Rosalba
“Allô? Cha là Giáo hoàng, con khỏe không?”
“Con luôn tha thứ cho Chúa tất cả, nhưng lần này thì không thưa Chúa, lần này con không thể nào tha cho Chúa được.” Michele Ferri viết câu phạm thượng này, nhưng đúng hơn là câu nói tuyệt vọng vì ông cũng chỉ là… con người, ông đăng câu này thẳng trên trang Facebook. Có thể nào tạo vật làm phép giải cho Đấng Tạo Dựng mình? Không, không thể. Và một người con có thể phẫn nộ trước Người Cha khi sự việc vượt quá sức mình không? Đó là trường hợp của Michele, ông phẫn nộ chống Người Cha.
Ông là người dân vùng Pesaro, nước Ý, ngoài năm mươi tuổi, ông ngồi xe lăn, chung quanh ông là các tấm hình kỷ niệm, những tấm hình kể lại chặng đường thánh giá chông gai của ông và cũng của gia đình ông: năm 17 tuổi, ông bị tai nạn xe môtô, hai chân bị liệt, phải ngồi xe lăn, ông có người em mới sinh đã qua đời, người cha của ông vừa qua đời, và ông vừa khám phá mẹ ông bị bệnh. Và chưa hết, câu chuyện bi thảm cuối cùng vừa xảy ra mà báo chí ở đây nhắc đến nhiều: người em Andrea rất gần với ông bị giết ngoài đường. Đó là đêm 3 rạng ngày 4 tháng 6 năm 2013. Một cái chết rùng rợn làm cả gia đình chấn động. “Không, Lạy Chúa, lần này thì con không tha cho Chúa. tại sao Chúa cứ nhắm vào gia đình con? Tại sao gia đình con chịu tất cả những chuyện đau đớn này xảy ra?”
Andrea bị một người bạn giết
Andrea, người em bị giết là một người chủ hãng đàng hoàng không chê trách được; Andrea ngoài 50, có hai người con, ông quản lý vài tiệm xăng. Ông bị Donald Sabanov, một nhân viên người Albania trẻ lạnh lùng hạ sát, người này làm ở một trong các tiệm xăng của ông. Chiều hôm đó, thủ phạm ngừng trước xe của ông chủ và bấm cò bảy lần. Hai cú đầu tiên bị kẹt. Andrea xuống xe được và bắt đầu chạy ra đường, nhưng tên sát nhân nhắm vào ông bắn tiếp. Đạn trúng đầu, khi ông té xuống, tên đao thủ bắn bồi vào lưng. Và Andrea chết. Sabanov cúi xuống xác của Andrea còn thoi thóp, không phải để tiếc thương gì, đó là người nhà, gia đình Ferri thường đem nhân viên này đi theo gia đình mình đi nghỉ hè. Sabanov lục tìm chìa khóa tủ sắt, hắn tìm được và bỏ chạy.
“Lạy Chúa, tại sao lại có chuyện này xảy ra cho gia đình con?” Phản ứng này của Michele không phải chỉ là một hình thức tuyệt vọng. Nhưng là cả một câu hỏi to lớn. “Tại sao Chúa lại để chuyện này xảy ra?”
Ông viết các câu này trên trang Facebook. Trang Facebook quá hẹp cho loại suy nghĩ này. Hơn nữa, mình nhận được cái gì ở đó? Mấy cái “like” lố bịch chỉ muốn tỏ sự gần gũi, nhưng nghe như một loại giễu cợt trên sự đau khổ. Vậy thì, như tia chớp, Michele nghĩ đến việc viết cho Đức Giáo hoàng. “Có thể ngài sẽ viết thư trả lời”, trong đầu ông lóe lên một tia hy vọng. Nhưng hy vọng chỉ lóe lên một giây, thư gởi đi xong, ông không còn nghĩ đến nữa.
Hai cuộc gọi trên máy di động
Vậy mà sau tháng 7, đầu tháng 8 ngày 6, ông thấy có hai cuộc gọi của một số điện thoại lạ. Ông không chú ý. Nhưng đó là cuộc gọi của Giáo hoàng. Ngày hôm sau, Đức Bergoglio gọi lại. Chuộng điện thoại reng, lần này Michele trả lời.
“Allô?”
“Allô, xin chào, cha là Giáo hoàng Phanxicô. Con khỏe không?”
