Niềm vui ngày mùa
Cuộc đời thánh Phêrô Khanh gợi lên cho chúng ta một mùa gặt phong phú. Một người đổ mồ hôi gieo giống trên nương đồng, đến ngày thu hoạch thì vui ca, tay ôm bó lúa chín vàng lựng hương (Tv 125). Vì giữa những ngày bị bách hại đen tối, khi chủng viện chính thức bị giải tán, cha Khanh là người đã đào tạo được 40 chủng sinh, trong số đó thành đạt tám linh mục.
Dắt dìu nhau mà đi.
Phêrô Khanh sinh khoảng năm 1780 tại làng Nguyên Kiệt, xã Hoa Duệ, tỉnh Nghệ An. Ngay từ nhỏ, cha mẹ đã dởi cậu vào trong nhà xứ để được đào tạo thành thầy giảng. vì thiệt thành với giáo hội và thấy rõ nhu cầu dân Chúa, thầy Khanh xin phép và được bề trên chấp nhận cho học thêm để trở thành linh mục. Nếu ngày xưa thánh Ignatiô đã ngoài 30 tuổi còn cắp sách đến trường thì thầy Khanh năm 25 tuổi mới bắt đầu vật lộn với những mầu chia danh từ Latinh đầu tiên. Suốt 14 năm liền, thầy kiên trì tự học, tìm các linh mục để hỏi thêm và cuối cùng thầy được toại nguyện. Năm 1819, khi đã 39 tuổi, thầy thụ phong linh mục.
Như một nhà thám hiểm leo núi, khi đã tới đỉnh núi, nhìn thấy cả một bầu trời rộng lớn bao la thì muốn mời gọi nhiều người cùng lên cao với mình. Cha Khanh sau khi đã lãnh sứ vụ linh mục, nhìn thấy rõ hơn cánh đồng Việt Nam bát ngát còn thiếu thợ gặt, biết bao tín hữu cần người săn sóc rao giảng Tin Mừng cứu độ. Cha thấy rõ số thừa sai và linh mục bạn nằm xuống trong cuộc bách hại, việc truyền giáo cần những bàn tay kế thừa và phát triển. do đó, tuy bận rộn với việc mục vụ, cha đầu tư mọi khả năng của mình đào tạo linh mục tương lai.
Theo sự điều động của giáo phận, cha phục vụ tại nhiều nơi: họ Trai Lẻ, họ Quỳnh Lưu, rồi sau đến các xứ Thọ Kỳ, Thọ Ninh, Long Trương, Ngân Sáu. Nhưng bất cứ ở nhiệm sở nào, bất cứ lúc nào, nhà cha cũng là một tiểu chủng viện thu hẹp. Cha nuôi một số thiếu niên nam, dạy giáo lý, hướng dẫn và gợi lên trong các em nhiệt tâm tông đồ. Với tình yêu của người cha, với sự thận trọng tinh tế của một nghệ sĩ, cha chú tâm vào việc đào tạo những nhà lãnh đạo tương lai trong Giáo hội.
Bên cạnh những bài học và lời giáo huấn, chính đời sống cha là một gương sống động cho họ, khi cha dâng lễ, mọi người như gặp gỡ được Thiên Chúa. Khi cha giảng, mọi người đều thấy sốt sắng thêm lên. Không bao giờ cha ngại ngùng với bất cứ điều gì. vì ích lợi các linh hồn, cha vui vẻ chu toàn các công tác không một lời ta thán. Giữa đêm khuya, nếu có ai gọi đi giúp bệnh nhân, sẽ thấy cha nhanh nhẹn thế nào.
Trong một giai đoạn lịch sử khó khăn, việc đào tạo phải thực hiện cách lén lút và riêng tư từng người một thì con số 40 chủng sinh, tám linh mục, quả là con số đáng kể với 22 năm linh mục của cha, quả là bó lúa vàng nặng trũi hạt mà cha đóng góp được cho Giáo hội Việt Nam.
Năm 1841, vua Minh Mạng băng hà, tình hình Giáo hội có vẻ tự do hơn, cha Khanh càng an tâm và hăng say với sự vụ tông đồ hơn trước. Nào ngờ cuối tháng 1.1842, khi tháp tùng cha Masson, phụ tá giám quản đi công tác ở Hà Tĩnh, cha bị quân lính chận lại khám xét và bắt giam.
Không chỉ là thầy lang.
Mới vào tù được ít bữa, cha đã được mọi người kể cả lính canh ngục quí mến vì tính vui vẻ và hòa nhã. Uy tín của cha gia tăng nhờ tài năng y sỹ, nhất là sau một lần chữa bệnh nổi tiếng. Viên cai ngục ở Hã Tĩnh có một cô tình nhân đang mang thai lại mắc bệnh, cô đã chạy nhiều thầy thuốc nhưng vẫn chưa khỏi. Nghe lời đồn đãi, ông cai đến nhờ cha Khanh chữa trị, và đích thân đưa cha đến phòng bệnh nhân.
Sau khi chẩn bệnh, cha kê cho ông một toa thuốc nam gồm năm loại dược thảo để sắc lên cho bệnh nhân uống. Sáng hôm sau, một gia nhân của ông cai đến lạy cha ba lạy để báo tin bệnh đã thuyên giảm. Cha hỏi lại bệnh đã giảm thật chưa, rồi cho thêm một ngày nữa, đến ngày thứ ba bệnh khỏi hẳn. Từ đó, khắp miền Hà Tĩnh đều biết tiếng và ca tụng người tù nhân là thầy thuốc “mát tay”. Nhưng điều cha vui mừng thực sự không phải vì tiếng đồn cho bằng việc có nhiều người đến xin học đạo, trong đó có song thân của quan án. Ngay cả cô gái đã được cha chữa trị, sau khi sanh con trai, cũng đến xin cha rửa tội cho mình và con.
Vì mến phục vị chứng nhân đức tin, các quan tỉnh tìm cách cứu cha khỏi chết. Các ông đề nghị cha giấu chức vụ linh mục, trước sau cứ khai nghề thầy lang thì họ tìm cách xin ân xá. Nhưng cha Khanh không chấp nhận đề nghị phải nói dối ấy. Thế là bản án của cha được gởi về Huế để vua Thiệu Trị ký duyệt. Ngày 11.7.1842, bản án được gởi lại Hà Tỉnh kết án cha là “một kẻ điên rồ”, mù quáng và dốt nát đáng chém đầu.
Ngay sáng hôm sau, bản án được thi hành, chấm dứt năm tháng rưỡi ngục tù và 62 năm sống trên dương thế của vị chứng nhân đức tin. Thi thể vị tử đạo được đưa về Kẻ Gòn, cha Masson cử hành tang lễ cách trọng thể với sự tham dự đông đảo của các tín hữu.
Ngày 02.5.1909, Đức Giáo hoàng Piô X suy tôn cha Phêrô Khanh lên bậc chân phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.
Lm. Đào Trung Hiệu, OP
Để lại một phản hồi