Thứ nhất là hình Lòng Thương Xót Chúa.
Mẫu của tấm hình này đã do chính Chúa Giêsu cho chị Faustina thấy trong thị kiến ngày 22 tháng 2 năm 1931 trong phòng của tu viện tại Plock. Chị ghi lại trong nhật ký như sau: “Ban chiều khi đang ở trong phòng của mình, tôi trông thấy Chúa Giêsu mặc chiếc áo trắng: một tay giơ lên để chúc lành, trong khi tay kia chạm vào áo trên ngực, từ đó nhích ra bên cạnh để cho hai luồng sáng lớn phát ra, một đỏ, một nhạt… Sau một chút Chúa Giêsu nói với tôi: “Con hãy vẽ một hình giống mẫu con trông thấy, bên dưới viết: “Giêsu, con tín thác nơi Chúa!” (Nhật ký r. 74). “Cha muốn tấm hình này được làm phép một cách trọng thể vào ngày Chúa Nhật thứ nhất sau lễ Phục Sinh, Chúa Nhật này phải là lễ của Lòng Thương Xót” (Nhật ký, tr. 75).
Ý nghĩa tấm hình này gắn liền một cách mật thiết với phụng vụ của ngày Chúa Nhật đó. Trong ngày này Giáo Hội đọc Phúc Âm theo thánh Gioan miêu tả biến cố Chúa Giêsu phục sinh hiện ra trong Nhà Tiệc Ly và việc thành lập bí tích sám hối (Ga 20,19-29) Như thế, bức hình diễn tả Chúa Cứu Thế phục sinh đem đến cho cọn người niềm an bình với việc tha thứ các tội lỗi, với giá trả là cuộc Khổ Nạn và cái chết của Người trên thập giá. Các tia sáng của máu và nước vọt ra từ trái tim Chúa Giêsu bị lưỡi đòng đâm thâu và các vết sẹo của các thương tích của việc đóng đanh đưa chúng ta trở về với các biến cổ của ngày Thư Sáu Tuần Thánh (Ga 19,17-18.33-37). Hình Chúa Giêsu Thương Xót quy tụ trong nó cả hai trình thuật nói lên tình yêu của Thiên Chúa đối với con người.
Trong hình của Chúa Kitô có hai tia ánh sáng. Thánh nữ Faustina hỏi Chúa Giêsu ý nghĩa của hai tia ánh sáng này và Ngài giải thích chúng như sau: “Tia sáng lạt diễn tả Nước khiến cho các linh hồn nên công chính; tia sáng đỏ diễn tả Máu là sự sống của các linh hồn. Phúc cho người sống dưới bóng chúng” (Nhật ký, tr.235). Linh hồn được thanh tẩy bởi bí tích rửa tội và bí tích sám hối, trong khi lương thực tốt nhất cho nó là bí tích Thánh Thể. Như vậy, hai tia sáng này biểu tượng cho các bí tích thánh và tất cả mọi ân sủng của Chúa Thánh Thần, có biểu tượng kinh thánh là nước, và cả giao ước mới của Thiên Chúa với con người được ký kết bằng máu Chúa Kitô.
Hình của Chúa Giêsu Thương Xót thường được gọi là hình Lòng Chúa Thương Xót, bởi vì trong mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô tình yêu của Thiên Chúa đối với con người được vén mở một cách rõ ràng hơn. Bức hình không chỉ diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa, mà con nhắc cho kitô hữu nhớ tới bổn phận phải tin cậy đối với Thiên Chúa và sống lòng bác ái tích cực đối với tha nhân. Trong phần dưới của bức hình – do ý muốn của Chúa Kitô – có viết các lời: “Giêsu, con tín thác nơi Chúa”. Ngoài ra Chúa Giêsu còn nói: “Bức hình này phải nhắc nhớ các đòi buộc của Lòng Thương Xót của Cha, bởi vì cả lòng tin mạnh mẽ nhất cũng không ích lợi gì, nếu không có các việc làm” (Nhật ký, tr. 457).
