Theo Kinh Thánh, Có Luyện Ngục Không?
Về sự thanh luyện trong Luyện ngục
Hạn từ “Luyện ngục” gợi lên suy nghĩ của những người Công giáo về điều gì đó tựa như một nơi khổ hình, một nơi rộng lớn cho những người trong đó chờ được cứu thoát, tuy chưa hoàn hảo trọn vẹn, họ vẫn chờ ngày được bước vào “quê trời”. Và trong thời gian ấy, họ phải chịu tất cả những cực hình.
Cùng với Luyện ngục còn có “Hoả ngục” mà truyền thống bình dân cho là nơi tiêu biểu những điều phi lý, nơi không tin vào một Thiên Chúa là Đấng yêu thương, và cũng chẳng thích hợp với niềm hy vọng Ki-tô giáo.
Người ta cũng tưởng tượng thêm rằng Luyện ngục còn là chốn thăm thẳm đầy những cực hình, trong nơi này các linh hồn do những tội đã phạm phải chịu cái lạnh giá buốt hoặc bị dìm trong những vạc lớn đầy kim loại nóng chảy hay trong một bể dầu sôi sùng sục. Linh hồn cũng bị dìm trong một biển lửa đầy dẫy những sọ người và ôm những sọ ấy trong nỗi tuyệt vọng đầy những đau khổ, cùng kêu van thống thiết.
Một số nhà thần học còn khẳng định rằng ma quỷ được Thiên Chúa cho phép thường xuyên đến gặp các linh hồn để hành hạ các linh hồn bằng nhiều hình khổ không kể xiết. Vào thế kỷ XIII, thánh Tô-ma A-qui-nô còn dạy rằng Luyện ngục cũng rất gần với Hoả ngục và lửa thiêu đốt một phần những người trong đó được dùng để thanh luyện những người con lại trong đó.
Cũng tại Rô-ma, theo thời gian đã hình thành nên một “Bảo tàng Luyện ngục” trong nhà thờ Thánh Tâm…, nơi các du khách tham quan có thể thấy được mười hai dấu tay và những đám lửa cháy ngùn ngụt trên củi, thảm, đường riềm, và cảnh các linh hồn trong Luyện ngục nhằm răn dạy các tín hữu cũng phải chịu những cực hình trong chốn ấy như thế.
Điều không cần phải tin
Những cảnh tượng trên là những điều gây tệ hại cho chúng ta nữa. Một số sách vở đạo đức thường liệt kê hàng loạt các tội tương xứng với thời gian trừng phạt trong Luyện ngục, giống như thời gian trong thế giới mai sau tiếp tục được ấn định theo năm, tháng và tuần lễ.
Hội thánh luôn phải đối diện với những vấn đề khác lạ trên. Vào thế kỷ XVI, công đồng Tren-tô đã ban hành một sắc lệnh cấm thêm thắt những vấn đề chi tiết, vô ích và ngoài lề gì nữa vào đạo lý về Luyện ngục để không gây xáo trộn niềm tin của những các tín hữu bình dân. Cũng bảo tàng Rô-ma này nói về những câu chuyện kinh dị trong thế giới mai sau đã bị Bộ Giáo Lý Đức Tin ra lệnh đóng cửa.
Khởi đi từ Kinh Thánh, các thần học gia cũng từng ngày tìm cách lý giải chính xác hơn hình ảnh về Luyện ngục và mối tương quan của Luyện ngục với Thiên Chúa là ơn cứu độ đích thực của chúng ta. Do đó, chúng ta cũng tìm cách nhận ra được đạo lý đích thực của Hội Thánh nhằm làm rõ hơn vấn đề Luyện ngục này.
Cần đối chiếu vào Kinh Thánh không ?
Vào thế kỷ XVI, từ khi Lu-tê-rô ly khai khỏi Hội Thánh và tuyên bố rằng “việc có Luyện ngục hay không thì Kinh Thánh không bàn đến”, thì Hội Thánh Công giáo ra sức tìm ra các bản văn Kinh Thánh nhằm chứng minh cho người Tin Lành rằng Kinh Thánh có nói về Luyện Ngục. Và trong những cuộc bàn cãi về điều này thì nhiều vấn đề hiểu sai cũng được dàn xếp ổn thoả.
