Từ ngày 22.06 đến ngày 27.06.2020 _ Phút lắng đọng Lời Chúa

15.06.2020

THỨ HAI TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN

Mt 5,38-42

 

Lời Chúa:

“Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.” (Mt 5,42)

Câu chuyện minh họa:

Thánh Gioan Thiên Chúa (1495-1550), là vị sáng lập Dòng Bác ái, có xây dựng ở tỉnh Grenade một bệnh viện. Một hôm, có một vị bá tước gởi đến cho ngài số tiền 25 đồng vàng Ducats để Ngài giúp các bệnh nhân đau khổ nghèo khó. Ngay chiều hôm ấy, ông ta giả trang làm một người ăn xin đến tận bệnh viện kêu gọi sự bố thí của thánh nhân. Thấy tình trạng thê thảm của người hành khất, thánh Gioan Thiên Chúa động lòng thương, lấy cả số tiền 25 ducats đem cho người ấy với những lời khích lệ an ủi. Ngày hôm sau, vị bá tước đích thân đến và thú nhận tất cả. Ông xin lỗi thánh nhân vì đã dám thử lòng bác ái của ngài. Khi từ giã, ông đưa tặng thêm 150 ducats ngoài số 25 ducats xin hoàn trả lại. Từ đó, cứ mỗi tuần, ông lại gởi tới bệnh viện một số tiền lớn, một số thuốc men, lương thực và quần áo để thánh nhân giúp đỡ cho các bệnh nhân nghèo.”

Suy niệm:

Chúng ta đón nhận từ Thiên Chúa những ân huệ nhưng không; vì thế, chúng ta cũng hãy trao ban một cách nhưng không. Trao ban không chỉ là những của cải vật chất, nhưng quan trọng hơn cả là chúng ta cần trao ban tình thương, sự chia sẻ, cảm thông… Nhờ đó, ánh sáng Tin Mừng của Chúa Giêsu Phục sinh luôn được lan tỏa khắp nơi.

Qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta về tinh thần bác ái, nó đòi buộc chúng ta yêu thương tha nhân đến hy sinh của cải, công sức, tài năng, và cả mạng sống nữa. Nhìn ngắm gương của Chúa trong cuộc khổ nạn, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã bao dung tha thứ cho những người bách hại Ngài, giết Ngài.

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy mở rộng tâm hồn chúng con để chúng con dễ dàng cho đi, dễ dàng trao ban cho những anh chị em đang cần đến chúng con; nhất là cho chúng con biết vượt qua mọi rào cản của sự kỳ thị và thành kiến, để chúng con đến với những người không cùng quan điểm với chúng con. Amen

 

 

 

 

 

16.06.2020

THỨ BA TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN

Mt 5,43-48

 

Lời Chúa:

“Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,48)

Câu chuyện minh họa:

Liền sau thế chiến II chấm dứt, Coritanbun với những vết sẹo trên thân thể, tàn tích của những khổ hình Bà phải chịu trong trại tập trung Đức quốc xã, đã đi khắp Âu châu rao giảng sự tha thứ cho những kẻ đã làm hại mình.

Thế nhưng vào một Chúa nhật nọ, sau khi kêu gọi mọi người hãy tha thứ cho nhau trong một nhà thờ của thành phố Munich, bước ra ngoài Bà bất ngờ đối diện với một khuôn mặt quen thuộc. Đó là dung mạo của người lính đã hành hạ bà và hàng ngàn nữ tù nhân khác trong trại tập trung. Những tiếng than khóc, những cảnh tra tấn, rồi những tiếng kêu trả thù nổi dậy mạnh mẽ trong tâm trí Bà.

Lúc đó người đàn ông tiến lại khiêm tốn đưa tay ra vừa muốn bắt tay bà vừa nói: “Thưa Bà, tôi rất cảm ơn những lời tốt đẹp của Bà kêu gọi sự tha thứ. Xin Bà tha thứ cho tôi”. Bà Coritanbun như chết điếng người, vì trước đây bà đã cầu nguyện và quyết tha thứ thật sự, nhưng giờ đây đối diện với con người cụ thể đã tra tấn mình, bà đứng lặng im, tay không thể nào bắt tay người đến xin bà tha thứ.

