06.04.2020
THỨ HAI TUẦN THÁNH
Ga 12,1-11
Lời Chúa:
“Người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu.” (Ga 12,7-8)
Câu chuyện minh họa:
Cụ già kia mỗi khi đến bữa cơm, thường làm cho người con trai bực mình vì tuổi già sức yếu. Có lần, bàn ăn vừa mới dọn ra, cụ nhìn thấy tô canh ngon, liền bưng lên húp một hơi, con trai cụ nhìn thấy quát:
– Ông ăn uống thế, ai còn muốn ăn tô canh đó nữa!
Rồi anh cầm lấy tô canh hất ra ngoài vườn, và mỗi lần ông cụ cầm chén cơm, vì tay chân run rẩy, nên cụ thường làm vỡ chén, anh thấy thế gắt gỏng quát bố:
– Nhà có mấy cái chén đập hết rồi, từ nay ăn cơm lấy tay mà bốc!
Thế là anh có sáng kiến: làm một cái máng nhỏ bằng gỗ, giống như máng heo, để cho bố dùng thay chén, nếu có rớt xuống thì cũng không sao!
Khi cụ già qua đời, anh tỏ ra hiếu thảo với bố, nên mướn kèn trống thổi inh ỏi suốt cả ngày đêm!!! Khi đã an táng bố xong, về nhà anh lấy “chén” gỗ ném ra vườn sau nhà. Con anh thấy vậy vội chạy ra nhặt vào. Anh quát bảo nó:
– Ông nội mày đã chết, tao vất chén đó đi, mày còn lấy vào làm gì!?
– Dạ, thưa ba, con nhặt về để khi ba già như ông nội, con sẽ đưa cho ba dùng, con khỏi phải đóng cái khác.
Suy niệm:
Lời nói không thể thay thế hành động của chúng ta được. Nếu chúng ta nói chúng ta yêu thương tha nhân mà hành động của chúng ta lại thiếu bác ái, thì chẳng qua đó chỉ là lời nói dối. Như người con trong câu chuyện trên đây luôn tỏ ra là mình hiếu thảo nhưng lại đối xử tệ với cha mình.
“Dầu” để chúng ta mai táng Thầy là lòng bác ái, quảng đại, yêu thương… Để tỏ lòng hiếu thảo, chúng ta cần bày tỏ lúc họ còn sống. Cô Maria đã tẩm liệm xác Thầy khi Thầy còn sống bằng dầu thơm cam tùng nguyên chất. Phần chúng ta, chúng ta đã tích trữ những thứ “dầu” gì để mai táng Chúa?
07.04.2020
THỨ BA TUẦN THÁNH
Ga 13,21-33.36-38
Lời Chúa:
“Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” (Ga 13,21)
Câu chuyện minh họa:
Chuyện ngụ ngôn về tình yêu của loài bướm được kể lại rằng: Một ngày nọ, chú bướm đực đề nghị: “Chúng ta bắt đầu một trò chơi nhỏ nhé!”. Bướm cái đồng ý. Chú nói tiếp: “Ai là người đầu tiên ngồi trong bông hoa này vào sáng sớm mai sẽ là người yêu người kia nhiều hơn”. Bướm cái gật đầu.
Sáng hôm sau, bướm đực đến từ sớm, đợi bông hoa nở ra và chú có thể ngồi vào đó trước khi con cái tới. Cuối cùng, bông hoa cũng mở… và chú nhìn thấy một cảnh tượng vô cùng kinh khủng.
Người yêu của chú đã chết bên trong bông hoa. Cô ấy đã ở đó cả đêm, để sáng hôm sau khi nhìn thấy người yêu, cô sẽ bay đến và nói rằng cô yêu chú biết nhường nào!
Suy niệm:
Tình yêu là một cái gì đó thiêng liêng và sống động, mang đến cho người ta hạnh phúc và niềm vui. Và khi tình yêu không còn nữa thì mọi sự chỉ toàn là u tối, thất vọng, chán chường…
Tin mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta về tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Nếu một tình yêu của con người đối với con người, người ta có thể hy sinh cho nhau, nhưng có mấy ai chết thay cho người mình yêu. Ở đây Chúa đã chết cho nhân loại tội lỗi, thì tình yêu ấy lại cao cả là dường nào. Vậy mà, Giuđa, một người trong nhóm môn đệ đã từng theo Ngài, từng sống với Ngài và từng chứng kiến những phép lạ Ngài làm lại đành tâm trao nộp Ngài. Đó có thể là hình ảnh của mỗi chúng ta trong cuộc sống trước những cạm bẫy của thế gian này.
