29.06.2020
THỨ HAI TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN
Thánh Phêrô và thánh Phaolô, tông đồ
Mt 16,13-19
Lời Chúa:
“Người ta bảo Con Người là ai?” (Mt 8,13)
Câu chuyện minh họa:
Chúng ta hãy nhìn vào ông Nây Am-troong, ông là một phi hành gia đầu tiên của Mỹ đã đặt chân lên mặt trăng ngày 20.7.1969. Khi còn là một sinh viên, ông đã ghi trong cuốn sổ tay câu hỏi của Chúa Giêsu: “Anh em bảo Thầy là ai?” và ông đã trả lời: “Ngài là người không hề phạm tội, là người vị tha, là người biết quan tâm săn sóc kẻ khác, là người gần gũi Thiên Chúa”.
Suy niệm:
Ông Nây Am-troong đã không trả lời theo giáo lý hay kiến thức biết được nhưng ông đã trả lời bằng cách nhìn vào tận thâm sâu của cõi lòng và những cảm nghiệm riêng tư.
Các môn đệ sau một thời gian theo Chúa, giờ đây Ngài chất vấn các ông để các ông xác tín hơn về lập trường của mình. Phêrô đại diện cho các tông đồ khác tuyên xưng đức tin: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Chúng ta cần đặt câu hỏi đối với bản thân mình: Đức Kitô là ai? Để mỗi ngày chúng ta xác định đúng con đường của chúng ta. Chúng ta theo ai? Ngài có phải là Đấng cứu độ chúng ta không? Nếu tin như thế, cuộc sống chúng ta sẽ tốt hơn, và niềm tin của chúng ta sẽ triển nở hơn.
Chúng ta cần nhìn sâu vào tâm hồn mình để nói lên cảm nghiệm về Chúa, để xác tín thêm rằng Đức Kitô là ai trong cuộc đời tôi? Và câu hỏi này cần đặt lại mỗi ngày để nó không chỉ tồn tại trong quá khứ nhưng luôn là hiện tại của mỗi người. Và như thế, chúng ta có thể làm mới lại niềm tin của mình mỗi ngày.
Lạy Chúa, xin cho con luôn biết nhìn lại mình mỗi ngày để con hun nóng niềm tin của mình, và sống trọn vẹn những gì đã cam kết với Chúa.
30.06.2020
THỨ BA TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN
Mt 8,23-27
Lời Chúa:
“Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất!” (Mt 8,25)
Câu chuyện minh họa:
Một sĩ quan người Anh có đức tin mạnh mẽ được phái đến phục vụ ở một xứ nọ. Ông cùng gia đình xuống thuyền để đi đến đó. Thuyền rời bến được vài ngày thì biển động mạnh, một cơn bão kinh khủng ập đến làm thuyền có nguy cơ bị đắm. Sự lo lắng, nỗi sợ hãi xâm chiếm tất cả mọi người trên thuyền. Vợ của viên sĩ quan là người tỏ ra lo sợ hơn cả. Bà trách cứ chồng bà, vì trái với phản ứng sợ hãi của vợ, ông tỏ ra rất bình tĩnh. Thái độ bình tĩnh này bị bà xem như một biểu lộ sự thiếu lo lắng, yêu thương đối với bà và con cái. Sau khi nói vài lời ngắn gọn với vợ, ông rời căn phòng, nhưng liền sau đó ông quay trở lại với thanh kiếm trên tay. Với ánh mắt thảm não, ông tiến về phía người vợ và dí mũi kiếm vào ngực bà. Lúc đầu bà này sợ tái mặt, nhưng sau đó bỗng bà cười lớn tiếng, không hề tỏ vẻ sợ hãi.
– Làm sao em có thể cười khi em cảm thấy mũi nhọn của lưỡi kiếm trên ngực em? Em không sợ sao? – viên sĩ quan hỏi –
– Làm sao em sợ được – bà trả lời, – khi em thấy lưỡi kiếm ấy ở trong tay một người thương em.
– Vậy tại sao em lại muốn anh sợ cơn bão tố này khi anh biết rằng nó ở trong tay của Cha anh là Người hằng yêu mến anh?”
Suy niệm:
Tâm trạng của các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay, có lẽ cũng là tâm trạng của nhiều người trong chúng ta. Thử hỏi có ai trong chúng ta mà đã không hơn một lần phải đối đầu với những cơn cuồng phong trong cuộc sống không? Đó chính là những lúc chúng ta bị dao động bởi những lo lắng buồn phiền, bởi những hận thù ghen ghét, bởi những dục tình bất chính cuốn hút. Vào những lúc đó, Chúa vẫn ở bên cạnh chúng ta, để sẵn sàng cứu chúng ta, nếu chúng ta nhận ra sự hiện diện của Ngài và đặt niềm tin vào Ngài.
Lạy Chúa là cứu cánh đời con, xin cho con luôn cảm nghiệm Chúa luôn ở cạnh con để đời con có Chúa là chỗ dựa vững chắc.
