được ơn vô nhiễm thai, đã không bị kết án một cách công khai.
 
Nhưng trong Thông điệp “Fulgens Corona” dịp kỷ niệm 100 năm tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm (1953), Đức Piô XII đã tuyên bố rõ ràng rằng ơn Vô Nhiễm là “đặc ân duy nhất không được dành cho bất cứ ai khác ngoài Đức Maria ra.” Cuối cùng, bản văn của tín điều đã nhấn mạnh rằng việc Đức Maria được gìn giữ khỏi tội nguyên tổ là “nhờ vào công nghiệp của Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc nhân loại”.
 
Như thế, Đức Maria không bị loại trừ khỏi sự cứu rỗi, nhưng là hiện thực một cách trọn vẹn nhất công trình cứu độ của Đức Kitô. Vì thế, Sắc Chỉ “Ineffabilis Deus” đã nhấn mạnh: “Rất Thánh Trinh Nữ Maria và Mẹ Thiên Chúa, nhờ vào công nghiệp của Chúa Cứu Thế, đã không hề bị vướng mắc tội nguyên tổ, nhưng đã được gìn giữ khỏi vết nhơ tội nguyên tổ ngay trước được cưu mang”.
 
Bởi vậy, biến cố Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức được coi là ấn tín của trời cao chuyẩn y ơn vô ngộ của Đức Giáo Hoàng, mặc dù định tín đã được “Công đồng bằng văn thư” của các Đức Giám Mục trên thế giới nhất trí ủng hộ. Đồng thời biến cố Đức Mẹ hiện ra cũng là một cú đòn đánh vào những trào lưu thế tục chống báng Thiên Chúa và Giáo Hội do các ảnh hưởng thời phục hưng để lại. Trong một bài báo vào năm 1870, giáo sư thần học tín lý Mathias Joseph Scheeben, đại học Köln, đã gọi ơn vô ngộ của Đức Giáo Hoàng mà Công đồng Vatican I xác định, và tín điều về Đức Mẹ được Đức Piô IX công bố trước đó là hai “phương dược chính chữa lành cho những sai lầm cơ bản của thời đại chúng ta hôm nay: Chủ nghĩa tự nhiên, cùng với chủ nghĩa duy trí và chủ nghĩa tự do”(11).
 
Tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm đồng thời còn là sao mai của ơn thánh trên bầu trời của thế kỷ XIX, là ngôi sao đã loan báo trước “mặt trời ơn thánh xuất hiện trong xác phàm”; còn “ngai toà vô ngộ của Đấng Kế Vị Đức Kitô” là “sao hôm phản chiếu lại trọn vẹn ánh sáng của mặt trời chân lý vĩnh cửu đã lặn khỏi mặt đất”, hầu ngăn chặn không để bóng tối vô đạo trở lại trên nhân loại nữa(12). Theo giáo sư Scheeben, hai ngôi sao đã nhận lãnh được “ánh sáng từ Đức Kitô, mặt trời ơn thánh và mặt trời chân lý”(13). Cả hai tín điều trình bày tính cách siêu nhiên của Kitô giáo một cách rõ ràng cụ thể. Với hai ngôi sao sáng chói đó, những tín hữu Công Giáo có thể chiến thắng được “hoả ngục và tinh thần thế tục” đang tự huỷ diệt “trong sự tự phụ về bản chất, lý trí và sự tự do của mình”. Bởi vì, chủ nghĩa tự do cũng đã thấm nhiễm vào nhiều người Công Giáo, nhất là tại Đức, nên một sự suy niệm sâu xa về tính chất siêu nhiên của Kitô giáo là một điều hết sức quan trọng (14).
4. Nội dung sứ điệp Đức Mẹ Lộ Đức
 
Nếu tại Lộ Đức, Đức Mẹ đã tự giới thiệu là “Đấng Vô Nhiễm”, là Trinh Nữ và Mẹ Thiên Chúa Vô Nhiễm Nguyên Tội, thì đó không phải là một sứ điệp lẻ loi riêng biệt, nhưng là tột đỉnh của toàn diện biến cố Lộ Đức. Khởi đầu là lời kêu mời ăn năn sám hối và quay trở về cùng Thiên Chúa. Điều đó được đánh dấu trước hết bằng những đòi hỏi khẩn thiết của Đức Maria vào ngày 24 tháng 2.:
 
– “Hãy ăn năn đền tội, hãy ăn năn đền tội, hãy ăn năn đền tội”
 
– “Hãy cầu nguyện cùng Thiên Chúa cho những kẻ tội lỗi được ơn ăn năn trở lại!”
 