Đầu dây bên kia, im lặng. Đức Phanxicô tiếp tục nói: “Cha gọi con vì cha đã nhận thư con viết, cha biết những gì con đã trải qua. Cha thật sự rất xúc động, Michele, con đã làm cha khóc và cha để bức thư của con trên bàn giấy”.
Đức Phanxicô không giấu niềm xúc động của mình.
“Sau đó, cha đọc các câu hỏi con đặt ra với Chúa và cha phải nói với con là cha không có câu trả lời. Chuyện duy nhất cha làm, là cầu nguyện, bởi vì cầu nguyện làm cho mình được an ủi”.
Đức Phanxicô nói, nói một mình cả hơn mười phút.
Ông Michele giải thích với báo Gia đình Công giáo (Famiglia Cristiana), rằng sáng hôm đó ngài cầu nguyện cho chúng tôi và ngài dâng thánh lễ cho Andrea. Tôi thấy trong lời ngài là sự thông cảm và lòng yêu thương, nhưng thật khó cho tôi để giải thích. Tôi có thể nói, những lời của ngài cho tôi hy vọng và cho tôi được bình an nội tâm.
Tìm sự tin tưởng
Sau khi thở một hơi dài, Michele hỏi Đức Phanxicô: “Con xin lỗi cha, cha có thể gọi cho mẹ con được không?”
Nếu mình nghĩ Đức Giáo hoàng là một người có quyền lực, thì mình đã hạnh phúc khi được ngài gọi, mình cám ơn ngài và cũng xem như xong. Nhưng nếu mình nghĩ ngài như một người cha và mình xem mình là con, thì mình mới dám xin tiếp. Và mình dám xin chuyện không thể. Và Michele xem mình là người con hai lần: một lần với mẹ mình, vì anh nghĩ mẹ anh cần được an ủi, và một lần với Giáo hoàng vì anh tin vào lòng dịu dàng vô bờ của ngài.
Như thế, không bằng lòng ngài chỉ gọi riêng cho mình, anh xin ngài gọi cho mẹ mình.
Và ngay lập tức ngài trả lời: “Con cho cha số điện thoại của mẹ con được không?”
Anh Michele cho và ngài lặp lại: “Để cho chắc, cha lặp lại”.
Số đúng.
“Vậy cha gọi ngay”.
“Trọng kính cha, xin cha cho con một phút để con báo trước cho mẹ con”.
Michele sợ mẹ mình tưởng chuyện đùa.
Mẫu đối thoại có vẻ không hiện thực: Đức Giáo hoàng điện thoại, nhận lời xin, kiểm lại số điện thoại, chờ để gọi sau. Tôi cảm thấy như chuyện không có thực, vậy mà đó là chuyện bình thường và dễ thương lạ lùng. Vài phút sau chuông điện thoại nhà bà Rosalba Ferri reo.
“Allô”.
“Allô, tôi là giáo hoàng Phanxicô, tôi biết câu chuyện của gia đình, Michele đã kể cho tôi nghe hết”. Rosalba nước mắt ràn rụa. Bà muốn nói, muốn đặt câu hỏi, muốn cám ơn, muốn biết thêm nhưng bà không thốt ra được một chữ. Đây là cuộc gọi của nước mắt, của thinh lặng. Ở thành phố Pesaro bà thổn thức khóc, ở Vatican Đức Phanxicô thinh lặng nghe, ngài nghe tiếng khóc này trong vài phút, cuối cùng ngài nói: “Rosalba nghe nè, cha sẽ gọi con sau”. Bà chỉ nói được chữ “cám ơn”, có lẽ đó là chữ duy nhất bà thốt ra được.
Ba tuần sau, vào khoảng 11 giờ ngày 25 tháng 8, chuông điện thoại reo lại. Đó là ngày chúa nhật, một giờ trước khi ngài đứng ở cửa sổ Dinh Tông Tòa để có giờ Kinh Truyền Tin thường lệ ngày chúa nhật.
“Allô?”
“Allô, Rosalba, cha chào con, con khỏe không?”
Lần này thì khác. Rosalba chế ngự được xúc cảm và bà nói được. Những gì hai người trao đổi với nhau bà giữ kín vì bà không thích nói ra. Ngược lại thì Michele không ngần ngại: “Mẹ tôi hỏi ngài khi nào ngài đến Pesaro. Ngài nói bây giờ thì khó. Rồi cả hai biết họ cùng tuổi với nhau, cùng sinh năm 1936”.
Sau đó, còn nhiều cuộc gọi khác. Bao nhiêu? Rất nhiều.
Đến lượt tôi, tôi gọi cho bà Rosalba. Bà lịch sự nhưng cương quyết.
