Không chỉ Nhà Thờ Đức Bà Paris, mà những công trình kiến trúc khác được xây dựng theo phong cách kiến trúc Gothic đều là những tuyệt phẩm nghệ thuật của nhân loại.
Nhà thờ chính tòa Florence, Ý
Nhà thờ Santa Maria del Fiore hay còn gọi là nhà thờ chính tòa nằm ở trung tâm thành phố Florence, Italy. Với thiết kế mái vòm tráng lệ, nguy nga, Santa Maria del Fiore được xem là thành tựu kiến trúc nổi bật nhất của thời kỳ Phục hưng.
Nhà thờ được khởi công xây dựng năm 1296 và hoàn thành vào năm 1436. Với đường kính mái vòm 149 feet (tương đương 45,5m), đây được xem là công trình có mái vòm lớn nhất trên thế giới. Bên trong mái vòm, các khung cửa sổ và những tác phẩm nghệ thuật được vẽ bởi những họa sỹ nổi tiếng thời bấy giờ như họa sỹ Donatello, Lorenzo Ghiberti, Paolo Uccello và Andrea del Castagno.
Nhà thờ Westminster, Luân Đôn, Anh
Được xây dựng từ năm 1042, nhà thờ Westminter Abbey không phải là nhà thờ lớn nhất nước Anh nhưng lại là nơi mang lại giá trị tinh thần lớn lao cho người dân ở đất nước này.
Nằm tọa lạc trước mặt tòa nhà nghị viện Vương quốc Anh, giữa tháp Big Ben Tower và Victoria Tower, là một thánh đường có hai tháp chuông nhà thờ cao, hình thù khối chữ nhật như kiến trúc của nhà thờ Đức Bà Paris. Khác với các thánh đường khác, nhà thờ được gọi là “Abbey” trong tiếng Anh thay vì “Church,” “Cathedral,” hay “Bacillica”.
Trải qua nhiều thế kỷ, nhà thờ là nơi diễn ra những sự kiện lớn cho giới thượng lưu Anh. Nó cũng là nơi diễn ra lễ an táng cho rất nhiều quân chủ Anh như Vua Henry III.
Nhà thờ Canterbury, Anh
Cách thủ đô Luân Đôn 90km về phía đông nam, là một điểm đến nổi tiếng nổi tiếng ở hạt Kent, miền Nam nước Anh, nhà thờ chính tòa Canterbury bắt đầu từ năm 597 khi Thánh Augustine, tổng giám mục đầu tiên của Canterbury đến Kent để truyền giáo theo sứ mệnh được giáo hội Công giáo La mã tại Rome giao phó.
Đây cũng là nơi diễn ra vụ án nổi tiếng nhất nước Anh: vụ giết hại Tổng giám mục Thomas Becket năm 1170, thời vua Henry đệ Nhị. Do xung đột với vua về quyền lợi của giáo hội, Tổng Giám mục Canterbury Thomas Becket bị 4 hiệp sĩ ám sát. Sau khi chết, ông được phong thánh và được cả Giáo hội Công giáo lẫn cộng đồng Anh giáo coi là một vị thánh tử vì đạo.
Ngày nay, nhà thờ là điểm đến tâm linh nổi tiếng không những vì bề dày lịch sử, lối kiến trúc gothic đặc trưng mà còn là những câu chuyện lịch sử hấp dẫn, li kỳ diễn ra ở đây.
Nhà thờ Đức Bà Amiens, Pháp
Bên cạnh nhà thờ Đức Bà Paris, nhà thờ Đức Bà Amiens cũng là một thánh đường nổi tiếng ở Pháp. Nó được xây dựng vào năm 1220, chính thức hoàn thành vào năm 1528 với thiết kế gồm 3 tòa điện.
Ngoài việc xây dựng theo phong cách gothic mái nhọn, kiến trúc nhà thờ còn gây ấn tượng ở các hành lang của nhà thờ. Tại đây, các bức tượng được khắc họa công phu theo thể hiện các câu chuyện trong Kinh Thánh.
Là một công trình kiến trúc lớn với mái vòm cao 42,30 mét, tổng diện tích mặt sàn gần 7.700 mét vuông, nhà thờ là điểm đến thu hút nhiều khách du lịch khi đến Pháp.
Nhà thờ Cologne, Đức
Được biết đến là nhà thờ tháp đôi cao nhất thế giới với chiều cao 157 mét tương đương với tòa nhà 40 tầng, nơi đây đón trung bình 20.000 khách mỗi ngày.
Nhà thờ được xem là linh hồn của nước Đức này còn nổi tiếng với khán thờ bằng vàng lớn nhất châu Âu, được trang trí bởi 1.000 viên đá quý. Khởi công năm 1248, sau đó phải tạm ngưng vì không đủ kinh phí. Mãi đến năm 1842, nhà thờ được hoàn thành với sự đóng góp từ người dân.
Trong hành trình du lịch đến đất nước Châu Âu xinh đẹp này, nếu bỏ qua tham quan nhà thờ là một điều thiếu sót lớn.
Nhà thờ Milan, Ý
Milan là nhà thờ nguy nga, lớn nhất nước Ý và thứ 4 châu Âu, được xây dựng từ năm 1386, có diện tích 12.000 mét vuông, dài 157 mét, rộng 93 mét, có sức chứa đến 40.000 người.
Ngoài đường nét tinh tế trong kiến trúc, nhà thờ Milan thu hút khách du lịch bởi vô số những bức tượng được điêu khắc tinh tế trang trí bên ngoài nhà thờ. Bên ngoài công trình có tất cả 135 chóp kim nhọn và 3.400 tượng xung quanh, 96 tượng đầu thú khổng lồ; trong đó chóp Madonnina được xây dựng năm 1762, có chiều cao 108,5m, do Francesco Croce thiết kế.
Theo Khánh Hoàng
Vietnamnet
Để lại một phản hồi