01.07.2020
THỨ TƯ TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN
Mt 8,28-34
Lời Chúa:
“Chưa tới lúc mà Ngài đã đến đây làm khổ loài ma quỷ chúng tôi”. (Mt 8,29).
Câu chuyện minh họa:
Một ngày kia, con lừa của bác nông dân sẩy chân ngã xuống cái giếng bỏ hoang. Con vật kêu lên thảm thiết nhiều giờ liền trong lúc chủ của nó nghĩ xem nên làm gì để cứu con lừa lên… Cuối cùng, ông quyết định rằng, vì con lừa cũng già rồi, và cái giếng thì đằng nào cũng phải lấp, nên sẽ có cách để không bận tâm đến con lừa nữa.
Ông mời hàng xóm đến giúp ông. Mỗi người cầm một cái xẻng, xúc đất đổ vào giếng. Nhận ra sự thật phũ phàng, con lừa rên rĩ thảm thiết. Sau khi hứng những xẻng đất đầu tiên, nó hoàn toàn tuyệt vọng – nhìn lên với đôi mắt đầy ai oán… Chỉ đến khi đất đã ngập đến gần hết chân, nó mới bừng tỉnh, nó cảm nhận điều gì đang và sẽ xảy đến với nó. Nó không nhìn lên nữa mà cố gắng xoay xở để trồi lên. Bác nông dân và mọi người chăm chú nhìn xuống giếng, họ kinh ngạc trước những gì đang diễn ra. Cứ mỗi xẻng đất đổ lên lưng, con lừa lại lắc mình cho đất rơi xuống chân và bước lên lớp đất ấy. Cứ thế, từng xẻng đất, rồi từng lớp đất. Và chẳng bao lâu, chú lừa đã có thể bước lên miệng giếng, mệt nhọc chạy ra ngoài trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người.
Suy niệm:
Trong thời gian rao giảng Tin Mừng, Đức Chúa Giêsu tỏ bày sứ vụ cứu thế của Người bằng cách dùng uy quyền trục xuất quỷ để cứu con người, như Tin Mừng thánh Matthêu thuật lại việc Người đuổi bọn quỷ: “Đi đi! Chúng liền ra khỏi hai người đó và nhập vào bầy heo” (Mt 8,32).
Qua việc trừ quỷ này, Chúa Giêsu còn bày tỏ tình thương của Thiên Chúa đối với con người, Ngài luôn quan tâm đến tất cả mọi người, không trừ một ai, đặc biệt với người đau khổ, bệnh tật và tội lỗi.
Vậy xin Chúa đến chữa những căn bệnh nơi tâm hồn con và tẩy trừ những tội lỗi nơi con, giúp con trở nên con người mới, con người của niềm tin và lòng mến. Amen.
02.07.2020
THỨ NĂM TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN
Mt 9,1-8
Lời Chúa:
“Dân chúng tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người được quyền năng như thế”. (Mt 9,8).
Câu chuyện minh họa:
Bác sĩ Tissot là một bác sĩ nổi tiếng ở Thụy Sĩ. Mặc dù là một người Tin Lành, ông cũng kính trọng và công nhận sức chữa bệnh của bí tích cáo giải thực hành trong Giáo hội Công giáo. Ngày kia, ông được mời trị bệnh cho một phu nhân trẻ tuổi ngoại quốc mắc bệnh trầm trọng. Vì nàng là một tín hữu Công giáo, nên mời linh mục ngồi toà và ban Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân.
Tức thời, nàng cảm thấy thay đổi dễ chịu. Lúc trước nàng hốt hoảng vì sợ chết. Lúc này nàng êm dịu và trầm tĩnh. Sáng hôm sau, bác sĩ Tissot thấy cơn sốt giảm dần. Bệnh nhân bình phục. Bác sĩ Tissot thường nhắc lại biến cố này, và bao giờ ông cũng thêm một lời cảm phục chân thành “Nhờ sức mạnh của tòa cáo giải của người Công giáo”.
Suy niệm:
Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu chữa lành người bất toại, đây chính là lời mạc khải cách rõ ràng rằng: Đức Giêsu là Thiên Chúa. Vì là Thiên Chúa, nên Người mới có quyền tha tội: “Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi!” (Mt 9,2)
Theo quan niệm Do Thái giáo thời Chúa Giêsu, thì bệnh tật là hậu quả của tội lỗi. Do đó, việc Chúa Giêsu chữa lành bệnh cho người bại liệt về phần xác cho anh, cũng chính là Chúa đã tha tội, đã chữa lành về phần hồn cho anh, giờ đây anh được sạch, được ơn tha tội.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con một đức tin vững vàng, và lòng mến thiết tha để con luôn biết chạy đến Chúa khi con bất toàn tội lỗi. Amen.
03.07.2020
THỨ SÁU TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN
LỄ THÁNH TÔMA TÔNG ĐỒ
Ga 20,24-29
Lời Chúa:
“Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi không tin” (Ga 20,25).