Và Đức Mẹ nói riêng cùng Bernadette:
 
– “Con hãy cúi mình xuống và hãy hôn mặt đất như là một việc đền bù cho các kẻ có tội.”
 
Sự tinh tuyền không chút bợn nhơ của Đức Maria là một hình ảnh đầy hy vọng chống lại tội lỗi đã từng hạ nhục con người và đồng thời đưa dẫn con người bước đi trên một con đường dốc đầy nguy hiểm. Và tận cùng của con đường này là sự tiêu diệt đời đời, nếu con người không hồi tâm ăn năn trở về cùng Thiên Chúa. Lời kêu mời sám hối phù hợp với lời rao giảng của Đức Giêsu: “Thời kỳ đã mãn, Nước Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng!” (Mc 1,15). Nơi Đức Maria, hình ảnh con người còn mang đầy tính chất nguyên thuỷ của nó như Thiên Chúa muốn, tức không vướng mắc tội lỗi. Nơi Mẹ, “Êvà mới”, lại tỏa sáng ơn Thiên đàng và đạt tới sự viên mãn trọn vẹn. Chân lý về Đức Maria như là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội đã củng cố sự can đảm của chúng ta, hầu cùng với ơn Chúa chúng ta có thể thoát khỏi được sự dữ và sống trong niềm hân hoan của Thiên Chúa.
 
Sứ điệp sám hối vào ngày 25 tháng 2 liên kết chặt chẽ với sự đòi hỏi: “Con hãy đi đến nguồn nước, hãy múc nuớc mà uống và hãy tắm rửa trong đó! Con hãy ăn các cây cỏ mà con tìm thấy mọc ở nơi đó!”
 
Để làm cho nguồn nước có thể phun chảy lên được, Bernadette đã phải lấy tay đào đất đầy bùn và sau nhiều lần tìm cách làm cho nước chảy ra từ cái vũng đất do em đào lên, Bernadette đã làm bẩn cả mặt mũi. Nhưng khi em bắt đầu ăn các cỏ dại mọc gần đó, nhiều người đã cho em là điên khùng. Nhưng em đã chấp nhận sự hiểu lầm đó của mọi người như của lễ đền bù và cầu nguyện cho kẻ có tội biết ăn năn trở lại.
 
Còn việc tắm rửa trong nước từ nguồn nước mà Đức Mẹ làm cho vọt chảy lên qua trung gian của Bernadette, nhắc nhủ đến Phép Rửa ăn năn sám hối của Gioan Tẩy Giả, Đấng đã đến để dọn đường cho Đức Giêsu trong lòng con người. Nước là tượng trưng cho sự tinh luyện cần thiết khỏi tội lỗi, nhưng đồng thời cũng là biểu hiệu của sự sống mới trong ơn thánh, một sự sống được ban cho nhờ Bí tích Rửa Tội. Ai đi hành hương Lộ Đức, sẽ canh tân lại ơn Rửa Tội, nhất là khi người đó chịu Bí tích Thống Hối. Nước là biểu hiệu cho sự sống sung mãn của ơn thánh phù hợp với cuộc sống thần linh mà Đức Maria đã được nhận lãnh ngay từ trước khi Mẹ được cưu mang, nhờ vào công cuộc cứu chuộc trong tương lai của Đức Giêsu, Con Mẹ. Trong đặc sủng Vô Nhiễm Thai của Đức Maria, mục đích sự ăn năn trở lại của chúng ta tỏa sáng lên, tức trở thành những con người mới, được Đức Kitô cứu rỗi.
5. Những biểu hiệu đặc trưng của Đức Mẹ Lộ Đức
 
Chính biến cố hiện ra của Đức Maria cũng cho thấy rằng đặc sủng Vô Nhiễm Thai đã rực sáng lên trong vẻ đẹp thiêng liêng của Thiên đàng. Mẹ Thiên Chúa đã hiện ra với Bernadette như một thiếu nữ trẻ, mĩm cười và được bao bọc bởi một luồng ánh sáng huyền nhiệm. Đức Mẹ mặc áo trắng với dây thắt lưng màu xanh da trời, trên tay mang một tràng chuỗi Mân Côi màu trắng, trên hai chân điểm hai nụ hoa hồng màu vàng cùng mầu với dây tràng chuỗi Mân Côi. Tâm hồn Đức Maria đầy tràn ơn thánh – vì Mẹ được vô nhiễm nguyên tội – đã toả ra qua sự kiều diễm bên ngoài của Mẹ, đó điều mà Bernadette đã ghi nhận được một cách rõ ràng.
 
