Kinh Truyền Tin 3/11: Cái nhìn của Chúa Giêsu biến đổi ông Dakêu

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu và du khách tại quảng trường thánh Phêrô hôm Chúa nhật 03/11, ĐTC Phanxicô đã quảng diễn bài Tin Mừng của Thánh Luca, phụng vụ Chúa nhật 31 thường niên. ĐTC nhấn mạnh: “Chúa Giêsu không khiển trách ông Dakêu, không cho ông một ‘bài giảng’, nhưng lại nói với ông là Chúa phải đến nhà ông: ‘Chúa phải đến’, vì đó là ý muốn của Chúa Cha”.

PopeFrancis_03Nov2019_01.jpeg

Mở đầu bài huấn dụ ĐTC nói: “Tin mừng hôm nay (Lc19,1-10) thuật lại việc Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, và để đi đến đó Chúa đi ngang qua thành Giêrikhô. Tại thành phố này, trong số đám đông chào đón Chúa có một người tên là Dakêu, đứng đầu những người thu thuế, nghĩa là những người thu thuế cho đế quốc Rôma. Ông là người giàu có, nhưng sự giàu có này không đến từ thu nhập trung thực nhưng do “hối lộ”, và điều này làm cho ông càng bị mọi người khinh miệt”.

Ông Dakêu “tìm cách để xem cho biết Chúa Giêsu là ai” (c. 3); ông không muốn gặp Chúa, nhưng do tò mò, hiếu kỳ: ông muốn nhìn người mà ông nghe là đã làm nhiều điều lạ thường. Ông có vóc dáng thấp bé, “để có thể xem Đức Giêsu” (c.5) ông leo lên một cây sung. Khi Chúa đến chỗ ấy, thì Người nhìn lên và thấy ông (c.5).

Cái nhìn đầu tiên không đến từ ông Dakêu, mà đến từ Chúa Giêsu

ĐTC giải thích: “Điều quan trọng ở đây đó là: Cái nhìn đầu tiên không đến từ ông Dakêu, mà đến từ Chúa Giêsu, giữa nhiều khuôn mặt đang hiện diện xung quanh mình, Chúa chỉ tìm khuôn mặt đó. Cái nhìn thương xót của Thiên Chúa đến với chúng ta trước khi chúng ta nhận ra rằng chúng ta cần nó để được ơn cứu độ. Và với cái nhìn này của vị Thầy Chí Thánh, phép lạ hoán cải con người tội lỗi thành Giêrikhô bắt đầu. Thật vậy, Chúa Giêsu gọi chính tên ông: ‘Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông’”.

Chúa không khiển trách ông Dakêu, không cho ông một “bài giảng”

Tới đây ĐTC nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu không khiển trách ông Dakêu, không cho ông một “bài giảng”, nhưng lại nói với ông là Chúa phải đến nhà ông: “Chúa phải đến”, vì đó là ý muốn của Chúa Cha. Mặc cho những lời bàn tán của dân chúng, Chúa chọn dừng dân tại một ngôi nhà của người thu thuế tội lỗi.

Từ câu chuyện của ông Dakêu ĐTC nối kết đến cuộc sống của người tín hữu; ĐTC nói: “Hành vi này của Chúa Giêsu cũng sẽ làm cho chúng ta kinh ngạc. Nhưng thái độ khinh thường và khép kín với tội nhân chẳng có tác dụng gì ngoài việc cô lập họ và làm cho họ trở nên chai lì với điều xấu, chống lại chính họ và cộng đoàn. Thay vào đó, Chúa lên án tội lỗi, nhưng tìm kiếm để đem ơn cứu độ cho tội nhân, Thiên chúa đi tìm tội nhân để đưa họ trở lại con đường ngay chính. Ai chưa bao giờ cảm nhận được lòng thương xót của một Vị Thiên Chúa luôn tìm kiếm để ban ơn cứu độ, khó có thể đón nhận sự vĩ đại phi thường, những cử chỉ và lời nói mà Chúa Giêsu dành cho Dakêu”.

Sự chú ý của Chúa đã thay đổi tâm hồn Dakêu

Việc đón tiếp và chú ý của Chúa Giêsu đã làm thay đổi tâm thức của ông một cách rõ ràng: trong một khoảnh khắc, ông nhận ra cuộc sống hẹp hòi của mình, tất cả chỉ vì tiền bạc, với cái giá là lấy từ người khác và nhận lại sự khinh miệt của họ. Có Chúa ở đó, tại nhà ông, với cái nhìn dịu dàng của Chúa làm cho ông nhìn mọi sự với đôi mắt khác. Và ông còn thay đổi cách nhìn và sử dụng tiền bạc: cử chỉ vơ vét được thay thế bằng việc cho đi. Thực vậy, ông quyết định cho người nghèo phân nửa tài sản và nếu ông đã chiếm đoạt của ai cái gì, xin đền gấp bốn (c.8). Ông Dakêu khám phá ra rằng nơi Chúa Giêsu tình yêu có thể trao ban nhưng không: trước đây ông là người keo kiệt, giờ đây, ông trở nên quảng đại; trước đây niềm vui của ông là tích lũy, bây giờ ông trao ban với niềm vui. Gặp được Tình yêu, ông nhận ra mình được yêu thương mặc dù tội lỗi, ông trở nên một người có khả năng yêu thương người khác.

Kết thúc bài huấn dụ ĐTC mời gọi mọi người cùng cầu xin Đức Trinh Nữ Maria ban cho mỗi người ân sủng để luôn cảm nhận ánh mắt thương xót của Chúa Giêsu đối với chúng ta, để chúng ta ra đi với lòng thương xót gặp những người đã lầm lỗi, để họ cũng có thể đón tiếp Chúa Giêsu, người đã “đến để tìm và cứu những gì đã mất “(c. 10).

Ngọc Yến

(Vatican News 03.11.2019)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*