Sáng Chúa nhật 31.03,2019, ĐTC đã đến nhà thờ chính tòa ở thủ đô Rabat để gặp các LM, tu sĩ, và Hội đồng Đại kết Kitô giáo ở Marốc. Ngài nhắn nhủ họ hãy trở nên men giữa lòng xã hội
Trong số các Giám muc, linh mục, tu sĩ hiện diện, có nhiều vị đến từ các nước lân cận.
Thánh đường tòa lạc ở Quảng trường Golan, trung tâm thành phố và được khởi công xây cất cách đây đúng 100 năm (1919) và hoàn thành 2 năm sau đó.
Tại nhà thờ chính tòa Rabat vào lúc quá 10 giờ rưỡi và tại cửa thánh đường, ĐTC được cha sở và 3 LM đặc trách mục vụ chào đón, rồi cùng tiến lên gian cung thánh. ĐTC quì cầu nguyện trong linh lặng trước Nhà Tạm Mình Thánh Chúa trước khi lắng nghe chứng từ ngắn của một linh mục.
Việc mục vụ xã hội là một trong những hình ảnh đầu tiên của Giáo Hội tại Maroc
Cha Germain Goussa, một linh mục cao niên, đã chào ĐTC. Cha nói:
”Kính thưa ĐTC, trước mặt ngài ở đây là các LM và tu sĩ thuộc giáo phận Rabat và Tanger. Một số vị đã ở đây từ hơn 50 năm và chỉ có 1 LM duy nhất nhập tịch thuộc giáo phận Rabat. Chúng con gồm 50 LM và 10 tu huynh đến từ mọi đại lục, trong tư cách là Fidei Donum, ”hồng ân đức tin”, hoặc thuộc nhiều dòng tu khác nhau. Năm nay là năm kỷ niệm 800 năm dòng Phanxicô hiện diện tại Maroc. Chúng con luôn được đón tiếp tại Vương quốc này… Chúng con đảm trách nhiều khía cạnh khác nhau trong việc mục vụ dưới mọi hình thức.. Chúng con chia sẻ hồng ân LM trong việc xây dựng Giáo Hội tại Maroc.. một Giáo Hội tỏa sáng và sống đức bác ái qua việc đón tiếp và qua tổ chức Carias. Việc mục vụ xã hội là một trong những hình ảnh đầu tiên của Giáo Hội tại Maroc: đón tiếp những người di dân mà ĐTC đã gặp hôm qua, viếng thăm các tù nhân, dạy học và huấn luyện trong các trường mẫu giáo, tiểu học và trung học. Chúng con cũng là một Giáo Hội đại kết với sự hiện diện của các Giáo Hội Kitô khác tại đây..
”Kính thưa ĐTC, cuộc viếng thăm của Ngài tại Maroc là một vinh dự lớn cho chúng con và khích lệ chúng con gia tăng nỗ lực gấp đôi trong sứ mạng giảng dạy và thánh hóa dân Chúa. Chúng con lập lại với ĐTC lời hứa không bao giờ lỗi ơn gọi của chúng con.”
Cộng tác với tín hữu Hồi giáo
Tiếp lời cha Goussa, nữ tu Mary Donlon, Giám tỉnh dòng Phan sinh Thừa Sai Đức Mẹ (FMM), cho biết có khoảng 175 nữ tu thuộc 20 dòng đang phục vụ tại Maroc, trong đó có 2 đan viện và hai tu hội đời.
Sơ Donlon cũng cho biết các nữ tu theo đuổi cuộc đối thoại bằng cuộc sống qua sự cộng tác tích cực với các anh chị em Hồi giáo trong việc dạy học, y tế công cộng và phục vụ những người khuyết tật, các bà mẹ độc thân và người di dân đông đảo tại Maroc này.