Sau này vào năm 1971 khi kể lại biến cố ấy trong tập sách “Nơi ẩn trốn”, bà đã cho biết “Trong giây phút thinh lặng đó, tôi đã cố gắng dâng lên Chúa lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa thấy con chưa thể tha thứ cho người đã hành khổ con. Xin Chúa hãy ban cho con những tâm tình của Chúa để con có thể tha thứ như Chúa”. Và chính trong lúc đó Bà đã hiểu rằng con người chỉ có thể tha thứ cho nhau khi nhìn nhận tình yêu thương và sự tha thứ của Thiên Chúa.

Suy niệm:

Chỉ trong sự tha thứ, chúng ta mới có thể họa lại hình ảnh nhân hậu của Thiên Chúa. Ngài không dừng lại ở chỗ tha thứ nhưng còn đi sâu vào lòng người, xóa tan mọi mặc cảm tội lỗi, và tha thứ tuyệt đối.

Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ phải yêu kẻ thù; và Người hướng họ về Nguồn mạch tình yêu sáng tạo. Người khơi gợi nơi họ căn tính sâu xa của một người làm con Chúa: “Hãy yêu kẻ thù; như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời.”

Lạy Chúa, xin cho con có trái tim của Chúa để yêu thương những người bách hại con; xin cho con có cái nhìn của Chúa để tha thứ cho những người gây bất lợi cho con, và xin cho con biết nhận ra mình đầy khuyết điểm để nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa.

17.06.2020

THỨ TƯ TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN

Mt 6,1-6.16-18

 

Lời Chúa:

“Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” (Mt 6,18b)

Câu chuyện minh họa:

Trong một bài tạp bút của báo Tuổi trẻ số ra chủ nhật đầu tháng 10/1998, tác giả Uông Thế Biển có ghi lại một kinh nghiệm như sau:

Truyện cách đây đã hơn mười năm. Ngày ấy, tôi làm lục lâm vượt sông Nghệ An đi buôn bè gỗ đường dài. Lần đầu và lần sau, người đưa đường cho tôi là Văn Suối, người dân tộc. Trong cuộc luồn rừng với tôi, Suối là cuốn tự điển sống về rừng. Anh thuộc tên từng loại côn trùng, thảo mộc, và với anh, rừng là cuộc sống, là máu thịt của anh.

Trời ngả sang chiều, chúng tôi dừng chân trong căn lều từ lâu đã bị bỏ hoang. Căn lều đã siêu vẹo, lưng lửng trên bếp một ống Đứa đựng muối còn sạch sẽ, trong đó vẫn còn một dúm muối khô như ai đó vừa bốc bỏ vào. Tôi và Suối mở cơm nắm ra ăn. Vì mệt nên chúng tôi ăn hết phân nửa mo cơm. Theo thói quen, tôi định hất phần cơm còn lại, Suối giằng lấy. Tôi nhìn anh gói ghém lại phần cơm và trèo lên bên dưới mái lều, anh không quên bốc một nắm muối mang theo cho vào ống Đứa, và bỏ lại bên hòn đá năm bảy que diêm.

Thấy tôi ngạc nhiên, Văn Suối giải thích “Lần đầu tiên đi rừng, cậu không hiểu là phải. Đây là tập quán của những người quanh năm sống gắn bó với rừng: nắm cơm thừa, vài ba hạt muối, đôi lúc đã cứu được cả mạng sống người trong khi lạc đường, một viên ký ninh cắt tạm cơn sốt, một que diêm có thể đốt lên ngọn lựa sưởi ấm một người lạc rừng đang bị cô đơn và sợ hãi đe dọa. Những túp lều hoang trơ trọi giữa rừng núi trùng điệp này là nơi trú chân cho những người lỡ đường giữa mênh mông đại ngàn. Là người đi rừng, ai cũng có thể làm vào hoàn cảnh như thế”…

Bao năm đã qua, tôi vẫn không quên được lời của Văn Suối, người bạn chỉ chung một chuyến đi rừng, và ấn tượng về mục đích đẹp dành cho những người bạn rừng vẫn mãi theo tôi…

Suy niệm:

