Người ta không biết được thánh Lêo sinh ra ngày nào và cả nơi sinh của Ngài cũng không được biết chắc. Có lẽ Ngài là người Roma. Chúng ta chỉ biết được rằng: Ngài là một phó tế góp phần cai quản dưới hai triều Giáo hoàng Cêlestinô I và Sixtô III và được bầu làm giáo hoàng năm 440. Được chọn làm giám mục Roma, phải đợi 40 ngày sau Ngài mới được trở về.
Trước trách nhiệm chất đầy, Ngài đã sợ: – Lạy Chúa, có sự cân xứng nào giữa gánh nặng Chúa trao và sự yếu hèn của con, giữa sự cất nhắc và sự hư không của con ?
Và Ngài tiếp : – Chúa đã đặt gánh nặng cho con, xin Chúa gánh với con, xin Chúa hãy là người hướng dẫn và nâng đỡ con.
Công cuộc Ngài làm thật lớn lao và đa diện khó có thể tóm kết lại được mà không bất công. Dầu vậy, có thể nói công cuộc này qui về 4 hình thái chính: kiểm soát lạc giáo bên Tây phương, can thiệp về giáo thuyết quan trọng bên Đông phương, bảo vệ Roma khỏi cuộc tấn công của dân rợ và những nỗ lực của một mục tử và một nhà giáo dục.
Thánh Lêô đã phải có biện pháp đối với không dưới ba lạc giáo. Không còn dễ dãi cho những người theo Pêlagiô được hiệp thông nữa và đòi phải công khai tuyên xưng đức tin trước khi được nhận là phần tử đầy đủ của Giáo hội. Những người trốn thoát cuộc tấn công của Valda Phi Châu đã mang thuyết Manichêô đến Roma. Thánh Lêô thấy rằng: cộng đoàn bí mật này phải được công khai đưa ra ánh sáng. Ngài cũng nhiệt liệt ủng hộ các giám mục Tây Ban Nha và Phi Châu chống lại thuyết Priscillanô, những cuộc tranh luận về giáo thuyết tại Giáo hội bên Đông phương liên quan tới chính bản tính của Chúa. Hai nhà tiền phong của cuộc tranh luận là Eutiches, một tu viện trưởng ở Constantinople và thánh Plavianê, thượng phụ giáo chủ Constantinople là người trong cuộc chiến đã bị những người theo Eutiches hành hạ cho đến chết.
Năm 451, một cộng đồng qui tụ trên 600 giám mục về Chalcedonia. Thánh Lêô đã viết lá thư danh tiếng gởi Plavianô, trình bày giáo thuyết về ngôi vị và bản tính của Chúa Giêsu Kitô. Ngài đã đặt bức thư này trên mộ thánh Phêrô, vị thủ lãnh tiên khởi của Giáo hội và ăn chay cầu nguyện suốt 40 ngày. Bức thư được đọc tại công đồng và đã được nhận như một bản tuyên xưng đức tin. Quyền tối thượng của Đức giáo hoàng tỏ hiện khi giám mục đồng thanh kêu lớn : – Chính thánh Phêrô đã nói qua Lêô.
Như thế đứng đầu các giám mục không mấy quan tâm tới quyền tối thượng của Roma. Ngài đã cất giữ được sự hiệp nhất Giáo hội. Ngài đã viết: “Đức tin của Phêrô đã được chính Thiên Chúa mặc cho sự kiện vững không thể lay chuyển nổi. Dù cho sự cúng lòng của các lạc giáo hay sư man rợ của lương dân cũng sẽ không bao giờ đảo lộn được đức tin này”.
Trong số các quyết định, Ngài đã tạo được sự đồng ý giữa Đông Tây cử hành lễ phục sinh vào cùng một ngày ở khắp nơi.