Chị Giám tỉnh cũng nhắc đến sự hiện diện của các nữ tu cao niên, như chị Ersilia Mantonvani, 97 tuổi, người Ý thuộc dòng Phansinh, vừa mừng 80 năm tu dòng hôm lễ thánh Giuse 19-3 vừa qua.. Nhiều nữ tu cao niên khác không thể hiện diện tại đây, nhưng các chị hiệp thông qua kinh nguyện.
Huấn từ của ĐTC
Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nhắc các LM tu sĩ về sứ vụ làm men giữa lòng xã hội bằng sự gặp gỡ, đối thoại bác ái, để làm cho Nước Chúa được hiển trị.
Nhúm men ít ỏi của các mối phúc và tình huynh đệ
Trước hết, ĐTC nhận định rằng các Kitô hữu tại Maroc là một cộng đoàn bé nhỏ, nhưng đó không phải là vấn đề, không phải là điều đáng lo lắng. Ngài so sánh họ như một nhúm men ít ỏi mà Mẹ Giáo hội muốn trộn vào một khối bột to lớn cho đến khi tất cả dậy men. ĐTC nói:
”Thật ra, Chúa Giêsu không chọn và sai chúng ta để chúng ta trở nên đông đảo! Ngài đã gọi chúng ta cho một sứ vụ. Ngài đặt chúng ta vào trong xã hội như chút men ít ỏi: men của các mối phúc và của tình yêu thương huynh đệ mà nhờ đó, tất cả các Kitô hữu chúng ta có thể tham gia vào việc làm cho Nước Chúa hiện diện”.
Khả năng kiến tạo và kích thích sự thay đổi, sự ngạc nhiên và cảm thông
Do đó, ĐTC khẳng định rằng sứ vụ của chúng ta, những người chịu phép rửa, các linh mục, tu sĩ, không được quyết định bởi con số hay những nơi chúng ta hiện diện, nhưng chính từ khả năng kiến tạo và kích thích sự thay đổi, sự ngạc nhiên và cảm thông; bởi cách thức mà chúng ta sống như các môn đệ của Chúa Giêsu. ĐTC nói: ”Những con đường truyền giáo không ngang qua việc chiêu dụ tín đồ, nhưng qua cách chúng ta ở cùng Chúa Giêsu và tha nhân. Do đó, vấn đề không phải là vì con số ít ỏi nhưng là do sự vô nghĩa, trở thành muối đã mất hương vị Tin mừng, hay như ánh sáng nhưng không còn chiếu sáng nữa (cfr Mt 5,13-15).
Kitô hữu là gặp gỡ đối thoại như Chúa Giêsu đã đến gặp gỡ chúng ta
ĐTC giải thích tiếp: ”Là Kitô hữu không phải là gắn bó với một học thuyết, hay một đền thờ hay một nhóm chủng tộc. Nhưng Kitô hữu là gặp gỡ. Chúng ta là các Kitô hữu bởi vì chúng ta được yêu thương và gặp gỡ chứ không phải là kết quả của việc chiêu dụ tín đồ. Là Kitô hữu là biết tha thứ và được mời gọi hành động theo cùng cách Thiên Chúa hành động nơi chúng ta, để “từ điều này, tất cả sẽ biết rằng các con là môn đệ Thầy: nếu các con yêu thương nhau (Ga 13,35)”.
Giáo hội không đối thoại để chiêu dụ tín đồ
Tiếp đến ĐTC nhắc rằng Giáo hội phải bước vào cuộc đối thoại, nghĩa là không dựa vào một khuôn mẫu, cũng không theo chiến dịch để tăng số tín đồ. Giáo hội đối thoại là vì trung thành với Chúa Giêsu, Đấng ngay từ đầu, được thúc đẩy bởi tình yêu, đã muốn bước vào cuộc đối thoại như một người bạn và mời gọi chúng ta tham gia vào tình bạn của người. Ngay từ khi chịu phép rửa tội, chúng ta đã tham dự vào cuộc đối thoại cứu độ và bằng hữu và được ơn ích từ cuộc đối thoại này.