Người đi rừng trong câu chuyện trên đây đã thực hiện hành vi đẹp: lòng bác ái ẩn khuất và không chờ đợi một sự đáp trả nào. Đó cũng chính là điều mà Chúa Giêsu muốn dạy mỗi Kitô hữu chúng ta trong ngày hôm nay: “Khi làm việc lành phúc đức, các con phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy…” Sự kín đáo của một người không phải là những gì người ấy giấu đi không cho người khác biết, nhưng là những gì trong cuộc đời người ấy được thực hiện trong một sự thinh lặng sâu xa. Đó là những gì được trao tặng trong sự thân mật của trái tim, để rồi không còn chỗ cho ngôn từ nữa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết đắm mình trong cầu nguyện, để chúng con được tan chảy trong Ngài; từ đó, chúng con sẽ được hòa chung nhịp đập với trái tim Chúa, nhịp đập của sự yêu thương, tha thứ và cảm thông.

 

 

 

 

 

18.06.2020

THỨ NĂM TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN

Mt 6,7-15

 

Lời Chúa:

“Khi cầu nguyện anh em đừng lải nhải như dân ngoại.” (Mt 6,7)

Câu chuyện minh họa:

Ngày kia khi cỡi ngựa đi ngang qua một ngôi làng, thánh Benardo giúp một nông dân đang đi bộ trên đường. Thấy ngài, người nông dân nói:

– Ông đã chọn một nghề thật an nhàn. Tại sao tôi lại không trở nên một người tối ngày chỉ biết cầu nguyện để cũng có một con ngựa để cỡi?

Nghe nói vậy, thánh Benardo bình tĩnh hỏi:

– Thế anh tưởng cầu nguyện dễ lắm sao? Này, tôi đánh cược với anh, nếu anh đọc được một kinh lạy cha từ đầu đến cuối mà không lo ra, tôi sẽ tặng anh con ngựa này.

Người nông dân tỏ vẻ ngạc nhiên đến tột độ, và hỏi:

– Thật không?

Thấy thánh Benardo gật đầu tái xác nhận lời hứa, người nông dân vội vàng nhắm mắt chắp tay đọc to:

– Lạy cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến…

Vừa đọc đến đây, bỗng anh ta chia trí, ngừng lại và hỏi:

Vậy là tôi có thể lấy cả yên ngựa và dây cương nữa chứ?

Chẳng có ngựa cũng chẳng có cương cho anh, anh chia trí rồi đấy!

Suy niệm:

Cầu nguyện không phải là đọc thật nhiều kinh nguyện, nói thật nhiều nhưng cầu nguyện là đối thoại với Thiên Chúa; vì thế chúng ta cần thực hiện một cách riêng tư, kín đáo, và củng cố mối tương quan với Người. Thiên Chúa không cần chúng ta phải cầu nguyện theo một công thức, bài bản, nhưng Người muốn chúng ta dâng lên Người những tâm tình thật đơn sơ chân thành xuất phát từ trái tim. Nơi đó, chúng ta có thể lắng nghe, đối thoại và hiệp thông với Thiên Chúa.

Lời cầu nguyện được lặp đi lặp lại nhiều lần không hẳn là vô nghĩa khi nó xuất phát từ lòng thành và khao khát làm theo ý Chúa. Ngài đã dạy các môn đệ và mỗi người chúng ta lời kinh Lạy Cha với đầy đủ ý nghĩa của một lời cầu nguyện: tôn vinh danh Chúa, và xin ơn Chúa giúp để chúng ta hoàn thành ý muốn của Ngài.

Trong thực tế, chúng ta đã thực hành việc cầu nguyện như thế nào?

Lạy Chúa, xin cho con biết ở lại với Chúa để cảm nhận được những tình yêu của Ngài, và để con sống trọn vẹn tình yêu ấy vì đó là sức mạnh giúp con vươn lên trong cuộc sống này.

