ĐTC tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh

Trong buổi tiếp kiến Đoàn Ngoại giao cạnh Tòa Thánh sáng ngàyb 7-1-2019, ĐTC nhắc đến quan hệ với Việt Nam và ngài kêu gọi các nước tôn trọng 4 đặc tính của nền ngoại giao đa phương: vị thế tối thượng của công lý và luật pháp, bênh vực những người yếu thế nhất, coi hệ thống ngoại giao đa phương là chiếc cầu nối liền giữa các dân tộc và những người xây dựng hòa bình, sau cùng là nghĩ lại vận mệnh chung của chúng ta.

PopeFrancis_07Jan2019_02.jpeg

Hiện diện tại buổi tiếp kiến

 Tham dự buổi tiếp kiến lLúc 10 giờ 30 sáng, có đại diện của 183 quốc gia và một số tổ chức quốc tế có quan hệ trên cấp đại sứ, cùng với đại diện của chính quyền Palestine, Liên Hiệp Âu Châu và Hội Hiệp Sĩ Malta. Có 89 vị đại sứ thường trú và gần 100 vị khác từ các nhiệm sở khác cũng đến Vatican trong dịp này.

 Buổi tiếp kiến ngoại giao đoàn cũng là dịp để ĐTC kiểm điểm tình hình thế giới đồng thời bày tỏ lập trường của Tòa Thánh đối với các vấn đề thời sự.

 Chào thăm và chúc mừng

 Sau lời chào mở đầu của vị tân Niên trưởng ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, là Đại Sứ của nước Cipro, Ông George Poulides, ĐTC đã lên tiếng chào thăm và chúc mừng năm mới tất cả các vị đại sứ và cám ơn vị niên trưởng ngoại giao đoàn. Ngài nhắc đến một số hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh trong năm vừa qua, và khai triển một số yếu tố quan trọng trong các hoạt động chính trị quốc tế hiện nay như tôn trọng vị thế tối thượng của công lý và luật pháp, bảo vệ những người yếu thế nhất, trở thành cây cầu nối liền giữa các dân tộc và những người xây dựng hòa bình, sau cùng là tái nghĩ đến vận mệnh chung của chúng ta.

 Quan hệ với Việt Nam được củng cố

 ĐTC nói: ”Trong chân trời ấy cũng có sự củng cố các quan hệ giữa Tòa Thánh và Việt Nam, nhắm tới việc bổ nhiệm trong tương lai gần đây một vị Đại Diện thường trú của Tòa Thánh; sự hiện diện của vị Đại Diện này trước tiên muốn biểu lộ mối quan tâm ân cần của Người Kế Vị Thánh Phêrô đối với Giáo Hội địa phương.”

 Hiệp định tạm thời với Trung Quốc

 ”Cũng phải hiểu tương tự như vậy việc ký kết Hiệp Định Tạm Thời giữa Tòa Thánh và Cộng hòa nhân dân Trung Quốc về việc bổ nhiệm các GM tại nước này, ký ngày 22-9 năm 2018. Như đã biết Hiệp định này là kết quả một cuộc đối thoại chính thức lâu dài và có cân nhắc, qua đó, hai bên đã đạt tới việc ấn định một số yếu tố vững bền trong sự cộng tác giữa Tòa Thánh và các chính quyền dân sự. Như tôi đã nhắc đến trong Sứ Điệp gửi các tín hữu Công Giáo Trung Quốc và Giáo Hội hoàn vũ, trước đó tôi đã nhận cho hiệp thông với Giáo Hội một số GM công khai, đã thụ phong mà không có sự ủy nhiệm của Tòa Thánh, đồng thời tôi mời gọi các vị ấy hãy quảng đại hoạt động cho sự hòa giải các tín hữu Công Giáo Trung Quốc và canh tân đà tiến truyền giáo. Tôi cảm tạ Chúa vì lần đầu tiên sau bao nhiêu năm trời, tất cả các GM Trung Quốc đều hiệp thông trọn vẹn với Người Kế Vị Thánh Phêrô và với Giáo Hội hoàn vũ. Một dấu chỉ cụ thể nói lên điều đó là có sự tham dự của 2 GM từ Hoa Lục tại Thượng HĐGM thế giới mới đây về giới trẻ. Cầu mong việc tiếp tục các tiếp xúc về việc áp dụng Hiệp Định Tạm Thời sẽ góp phần giải quyết những vấn đề còn bỏ ngỏ và đảm bảo những không gian cần thiết để có một nền tự do tôn giáo thực sự.