Những ai sống trong bóng đêm tội lỗi không nhìn thấy Chúa, vì bóng đêm của tội lỗi đã che khuất tầm nhìn của họ, làm cho con người quay lưng lại với Chúa, không còn lắng nghe lời của Chúa nữa. Nhưng Chúa Giêsu đã trao cử chỉ thân tình cho Giuđa, nhưng ông đã không cảm nhận được. Qua đó, Giáo hội muốn nhắn nhủ mỗi người chúng ta phải tỉnh thức trước cuộc sống, và khôn ngoan vượt qua những cạm bẫy của tội lỗi.
Ước gì chúng ta luôn kết hiệp với Chúa trong cầu nguyện để lắng nghe tiếng Chúa, từ bỏ tội lỗi và bước đi trong ánh sáng của Chúa.
08.04.2020
THỨ TƯ TUẦN THÁNH
Mt 26,14-25
Lời Chúa:
“Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy.” (Mt 26,23)
Câu chuyện minh họa:
Một ông già nghèo ngồi bên cửa sổ lo lắng cho tương lai. Một người lạ mặt ôm một con ngỗng đến tặng ông già và nói: “Ông hãy chăm sóc con ngỗng này chu đáo thì nó sẽ giúp ích cho ông”. Rồi người đó đi mất. Ông già nghèo đem con ngỗng vào nhà, cho nó ăn, cho nó uống, ban đêm cho nó ngủ trong một cái lồng sạch sẽ. Sáng hôm sau, khi nhìn vào chiếc lồng ông vui mừng thấy một quả trứng ngỗng bằng vàng. Ông mang quả trứng ra tiệm bán được một số tiền lớn, mua được đủ mọi thứ cần thiết cho cuộc sống. Hôm sau, ông được thêm một trứng ngỗng vàng nữa. Hôm sau nữa cũng vậy. Cứ thế mỗi ngày ông nhặt được một quả trứng vàng. Từ đó ông không còn nghèo nữa, ông sống rất thoải mái. Nhưng dần dần ông trở thành tham lam. Ông không chịu mỗi ngày chỉ có một trứng, ông không thể chờ cho tới hết tuần mới có được 7 trứng. Ông muốn có ngay một lúc tất cả những trứng vàng của con ngỗng. Thế là ông mổ bụng con ngỗng ra. Nhưng ông chẳng thấy quả trứng nào trong đó cả. Ông vội may bụng ngỗng lại mong nó đừng chết. Nhưng vô ích. Khi đó người lạ mặt kia trở lại, và nói: “Trước đây tôi đã chẳng bảo với ông rằng nếu ông chăm sóc con ngỗng tử tế thì nó sẽ giúp ích cho ông sao? Bây giờ ông đã mất tất cả”.
Suy niệm:
Đôi khi trong cuộc sống có biết bao điều Chúa ban để chúng ta tận hưởng, nhưng chúng ta không biết sử dụng nó đúng cách. Giuđa được Chúa chọn làm môn đệ, nhưng túi tiền đã khống chế ông, làm cho ông quay lưng lại với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã nhiều lần đánh thức ông nhưng ông vẫn bưng tai bịt mắt trước những lời ấy. Chúa Giêsu đã cảnh tỉnh ông khi đưa tấm bánh cho ông. Chúng ta cũng được hạnh phúc đó khi chúng ta rước Chúa vào lòng. Lúc nào chúng ta cũng nói yêu Chúa, muốn thông phần với Chúa; thế nhưng chúng ta có thực hành điều đó chưa, hay chúng ta đã dùng hành động mà bán Chúa?
Lạy Chúa, xin mở rộng tâm hồn chúng con, để chúng con cảm nhận tình thương của Chúa và hoán cải tâm hồn mỗi ngày, để chúng con sống xứng đáng với tình thương của Chúa hơn.
09.04.2020
THỨ NĂM TUẦN THÁNH
Thánh lễ tiệc ly
Ga 13,1-15
Lời Chúa:
“Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” (Ga 13,15)
Câu chuyện minh họa:
Xưa có một thương gia giàu có tuổi đã cao. Ông quyết định chia tài sản cho ba người con trai. Trước khi chia gia tài, ông sai các con đi một năm sau đó trở về, và kể cho người cha biết ai đã làm được việc cao thượng nhất, thì sẽ được thừa hưởng gia tài của ông. Cả ba người con ra đi và trở về như đã hẹn, các anh lần lượt kể những việc mình đã làm.
Người con cả nói: “Trong lúc đi du lịch, con gặp một người lạ mặt, ông ta tín nhiệm giao cho con giữ túi vàng. Không lâu sau ông ta qua đời, con đã giao toàn bộ túi vàng cho người nhà ông ta.” Người cha nói: “tốt lắm, nhưng trung thực là phẩm cách cần phải có, chưa đáng gọi là cao thượng”.
