Trong thư gửi cho cha Stefano Cecchin, Giám đốc Học viện Giáo hoàng Quốc tế về Thánh mẫu, đề ngày 15 tháng 8, Đức Thánh Cha Phanxicô cảm kích việc Học viện thành lập Phân khoa phân tích và nghiên cứu các hiện tượng tội phạm và mafia để “giải phóng Đức Mẹ khỏi sự thu hút và ảnh hưởng của các tổ chức tội phạm”, bắt đầu từ việc dừng lại và cúi tượng Đức Mẹ trước cửa nhà của các ông chủ mafia trong các cuộc rước.
Trong thư, Đức Thánh Cha nói rằng ngài rất vui khi Học viện Giáo hoàng Quốc tế về Thánh mẫu sẽ tổ chức một Hội nghị để chính thức thành lập Khoa phân tích và nghiên cứu các hiện tượng tội phạm và mafia, để “giải phóng Đức Mẹ khỏi ảnh hưởng của các tổ chức tội phạm”, chống lại “việc đạo đức lệch lạc” có thể thấy được. Ví dụ, việc cúi các tượng Đức Mẹ trước dinh thự của các thủ lĩnh. Đức Thánh Cha bày tỏ sự cảm kích đối với sáng kiến quan trọng.
Ngài cũng lưu ý: “Lòng sùng kính Đức Mẹ là một di sản văn hóa – tôn giáo cần được bảo vệ trong sự thuần khiết nguyên thủy của nó”, bằng cách giải phóng nó khỏi “những cấu trúc thượng tầng, quyền lực hoặc những điều kiện không đáp ứng các tiêu chí của Tin Mừng như công bằng, tự do, trung thực và liên đới.”
Bảo vệ sự tinh tuyền của di sản của chúng ta
Cha Cecchin giải thích với Vatican News: “Nhiệm vụ của Học viện là cung cấp một nền huấn luyện về Thánh Mẫu lành mạnh theo quan điểm của một lòng đạo đức bình dân lành mạnh. Chúng ta phải khám phá lại các di sản tôn giáo và văn hóa mà chúng ta có trên khắp thế giới, nhưng đặc biệt là ở Ý – một di sản mà chúng ta phải đánh giá lại và bảo vệ tính nguyên thủy của nó.”
Tại Ý và và các nơi khác, lòng sùng kính Đức Mẹ và các lòng súng kính khác của Công giáo khác thường bị kết hợp một cách ác ý vào các nghi lễ của mafia, làm sai lệch đời sống tâm linh đích thực, chẳng hạn như khi các bức tượng hoặc hình ảnh của Đức Mẹ cúi đầu trước nhà của các trùm mafia trong các đám rước . Cha Cecchin nói: “Chúng tôi muốn xóa bỏ [việc sử dụng lòng sùng kính một cách méo mó này] thông qua việc đào tạo con người, gia đình.”
Cha nói rằng việc lạm dụng lòng sùng kính “không phải là tôn giáo! Đó là sự mê tín. ” Các nhà lãnh đạo mafia đang cố gắng “dạy mọi người rằng Chúa ở cùng họ. Vì vậy, họ cũng muốn sử dụng cảm xúc tôn giáo của mọi người không phải để đưa họ đến tự do, nhưng trở thành nô lệ.
Liên kết trong ý tưởng của Đức Gioan Phao-lô II và Đức Phanxicô
“Hoạt động của chúng tôi liên kết trong ý tưởng với vạ tuyệt thông Đức Gioan Phaolô II đưa ra ở Agrigento năm 1993 và của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Cassano allo Jonio năm 2014.”
Khi kết thúc chuyến thăm mục vụ giáo phận Cassano allo Jonio, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ra vạ tuyệt thông cho mafia và yêu cầu chống lại băng đảng mafia ‘Ndrangheta vì họ tôn thờ tiền bạc và khinh thường điều tốt lành. Ngài nói: “Khi chúng ta không tôn thờ Chúa, chúng ta trở thành những người thờ phượng điều ác, cũng như những người sống trong sự xấu hổ, bạo lực”; và “vùng đất của anh chị em, rất đẹp, biết hậu quả của tội lỗi này. `Ndrangheta là thế này: tôn thờ sự ác và khinh thường lợi ích chung. Tệ nạn này phải được tranh đấu, phải dẹp bỏ, phải nói không. Giáo hội mà tôi biết là rất dấn thân trong việc giáo dục lương tâm, ngày càng phải hy sinh chính mình để sự thiện có thể chiến thắng. Những thanh thiếu niên của chúng ta yêu cầu chúng ta.” “Những người không theo con đường tốt đẹp này, như mafia, họ không hiệp thông với Chúa, họ bị vạ tuyệt thông”.
Cùng hoạt động vì ích chung
Học viện Thánh Mẫu sẽ tổ chức một hội nghị vào tháng 9, trong đó sẽ đưa ra các hướng dẫn cho Khoa phân tích và nghiên cứu các hiện tượng tội phạm và mafia. Hội nghị không chỉ bao gồm các thần học gia và các chuyên viên Thánh Mẫu học, nhưng gồm cả các thẩm phán, các nhà tội phanjm học, các luật sư, sĩ quan cảnh sát và lãnh đạo dân sự.
Phân khoa mới này dự định tổ chức một hội nghị toàn quốc hàng năm vào ngày 13/05 để trình bày các thành quả hoạt động của phân khoa.
Cha Cecchin nói: “Điều chúng tôi nhắc lại là chúng ta phải làm việc cùng nhau, nhưng mỗi người có bản sắc riêng của họ, không gây nhầm lẫn giữa Nhà nước,Giáo hội và các tổ chức khác. Chúng ta phải làm việc vì lợi ích chung.” (CSR_6061_2020)
Nguồn: Vatican News
Để lại một phản hồi