Chẳng hạn trong Mt 12,32 nói rằng : “Nếu ai nói một lời chống lại Con Người thì sẽ được tha ; còn ai nói chống lại Thánh Thần thì người ấy sẽ không được tha, cả đời này lẫn đời sau”. Điều này có lý là nếu Đức Giê-su nói rằng bất cứ tội lỗi nào cũng không thể được tha trong thế giới mai sau, thì đó là vì ở nơi đó các tội lỗi khác có thể được tha, vậy là có Luyện ngục.
Việc giải thích trên không liên quan gì đến kiểu nói “cả đời này lẫn đời sau cũng không được tha” là kiểu nói đặc trưng của lối suy nghĩ Sê-mít. Lối suy nghĩ này thường nói đến hai thái cực nhằm diễn tả ý nghĩa “không bao giờ”. Như vậy kiểu nói “cả đời này lẫn đời sau cũng không được tha” muốn nói rằng những tội xúc phạm chống lại Thánh Thần thì “không bao giờ” được tha, chứ chẳng liên quan gì đến việc khẳng định có Luyện ngục cả.
Các sách Ma-ca-bê nói về điều này thế nào ?
Một bản văn cổ thời khác cũng nói về Luyện ngục là sách 2 Mcb 12,38-45. Đoạn văn này kể về một trận chiến chống lại quân Xi-ri vào năm 160 trước công nguyên và binh lính Híp-ri đã tử trận nhiều. Khi đi chôn cất những binh lính của mình bị tử trận, người Híp-ri thấy rằng dưới áo trong của các tử thi đều có mang lá bùa và đồ dâng cúng cho các thần, những thứ mà Thiên Chúa đã nghiêm cấm. Trước thói tục mê tín này, ông Giu-đa Ma-ca-bê đã tổ chức quyên góp bạc từ các binh linh và gởi số bạc ấy về đền thờ Giê-ru-sa-lem để xin dâng hy lễ tạ tội cho những kẻ đã qua đời, để Thiên Chúa xoá tội cho họ và cho họ được vui hưởng sự sống lại.
Bản văn được giải thích thế này : các binh lính tử trận đã phạm một “tội nhẹ” và hậu quả là không bị vào Hoả ngục. Tuy nhiên, các binh lính chưa được lên Trời, bằng không những người HÍp-ri đã chẳng xin dâng hy lễ tạ tội cho những binh lính này. Do đó, ông Giu-đa Ma-ca-bê hình dung họ đang ở Luyện ngục và vì vậy ông đã xin dâng hy lễ.
Tuy nhiên lối giải thích như thế là sai niên đại. Vào thế kỷ II trước công nguyên, những người Híp-ri vẫn chưa tin sau khi chết có tình trạng thanh luyện. Vậy ông Giu-đa Ma-ca-bê đã hình dung ra Luyện ngục thế nào ? Lối giải thích chính xác theo tinh thần người Híp-ri bấy giờ là tội lỗi mà những binh lính xúc phạm thực ra là tội trọng, chẳng khác gì tội thờ ngẫu tượng mà Thiên Chúa nghiêm cấm. Tuy nhiên trong đời sống, tội này được tha thứ bằng một việc dâng hy lễ gọi là “Kippur” (lễ tạ tội) và được dâng trong đền thờ (x. Lv 4–5).
Các binh lính đã chết và không thể đến đền thờ để dâng hy lễ tạ tội cho họ được. Vì thế ông Giu-đa truyền cho các đồng bào của họ dâng hy lễ thay cho họ. Chắc chắn ông Giu-đa đã bắt đầu công bố trước về điều này cho cả các binh lính còn sống hay đã chết biết rồi. Tuy nhiên, theo ông Giu-đa thì tội lỗi của các binh lính đã được tha thứ bằng việc dâng “Kippur”, chứ không bằng việc trải qua Luyện ngục là điều mà những người Híp-ri tuyệt đối không hề biết đến.
