Trước khi thực hiện chỉ thị 16: “Cách ly toàn xã hội trong 15 ngày”, rất nhiều người đã mường tượng đến hai từ ‘phong tỏa’ và ‘cách ly’ hoàn toàn như nhiều quốc gia đang thực hiện. Hơn nữa, người Việt Nam lại vốn chu đáo tiên liệu trước sau, nên nhà nhà đổ xô, người người ồ ạt đi mua sắm lương thực, mỳ tôm, đồ khô các loại. Một người Công giáo kháo nhau mua tượng Chịu Nạn, Đức Mẹ ban ơn, các vị thánh hay làm phép lạ, nến sáng, áo sinh thì đến nhà thờ xin cha làm phép, và xin nước phép về nhà phòng bị, nhỡ ‘toang thật’ thì mọi sự đã sẵn sàng. Tự hỏi, nhỡ giặc Covid đến, Ki-tô hữu người con trong nhà (Ga 8,3142) nên ứng xử thế nào?
Trước hết, chúng ta thử nhìn lại ý thức Chăm sóc ngôi nhà chung cho xanh sạch đẹp, theo tinh thần của ĐTC Phanxicô (Thông điệp Ladato si’) và văn hóa xếp hàng? Khi zum ống kính để vinasoi những lần phát quà (bim bim) cho các em Thiếu Nhi Thánh Thể, các cháu nhận được quà thì sung sướng lắm: xô đẩy nhốn nháo, la ó, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, nhẩy cẫng lên như ong vỡ tổ. Quả như có ai đã sánh ví “ý thức không bằng con kiến” không ngoa tý nào. Nếu cứ tiếp tục vinasoi thêm vài bước sau đó, sẽ chụp được không ít thiếu nhi hiên ngang vứt vỏ bim bim xuống cầu hồ, như thể để “khoe hàng biểu diễn” cái thú tinh nghịch vãn cảnh du thuyền miễn phí đầy sáng tạo của mình?
Thiếu nhi của chúng ta chưa đói đến độ kiệt sức và phải xếp hàng dài như ta thấy xuất hiện dòng người trong những lần sóng thần động đất ở Nhật Bản. Một em bé khoảng 9 tuổi áo quần tả tơi thấm đầy bùn nước, chân tay run lẩy bẩy được nhân viên cứu trợ đến phát quà trước, đã thưa với nhân viên: Chú ơi! Cháu xin cảm ơn và gửi lại chú ạ. Cứ để cháu xếp hàng như bao người cho công bằng thưa chú! Vì thiết tưởng nhiều người còn đói khát hơn, cần kíp hơn cháu…” Trộm nghĩ, nhỡ “Giặc Covid ùa đến, toang thật” thì không biết cái “chợ người lớn” sẽ loạn xị ngậu biết chừng nào?
Quả như rất nhiều tác giả đã minh bạch rằng: Corona như một phép thử: phép thử của lòng tin và kiên nhẫn, phép thử của tình yêu và vị tha, phép thử mọi hoạt động toàn thế giới bị khựng lại để tập trung cao độ để chống dịch như chống giặc…thì corona lại giúp chúng ta minh bạch, bừng tỉnh và trân quý hơn ngôi nhà chung của nhân loại, mà trước đó chẳng ai bảo được ai… Trái đất đang rên siết quằn quại vì sự ô nhiễm quá nặng nề do chính con người gây nên, nay trở nên tươi mát, trong lành, dễ chịu, ‘khỏe’ hơn rất nhiều.
Ngược dòng lịch sử, đã có nhiều trận họa tai, ôn dịch, tà khí, mất mùa, giặc giã xảy ra ở nhiều quốc gia. Mỗi lần như thế, người ta lại tôn vinh những nghĩa cử cống hiến, phục vụ, nhường nhịn, bác ái, và công bằng rất Tin Mừng như em bé 9 tuổi vừa kể trên. Để thay cho lời muốn nói với người lớn, người viết xin ghi lại một phóng sự đậm chất Nhật Bản trong một trận động đất gần đây: Một người phụ nữ có chồng là người Nhật viết trên Facebook rằng: Hôm nay đi đổ xăng, sợ khủng hoảng nên đổ đầy bình, rồi định đi siêu thị hốt đồ thì bị chồng Nhật mắng: Chỉ được đổ 1 nửa bình thôi. Chị ta hỏi: Tại sao, bình thường em vẫn đổ đầy bình mà. Nhất là đang khủng hoảng, lỡ mai không còn xăng đổ thì sao? Chồng chị đáp: Vì khủng hoảng nên mới chỉ được đổ nửa bình. Em kịp hiểu không? Để chừa cho những người đang bị thiếu hụt ở vùng thiên tai chứ?
Điều đáng nể ở đây là không phải mỗi chồng chị, mà người Nhật nào cũng làm y như vậy. Vì khủng hoảng nên mọi người cố gắng không tích trữ, để phần lương thực dư cho những nơi đang gặp tai họa, nhường cho người đang cần. Sau đó, toàn thế giới nghiêng đầu trước hình ảnh dòng người Nhật xếp thành hàng dài, nhẫn nại, nhường nhịn, che chở, chờ đợi để được cứu hộ… Nhiều người đã ngỡ ngàng tự hỏi: Tại sao ở Nhật hầu như không có trộm cắp vào những lúc như thế này. Thì một công dân Nhật đã trả lời đơn giản chỉ là: Nếu tôi lấy đi một chai nước để thỏa cơn khát, hay lấy trộm tiền để mong có một cuộc sống sung túc hơn, thì tôi cũng chẳng thể cảm thấy hạnh phúc hơn, khi những người xung quanh tôi đang gặp khó khăn. Và Clip kết luận: Đôi khi thiên tai không đáng sợ bằng nhân họa, thì người viết tranh thủ mượn gió bẻ măng:‘Cona, Covid không tít bằng cô vô (vô cảm-lạnh lùng), cô độc(ác)’. Lại nữa: ‘Công doanh, công nghiệp, công tác không ác bằng ‘Công công, công miệng, công hại công dân’.
Thiết tưởng, nếu ai cũng có tố chất như người Nhật thì đâu đến mức phải sợ đói khát hay thiếu thốn. Tiếc thay, điều ấy lại không có nhiều ở một Đất Nước vốn giàu tình nghĩa. Nhưng nay, những câu cao dao tục ngữ rất Việt: Thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều hơn nay chỉ còn vang bóng một thời. Cũng như tinh thần đoàn kết, nhẫn nại, nhường nhịn, tôn trọng phẩm giá, công bằng đang dần trở nên quá xa lạ, mà thay vào đó thói xấu người Việt lòi ra mồn một với ‘chủ nghĩa makeno và ‘chủ nghĩa cơ hội’ nham nhảm, bất luận có đạo hay không? Tắt một lời, nhỡ Giặc Covid-19 có ùa vào Nước Nhà chỉ ở mức báo động bằng 1/3 nước Ý, Mỹ, Tây Ban Nha thôi, thì không biết điều gì sẽ xảy ra? Nếu có “toang thật”, nơi mỗi vùng miền Công giáo “con cái trong nhà” liệu có nhiều nét ứng xử đẹp xuất hiện như xứ sở Hoa Anh Đào không?
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Phạm Văn Quang
Để lại một phản hồi