Tòa Thánh lo âu về điều kiện làm việc bất công của các ngư phủ

ĐHY Peter Turkson, Bộ trưởng Bộ Phát triển nhân bản toàn diện, tố giác tình trạng quá nhiều ngư phủ trên thế giới trở thành nạn nhân bị sự khai thác, bóc lột ồ ạt.


Kết quả hình ảnh cho seminarTầm quan trọng của ngư nghiệp

 Trong sứ điệp gửi các tham dự viên một cuộc Hội thảo quốc tế được tổ chức hôm 21-11-2018 tại Trụ Sở tổ chức Lương Nông Quốc tế, gọi tắt là FAO ở Roma, nhân ngày thế giới về ngư nghiệp, ĐHY Turkson nói rằng ngành đánh cá đóng góp 320 tỷ mỹ kim cho nền thương mại trên thế giới, qua việc bán 171 triệu tấn cá và hải sản khác. Thị trường này mang lại công ăn việc làm cho gần 820 triệu người trên hoàn cầu. Nhưng có khoảng 59 triệu 600 ngàn ngư phủ, trong đó 85% ở Á châu, đang là nạn nhân của những vụ lạm dụng thể lý và cưỡng bách lao động. ”Chúng ta không thể im lặng trước sự khai thác bóc lột ồ ạt như thế”.

 Gây ý thức nơi dự luận về thảm trạng của nhiều ngư phủ

 ĐHY Turkson cũng nhận xét rằng tuy đã có những cố gắng quốc tế được đề ra để đối phó với tình trạng trên đây, nhưng vẫn chưa đủ. Vì thế vẫn luôn cần phải gây ý thức nơi mọi người về tình cảnh của các ngư phủ, để các tổ chức quốc tế hợp lực đối phó. Theo ĐHY, hoạt động này phải có tính chất hoàn cầu, miền, quốc gia và địa phương với sự can dự của tất cả các phe liên hệ,

 Ngoại trưởng Tòa Thánh tố giác sự không tuân giữ Hiệp Ước đã ký

 Về phần Đức TGM Paul Gallagher, ngoại trưởng Tòa Thánh, lên tiếng tại cuộc hội thảo, ngài nhắc lại sự kiện hồi tháng 11 năm ngoái (2017) Hiệp ước về lao động trong ngành đánh cá đã bắt đầu có hiệu lực. Hiệp ước nhắm ngăn cản những điều kiện làm việc không thể chấp nhận được, nhưng vẫn còn rất nhiều điều phải làm để đảm bảo những điều kiện xứng đáng cho các ngư phủ. Điều này càng trở nên cấp thiết xét vì tại một số quốc gia, nạn buôn người và cưỡng bách trẻ em lao động vẫn còn thịnh hành.

 Cụ thể Đức TGM ngoại trưởng Tòa Thánh tố giác rằng tuy có nhiều nước đã ký vào hiệp ước chống lại những điều kiện làm việc có tích chất bóc lột các ngư phủ, nhưng trong thực tế sự tuân hành Hiệp ước không hữu hiệu. Ngoài ra có hiện tượng khai thác ồ ạt các nguồn hải sản, kể cả bằng những đường lối bất hợp pháp, miễn là kiếm được lợi lộc. Tình trạng này gây thiệt hại cho môi sinh biển cả. (Cath.ch 21-11-2018)

Trần Đức Anh OP

(VaticanNews 23.11.2018)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*