 Kinh nghiệm về Hội Quốc Liên

 Trong phần kế tiếp của bài diễn văn, ĐTC nhắc đến kỷ niệm đúng 100 năm Hội Quốc Liên được thành lập qua Hiệp Ước Versailles ký ngày 28-6 năm 1919 tại Pháp. Sở dĩ ngài nhắc lại biến cố này vì đây là khởi sự một nền ngoại giao đa phương ngày nay, qua đó các quốc gia cố gắng kéo các quan hệ song phương ra khỏi tiêu chuẩn đè nén dẫn tới chiến tranh.

 Ngài nhận xét rằng: ”Những khó khăn của Hội Quốc Liên đã đưa tới một cuộc xung đột mới, khốc liệt hơn, đó là Thế Chiến thứ II. Nhưng dầu sao nó cũng mở ra một con đường mới được theo đuổi một cách quyết liệt hơn, với việc thành lập LHQ hồi năm 1945: đó là một con đường gặp nhiều khó khăn và xung khắc, không luôn luôn hữu hiệu vì rất tiếc ngày nay vẫn còn những cuộc xung đột, nhưng dầu sao đó vẫn là một cơ hội không thể phủ nhận, nhờ đó các quốc gia có thể gặp nhau để tìm kiếm những giải pháp chung.”

 Điều kiện tiên quyết của nền ngoại giao đa phương

 ĐTC nói thêm rằng: ”Điều kiện tiên quyết để nền ngoại giao đa phương được thành công là: những người đối thoại phải có thiện chí và ý ngay, sẵn sàng chân thành và thành thực đối chiếu với nhau, có ý chí chấp nhận những nhượng bộ dung hợp không thể tránh được, phát sinh từ sự đối chiếu giữa các phe. Nơi nào một trong những yếu tố vừa nói bị thiếu, thì người ta sẽ ưu tiên tìm kiếm những giải pháp đơn phương, và xét cho cùng, đó là một sự áp bức của kẻ mạnh trên kẻ yếu. Hội Quốc Liên lâm vào tình trạng khủng hoảng cũng vì những lý do đó, và đáng tiếc là ngày nay những thái độ như thế cũng đang làm suy yếu sức mạnh của các tổ chức quốc tế chính yếu.”

 ĐTC khẳng định rằng: ”Tôi thấy điều quan trọng là ngày nay không được thiếu ý muốn có một sự đối chiếu thanh thản và xây dựng giữa các nước, tuy rằng ai cũng thấy những tương quan giữa lòng cộng đồng quốc tế, hệ thống đa phương nói chung, đang trải qua những thời điểm khó khăn, với sự tái sinh những xu hướng quốc gia chủ nghĩa, đe dọa ơn gọi của các tổ chức quốc tế, vốn là môi trường đối thoại và gặp gỡ cho tất cả các nước.

