Mạng xã hội tấn công hạnh phúc gia đình

Đang dùng bữa tối trong nhà hàng, chúng tôi thấy một gia đình, vợ chồng và hai người con, bước vào. Nhanh chóng bồi bàn đưa thực đơn, và họ chọn món. Khi chờ thức ăn, tôi ngỡ ngàng vì ai cũng lấy điện thoại ra xem. “Một gia đình thời mạng xã hội”- tôi nghĩ thế. Dĩ nhiên chẳng ai biết họ đang chuyện trò hoặc xem tin tức gì đó trong chiếc điện thoại thông minh. Chúng tôi xì xào với nhau rằng: “Phải chăng điện thoại là mối nguy cho hạnh phúc gia đình?”

Về nhà, tôi tìm đọc vài tài liệu liên quan đến thời công nghệ mạng. Từ quan điểm Giáo Hội công giáo, mạng xã hội và Internet đúng là quà tặng của Thiên Chúa dành cho con người. Tuy nhiên, Giáo Hội luôn cảnh giác người dùng về những mối nguy của nó. Đặc biệt về hạnh phúc gia đình, vấn đề ly thân, ly dị có khi đến từ nguyên nhân: mạng xã hội. Có lẽ nhiều người ngỡ ngàng về nguyên nhân này!

Đó là chủ đề được Thượng Hội Đồng về gia đình bàn nhiều đến trong Tông huấn Niềm Vui Yêu Thương. Khi phân tích thực trạng của các gia đình thời nay, Giáo Hội phải thừa nhận “văn hóa tạm bợ” có mặt ở mọi lãnh vực, nó len lỏi tận đến tương quan đời sống vợ chồng và gia đình. Như thế nào? Chúng ta quen với việc kết bạn trên Facebook, Twitter. Nếu thấy người nào dễ mến, hợp gu hoặc thinh thích là tôi kết bạn. Rất nhiều bạn trong tài khoản mà người ta có khi chẳng nhớ nổi. Buồn vu vơ, người ta dễ dàng ngưng kết bạn. Nói chung mối tương quan trên mạng xã hội không chắc chắn chút nào!

Tiếc rằng từ những hành vi nho nhỏ trên trang mạng ấy, lại ảnh hưởng đến quyết định của nhiều đôi vợ chồng. Giáo Hội chỉ rõ cho những người đã ly hôn: “Người ta tưởng rằng tình yêu, cũng giống như các mạng xã hội, có thể kết nối hay ngưng kết nối tùy theo sở thích của người tiêu dùng và cũng có thể nhanh chóng “bị chặn”.” (Niềm vui yêu Thương số 39). Đáng lẽ hôn nhân liên kết hai người nên một, chung thủy trọn đời, thì giờ đây, định chế ấy đang bị tấn công bởi những quyết định nhanh chóng và nhất thời của nhiều vợ chồng. Yêu cuồng, sống vội là phong cách của nhiều đôi bạn. Dĩ nhiên, gia đình công giáo cũng không miễn nhiễm với “virut” này. Thay vì cổ võ cho tình yêu trọn đời, sự dâng hiến cho nhau, ngày nay không ít người xem hôn nhân có vẻ ràng buộc người ta đến nghẹt thở. Giấy hôn thú, bí tích hôn nhân lấy đi sự tự do của nhiều người. Thực vậy, trong nền văn hóa tạm bợ này: người ta cảm thấy sợ dấn thân vĩnh viễn, sợ không còn thời gian tự do. Vợ chồng, con cái tính toán thiệt hơn, v.v.

Một khi vợ chồng không còn tôn trọng lẫn nhau, họ dễ dàng nói lời ly dị. Họ xem nhau như đồ vật, hàng hóa: dùng xong rồi vứt bỏ, thế thôi! “Hết yêu thì chia tay!” là câu nói đang trở nên phổ biến trong nhiều gia đình trẻ thời nay. Theo nghiên cứu của Giáo hội: “ai sử dụng người khác như các đồ vật, thì sớm hay muộn, sẽ bị người khác sử dụng, bị thao túng và bỏ rơi như thế.” Xin đừng yêu “qua đường”, nhưng hay yêu thật lòng, hy vọng sẽ cho người ta hạnh phúc. Nếu không, đống hồ sơ ly dị, vụ kiện cáo ly hôn cứ tăng dần. Mà một trong những thủ phạm chúng ta có thể đoán ra: bỏ nhau dễ như ngừng kết bạn với một ai đó trên mạng xã hội.

Xin đừng tưởng mạng xã hội chỉ tấn công vào những gia đình trẻ. Giáo Hội lưu ý vấn đề này có khi xảy ra cho những người lớn tuổi. Lý dó là “người lớn tuổi thích tìm một lối sống độc lập và từ chối lí tưởng chung sống với nhau cho đến tuổi già, để chăm sóc và nâng đỡ nhau.” Tôi nhớ thời ông bà ngày trước không có những suy nghĩ bỏ nhau hoặc ly dị. Hoặc ít ra, tình trạng ly dị ngày xưa không nhiều. Phải chăng khi mạng xã hội lên ngôi, nhiều tư tưởng cởi mở, chủ nghĩa hưởng thụ và cá nhân,v.v., đã bào mòn hạnh phúc các gia đình.

Về lý do trên đây có thể nhiều người không đồng ý. Thực ra, mạng xã hội chỉ là một trong muôn vàn lý do tấn công hạnh phúc gia đình. Trong khi nghiên cứu thực trạng của các gia đình, Giáo Hội còn liệt kê (từ số 40-43):

  • “Văn hóa khuyến khích người trẻ không lập gia đình.”
  • “ảnh hưởng của những ý thức hệ xem thường hôn nhân và gia đình, hoặc do muốn tránh kinh nghiệm thất bại của những đôi hôn nhân đi trước.”
  • “một thứ tình cảm quy ngã, bất ổn và thay đổi thất thường, vốn không luôn giúp người ta đạt tới sự trưởng thành chín chắn hơn”.
  • “Hình ảnh khiêu dâm và thương mại hóa thân xác, được thúc đẩy bởi việc lạm dụng các mạng toàn cầu”
  • “Người ta đương đầu với vấn đề này cách quá vội vàng và không đủ can đam để kiên nhẫn, thẩm định, tha thứ cho nhau, làm hòa lại với nhau và cũng để hi sinh cho nhau.”
  • “Não trạng không muốn sinh con và được khuyến khích.”
  • “Tình trạng đức tin và thực hành tôn giáo suy yếu.”
  • v.v

Đã đến lúc các gia đình, nhất là người trẻ để tâm hơn đến ơn gọi cao quý của mỗi người. Hôn nhân chắc chắn luôn là nét đẹp tuyệt vời. Đó là ơn gọi Thiên Chúa dành cho hầu hết chúng ta. Trong đó, tình yêu vợ chồng sẽ là chìa khóa để người ta giải quyết mọi vấn đề. Cho dù bức tranh về hạnh phúc gia đình có nhiều vết tối, nhưng luôn còn đó biết bao gia đình hạnh phúc. Là gia đình công giáo, họ dám để cho Thiên Chúa tác động đến hai người, đến các thành viên trong gia đình. Khi đó, những mỗi nguy, kể cả mạng xã hội, có thể được hóa giải một cách tốt đẹp.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*