Màu áo trắng Đức Maria mặc trên mình muốn nói lên sự tinh tuyền thuần khiến của con người Mẹ, không hề vướng mắc bất cứ vết nhơ tội lỗi nào, nhưng đồng thời cũng nói lên rằng Mẹ đã hiện đến từ Trời Cao. Trong Kinh Thánh Tân Ước, màu “áo trắng” là tượng trưng cho sự hiển dung của Đức Giêsu và đồng thời cũng là biểu hiệu cuộc sống thánh thiện tinh tuyền của các Thiên thần và các thánh trên Thiên đàng. Tiếp đến, màu trắng, mầu của ánh sáng tinh tuyền, là dấu hiệu của tính cách siêu thoát cao thượng và của niềm hân hoan, của sự tinh tuyền và của sự vinh hiển vĩnh cửu. Vì thế, mầu trắng là mầu phù hợp với Đức Maria nhất, Đấng được cưu mang vô nhiễm nguyên tội và là Đấng đã được đón nhận vào trong sư vinh hiển của Thiên đàng. Tiếp đến, mầu xanh dương cũng là một mầu tượng trưng cho Trời. Còn vàng là một dấu hiệu của sự cao quý nội tâm và phẩm hàm vương đế. Phẩm hàm vương đế và sự tham dự vào niềm hân hoan Thiên đàng đặt nền tảng trên đặc sủng độc nhất vô nhị của Mẹ, đó là Mẹ được cưu mang mà không hề bị nhiễm mắc nguyên tội và sự cộng tác bản thân của Mẹ vào trong công trình cứu chuộc của Ngôi Hai Thiên Chúa.
 
Còn hoa hồng cũng là một biểu tượng nói lên sự Vô Nhiễm Thai. Hơn nữa, hoa hồng cũng là biểu tượng quen thuộc trong thời thượng cổ nơi nhà thi sĩ và là Giáo Phụ La-tinh Sedulius Caelius vào thế kỷ V. Bài thơ thời danh của ngài về “Con Chiên Phục Sinh” (Paschale carmen) được coi như việc diễn giải Kinh Thánh bằng thơ thành công nhất của thời hậu cổ đại. Sedulius ước mong không chỉ những Kitô hữu, nhưng cả những người ngoại giáo biết làm cho con đường đức tin chân chính trở nên êm ái dễ chịu bằng tính chất yêu kiều đáng yêu của những vần thơ. Dựa vào công trình cứu độ của Đức Kitô, Sedulius cũng đưa ra một sự đối chiếu giữa Êvà và Đức Maria. Trong đó, ông trình bày Đức Maria như một bông hồng dịu dàng, tuy trổ sinh giữa những gai nhọn, nhưng vẻ kiềi diễm của Mẹ không hề bị sây sát thương tổn gì cả. Và như là Êvà mới Mẹ đã thanh tẩy những lầm lỗi của bà Êvà qua việc sinh hạ Đức Kitô(15). Sự tinh tuyền vẹn toàn của “Êvà mới” được coi như sự trang bị cần thiết để cộng tác vào công trình cứu độ của Đức Kitô. Trên thực tế, Đức Maria đã được nhận lãnh ơn thánh của Đức Kitô ngay trước khi sự sống của Mẹ được bắt đầu hình thành trong cung lòng thân mẫu Mẹ, hầu về sau trong vai trò là Mẹ Thiên Chúa và là Người đồng công cứu chuộc của Đức Kitô, Mẹ có thể cứu giúp được “mọi con cái Êvà đang bị lưu đày”. Vậy, mục đích của ơn Vô Nhiễm chính là sự trang bị ơn thánh cho sự cộng tác của Đức Maria trong chương trình cứu độ của Đức Kitô.
 