 Tai hại do sự thiếu ngoại giao đa phương đích thực

 ”Một phần tình trạng này cũng vì sự thiếu khả năng của hệ thống đa phương trong việc cung cấp những giải pháp hữu hiệu cho những tình thế từ lâu không được giải quyết, như một số các cuộc xung đột ”bị đông lạnh”, và tiếp đến là vì sự thiếu khả năng đương đầu với những thách đố hiện nay một cách thỏa đáng đối với mọi người. Đàng khác, tình trạng ấy cũng là kết quả của sự biến chuyển các chính sách quốc gia, trong đó càng ngày người ta càng tìm kiếm một sự đồng thuận nhất thời và phe phái, thay vì kiên nhẫn theo đuổi công ích với những giải pháp dài hạn. Ngoài ra, đó cũng là kết quả sự gia tăng các nhóm quyền lực và lợi lộc trong các tổ chức quốc tế, các nhóm này áp đặt những quan điểm của họ, khơi lên những hình thức thực dân mới về ý thức hệ, nhiều khi không tôn trọng căn tính, phẩm giá và sự nhạy cảm của các dân tộc. Thêm vào đó có một lý do khác nữa, đó là hậu quả của phản ứng tại một số miền trên thế giới chống lại một thứ hoàn cầu hóa phát triển quá mau lẹ và thiếu trật tự, do đó tạo nên căng thẳng giữa sự hoàn cầu hóa và địa phương hóa. Vì thế, cần để ý đến chiều kích hoàn cầu mà không quên chiều kích địa phương.

 

 Cổ võ ‘hoàn cầu hóa đa cực’

 Đứng trước ý tưởng một sự ”hoàn cầu hóa hình cầu”, san bằng những khác biệt và trong đó những điểm đặc thù bị biến mất, những chủ nghĩa quốc gia dễ tái xuất hiện, trong khi đó sự hoàn cầu hóa cũng có thể là một cơ may, nếu nó có nhiều cực (poliedrica), nghĩa là nếu nó cổ võ một sự căng thẳng tích cực giữa căn tính của mỗi dân tộc và quốc gia với chính sự hoàn cầu hóa, theo nguyên tắc toàn thể thì trọng hơn là một phần.

 Cảnh giác trước sự xuất hiện xu hướng mỵ dân

 ĐTC nhận xét rằng ”Một số thái độ trên đây gợi lại thời kỳ giữa hai thế chiến, trong đó những xu hướng mỵ dân và cá nhân chủ nghĩa, quốc gia chủ nghĩa thắng thế, trổi vượt trên hoạt động của Hội Quốc Liên. Ngày nay, sự tái xuất hiện những xu hướng đó đang dần dần làm suy yếu hệ thống đa phương, tạo nên một sự thiếu tín nhiệm chung, làm cho chính trị quốc tế bị mất uy tín, và dần dần gạt ra ngoài lề những thành yếu thế nhất trong gia đình các dân nước.

 Trước tình trạng trên đây, ĐTC gợi lại những mục tiêu của nền ngoại giao đa phương, những đặc tính và các trách nhiệm của ngành ngoại giao này trong bối cảnh ngày nay, đó là: vị thế tối thượng của công lý và luật pháp, tiếp đến là bênh vực những người yếu thế nhất, thứ ba là hệ thống ngoại giao đa phương phải là chiếc cầu nối liền giữa các dân tộc và những người xây dựng hòa bình, sau cùng là nghĩ lại vận mệnh chung của chúng ta.

  1. Trước tiên là vị thế tối thượng của công lý và luật pháp

 ĐTC nói: ”Nguyên tắc chính là: các tương quan giữa các dân tộc phải được điều hành do lý trí, công lý, luật pháp, thương thảo, chứ không phải bằng võ lực, bạo lực, chiến tranh, và càng không phải bằng sợ hãi hoặc lừa đảo”.

 Trong thời đại chúng ta, điều đang gây lo âu là sự tái xuất hiện những xu hướng đề cao và theo đuổi những lợi ích riêng của quốc gia mà không sử dụng những phương thế mà công pháp quốc tế trù định để giải quyết những tranh chấp và đảm bảo sự công lý, và cả qua những tòa án quốc tế. Thái độ ấy nhiều khi là kết quả phản ứng của những người được kêu gọi lãnh nhận trách nhiệm cai trị đất nước đứng trước sự bất mãn ngày càng lan tràn nơi các công dân của nhiều nước, họ coi những năng động và qui luật điều hành cộng đồng quốc tế là điều chậm chạp, trừu tượng và xét cho cùng, chúng xa lạ với các nhu cầu thực sự của địa phương.