Người con thứ hai nói: “Con đến một làng nghèo thấy một cậu bé ăn xin không may ngã xuống sông, con lập tức xuống cứu cậu bé lên”. Người cha khen: “Con làm tốt lắm, nhưng cứu người là trách nhiệm phải làm chưa đáng gọi là việc cao thượng”.
Đến lượt cậu con trai út chậm rãi nói: “Con có một kẻ thù, hắn tìm mọi cách để hại con. Một đêm nọ, con tình cờ thấy hắn đang ngủ bên sườn núi, con chỉ cần đạp nhẹ một cái là hắn rơi xuống vực thẳm nhưng con đã không làm, con đến bắt tay hắn và tiếp tục lên đường”. Người cha ôn tồn đáp: “Con trai yêu quý, con đã làm một việc cao thượng là tha thứ cho kẻ thù. Nào, mọi sản nghiệp của cha sẽ thuộc về con.”
Suy niệm:
Sống ở đời, người ta thường hay “trả đũa”, chỉ giúp những người đem lại cho ta lợi lộc. Nhưng Chúa Giêsu muốn chúng ta đi xa hơn, Ngài dạy chúng ta phải yêu thương kẻ thù và làm ơn cho người bách hại ta. Điều này thật khó thực hiện, bởi làm sao chúng ta có thể tha thứ cho những người gây đau khổ cho chúng ta. Làm sao yêu thương được người làm hại ta… Để thực hiện được điều Chúa dạy, chúng ta hãy soi mình vào tình yêu của Chúa, để học yêu thương như Ngài. Khi biết mình sắp về với Chúa Cha, Ngài đã lập Bí tích Thánh Thể để ở lại với chúng ta, lấy thịt máu mình làm của ăn, của uống nuôi linh hồn chúng ta. Nhìn vào Bí tích cao cả ấy, chúng ta sẽ thấy và cảm được tình yêu mà Ngài đã dành cho nhân loại và cách riêng cho từng người chúng ta.
Mỗi lần rước Chúa, chúng ta có thấy hạnh phúc vì được tan chảy trong tình yêu của Chúa không?
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin chiếm lấy tâm hồn con bằng tình yêu của Ngài, để con luôn sống và hành động như Chúa, biết yêu thương anh chị em con bằng trái tim của Chúa.
10.04.2020
THỨ SÁU TUẦN THÁNH
Tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa
Ga 18,1-19,42
Lời Chúa:
“Người ta lấy miếng bọt biển thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giêsu nói: “Thế là đã hoàn tất.” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.” (Ga 18,29-30)
Câu chuyện minh họa:
Ở Châu Phi, một ông vua nọ có người bạn thân và đồng trang lúa cùng lớn lên tại cùng một mảnh đất. Ông này có thói quen xem những biến cố, hoàn cảnh đều hữu ích. Ông ta luôn khẳng định đó là điều tốt, ngay cả những khi mà người khác đều coi là tệ hại nhất.
Ngày nọ, nhà vua cùng với ông đi săn bắn, vì muốn khám phá những điều mới mẻ. Ông này có nhiệm vụ nạp đạn, và chuẩn bị súng cho nhà vua. Do bất cẩn mà người bạn này không để ý, khi chuẩn bị xong ông trao khẩu súng lại cho nhà vua, khi vừa nhận khẩu súng từ tay ông, vị vua đã bắn vào ngón tay cái của mình, và cụt mất. Trước biến cố không hay xảy ra, ông bạn vẫn bình thản đáp:
– Tốt thôi!
Nhà vua bực tức và hô lên:
– Chẳng thể nào tốt được. Lính đâu? Bắt hắn nhốt vào ngục cho ta.
Thế là người bạn này bị giam vào ngục. Khoảng một năm sau, nhà vua đi săn ở một khu rừng nguyên sinh. Khu rừng vắng vẻ đến tột độ, tưởng chừng như chưa từng có ai đặt chân đến. Đang cẩn thận bước đi và rất đỗi vui mừng vì vừa khám phá ra một nơi săn bắn mới. Đột nhiên nhà vua bị một bọn chuyên ăn thịt người bắt giữ và đem về khu làng của họ. Họ cột hai tay vua lại rồi đặt trên một đống củi để chuẩn bị thiêu sống ngài. Lúc ấy một gã trong bọn họ phát hiện ra nhà vua thiếu mất một ngón tay cái, vì bọn người này rất tin dị đoan, họ không bao giờ ăn thịt một người khuyết tật hay bị khiếm khuyết một cơ phận nào trên thân thể và trả tự do cho nhà vua.