Còn thánh Phao-lô nói gì ?
Bản văn Kinh Thánh được trích dẫn nhiều liên quan đến Luyện ngục là thư 1 Cr 3,10-17. Khi viết thư cho các tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô phân chia ra ba loại người rao giảng Tin Mừng : loại những người sử dụng những vật liệu tốt cho công việc xây dựng của mình (câu 14) ; loại những người xây dựng hơn là phá huỷ (câu 17) ; và loại những người bình thường biết chọn lựa những vật liệu xây đựng. Thánh nhân còn nói thêm : “Nếu công việc của ai đó bị thiêu huỷ, thì người ấy sẽ phải thiệt ; còn chính người ấy sẽ được cứu thoát, nhưng như thể băng qua lửa” (câu 15). Khi xét về ba loại người này, các nhà chú giải Kinh Thánh chú trọng đến kiểu nói “băng qua lửa” ám chỉ đến đạo lý về Luyện ngục.
Thực ra, toàn đoạn văn trên không gì khác hơn chỉ là kiểu nói ẩn dụ ngụ ý đến một nơi chốn có lửa thiêu đốt, trong đó lửa chỉ là kiểu nói theo nghĩa bóng bẩy, chứ không có lửa thật. Thánh nhân muốn nói rằng cả những tín hữu thiếu lòng sốt mến cũng được cứu thoát, nhưng phải chịu nhiều khó khăn và cực hình. Thánh Phao-lô chỉ muốn ám chỉ đến nỗ lực mà những người bình thường phải đạt đến để được cứu thoát, chứ không nói đến vấn đề Luyện ngục, cũng chẳng đề cập đến Luyện ngục trong các thư của ngài.
Vậy tại sao người Công giáo lại tin có Luyện ngục ?
Như chúng ta đã biết, Kinh Thánh có đề cập rõ ràng đến Trời và Hoả ngục, nhưng không nói một lời nào rõ ràng liên quan đến một giai đoạn trung gian để thanh luyện. Vì vậy những người Tin Lành đã chối bỏ đạo lý Công giáo về Luyện ngục. Vậy tại sao người Công giáo vẫn tin có Luyện ngục ?
Việc Kinh Thánh không đề cập đến Luyện ngục không có nghĩa là Luyện ngục không phải là không có nền tảng từ Kinh Thánh. Trái lại, Luyện ngục có nền tảng từ Kinh Thánh. Hội thánh Công giáo dựa vào Kinh Thánh mà giáo huấn người tín hữu. Nhưng Hội Thánh không dựa trên một bản văn cụ thể đặc biệt nào, mà dựa trên hai lập trường chung nhất, đó là điều chắc chắn và lập lại nhiều lần trong Kinh Thánh, và những điều ấy là cốt lõi của đạo lý.
Lập trường thứ nhất là phải xác tín rằng chỉ có sự thanh khiết tuyệt đối mới có thể diện kiến nhan Thiên Chúa. Không ai còn khiếm khuyết dù rất nhỏ mọn lại có thể xuất hiện trước một Thiên Chúa vĩ đại được. Đặt nền trên xác tín này, người Híp-ri đưa ra một nghi lễ nghiêm ngặt trong đền thờ là không có gì ô uế được phép đem vào trước nhan Đức Chúa. Đức Giê-su cũng khẳng định về điều này khi nói : “Phúc cho những người thanh sạch trong tâm hồn, vì chính họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8), hay “Vậy chính anh em hãy nên hoàn thiện như Cha của anh em ở trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48) , và sách Khải Huyền dạy rằng khi đến thời cùng tận, Giê-ru-sa-lem trên trời sẽ xuất hiện, “bất cứ điều gì ô uế sẽ không được vào thành” (Kh 21,27).