“Tôi không muốn nói đến chuyện này, xin cám ơn”.
Tôi hỏi: “Tôi có thể biết được Đức Giáo hoàng gọi cho bà bao nhiêu lần không?”
Bà Rosalba im lặng.
Tôi nghe nói là năm lần, đúng không?
Bà trả lời: “Hai mươi lăm lần.”
Đức Giáo hoàng gọi cho bà hai mươi lăm lần?
“Đúng, nhưng bây giờ tôi xin chào ông”.
Hai mươi lăm lần (đến tháng 7 – 2016), chứng tỏ cho thấy Đức Phanxicô muốn có một giao tiếp thật sự. Không cần những cử chỉ to lớn, không theo kiểu xử thế ở địa vị cao. Không làm ra vẻ người có quyền muốn gần dân, dù vì lòng cao thượng, cũng không chỉ bắt tay suông như các siêu sao lỏng lẻo bắt tay người hâm mộ trong buổi hòa nhạc. Không, ngài là người cha an ủi, người mục tử không bao giờ bỏ đàn con mình. Và có thể bà Rosalba Ferri là người mà Đức Phanxicô nói trong cuộc phỏng vấn ngày 5 tháng 3 – 2014 với ông Ferrucio de Bortoli, thời đó ông là giám đốc báo Corriere della Sera. Trả lời câu hỏi: “Có một tiếp xúc nào, một cuộc gọi nào mà cha nhớ với một xúc cảm đặc biệt không?” Đức Bergoglio trả lời: “Có một bà, một phụ nữ góa tám mươi, bà mất người con trai. Bà viết thư cho tôi. Và bây giờ tôi điện thoại cho bà mỗi tháng. Bà, bà rất vui. Còn tôi, tôi làm công việc của một linh mục. Tôi rất thích”.
Và cuộc gọi ngắn này tiếp sau cuộc gọi ngắn khác, giao tiếp được vững mạnh. Và ngày đầu tháng 5 – 2016, một ngày chúa nhật sau giờ Kinh Truyền Tin, chuông điện thoại nhà Ferri lại reo, đầu dây bên kia là Đức Giáo hoàng, Michele xin một chuyện mà anh giữ trong lòng từ cuộc gọi đầu tiên.
“Trọng kính Đức Thánh Cha, chúng con có thể đến gặp riêng cha được không? Chúng con có thể đến Vatican để hôn cha không?”
Câu trả lời dĩ nhiên là có.
Anh hỏi: “Vậy thì khi nào?”
“Sắp tới đây, ngày chúa nhật tuần sau được không?”
Chúa nhật tuần sau là ngày 8 tháng 5, ngày lễ các bà mẹ. Món quà đẹp nhất cho Rosalba, người mẹ khóc con.
Tại nhà Giáo hoàng
Buổi gặp ở Vatican kéo dài hai giờ. Như mọi lần, chính Michele nói chuyện với báo chí: “Mẹ tôi là người ôm ngài đầu tiên. Bà hôn ngài. Một xúc động lạ lùng. Sau đó là chúng tôi. Tôi nói khi nào ngài đến Pesaro, chúng tôi mời ngài ăn món pasta đặc sản mẹ tôi nấu. Chúng tôi nói chuyện như thử chúng tôi nói với cha xứ của mình, như thử chúng tôi đã biết nhau từ lâu với một tấm lòng yêu mến nhau. Cha đưa chúng tôi xem phòng ăn, nơi ngài ăn với nhiều người khác. Chúng tôi cùng cầu nguyện, rồi ngài ban phép lành cho chúng tôi. Cuộc gặp gỡ đã an ủi chúng tôi rất nhiều và những gì quan trọng, chúng tôi xin giữ cho chúng tôi. Ngài nói với tôi, ngài giữ bức thư của tôi. Bức thư ở trên bàn của ngài. Ngài lặp lại, bức thư rất mạnh. Chúng tôi trao đổi quà. Ngài cho mẹ tôi tượng Đức Mẹ bằng sứ. Chúng tôi cũng tặng ngài một tượng bằng sứ, một quyển sách hình thành phố Pesaro. Và khi chúng tôi về, ngài giúp chúng tôi chất đồ đạc lên xe”.
Và như vậy trước Nhà Thánh Marta, một buổi chiều chúa nhật, Đức Giáo hoàng giúp chất hành lý lên xe.
Marta An Nguyễn dịch
Nguồn tin: Phanxico
Để lại một phản hồi