 

 

 

 

 

19.06.2020

THỨ SÁU TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN

Thánh Tâm Chúa Giêsu

Mt 11,25-30

 

Lời Chúa:

“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28)

Câu chuyện minh họa:

Văn hào Nga TÔN-TOI (Tolstoi) đã kể một câu chuyện ngụ ngôn cho thấy sự hiền lành là nguyên nhân của niềm vui và hạnh phúc như sau: Một hôm sói hỏi sóc nâu: “Tại sao họ sóc nhà mi luôn vui vẻ nhảy nhót, còn bọn sói chúng ta lại luôn ủ rũ buồn rầu vậy?” Sóc liền trả lời rằng: “Ông sói buồn rầu vì trong lòng ông chứa đầy sự độc ác. Chính sự độc ác ấy đã bóp nghẹt trái tim ông, không cho ông được an bình hạnh phúc. Còn sở dĩ lũ sóc chúng tôi luôn vui vẻ vì chúng tôi hiền lành, không làm hại ai cả”.

Suy niệm:

Hiền hậu theo Kinh Thánh là thái độ bên trong: hiền dịu không cứng cỏi, từ bi, độ lượng, cảm thông; bên ngoài: nhẹ nhàng, từ tốn, không thô bạo… Thông thường, những người có chức có quyền hay tự cao tự đại, thường biểu lộ tính nóng nảy, la mắng những người dưới mình, cau có… Thái độ khiêm nhường luôn tôn trọng sự thật về bản thân mình, chấp nhận bản thân thậm chí những cái xấu của mình, và người biết mình sẽ thành công trong mọi việc, vì người ấy sẽ không chán nản khi sự việc không xảy ra như ý mình.

Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy học với Ngài vì nơi Ngài có sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng, và như thế tâm hồn chúng ta sẽ bình an, không tự mãn về sự khôn ngoan hay giỏi giang của bản thân. Tuy nhiên sự hiền lành nơi Chúa Giêsu không phải là sự nhu nhược nhưng là chính trực, từ bi, nhân ái, trong cách ứng xử.

Lạy Chúa, chúng con được tạo dựng giống hình ảnh của Chúa, xin giúp chúng con biết tìm kiếm Chúa là Đấng hiền lành và khiêm nhường để học hỏi và sống theo mẫu gương của Chúa.

 

 

 

 

 

20.06.2020

THỨ BẢY TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN

Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ

Lc 2,41-51

 

Lời Chúa:

“Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.” (Lc 2,51)

Câu chuyện minh họa:

Chó con hỏi chó mẹ: Mẹ ơi hạnh phúc là gì? Chó mẹ bảo: Hạnh phúc là cái đuôi con đấy! Và thế là chó con quay lại tóm cái đuôi của mình, nhưng không tài nào tóm được. Chú ngồi xuống oà khóc và lại hỏi mẹ: Tại sao con không thể nào bắt được hạnh phúc hả mẹ? Chó mẹ mỉm cười và nói rằng: Con trai, tại sao con không tiến về phía trước và hạnh phúc sẽ theo sau con. Vậy tại sao chúng ta cứ phải đi tìm hạnh phúc, khi mà hạnh phúc luôn đi theo mình.

Suy niệm:

Dường như khi chúng ta càng đi tìm sự an bình và hạnh phúc thì nó sẽ chạy xa chúng ta, nhưng chúng ta hãy cảm nhận hạnh phúc thì hạnh phúc luôn ở bên mình, bên những người thân xung quanh chúng ta. Khi Đức Maria suy gẫm về những điều Mẹ biết về Chúa, Mẹ càng thêm tin tưởng, thêm khôn ngoan và yêu mến Chúa hơn. Và khi cảm được mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, Mẹ lại càng khiêm tốn, hân hoan, tha thiết hướng về Chúa. “Mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng”, để hiểu và sống những điều Chúa muốn và để ý Cha được thể hiện.

Nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Mẹ luôn làm theo những gì Chúa dạy. Thiên Chúa đã cho chúng ta mẫu gương là Đức Mẹ để giúp chúng ta sống thánh thiện, giữ lề luật, mẫu mực cho sự khiêm tốn và dâng các hy lễ thiêng liêng đẹp lòng Chúa.

Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con biết nhận ra thánh ý Chúa trong mọi biến cố vui buồn trong cuộc sống hằng ngày, để con biết đi vào nội tâm hơn, gắn bó mật thiết với Chúa hơn, để cũng biết noi gương Mẹ vâng theo thánh ý Chúa mỗi ngày trong đời con.

Têrêsa Mai An

Gp. Mỹ Tho

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*