Một cuộc chiến khác chờ đón Đức Giáo hoàng Attila và rợ Hung Nô võ trang hùng hậu, gieo rắc những khủng khiếp chiến tranh và tàn phá. Người ta nói rằng: những người man di này khi sinh ra là mẹ họ nghiền mặt đi cho hợp với nón sắt, và chính họ xẻ má cho râu hết mọc nổi. Họ thờ thanh gươm khắc sâu vào bàn thờ, tưới máu các tù nhân trên đó và làm một thiết đồ bằng đầu các địch thủ. Năm 452, họ đổ vào miền Bắc Italia gieo rắc tàn phá trên đường tiến quân. Không một đoàn quân nào có sức bảo vệ Roma. Các tướng lãnh và hoàng đế Valentinô III run sợ chỉ biết đặt niềm tin tưởng vào Đức giáo hoàng.
Thánh Lêô sau 3 ngày cầu nguyện chay tịnh đã ra đón người gieo vãi kinh sợ trên thế gian. Và điều gì đã xảy ra ? Người ta có thể tưởng tượng được một Attila hùng hổ với đoàn quân đông đảo đối diện với người cha chung của các Kitô hữu mặc phẩm phục giáo hoàng và chỉ có tình yêu trong lòng làm khí giới. Attila tiến đến Roma với những dự tính đẫm máu, nhưng Đức Lêô đã đổi lòng hắn. Vương quốc được bình an với lễ vật triều cống hàng năm. dân Hung Nô trở lại Pannonnia. Đức Giáo hoàng nói với nhà vua: – Hãy tạ ơn Chúa vì Ngài đã cứu chúng ta khỏi tai họa khủng khiếp.
Đối với dân chúng vui mừng sung sướng, Ngài truyền cho họ phải cảm tạ Chúa.
Nhưng lòng nhiệt thành và biết ơn ban đầu đã không tồn tại được lâu. Dân chúng vô ơn và sa đọa, khi nỗi sợ qua rồi họ quên rằng lòng thương xót họ đã cứu vương quốc và họ lao mình vào các cuộc chơi bời phóng đãng. Cả đến nhà vua Valentinô cũng làm gương xấu cho dân chúng. Những lời trách cứ của đức giáo hoàng không được đến xiả tới. Và ba năm sau, những rợ Vandales dưới quyền vua Ghenséric kéo quân tới. Các nhân vật lớn chạy trốn, cửa thành bỏ ngõ và Đức giáo hoàng một mình ở lại với dân Roma. Ngài một lần nữa ra đón quân xâm lăng. Lần này họ ít bị khắc phục hơn lần trước.
Dầu vậy, ảnh hưởng của thánh Lêô cũng đáng đủ để kiềm chế bớt cuộc chém giết và sự tàn phá, các nhà thờ được tôn trọng. Trái với lời hứa hẹn, nhiều dân thành vẫn bị bắt. Đức giáo hoàng đã chuyển đồ cứu tế cho họ, sai các linh mục tới nâng đỡ họ và còn mua chuộc lại một số lớn các tù nhân.
Những năm cuối đời Ngài dành sửa sang lại các tai họa do các cuộc xâm lăng gây nên, xây dựng lại các tu viện mà với cảm quan về nghệ thuật, Ngài đã làm giàu thêm bao nhiêu là họa phẩm. Ngài để lai nhiều bài giảng, nhiều thư từ rất quan trọng, ngày nay chúng ta còn đọc được.
Thánh Lêô từ trần năm 461. Ngài xứng đáng được mệnh danh là người đầu tiên được chôn cất trong đại vương cung thánh đường thánh Phêrô. Đức giáo hoàng Sergiô I ghi trên bia mộ của Ngài: “Tôi canh chừng kẻo lang sói luôn rình mò phá phách đoàn chiên”.
Đây là lời thánh Lêô để lại : – “Các con được thấm nhập vào Chúa”.
– ” Trong tâm hồn mỗi tín hữu còn có cái trên trời mà người ta thán phục”.
– “Nước Trời không đến với những người ngủ mê.
Năm 1754, Ngài được suy tôn lên bậc thánh tiến sĩ trong Giáo hội
Để lại một phản hồi