Chúa Giêsu đã đưa ra các lời hứa lớn lao cho những ai tôn kính ảnh Chúa Giêsu Thương Xót: ơn cứu rỗi đời đời, các tiến bộ trên con đường hướng tới sự trọn lành kitô, ơn có một cái chết hạnh phúc và các ơn khác nữa, nếu con người xin chúng với lòng tin tưởng. “Qua bức hình này Cha sẽ ban nhiều ơn cho các linh hồn, vì thế mỗi linh hồn phải có thể đến với nó” (Nhật Ký, tr. 379).
Thứ hai là lễ kính Lòng Thương Xót.
Nó chiếm chỗ quan trọng nhất trong tất cả mọi hình thái tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa đã được vén mở cho thánh nữ Faustina. Lần đầu tiên Chúa Giêsu đã nói với thánh nữ về việc thành lập lễ này là tại Plock vào năm 1931, khi Ngài truyền cho thánh nữ ý muốn của Ngài liên quan tới bức hình: “ Cha ước ao rằng bức hình mà con sẽ vẽ bằng bút, được làm phép cách long trọng trong ngày Chúa Nhật thứ nhất sau lễ Phục Sinh; Chúa Nhật này phải là lễ của Lòng Thương Xót” (Nhật ký, tr. 75).
Việc chọn ngày Chúa Nhật thứ nhất sau lễ Phục Sinh làm ngày lễ lòng thương xót có một ý nghĩa thần học sâu xa, cho thấy mối dây liên lạc mạnh mẽ giữa mầu nhiệm phục sinh của việc Cứu Chuộc và mầu nhiệm Lòng Thương Xót Chúa. Mối dây này được nhấn mạnh về sau bởi Tuần Cửu Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót, trước ngày lễ và bắt đầu vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, trong đó tín hữu lần hạt kính Lòng Thương Xót.
Ngày lễ không phải chỉ là một ngày đặc biệt tôn thờ Thiên Chúa trong mầu nhiệm lòng thương xót, nhưng còn là thời gian ơn thánh cho tất cả mọi người. Chúa Giêsu đã nói: “Cha ước mong rằng lễ Lòng Thương Xót là sự bảo vệ và ẩn náu cho tất cả mọi linh hồn, và cách đặc biệt cho các kẻ tội lỗi đáng thương” (Nhật ký, tr. 440). “Các linh hồn hư đi mặc dù Cuộc Khổ Nạn đau thương của Cha. Cha ban cho chúng lần cứu rỗi cuối cùng, nghĩa là lễ Lòng Thương Xót của Cha. Nếu chúng không tôn thờ Lòng Thương Xót của Cha, chúng sẽ chết đời đời” (Nhật ký, tr. 561).
Tầm quan trọng của ngày lễ này được đo lường với các lời hứa ngoại thường mà Chúa Giêsu đã cột buộc vào nó. Chúa Giêsu đã nói: “Trong ngày đó, ai đến gần suối nguồn sự sống, người đó sẽ được tha hết mọi tội và hình phạt” (Nhạt ký, tr. 235). “Trong ngày đó ruột Lòng Thương Xót của Cha sẽ mở ra, Cha sẽ tuôn đổ cả một biển ơn thánh trên các linh hồn đến gần suối nguồn Lòng Thương Xót của Cha… Đừng có linh hồn nào sợ hãi đến gần Cha, cả khi tội lỗi của nó có đỏ như son đi nữa” (Nhạt ký, tr. 441).
Để được các ơn lớn lao này cần phải chu toàn các điều kiện của việc tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa (tin tưởng nơi lòng nhân lành của Thiên Chúa và sống bác aí tích cực với tha nhân), ở trong tình trạng ơn thánh (sau khi xưng tội) và rước lễ một cách xứng đáng. “Không có một linh hồn nào sẽ tìm được sự công chính hoá cho tới khi nào hướng tới Lòng Thương Xót Cha với sự tin tưởng, và vì thế ngày Chúa Nhật đầu tiên sau lễ Phục Sinh phải là lễ Lòng Thương Xót, và các linh mục trong ngày đó phải nói với các linh hồn về Lòng Thương Xót vĩ đại và khôn dò của Cha” (Nhật ký, tr. 378).