Lập trường thứ hai trong Kinh Thánh và là lập trường quan trọng nhất, đó là Thiên Chúa “sẽ trả lại cho mỗi người theo việc làm của nó” vào đời sau (Rm 2,6). Dĩ nhiên án chết sẽ ập đến với con người theo các cấp độ hoàn thiện khác nhau, theo như họ đã sử dụng sự tự do của mình và phục vụ người thân cận thế nào. Những ai không đạt được sự hoàn thiện vào lúc chết thì không thể được đến “ngay” trước nhan Thiên Chúa. Vì vậy, họ phải trải qua một giai đoạn chịu sự thanh luyện.
Ý nghĩa về Luyện ngục
Nói về điều này, chúng ta đã mất nhiều thời gian để giải thích xem Luyện ngục nghĩa là gì.
Mỗi người sinh ra trong trần gian này theo kế hoạch của Thiên Chúa che chở trong tay Người. Chúng ta theo hành động yêu thương của mình, lời cam kết phục vụ, sự đồng tâm nhất trí, khả năng hiệp nhất, làm việc thiện cho tha nhân, mà nhận ra được kế hoạch của Thiên Chúa cách rõ ràng hơn. Vì thế, khi chúng ta chào đời, Thiên Chúa đã đong đầy cho chúng ta những tiềm lực và khả năng để chúng ta phải đem ra thực hành trong dòng sống của chúng ta.
Nhưng không phải tất cả mọi người đều biết tận dụng tối đa khả năng của mình. Không phải ai cũng biết lấy ra từ kho tàng tốt đẹp của mình để phục vụ tha nhân, cũng không thực hành tất cả tiềm lực Thiên Chúa ban cho khiến làm chết đi kế hoạch yêu thương họ mang nơi mình theo cách riêng mình. Vì thế, nhiều người có thể đi đến cuối đời mình mà vẫn không là người trưởng thành và hoàn thiện, là người bất toàn. Án chết có thể ập đến trên một người vẫn đang còn dang dở với nhiều lo toan mà không hoàn thành được cuộc sống riêng mình. Và cũng không phải là không có những người lúc chết khi còn thanh xuân và thời gian sống vắn vỏi nhưng vẫn đủ để người ấy thực hiện được kế hoạch yêu thương và hệ quả là có được sự trưởng thành trong cõi lòng và sự hoàn thiện mà Thiên Chúa chờ mong từ người ấy.
Thời gian kéo dài bao lâu ?
Vì vậy, một người thành công thế nào được khi người ấy sống đến cuối đời mình mà vẫn còn nhiều khả năng mà vẫn không biết tận dụng, khả năng ấy không phải là tất cả mọi điều tăng triển và vẫn còn đang được thành hình sao ? Một còn người bất toàn, thiếu sự trưởng thành hoàn toàn, không thể đến trước nhan Thiên Chúa được.
Do đó, chính Đức Ki-tô đã ghé mắt đầy ân sủng và tình yêu đến những ai mà Người gặp gỡ. Một ánh mắt xuyên tận cõi sâu thẳm của sự hiện hữu con người và đem lại phương thế, dẫu có khổ đau như mọi phương thế giúp đạt đến sự trưởng thành, để nhờ phương thế này con người biết làm tất cả mọi khả năng của mình chưa phát huy lúc ấy thành hiện thực. Ánh mắt ấy là “nơi” mà chúng ta gọi là Luyện ngục.
Dù cách nào đi nữa, con người sẽ nhận lấy hậu quả là sự khổ đau khi thấy mình còn bất toàn trước Đức Ki-tô. Người ta sẽ thấy cay đắng khi để vuột mất tức khắc tất cả những gì đang đến bị biến tan và rối ren trong suốt cuộc sống cùng với những lỗi tội của mình. Khi đau khổ nhìn lại chính mình thấy còn thiếu sót, người ta sẽ lo lắng thanh luyện những khuyết điểm của mình. Về điều này, lý do bị vào Luyện ngục là sự đau khổ. Tuy nhiên người ta chẳng còn gì để ngang nhiên nhìn “ngọn lửa thiêu đốt linh hồn của những người trong Luyện ngục”, như thường được thấy giải thích như vậy.