Câu chuyện minh hoạ:
Một người vô thần rất mê leo núi. Ngày kia trượt chân té ngã lăn từ đỉnh núi xuống. Nhưng may thay ông bám được một cành cây nằm chơ vơ giữa đỉnh cao và vực thẳm. Giữa lúc chỉ còn biết chờ chết, một ý nghĩ chợt đến với ông: Tại sao không gọi Chúa đến cứu giúp. Thế la lấy hết sức lực, người vô thần la lớn: “Lạy Chúa”. Tuy nhiên bốn bề chỉ có thinh lặng và ông chỉ nghe được tiếng dội của lời kêu van. Một lần nữa, người vô thần lại kêu xin tha thiết hơn: “Lạy Chúa, nếu quả thật Chúa hiện hữu thì xin hãy cứu con. Con hứa sẽ tin Chúa và dạy cho những người khác cũng tin Chúa.” Sau một hồi thinh lặng, bỗng người vô thần nghe một tiếng vang dậy cả vực thẳm và núi cao: “Gặp hoạn nạn thì ai cũng cầu xin như thế”. “Không, lạy Chúa, nghìn lần không. Con không giống như những người khác. Chúa không thấy sao, con đã bắt đầu tin từ khi nghe tiếng Chúa phán. Nào bây giờ xin Chúa hãy cứu con đi, và con sẽ cao rao danh Chúa cho đến tận cùng trái đất”. Tiếng ấy trả lời: “Được lắm, Ta sẽ cứu ngươi. Vậy nếu ngươi tin thì hãy buông tay ra.” Người vô thần thất vọng thốt lên: “Buông tay ra ư, bộ Chúa tưởng tôi điên sao!”.
Suy niệm:
Thánh Tôma tông đồ, một người trong nhóm Mười Hai, đã được Chúa Giêsu tuyển chọn, đã đi theo Chúa, được Chúa huấn luyện, nên niềm tin vào Chúa Giêsu phục sinh cũng cần được sáng tỏ, như lời ông xác quyết: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi không tin” (Ga 20,25).
Thánh Tôma đòi hỏi phải được thấy tận mắt, sờ tận tay… đây không phải là sự cứng lòng tin, nhưng để cho một niềm tin chân chính thì cần phải được kiểm chứng và thánh Tôma đã được Chúa Giêsu phục sinh nhận lời.
Lạy Chúa Giêsu, đời sống đức tin của con nhiều khi cũng hoang mang, lo sợ nhất là khi gặp thử thách gian nan. Xin Chúa đến bên con, để đời sống con luôn có bình an và hạnh phúc. Amen.
04.07.2020
THỨ BẢY TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN
Mt 9,14-17
Lời Chúa:
“Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ?”. (Mt 9,15).
Câu chuyện minh họa:
Anphongsô, vua nước Tây Ban Nha thường có thói quen đi thăm thần dân cách kín đáo. Ngày nọ, lúc đi thăm tại một tỉnh lẻ, vua thuê phòng tại một khách sạn nhỏ, dĩ nhiên với một tên khác. Sáng hôm sau, nhà vua xin người bồi phòng mang đến cho mình một chiếc gương để cạo râu. Trở lại với chiếc gương trên tay, người bồi phòng hỏi:
– Hình như ông không phải là một khách du lịch hoàn toàn.
Nhà vua tò mò liền hỏi:
– Sao anh lại hỏi tôi như vậy?
Người bồi đáp:
– Vì trông cử chỉ của ông khác hẳn, chắc ông là người của triều đình.
Vua trả lời:
– Một cách nào thì đúng thế.
Anh ta hỏi tiếp:
– Vậy ông là người trực tiếp phục vụ cho đức vua.
Nhà vua xác nhận:
– Anh đoán chẳng sai chút nào.
Người bồi phòng tò mò hỏi thêm:
– Phục vụ cho đức vua thì làm gì hả ông?
Nhà vua mỉm cười đáp:
– Ồ! Nhiều việc lắm. Chẳng hạn như bây giờ tôi sắng tay cạo râu cho ngài…
Người bồi phòng đã gặp chính đức vua của mình và được đức vua hé mở cho biết về con người của ngài.
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại lời Đức Giêsu dạy về việc phải giữ chay thế nào cho đẹp lòng Chúa: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ?”. (Mt 9,15).
Đối với người Do Thái thời đó thì việc giữ chay được liên kết với niềm mong đợi Đấng Cứu Thế. Nên việc giữ chay không chỉ kiên cử theo luật định về các sinh hoạt, cách ăn uống mà còn cử hành các nghi thức sám hối, để diễn tả sự nôn nóng trông chờ Đấng Cứu Thế đến.
Đức Giêsu, chính là Đấng Cứu Thế, Ngài đã đến với nhân loại. Nên việc giữ chay cũng phải mang một ý nghĩa mới, đó là: giữ chay không vì mong đợi, nhưng vì đau buồn khi Thiên Chúa không còn ở với họ. Vì thiếu vắng Thiên Chúa là mất hẳn niềm vui.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con luôn sống thế nào cho đẹp lòng Chúa, để đời con luôn có Chúa là có hạnh phúc và niềm vui. Amen.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
Để lại một phản hồi