 Điều thích hợp là các nhà chính trị lắng nghe tiếng nói của dân tộc mình và tìm kiếm những giải pháp cụ thể để tăng cường công ích của họ. Nhưng điều này đòi phải tôn trọng luật pháp và công lý giữa lòng cộng đồng quốc gia cũng như cộng đồng quốc tế, lý do vì những giải pháp phản ứng, theo cảm xúc và vội vã tuy có thể gia tăng sự đồng thuận ngắn hạn, nhưng chắc chắn sẽ không góp phần giải quyết những vấn đề sâu xa hơn, trái lại càng làm cho chúng gia tăng.

 Cổ võ chính trị sáng suốt, nhìn xa trông rộng

 Chính vì lý do đó tôi đã muốn dành Sứ điệp nhân Ngày Hòa Bình thế giới lần thứ 52 ngày 1-1 năm nay để nói về đề tài ”nền chính trị tốt là phục vụ hòa bình”, vì có một tương quan sâu xa giữa nền chính trị tốt và sự sống chung hòa bình giữa các dân nước. Hòa bình không bao giờ là một thiện ích bán phần, nhưng bao trùm toàn thể nhân loại…..

 Chính trị cần phải sáng suốt, nhìn xa trông rộng và không thu hẹp vào việc tìm kiếm những giải pháp ngắn hạn. Nhà chính trị tốt không lo chiếm địa vị, nhưng là khởi sự những tiến trình; họ được mời gọi đề cao sự hiệp nhất trên xung đột, nơi căn bản của sự hiệp nhất có ”tình liên đới, được hiểu theo nghĩa sâu xa nhất và thách đố”. Sự hiệp nhất như thế ”trở thành một lối xây dựng lịch sử, một lãnh vực sinh tử, trong đó những xung đột, căng thẳng và những đối nghịch có thể đạt tới một sự hiệp nhất đa dạng, sinh ra sự sống mới”.

 Nhận định trên đây để ý đến chiều kích siêu việt của con người, được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Vì thế, sự tôn trọng phẩm giá của mỗi người là tiền đề không thể thiếu được để có sự sống chung hòa bình thực sự, và luật pháp trở thành dụng cụ thiết yếu để đạt được công bằng xã hội và để muôi dưỡng những tương quan huynh đệ giữa các dân tộc. Trong lãnh vực này, các quyền con người, được ghi trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, giữ một vai trò quan trọng, Tuyên ngôn mà chúng ta mới kỷ niệm 70 năm công bố….

  1. Bảo vệ những người yếu thế nhất

 ĐTC nhắc lại lời ĐGH Phaolô 6 đã nói: ”Chúng tôi lên tiếng thay cho những người nghèo, người bị thiệt thòi, những người đau khổ, khao khát công lý, phẩm giá của cuộc sống, tự do, an sinh và tiến bộ”.

 ”Giáo Hội vẫn luôn dấn thân trong việc cứu giúp những người túng thiếu và chính Tòa Thánh, trong những năm qua, đã cổ võ nhiều dự án bênh đỡ những người yếu thế nhất, những dự án ấy cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều chủ thể quóc tế. Trong số những dự án đó, tôi muốn trưng dẫn sáng kiến nhân đạo tại Ucraina hỗ trợ dân chúng đang đau khổ, nhất là tại miền Đông của nước này, vì cuộc xung đột kéo dài gần 5 năm qua, và có những biến chuyển đáng lo âu gần đây trong Biển Đen. Nhờ sự tham gia tích cực của các Giáo Hội Công Giáo ở Âu Châu và của các tín hữu tại các miền khác trên thế giới, theo lời kêu gọi của tôi hồi tháng 5 năm 2016, cùng với sự cộng tác của các cộng đoàn Giáo Hội khác và các tổ chức quốc tế, họ đã quyên góp để đáp ứng một cách cụ thể những nhu cầu thiết yếu của người dân tại những vùng bị nạn, là những nạn nhân đầu tiên của chiến tranh.