Đối thoại với sự hiền lành và khiêm nhường
Người Kitô hữu ở miền đất này, học trở thành bí tích sống động của cuộc đối thoại, cuộc đối thoại theo gương Chúa Giêsu, với thái độ hiền lành và khiêm nhường trong lòng (x. Mt 11,29), với tình yêu mạnh mẽ và vô vị lợi, không tính toán và không giới hạn, trong sự tôn trọng tự do của con người. ĐTC nhắc đến gương mẫu của thánh Phanxicô Assisi, chân phước Charles de Foucault.
Cầu nguyện cho người dân được ủy thác cho chúng ta
Những người thánh hiến được mời gọi sống cuộc đối thoại cứu độ này đặc biệt như lời khẩn cầu cho dân tộc được ủy thác cho chúng ta. Trong lời nguyện của mình, người thánh hiến, vị linh mục đưa đến bàn thờ, cuộc sống của các anh chị em. Cuộc đối thoại này phải trở thành lời cầu nguyện mà chúng ta có thể thực hành cách cụ thể mỗi ngày nhân danh tình huynh đệ của con người, tình huynh đệ bao gồm tất cả mọi người, liên kết họ và làm cho họ trở nên bình đẳng. Lời cầu nguyện không phân biệt, không chia rẽ và không loại trừ. Lời cầu nguyện không với bạo lực, không thù oán, không có sự trổi vượt sắc tộc, tôn giáo, kinh tế nhưng với sức mạnh cảm thông được tưới xuống từ Thánh giá cho mọi người. Đây là kinh nghiệm mà phần đông anh chị em đã sống.
Đại kết của lòng bác ái
ĐTC cũng khuyến khích các Kitô hữu làm cho sự hiện diện và tình yêu Chúa Kitô được tỏ hiện. Ngài nói: ”Hãy tiếp tục trở nên gần gũi với những người bị bỏ lại đàng sau, những người bé nhỏ nghèo khổ, các tù nhân và những người di dân”. ĐTC cầu chúc cho lòng bác ái của họ luôn sống động và là con đường hiệp thông giữa các Kitô hữu thuộc mọi hệ phái hiện diện tại Maroc. Ngài gọi đó là đại kết của lòng bác ái.
Chứng tá của lịch sử; dấu chỉ của tình huynh đệ
Cuối cùng, ĐTC cám ơn sự hiện diện và sứ vụ của họ tại Maroc, cám ơn sự phục vụ khiêm nhường và âm thầm của họ. ĐTC nói rằng họ là chứng tá của một lịch sử vinh quang với những hy sinh, hy vọng, chiến đấu hàng ngày, cuộc sống hao mòn trong phục vụ, nhưng họ cũng có một lịch sử vĩ đại cần xây dựng. ĐTC mời gọi họ hãy tiếp tục là dấu chỉ của tình huynh đệ mà Thiên Chúa gọi mời chúng ta.
ĐTC mời gọi mọi người đặt mình dưới sự che chở của Đức Trinh Nữ Maria qua lời Kinh Truyền Tin và ban phép lành cho mọi người:
SIT NOMEN DOMINI
Cuối buổi gặp gỡ và đọc kinh, ĐTC đã chào thăm 3 vị lãnh đạo của Hội đồng các Giáo Hội Kitô Maroc, qui tụ 5 Giáo Hội tại đây gồm Công Giáo, Anh giáo, Tin Lành, Chính Thống Hy lạp và Chính Thống Nga. Hội đồng được thành lập sau khi Maroc được độc lập hồi năm 1956 để thăng tiến đối thoại đại kết và sự cộng tác giữa các cộng đoàn Kitô tại nước này.
Giã từ nhà thờ chính tòa thánh Phêrô, lúc quá 11 giờ rưỡi, ĐTC đã về tòa Sứ Thần, để dùng bữa trưa với các GM Maroc và một số vị trong đoàn tùy tùng của ngài.
Hồng Thủy
(vaticannews 31.03.2019)
Để lại một phản hồi