Do đó cần phải loại bỏ những hiểu sai nguy hại cho cuộc sống. Việc cho rằng sau khi chết thì chẳng còn thời gian, chẳng còn giờ giấc, thì Luyện ngục cũng không thể “kéo dài” tháng năm, như chúng ta thường nghĩ thế. Có một khoảnh khắc, một phút chốc chính xác, có thể nói như thế, trong lúc đó Thiên Chúa ban tặng ân sủng tối hậu cho ai biết vượt thắng được cái tôi và khuyết điểm trong đời sống người ấy. Đối với phương thế của mình, con người có thể ít nhiều trở nên sâu sắc tuỳ theo hoàn cảnh mỗi người, nhưng người ấy cũng không thể kéo dài được thời gian, vì người ấy đã ở trong sự vĩnh cửu.
Đây là đạo lý đức tin ?
Từ thế kỷ đầu tiên, các giáo phụ đã dạy rằng sau khi chết thì có tình trạng thanh luyện. Từ thế kỷ III, đạo lý này xuất hiện dứt khoát và đầy xác thực. Vào thế kỷ XI, giai đoạn thanh luyện được biết đến lần đầu tiên với tên gọi là “Luyện ngục”. Năm 1254, Đức Giáo hoàng I-nô-xen-tê IV là người đầu tiên chính thức quan tâm đến vấn đề Luyện ngục và đã nói đến hạn từ này trong huấn quyền của Hội Thánh. Chẳng bao lâu, hạn từ này lại am chỉ đến một “nơi chốn”, một nơi giam hãm đầy những cực hình.
Tuy nhiên, đạo lý đức tin này không còn nữa. Đến công đồng Phi-ren-xê lần đầu tiên mới đem ra bàn lại về vấn đề đạo lý này. Ngày 26 tháng 2 năm 1439, công đồng này được triệu tập với sự tham dự của 115 Giám mục và, sau khi đã dành nhiều thời gian tranh luận và phân tích những suy tư và những lập trường khác nhau về vấn đề này, đã chính thức công bố một sắc lệnh ban hành ngày 6 tháng 7 năm 1439 với nhan đề “Laetentur caeli”, trong đó công đồng đã tuyên bố đạo lý đức tin cho tất cả người Công giáo là có Luyện ngục.
Tuy nhiên, chúng ta phải tin gì trong vấn đề Luyện ngục ? Công đồng này định tín ba điều : a) Có Luyện ngục ; b) Luyện ngục không là một “nơi chốn”, mà là một tình trạng, trong đó những người đã chết được thanh luyện ; c) Những người còn sống có thể trợ giúp những người đã chết bằng lời cầu nguyện của mình. Ba điều này và chỉ ba điều này là những gì làm nên đạo lý về Luyện ngục.
Có phải cầu nguyện cho những người đã chết không ?
Nếu Luyện ngục chỉ kéo dài trong một thời gian, thì việc cầu nguyện cho những người đã chết và dâng thánh lễ cầu cho họ có ý nghĩa gì không ? Họ không ra khỏi Luyện ngục hay
sao ? Nếu chỉ ở trong Luyện ngục một thời gian để đến một thế giới khác, thì việc những người Công giáo chúng ta cầu nguyện cho người chết vào ngày thứ bảy, vào mỗi tháng, vào mỗi dịp lễ giỗ có giá trị gì ?
Chắc chắn là có nhiều giá trị chứ ! Chúng ta đang sống trong thời gian và coi như “đã chết” trong một thời gian dài hay ngắn, trong đó chúng ta lại tiếp tục sống. Và suốt thời gian này, chúng ta cầu nguyện cách đặc biệt cho người đã chết, để Thiên Chúa mau chóng thực hiện phương cách hoàn thiện người ấy để họ sơm ra khỏi Luyện ngục. Tuy nhiên, Thiên Chúa là Đấng Hằng Hữu sẽ để ý đến lời cầu nguyện mai sau chúng ta cẩn khẩn được hiện thực thế nào. Và khi để ý đến mọi lời cầu nguyện và thánh lễ chúng ta dâng suốt cuộc đời cho người đã chết, Thiên Chúa tức khắc chuyển những lời cầu nguyện ấy đến người đã qua đời.