Thứ ba là Chuỗi nhỏ Lòng Thương Xót Chúa.
Nó đã được Chúa Giêsu đọc cho thánh nữ Faustina ghi lại tại Vilnius ngày 13-14 tháng 9 năm 1935 như là lời cầu nguyện giúp nguôi cơn giận của Thiên Chúa (Nhật ký tr. 327-329). Ai đọc chuỗi nhỏ này thì dâng lên Thiên Chúa Cha “Thân xác, Máu, Linh Hồn và Thiên Tính” của Chúa Giêsu Kitô để khẩn nài lòng thương xót cho các tội riêng, cho các tội của tha nhân và của toàn thế giới, đồng thời trong khi kết hiệp với hiến lễ của Chúa Giêsu cũng hướng tới tình yêu mà Thiên Chúa Cha trên trời ban cho Chúa Con, và trong Người ban cho tất cả mọi người.
Với lời cầu này người ta cũng xin “lòng thương xót cho chúng ta và cho toàn thế giới”,và như thế người ta chu toàn một cử chỉ của lòng thương xót. Với sự tin tưởng hoàn toàn nơi Thiên Chúa và việc gắn bó với ý muốn của Ngài, tín hữu có thể chờ đợi việc thành toàn các lời hứa của Chúa Kitô, cách riêng các lời hứa liên quan tới giờ chết: ơn hoán cải và một cái chết thanh thản. Không chỉ những ai lần hạt kính Lòng Thương Xót sẽ nhận được các ơn đó, nhưng cả người hấp hối mà người ta lần hạt kính Lòng Thương Xót bên cạnh họ nữa. Chúa Giêsu đã nói: “Khi chuỗi Lòng Thương Xót được lần bên cạnh người hấp hối, cơn giận của Thiên Chúa được nguôi ngoai, và Lòng Thương Xót khôn dò bao bọc linh hồn” (Nhật ký, tr. 487). Lời hứa tổng quát nói rằng: “Vì việc lần hạt này Cha thích ban cho tất cả những gì họ sẽ xin Cha” (Nhật ký, tr. 806). “Với chuỗi lòng thương xót con sẽ được mọi sự, nếu điều con xin phù hợp với Ý muốn của Cha” (Nhật ký, tr. 897). Thật thế, tất cả những gì trái nghịch với ý muốn của Thiên Chúa thì không phải là một thiện ích cho con người, và cách riêng cho hạnh phúc vĩnh cửu của nó.
Trong một lúc khác Chúa Giêsu nói: “Với việc lần chuỗi lòng thương xót còn đưa nhân loại tới gần Cha” (Nhật ký, tr. 543). “Lòng Thương Xót của Cha sẽ bao bọc trong khi sống và đặc biệt trong giờ chết các linh hồn sẽ lần chuỗi hạt này” (Nhật ký tr. 463).
Thứ tư là giờ của Lòng Thương Xót.
Vào tháng 10 năm 1937 tại Cracovia Chúa Giêsu đã nói với thánh nữ Faustina tôn kính giờ chết của Chúa. “Mỗi khi con nghe đồng hồ điểm ba giờ, hãy nhớ dìm toàn thân mình con trong Lòng Thương Xót của Cha, bằng cách thờ lậy nó và chúc tụng nó; hãy khẩn nài quyền năng của nó cho toàn thế giới và đặc biệt cho các kẻ tội lỗi đáng thương, bởi vì chính trong giờ đó Lòng Thương Xót được mở toang ra cho mọi tâm hồn” (Nhật ký, tr. 820).
