Trong những năm gần đây, tại nhiều nơi, phá thai đã trở thành chuyện thường tình và hợp pháp, hoặc ít là mặc nhiên. Vì thế Giáo luật thấy cần phải dự liệu hình phạt cho tội phạm này.
Ảnh minh họa: Illustration by Vicky Leta / Mashable
- KHÁI NIỆMTrong những năm gần đây, tại nhiều nơi, phá thai đã trở thành chuyện thường tình và hợp pháp, hoặc ít là mặc nhiên. Vì thế Giáo luật thấy cần phải dự liệu hình phạt cho tội phạm này.
Học lý đã tranh luận rất nhiều về việc xác định khái niệm của việc phá thai, nó khác với việc giết thai nhi như thế nào? Phải chăng phá thai là giết thai nhi trong bụng mẹ? Phải chăng là tống thai còn sống ra khỏi bụng mẹ khi nó chưa đủ ngày đủ tháng với mục đích loại bỏ? Trước những vấn nạn đó, ngày 19.01.1988, Hội Đồng Giải Thích Giáo Luật đã trả lời như sau: “Sự phá thai bao gồm cả việc trục thai non ra khỏi lòng mẹ, cũng như thiêu huỷ thai non còn ở trong bụng mẹ, bất kỳ thời gian thụ thai là bao lâu” (x. AAS 80, 1988, tr.1818). Các học giả gần đây cho rằng phôi thai đã có linh hồn ngay từ khi thụ thai và cần phải nói thêm, theo học lý, nếu giết thai nhi đã quá 180 ngày thì không còn là “phá thai” mà là “sát nhi”.
Chủ thể của tội phạm nàylà chính người mẹ đi phá thai; những người thực hiện phá thai là y, bác sỹ, dược sỹ bán thuốc phá thai; những người khuyến khích xúi giục việc phá thai và những người đồng loã; cha mẹ, anh chị em, bạn bè đã tham gia tích cực vào công việc phá thai.
II. HÌNH PHẠT VỀ VẤN ĐỀ PHÁ THAI
Công đồng Vativcan II đã khẳng định phá thai là tội ác ghê tởm chống lại sự sống: “Sự sống ngay từ lúc thụ thai phải được giữ gìn hết sức cẩn thận: phá thai và giết trẻ sơ sinh là những tội ác ghê tởm” (x. GS 51).
Giáo huấn luân lý Kitô giáo luôn luôn coi phá thai là một trọng tội: “Ngay từ thế kỷ thứ nhất, Hội Thánh đã khẳng định mọi vụ phá thai đều là tội ác luân lý. Giáo huấn đó không thay đổi. Giáo huấn đó vẫn luôn luôn không thể thay đổi. Việc phá thai trực tiếp, nghĩa là, hoặc được muốn như mục đích hoặc được muốn như phương tiện, đều trái ngược một cách nghiêm trọng với luật luân lý” (x. GLHTCG số 2271).
Theo Giáo luật hiện hành, Hội Thánh phạt vạ tuyệt thông cho những ai đã phá thai thành công: “Người nào thi hành việc phá thai và nếu việc phá thai có hiệu quả, thì bị vạ tuyệt thông tiền kết” (đ.1398).
1.Tội phạm và hình phạt cho tội phá thai có hiệu quả: vạ tuyệt thông tiền kết không dành cho Toà Thánh
Khi một người thực hiện phá thai, thì có 2 trường hợp xảy ra: Phá thai thất bại và phá thai có hiệu quả.
a, Phá thai thất bại: Nếu chỉ có ý định phá thai mà không thi hành hoặc phá thai mà không có hiệu quả thì tội phạm phá thai chưa hoàn thành. Do đó người có ý định phá thai vẫn phạm tội mà không bị mắc vạ. Nếu họ ăn năn tội, thì cha giải tội phải giải tội cho họ.
b, Phá thai có hiệu quả: Khi phá thai có hiệu quả thì cũng có 2 trường hợp:
* Hiệu quả ngoài ý muốn: Nếu phá thai là hiệu quả ngẫu nhiên ngoài ý muốn (hành động song hiệu), nghĩa là trongkhi chữa bệnh để chữa hay cứu người mẹ mà buộc phải thực hiện việc phá thai, tội phạm phá thai khi ấy được coi là không hoàn thành, người phá thai cũng chỉ phạm tội phá thai mà thôi chứ không bị vạ. Vì thế, khi họ ăn năn sám hối thì cha giải tội phải giải cho họ
* Hiệu quả như ý:Nếu người phá thai tìm đủ mọi phương thế để thực hiện việc phá thai, phá thai với bất cứ giá nào và đã thành công trong việc phá thai; như vậy, tội phá thai đã hoàn thành.
Khi tội phá thai đã hoàn thành, cần phải phân tích xem phạm nhân ở trong hoàn cảnh nào. Giáo Luật dự kiến 3 hoàn cảnh như sau:
– Hoàn cảnh miễn hình phạt (đ.1323,1*)
Nếu người phá thai chưa đủ 16 tuổi trọn (theo cách tính của Giáo Luật), thì họ được miễn hình phạt, tức là họ không bị vạ tuyệt thông tiền kết không dành cho Toà Thánh. Như vậy, họ chỉ phạm tội phá thai mà thôi. Nếu họ ăn năn sám hối, cha giải tội phải giải tội cho họ.