 Kêu gọi quan tâm đến số phận các tù nhân chiến tranh Ucraina

 ”Giáo Hội và các tổ chức của mình sẽ tiếp tục sứ mạng này, với chủ ý thu hút sự quan tâm nhiều hơn về các vấn đề nhân đạo khác, trong đó có số phận của đông đảo các tù nhân. Qua hoạt động và sự gần gũi dân chúng, Giáo Hội tim cách khuyến khích, trực tiếp hoặc gián tiếp, những con đường ôn hòa để giải quyết xung đột, những con đường tôn trọng công lý và luật pháp, kể cả công pháp quốc tế, là nền tảng an ninh và sự sống chung trong toàn vùng. Với mục tiêu ấy, thật là điều quan trọng các văn kiện đảm bảo việc tự do hành đạo.

 Lên tiếng thay những người không có tiếng nói

 

 Về phần mình, cả cộng đồng quốc tế, với các tổ chức liên hệ, cũng được kêu gọi lên tiếng thay cho những ngừơi không có tiếng nói. Trong số những người không có tiếng nói hiện nay, tôi muốn nhắc đến các nạn nhân các cuộc chiến tranh đang diễn ra, đặc biệt là tại Siria, với vô số người chết. Một lần nữa tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy ủng hộ một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột mà trong đó, xét cho cùng người ta chỉ thấy những người chiến bại. Đặc biệt điều căn bản là chấm những những vụ vi phạm công pháp quốc tế về nhân đạo, đang gây đau khổ khôn tả cho các thường dân, nhất là phụ nữ và trẻ em, những vụ tấn kích các cơ cấu thiết yếu như các nhà thương, trường học, các trại tị nạn và cả các cơ sở tôn giáo.

 

 Lưu ý về số phận người tị nạn Siria

 ĐTC không quên nhắc đến bao nhiêu người tị nạn do cuộc xung đột ở Siria gây ra, gây thử thách cam go cho các nước láng giềng. Ngài đặc biệt nói đến tình trạng các tín hữu Kitô ở Trung Đông nạn nhân của bất an, xung đột.

 ĐTC nói: ”Điều quan trọng là các tín hữu Kitô có một chỗ đứng trong tương lai của miền này, và vì thế tôi khuyến khích những người đã tị nạn tại các nơi khác hãy hết sức cố gắng để hồi hương và tái lập các mối liên hệ với các cộng đoàn nguyên quán… Tôi cũng cầu mong các chính quyền bảo đảm an ninh cần thiết cho các tín hữu Kitô và những điều kiện khác để họ có thể tiếp tục sống tại những quốc gia trong đó họ là những công dân với đầy đủ mọi danh nghĩa, góp phần vào việc xây dựng đất nước.”

 Cũng trong số những người yếu thế cần được cộng đồng quốc tế bảo vệ, ĐTC lưu ý đến những người di dân và tị nạn. Ngài nói:

 ”Một lần nữa tôi muốn lưu ý các chính phủ, xin họ giúp đỡ những người phải xuất cư vì nạn nghèo đói, vì mọi thứ bạo lực và bách hại cũng như vì thiên tai, những đảo lộn về khí hậu, xin các chính phủ tạo điều kiện dễ dàng cho những biện pháp giúp họ hội nhập vào đời sống xã hội tại các nước tiếp cư. Cũng cần cố gắng để dân chúng không bị bó buộc phải bỏ gia đình và đất nước, hoặc để họ có thể hồi hương trong an ninh và trong sự tôn trọng hoàn toàn đối với phẩm giá và các nhân quyền của họ.

 ĐTC cũng nhắc đến những người yếu thế khác cần được trợ giúp, đó là những người trẻ đang mơ ước một nhân loại tốt đẹp hơn, những người trẻ nhiều khi cảm thấy bị lạc hướng và không có những chắc chắn về tương lai, như Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 15 đã quan tâm bàn đến.