Rồi Chúa nói thêm: “Con gái của Cha, trong giờ đó hãy đi Đàng Thánh Giá, nếu các bổn phận không cho phép con, và nếu con không đi Đàng Thánh Giá được, thì ít nhất hãy vào nhà nguyện một lúc và tôn kính Trái Tim Cha trong Bí Tích Cực Thánh tràn đầy Lòng Thương Xót. Và nếu con không thể đến nhà nguyện, thì hãy cầm trí cầu nguyện ít nhất trong một lúc ngắn tại nơi con đang ở” (Nhật ký, tr. 820)
Giáo sư thần học gia Rozycki chỉ ra các điều kiện để lời cầu nguyện nói lên trong lúc đó được lắng nghe: nó phải hướng về Chúa Giêsu và được đọc vào lúc 3 giờ chiều, phải quy chiếu các giá trị và công nghiệp Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô. Chúa Giêsu đã hứa: “Trong giờ đó con sẽ được tất cả cho con và cho các người khác, trong giờ đó ơn thánh được ban cho toàn thế giới, Lòng Thương Xót chiến thắng công lý” (Nhật ký tr. 820).
Thứ năm là phổ biến việc tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa.
Theo giáo sư thần học gia Rozycki lời Chúa Giêsu hứa cũng liên quan tới việc phổ biến lòng tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa. “Các linh hồn phổ biến việc tôn sùng Lòng Thương Xót của Cha, Cha che chở họ suốt đời, như một bà mẹ dịu dàng che chở đứa con thơ còn đang bú sữa, và trong giờ chết Cha sẽ không là một thẩm phán đối với chúng, nhưng là Đấng Cứu Độ xót thương” (Nhật ký tr. 604).
Nòng cốt của việc tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa hệ tại thái độ của tín hữu kitô tin tưởng nơi Thiên Chúa và sống bác ái tích cực đối với tha nhân. Chúa Giêsu đòi hỏi lòng tin tưởng của các thụ tạo (x, Nhật ký tr. 597) và các việc bác ái, bằng hành động, lời nói và lời cầu nguyện. “Con phải cho thấy lòng thương xót đối với tha nhân luôn luôn và ở khắp mọi nơi: con không thể miễn cho mình điều này, cũng không được khước từ hay biện minh cho mình” (Nhật ký, tr. 457). Chúa Kitô muốn rằng các người tôn kính Ngài mỗi ngày phải chu toàn ít nhất là một hành động bác ái đối với người khác.
Việc phổ biến lòng tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa không nhất thiết đòi hỏi nhiều lời nói, nhưng đòi buộc phải có đức tin, lòng tin tưởng nơi Thiên Chúa và lòng thương xót ngày càng lớn hơn. Trong cuộc sống của mình thánh nữ Faustina đã làm gương cho việc tông đồ này.
Việc tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa đưa đến chỗ canh tân cuộc sống tu trì trong Giáo Hội, trong tinh thần của sự tin tưởng kitô và lòng thương xót. Dưới khía cạnh này chúng ta gặp thấy trong các trang nhật ký tử tưởng của thánh Faustina về một “dòng tu mới”, đó cũng là ước muốn chính Chúa Giêsu đã tỏ cho chị biết. Tư tưởng này đã có một tiến triển chắc chắn: từ một dòng chiêm niệm trở thành một phong trào được làm thành bởi các dòng hoạt động cũng như bởi giáo dân. Cộng đoàn lớn này vượt qua các quốc tịch là một gia đình được cột buộc bởi Thiên Chúa trong mầu nhiệm Lòng Thương Xót của Ngài, và hiệp nhất bởi ước muốn suy niệm đặc tính này của Chúa trong con tim, bằng cách biểu lộ nó ra trong các hành động riêng làm vinh danh Chúa trong mọi linh hồn. Đó là một cộng đoàn bao gồm nhiều người, trong các cách thức khác nhau tùy theo điều kiện và ơn gọi của mình (linh mục, tu sĩ hay giáo dân sống giữa đời), sống lý tưởng tin mừng của lòng tin tưởng và thương xót, loan báo mầu nhiệm khôn tả Lòng Thương Xót Chúa với chính cuộc sống của mình và bằng lời nói, và khẩn nài Lòng Thương Xót của Thiên Chúa cho toàn thế giới.
Sứ mệnh của thánh nữ Faustina tìm ra một nguồn gợi hứng trong Thánh Kinh, và phản ánh trong các tài liệu của Giáo Hội, nhất là trong Thông điệp Dives in misercordia Thiên Chúa giàu lòng xót thương của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.
(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 25.12.2015)
Để lại một phản hồi