Lời Kinh Thánh nói về “bông hồng giữa bụi gai” quả là một sự trình bày có tính cách thi vị tuyệt vời về sự tinh tuyền thanh khiết của Đức Maria. Ngoài ra, trong nghệ thuật thời Kitô giáo sơ khai, hoa hồng được biểu tượng là hình ảnh của Thiên đàng. Vẻ dịu dàng đáng yêu và sự sung mãn huy hoàng của nó còn làm cho hoa hồng thành hình ảnh của sự huyền nhiệm. “Hoa hồng mầu nhiệm” (Rosa mystica) cũng là một tước hiệu quen thuộc để xưng tụng Đức Maria trong Kinh Cầu Đức Bà. Trong Sách Huấn Ca hình ảnh Đức Maria cũng được nhắc tới, khi nói về Đức Khôn Ngoan – được trình bày có tính cách biểu tượng như hình ảnh người phụ nữ – mọc lên tươi xinh “như khóm hồng ở Giê-ri-cô” (Hc 24,14, bản Vulgata: quasi plantatio rosae in Jericho).
 
Sau cùng, một dấu chỉ về sự Vô Nhiễm Nguyên Tội còn biểu hiện ra trong ngày Truyền Tin, 25 tháng 3, ngày Thiên Chúa loan báo cho Đức Maria về chương trình giáng thế làm người của Đức Kitô, và trong đó Mẹ giữ vai trò chủ động khi Mẹ tự nguyện chấp thuận bằng hai tiếng “xin vâng” việc thụ thai Con Một Thiên Chúa do quyền năng Chúa Thánh Thần. Vì cũng chính Chúa Thánh Thần, Đấng đã gìn giữ Mẹ khỏi vết nhơ tội nguyên tổ ngay trước khi Mẹ được cưu mang. Như vậy, cả hai thực tại – đặc sủng vô nhiễm và việc thụ thai Con Thiên Chúa – hoàn toàn liên hệ mật thiết với nhau, vì cùng do sự tác động của Chúa Thánh Thần.
 
Qua tiếng “xin vâng” của mình, Đức Maria xuất hiện như “Êvà mới” thực sự. Vì những gì bà Êvà đã “trói buộc lại” qua sự bất tuân phục của mình, thì Maria, “Êvà mới”, lại “tháo gỡ ra” qua sự tuân phục của mình. Đức Maria, “Êvà mới”, luôn đứng bên cạnh Đức Kitô, “A-dong mới”, Đấng đã chiến thắng được Sa-tan và tội lỗi.
 
Vậy, tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm là một minh chứng hùng hồn về tâm hồn “đầy ơn phúc” của Đức Maria (Lc 1,28). Nhưng sự đầy ơn phúc không gì khác hơn là mặt trái tích cực của cuộc sống không hề bị vướng mắc vào vết nhơ của tội nguyên tổ. Vì thế, lời tự giới thiệu của Đức Maria: “Ta là Đấng Vô Nhiễm” phù hợp một cách tuyệt diệu với ngày công bố ơn cứu độ của Thiên Chúa, ngày Lễ Truyền Tin.
 
1. xem R. Laurentin, Les apparitions de Lourdes, 1966, tái bản 2002.
 
2. xem M. Hauke, Urstand, Fall und Erbsünde, 2007, trang 135-146.
 
3. xem G. Söll, Mariologie 1978, S.M. Cechin, L’Immaculata Concezione, 2003
 
4. Denzinger-Hünermann (DH) 2803.
 
5. DH 1512.
 
6. DH 372.
 
7. xem Rm 6,12-15; 7,7.14-20.
 
8. DH 1515.
 
9. DH 1512
 
10. DH 2803.
 
11. Das oekumenische Konzil vom Jahre 1869, Bd. II, Regensburg 1870, trang 507.
 
12. Immakulata und päpstliche Unfehlbarkeit. Sedes Sapientiae und Cathedra Sapientiae. Neu herausgegeben von J. Schmitz, Paderborn 1954, trang 20tt.
 
13. cùng chỗ như trên, 21.
 
14. cùng chỗ như trên, 22tt.
 
15. Carmen 2,28-34: PL 19,595tt
 
(Kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức: 1858-2008)
 

Lm Nguyễn Hữu Thy

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*