 Chống lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên

 Trong bối cảnh trên đây, ĐTC đặc biệt nói đến các trẻ em và tệ nạn các em bị lạm dụng. Ngài nói:

“Trong dịp này, tôi không thể im lặng trước một trong những tai ương thời nay, rất tiếc là cũng có những thành phần của hàng giáo sĩ giữ vai chính trong đó. Những lạm dụng các trẻ vị thành niên là một trong những tội ác hèn hạ và xấu xa nhất. Chúng nhất loạt quét mất những gì là tốt nhất mà cuộc sống dành cho một người vô tội, gây thiệt hại không thể chữa lành cho phần còn lại trong cuộc sống của họ. Tòa Thánh và toàn thể Giáo Hội đang dấn thân bài trừ và phòng ngừa những tội ác ấy và sự che đậy chúng, để kiểm chứng sự thật về các sự kiện trong đó có các giáo sĩ bị liên lụy và thi hành công lý cho những trẻ vị thành niên đã bị bạo hành tính dục, các tội ác đó càng trầm trọng hơn do sự lạm dụng quyền bính và lương tâm. Cuộc gặp gỡ của tôi với hàng GM trên toàn thế giới vào tháng 2 tới đây muốn là một bước tiến đi xa hơn nữa trong hành trình của Giáo Hội nhắm làm sáng tỏ hoàn toàn về các sự kiện và thoa dịu những vết thương do các tội ác ấy gây ra.

 Tố giác nạn kỳ thị và bạo hành phụ nữ

 ĐTC cũng tố giác nạn bạo hành chống phụ nữ và khẳng định rằng: ”Thật là điều đau lòng khi nhận thấy trong các xã hội chúng ta, có những vụ hành chống các phụ nữ.. Đứng trước tệ nạn lạm dụng thể lý và tâm lý đối với phụ nữ, cần cấp thiết tái khám phá những hình thức quan hệ đúng đắn và quân bình, dựa trên sự tôn trọng và nhìn nhận nhau, trong đó mỗi người có thể biểu lộ một cách trung thực căn tính của mình, giữa lúc người ta cổ võ một số hình thức xóa bỏ sự khác biệt nam nữ, tạo nên nguy cơ làm biến thái chính bản chất của người nam và người nữ.

 Chống nạn bắt lao động như nô lệ

 Cũng trong chiều hướng bênh vực những người yếu thế, ĐTC lưu ý về thân phận của nhiều công nhân phải làm việc như nô lệ. Ngài nói:

 ”Sự quan tâm đến những người yếu thế nhất cũng thúc đẩy chúng ta suy tư về một tai ương khác của thời nay, đó là thân phận của các công nhân. Nếu không được bảo vệ thích đáng, lao công không còn là phương thế nhờ đó con người đạt được thành đạt và nó trở thành một hình thức nô lệ mới. Đứng trước những thách đố thời nay, thách đố đầu tiên là: sự gia tăng phát triển kỹ thuật tước bỏ nhiều công ăn việc làm và giảm bớt những bảo đảm kinh tế và xã hội cho các công nhân. Tôi cầu mong rằng Tổ chức quốc tế về lao động tiếp tục nêu gương về sự đối thoại và đồng thuận để đạt tới những mục tiêu cao quí của mình, vượt lên trên những lợi lộc phe phái. Trong sứ mạng của mình, tổ chức quốc tế này được kêu gọi, cùng với các thẩm quyền khác của cộng đồng quốc tế, đương đầu với cả tệ nạn trẻ em phải lao động và những hình thức nô lệ mới, cũng như sự dần dần giảm sút tiền lương, nhất là tại các nước phát triển, và nạn tiếp tục kỳ thị nữ giới trong các môi trường làm việc.

  1. Sứ mạng bắc cầu giữa các dân tộc

 Trong phần kế tiếp của bài diễn văn dài, ĐTC bàn đến yếu tố: sứ mạng bắc cầu giữa các dân tộc và những người xây dựng hòa bình.. Hòa bình không phải chỉ được xây dựng bằng chính trị và sự quân bình giữạ các lực lượng và các quyền lợi, nhưng còn bằng tinh thần, các ý tưởng và các hoạt động hòa bình.