– Hoàn cảnh giảm khinh (đ.1324, #1, 4*)
Nếu người phá thai đã trên 16 tuổi; nhưng chưa được 18 tuổi trọn (theo cách tính của Giáo Luật), thì hình phạt dành cho họ được giảm nhẹ, nghĩa là thay vì họ phải bị vạ tuyệt thông tiền kết không dành cho Toà Thánh, họ chỉ phải làm việc sám hối thôi (đ.1340). Trong hoàn cảnh này, họ chỉ phạm tội phá thai mà thôi. Nếu họ thật tình ăn năn sám hối, cha giải tội phải giải tội cho họ.
– Hoàn cảnh gia trọng (đ.1326, #1)
Nếu người phá thai ở trong hoàn cảnh gia trọng, tức là đã trên 18 tuổi (theo cách tính của Giáo Luật), thì họ phạm tội phá thai và ngay tức khắc họ bị vạ tuyệt thông tiền kết không dành cho Toà Thánh (đ.1398). Nếu người phá thai và những người đồng loã là nữ tu, chủng sinh, giáo sỹ, thì ngoài vạ tuyệt thông tiền kết không dành cho Toà Thánh, họ còn phải chịu thêm những hình phạt khác nữa; chẳng hạn như: bị trục xuất khỏi Hội Dòng, Tu Hội…. (x. đ.695; 729; 746), bất hợp luật để chịu chức thánh (đ.1041 #1, 4*), bất hợp luật để thi hành chức thánh (đ.1044 #1,3*).
* Nếu không biết luật: Có trường hợp người lỗi luật do không biết (vd. cha mẹ, anh chị em đồng loã, xúi giục, khuyến khích trong việc phá thai… nhưng không biết có hình phạt vạ tuyệt thông kèm theo), thì người lỗi luật đó cũng vẫn mắc vạ, vì đây là một vạ phạt thông thường mà người đó phải sử dụng những phương thế cần thiết để biết. Vì thế, các linh mục có bổn phận phải loan báo Tin Mừng về sự sống và trình bày cho giáo dân hiểu rõ về tội phá thai và hình phạt tương xứng kèm theo.
2. Tha vạ tuyệt thông tiền kết tội phá thai
– Trong tình trạng nguy tử: Trong trường hợp nguy tử, bất cứ tư tế nào, cho dù không có năng quyền giải tội, cũng được giải hết mọi vạ và mọi tội cách thành sự và hợp thức cho mọi hối nhân lâm cơn nguy tử. Hình phạt cấm lãnh nhận các bí tích hay á bí tích sẽ được tháo cởi bao lâu phạm nhân còn trong tình trạng nguy tử (đ.1352#1).
– Cha giải tội tha ở toà trong: Trongtrường hợp bình thường,“cha giải tội có thể tha ở toà trong, lúc ban bí tích, vạ tuyệt thông tiền kết hay vạ cấm chế tiền kết chưa được tuyên bố, nếu hối nhân cảm thấy khổ sở khi phải sống trong tình trạng tội trọng suốt thời gian cần thiết để Bề Trên có thẩm quyền định liệu” (đ.1357 §1).
Khi tha vạ, cha giải tội phải buộc hối nhân, -nếu bất tuân thì sẽ mắc vạ lại-, trong vòng một tháng phải thượng cầu lên Bề Trên có thẩm quyền hay lên tư tế có năng quyền và phải tuân theo quyết định của ngài; trong khi chờ đợi, cha giải tội phải ra một việc đền tội cân xứng và phải buộc đương sự sửa chữa gương xấu cũng như đền bù thiệt hại trong mức độ cần thiết; cũng có thể nhờ cha giải tội thực hiện việc thượng cầu này, nhưng không nêu danh tính của hối nhân (đ.1357 #2).
– Đấng Bản quyền tha vạ tuyệt thông tiền kết
Khi nào phạm nhân thật lòng hối hận về tội phạm của mình và sẵn lòng sửa chữa các thiệt hại và gương xấu cách xứng hợp, hay ít là đã nghiêm chỉnh hứa làm điều ấy thì phải kể như người ấy hết ngoan cố (đ.1347 §2) và sẽ được Bề Trên có thẩm quyền tha hình phạt (x. 1358 §1).
“Hình phạt tiền kết do luật thiết lập những chưa được tuyên bố, và nếu hình phạt ấy đã không được dành riêng cho Tông Toà, thì có thể được Đấng Bản Quyền tha cho những người thuộc quyền mình và những người đang ở trong địa hạt mình hay những người đã phạm tội tại đó; bất cứ Giám Mục nào cũng có quyền tha hình phạt ấy, nhưng chỉ trong khi ban bí tích Giải Tội.” (đ.1355 #2).
Khi linh mục, chiếu theo luật, giải vạ tuyệt thông tiền kết ở toà trong, lúc ban bí tích Giải Tội cho hối nhân đã chuẩn bị xứng đáng, thì không phải thay đổi mô thức giải tội, nhưng có ý tha vạ là đủ.
Tội phá thai không chỉ xúc phạm đến con người nhưng còn đến Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống. Thế nhưng, Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót vẫn rộng lòng tha thứ cho những ai thật lòng ăn năn thống hối. Vậy mời gọi mọi người, nhất là giới trẻ, tôn trọng và bảo vệ sự sống, không phá thai và cũng không cộng tác phá thai, ngăn chặn khi biết người có ý phá thai. Nhất là tích cực loan truyền giá trị thánh thiêng của sự sống.
Lm. Luca Quang Huy
Giáo phận Phát Diệm
Để lại một phản hồi