ĐTC Phanxicô gửi sứ điệp đến sự kiện Xin cho Nước Cha trị đến

Trong sứ điệp video gửi đến sự kiện “Thy Kingdom Come” – Xin cho Nước Cha trị đến – Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho các Kitô hữu “hiệp nhất sâu sắc hơn như các chứng nhân của lòng thương xót dành cho gia đình nhân loại” và cùng nhau đối phó với đại dịch nghèo khổ, chiến tranh, coi thường sự sống và dửng dưng với tha nhân.


 Đức Thánh Cha và Đức tổng giám mục Justin Welby của Anh giáo (Vatican Media)

Xin cho Nước Cha trị đến là sáng kiến cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, được bắt đầu vào năm 2016. Từ đó nó đã phát triển thành phong trào cầu nguyện đại kết toàn cầu. Năm 2019, các Kitô hữu ở 172 quốc gia đã tham gia cầu nguyện để con người có thể tin vào Chúa Giêsu Kitô.

Đây là lần thứ hai Đức Thánh Cha gửi sứ điệp video cho phong trào Xin cho Nước Cha trị đến. Năm ngoái, Đức Thánh Cha đã ghi lại một sứ điệp video đầy ngẫu hứng, theo lời mời của Đức tổng giám mục Anh giáo Justin Welby của giáo phận Canterbury, trong khóa tĩnh tâm dành cho các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo của Nam Sudan, được tổ chức tại Vatican.

Trong sứ điệp năm nay, Đức Thánh Cha đưa ra sự tương phản giữa việc Thiên Chúa “truyền” sự sống cho thế giới vào lễ Hiện xuống với sự “lây nhiễm” tàn phá thế giới trong đại dịch virus corona. Mọi người phải cầu xin Chúa Thánh Thần đến biến đổi trái tim mình và trở nên tốt hơn.

Hiệp nhất để đối phó với các loại đại dịch

Để đối phó với virus cũng như các đại dịch khác nhau đang hoành hành trên thế giới, đại dịch nghèo đói, chiến tranh, khinh rẻ sự sống, các Kitô hữu phải hiệp nhất. Bởi vì chỉ khi đi cùng nhau, chúng ta mới có thể “đi xa”. Nhân loại không thể hiệp nhất nếu Kitô hữu không hiệp nhất. Do đó Đức Thánh Cha mời gọi “chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau”.

Chứng tá của lòng thương xót

Thế giới chúng ta đang đói khát hy vọng trầm trọng. Đức Thánh Cha mời gọi các Kitô hữu trở thành những sứ giả an ủi của Chúa Thánh Thần, là chứng tá của lòng thương xót cho gia đình nhân loại đang bị thử thách nặng nề.

Theo Đức Thánh Cha, mọi người phải theo trường học của Đấng An ủi là Chúa Thánh Thần. Cần đầu tư cho sức khỏe y tế, công việc, và cam kết xóa bỏ bất bình đẳng và nghèo đói. Cần bắt đầu lại, bước về Thiên Chúa và đến với tha nhân: đừng để mình bị phân cách hay bị tê liệt trước tiếng khóc của người nghèo và trước hành tinh đầy thương tích của chúng ta. (CSR_4082_2020)

Hồng Thủy

(VaticanNews Tiếng Việt 01.06.2020)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*