Nếu khi họ còn sống mà các việc bác ái của chúng ta có thể trợ giúp họ tiến đến hoàn thiện, thì giờ đây họ chết đi, thì những lời cầu nguyện của chúng ta là những hành vi bác ái mới mẻ cũng được chúng ta dùng để dâng lên thay cho họ. Và vì sự trợ giúp bác ái của chúng ta, Thiên Chúa dẫn đưa họ đến sự hoàn thiện, một sự hoàn thiện tình yêu mà trước đây họ còn thiếu sót.
Về điều này, Hội Thánh vẫn luôn duy trì truyền thống cầu nguyện cho những người đã chết. Và Hội Thánh cho việc làm ấy là rất quan trọng, nên vào lúc giữa Thánh lễ, Hội Thánh đặc biệt dành ra ít phút để cầu nguyện cho họ và khẩn cầu Thiên Chúa : “Đã cho chúng con đứng trước ánh tôn nhan Chúa mà cầu khẩn”.
Niềm hạnh phúc được ở trong Luyện ngục
Chúng ta có thói quen xem Luyện ngục như một hình phạt Thiên Chúa dành cho những người tội lỗi, như một loại “Hoả ngục có lối thoát”. Không phải thế. Thực ra, ở Luyện ngục là một ân sủng Thiên Chúa ban. Ân sủng tối hậu này được ban cho con người để có cơ hội thanh luyện hầu được nhìn thấy tương lai đang ở trước mặt mình. Đây là khả năng nhưng không Thiên Chúa ban cho con người để có thể trưởng thành trong tình yêu từ đáy lòng mình. Đó là khoảnh khắc trong đó con người biến đổi hoàn toàn cuộc sống mình để có thể chiêm ngưỡng Thiên Chúa diện đối diện và đắm mình trong vòng tay yêu thương ngàn đời của Thiên Chúa. Về điều này, trong Thánh Lễ không đọc rằng các tín hữu trong Luyện ngục phải chịu nhiều cực hình, nhưng đọc “họ đang nghỉ giấc bình an”.
Chẳng còn nghi ngờ gì nữa khi thánh Ca-ta-ri-na Giê-nô-va có lý khi viết rằng : “Ngoài niềm hạnh phúc của các thánh trên trời thì không có niềm hạnh phúc nào có thể so sánh được với niềm hạnh phúc của những người đang ở trong Luyện ngục. Chúng ta phải khao khát niềm hạnh phúc này hơn là sợ hãi nó, vì ngọn lửa của Luyện ngục là ngọn lửa của tình yêu vô tận và nỗi nhớ về quê hương trên trời khôn nguôi”. Đối với chúng ta thuộc thế kỷ XX lại không có được trực giác của thế kỷ XV.
Đạo lý về Luyện ngục là đạo lý sáng ngời về niềm hy vọng và tình liên đới Ki-tô giáo. Đạo lý này dạy rằng cái chết không chấm dứt những mối tương quan con người với nhau, mà có thể tiếp tục trợ giúp nhau bằng nghĩa cử yêu thương, như con người đã dành cho nhau khi còn sống trên trần gian này.
Sau hết, Luyện ngục là lời mời gọi mãnh liệt thốt lên cho chúng ta rằng tình yêu mãnh liệt hơn tử thần.
Trích trong Bạn Biết Gì Về Kinh Thánh?
Nguyên bản tiếng Tây Ban Nha: ¿Qué sabemos de la Biblia?
của ARIEL ALVAREZ VALDES
San Pablo, Madrid 1999
Chuyển ngữ: Mát-thêu Vũ Văn Lượng, OP
Nguồn: http://catechesis.net
Để lại một phản hồi