Trên đường về, ngẫm nghĩ lại sự kiện mình bị cụt mất một ngón tay, nhà vua cảm thấy xót xa cho người bạn thân vì do bất cẩn đã làm mình cụt tay. Vừa về tới hoàng cung, nhà vua liền trở vào ngục và sai quân lính thả người bạn của mình ra. Nhà vua kể lại cho ông bạn nghe biến cố vừa xảy ra cho mình, và xin lỗi người bạn của mình vì đã đối xử tệ với ông trong thời gian qua. Ông bạn nhìn nhà vua và nói:
– Tốt thôi!
Nhà vua bực tức nói:
– Không, làm sao mà tốt được, có gì là tốt khi ta đã bắt giam ngươi vào ngục.
Ông bạn bình tỉnh trả lời:
– Vì nhờ ở trong tù mà tôi mới được ở đây với bệ hạ.
Suy niệm:
Thập giá trong cuộc đời không thiếu, nhưng cách thức chúng ta đón nhận như thế nào đó mới là điều quan trọng. Bóng dáng của thập giá trải dài trong cuộc sống dưới nhiều hình thức. Qua những gian nan, đau khổ và thập giá, chúng ta được lớn lên, trưởng thành hơn. Và qua những hy sinh ấy, chúng ta sẽ có được niềm vui vì dám hy sinh, từ bỏ, chấp nhận những đau thương mà trên suốt chặng đường đời chúng ta phải trải qua.
Thánh giá của Chúa Giêsu là nhịp cầu để chúng ta bước ra khỏi sự chết. Thánh giá ấy có sức mạnh cứu độ con người. Ngài đã biến thập giá thành biểu tượng của tình yêu. Nơi thập giá, tình yêu Thiên Chúa biểu lộ cách trọn vẹn, và con người chỉ sống trọn vẹn ý nghĩa đó nhờ sự hy sinh và trao ban cho tha nhân.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm sức mạnh cho con, để con hiên ngang chấp nhận vác thập giá đời mình mà bước đi trên con đường của Chúa, con đường tình yêu, con đường thập giá; để con sống trọn vẹn mầu nhiệm thập giá mà chính Chúa đã nêu gương.
11.04.2020
THỨ BẢY TUẦN THÁNH
Canh thức Vượt Qua
Mt 28,1-10
Lời Chúa:
“Đức Giêsu nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được gặp Thầy ở đó.” (Mt 28,10)
Câu chuyện minh họa:
JOHN KELLER, một diễn giả nổi tiếng một hôm đang thuyết trình trước khoảng 100 ngàn người tại sân vận động Los Angeles bên Hoa Kỳ. Giữa buổi diễn thuyết ông bỗng dừng lại và nói: “Bây giờ xin các bạn đừng sợ! Tôi sắp cho tắt tất cả đèn trong sân vận động này”.
Đèn tắt, sân vận động chìm trong bóng tối dày đặc, ông John Keller nói tiếp: “Bây giờ tôi đốt lên một que diêm. Những ai nhìn thấy ánh lửa của que diêm tôi đốt thì hãy kêu lớn lên: “Đã thấy!”. Một que diêm được bật lên, cả sân vận động vang lên những tiếng hô: “Đã thấy!”.
Sau khi đèn được bật sáng lên, ông John Keller giải thích: “Ánh sáng của một hành động nhân ái dù bé nhỏ như một que diêm sẽ chiếu sáng trong đêm tăm tối của nhân loại y như vậy”.
Một lần nữa, tất cả đèn trong sân vận động lại tắt. Một giọng nói vang lên ra lệnh: “Tất cả những ai ở đây có mang theo diêm quẹt, xin hãy đốt cháy lên!”. Bỗng chốc cả sân vận động rực sáng.
Ông John Keller kết luận: “Nếu tất cả mọi người chúng ta hợp lực cùng nhau, sẽ có thể chiến thắng bóng tối sự dữ và oán thù bằng những đốm sáng của tình thương và lòng tốt của chúng ta”.
Suy niệm:
Mỗi chúng ta đều mang sứ điệp loan báo Tin mừng, như ngọn đèn cần được thắp sáng dù chỉ là những tia sáng yếu ớt nhưng nó có thể dẫn bước cho con người giữa đêm đen: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).
Mầu nhiệm phục sinh mang đến cho chúng ta niềm hy vọng sống lại, từ nay thập giá không còn là dấu hiệu của sự nhục nhã, cô đơn, thất bại, nhưng là dấu hiệu của sự vinh quang, ánh sáng bừng lên trong đêm tối, xua tan những thất vọng, khổ đau ê chề. Galilê, nơi Chúa Phục Sinh đã hẹn gặp các tông đồ ở đó. Vậy, trong cuộc đời tôi, đâu là điểm hẹn của tôi với Chúa? Đâu là nơi Chúa tìm gặp tôi?
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
Để lại một phản hồi