 Trong bối cảnh này, ĐTC nói đến hiệp định chấm dứt chiến tranh giữa Etiopia và Eritrea ký kết trong năm qua, cũng như hiệp định giữa các vị lãnh đạo của Nam Sudan, giúp tái lập cuộc sống chung và mở lại hoạt động của các tổ chức quốc gia. Đó là dấu chỉ hy vọng cho Phi châu, nơi vẫn còn những căng thẳng trầm trọng và nạn nghèo đói lan tràn.

 ĐTC cũng đề cao những dấu chỉ tích cực từ Bán đảo Triều Tiên và nói rằng: với lòng thiện cảm, Tòa Thánh nhìn các cuộc đối thoại và cầu mong chúng có thể đương đầu với cả những vấn đề phức tạp hơn, bằng thái độ xây dựng và dẫn tới những giải pháp chung và lâu dài để bảo đảm một tương lai phát triển và cộng tác cho toàn thể dân tộc Triều Tiên và toàn vùng.

 “Tòa Thánh cũng cầu mong cuộc đối thoại giữa người Israel và Palestine có thể được mở lại, để sau cùng đạt tới một thỏa hiệp, đáp ứng những khát vọng hợp pháp của cả hai dân tộc, bảo đảm sự sống chung giữa hai nước và đạt tới một nền hòa bình từ lâu vẫn được mong đợi.”

  1. Nghĩ lại vận mệnh chung của chúng ta

 ĐTC nhắc lại lời ĐGH Phaolô 6: ”Chưa bao giờ như ngày nay, trong một thời đại với bao nhiêu tiến bộ của nhân loại, cần kêu gọi lương tâm của con người! Nguy hiểm không đến từ tiến bộ hoặc từ khoa học. [..] Nguy hiểm đích thực ở trong con người, chủ nhân của những phương tiện ngày càng mạnh mẽ, có thể gây ra những tàn phá và những chinh phục cao hơn!”.

 Chống võ khí hạt nhân

 ĐGH Phaolô 6 đã ám chỉ đến sự lan tràn các võ khí hạt nhân, và ĐTC Phanxicô nhận xét rằng ”Rất tiếc phải đau lòng mà nhận thực rằng không những thị trường võ khí dường như không bị khựng lại, nhưng càng ngày người ta càng có xu hướng võ trang, từ phía cá nhân cũng như từ phía các quốc gia. Điều đặc biệt gây lo âu là sự giải trừ võ khí hạt nhân mà bao người mong ước và một phần theo đuổi từ mấy thập năm qua, nay đang nhường chỗ cho sự nghiên cứu các võ khí mới ngày càng tối tân và có sức tàn phá nhiều hơn. Tại đây, tôi muốn tái khẳng định rằng “Chúng ta không thể không cảm thấy lo âu mạnh mẽ khi xét đến những hậu quả khủng khiếp cho con người và môi trường, xuất phát từ bất kỳ việc sử dụng võ khí hạt nhân nào. Vì thế, đứng trước nguy cơ có thể xảy ra vụ nổ tình cờ các loại võ khí ấy do một sai lầm nào đó, cần phải mạnh mẽ lên án sự đe dọa sử dụng các võ khí ấy, cũng như sự sở hữu chúng, vì nguyên sự hiện hữu các võ khí ấy là do một đường hướng tạo ra sợ hãi, không phải chỉ liên hệ tới các phe xung đột, nhưng toàn thể nhân loại. Các quan hệ quốc tế không thể bị thống trị vì võ lực quân sự, vì những dọa nạt nhau, vì sự phô trương kho võ khí của mình. Các võ khí tàn sát tập thể, đặc biệt là các võ khí nguyên tử, không tạo nên điều gì khác ngoài một cảm thức lừa đảo về an ninh và không thể tạo nên căn bản cho sự sống chung hòa bình giữa các phần tử của gia đình nhân loại, sự sống chung này phải lấy hứng từ một nền luân lý đạo đức liên đới”. (Rei 7-1-2019).

Trần Đức Anh OP

 (VaticanNews 07.01.2019)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*