07.09.2020
THỨ HAI TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN
Lc 6,6-11
Lời Chúa:
“Ngày sabat được phép làm điều lành hay làm điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt” (Lc 6,9)
Câu chuyện minh hoạ:
Trong một giai thoại về Đức Thích Ca, có kể rằng: Một hôm Ngài rơi vào tay một tên cướp. Tên này dọa giết Ngài, trước khi chết Ngài xin hắn một ân huệ. Ngài chỉ vào một cây lớn trước mặt và nói:
– Ngươi hãy cắt đứt một nhánh cây.
Trong nháy mắt, tên cướp vung kiếm chém đứt một nhánh cây. Đức Thích Ca nói tiếp:
– Bây giờ ngươi hãy ráp nhánh cây vào thân cây.
Tên cướp cười gằn, nói:
– Mi quả là tên khùng nên mới nghĩ rằng ta có thể làm được điều đó. Đức Thích Ca liền dạy hắn một bài học:
– Ngươi mới là tên khùng khi nghĩ rằng sức mạnh con người có thể gây thương tích và phá hủy. Người có sức mạnh thực là người biết sáng tạo và chữa lành.
Suy niệm:
Những người Pharisêu sống theo luật lệ, họ luôn bị ám ảnh điều gì nên làm và điều gì không nên làm. Nhưng Đức Giêsu thì không như vậy, Ngài không coi thường lề luật nhưng đặt con người trên lề luật, vì lề luật chỉ để phục vụ con người mà thôi, vì chỉ muốn con người hạnh phúc.
Căn bệnh thô bại tay của anh chàng trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay là một ràng buộc anh, Ngài cảm được nỗi đau khổ ấy nên đã mang đến cho anh sự giải thoát. Vì ngày sabat là ngày của niềm vui và ơn cứu độ. Chúa cũng muốn mỗi Kitô hữu biết dùng ngày này trong một ý nghĩa mới: ngày của niềm vui, ngày tôn vinh Thiên Chúa và trao ban tình thương cho nhau.
Lạy Chúa, xin cho chúng con sống tinh thần của Chúa, luôn có ánh mắt nhân từ như Chúa để yêu thương và mang đến hạnh phúc cho tha nhân thay vì ganh ghét thù hận.
08.09.2020
THỨ BA TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN
Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria
Mt 1,1-16.18-23
Lời Chúa:
“Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” (Mt 1,21)
Câu chuyện minh họa:
Ngày xưa, có một chú bé Phi châu tên là Emmanuel. Chú ta luôn tò mò thắc mắc. Ngày nọ, chú hỏi thầy giáo: “Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng nào?”. Thầy giáo chỉ biết gãi đầu và nói: “Nói thực là thầy không biết”. Sau đó Emmanuel đi hỏi các nhà trí thức trong làng cũng như các vùng lân cận: “Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng nào?”. Nhưng họ cũng chỉ biết lắc đầu mà thôi.
Tuy nhiên, Emmanuel vẫn tin chắc có người biết được điều ấy. Vì thế chú lên đường đến các quốc gia và cả những lục địa khác để tìm hỏi, nhưng ở đâu chú cũng chẳng nhận được câu trả lời. Một đêm nọ sau khi bị kiệt sức vì đi quá nhiều nơi. Chú cố tìm một chỗ nghỉ đêm trong các nhà trọ, nhưng tất cả các nơi đều không còn chỗ. Vì thế chú quyết định tìm một cái hang ngoài trời để trú đêm. Cuối cùng quá nửa đêm chú mới tìm được một cái hang. Nhưng khi bước vào hang, chú nhận ra đã có một đôi vợ chồng và một hài nhi đang trú ngụ. Nhìn thấy chú, bà mẹ trẻ liền nói: “Hân hạnh đón chào Emmanuel, chúng tôi đang mong chờ con”.
Chú bé quá sửng sốt: Làm sao bà này biết tên mình? Và chú càng ngạc nhiên hơn khi nghe bà ấy nói: “Đã từ lâu, con đi tìm kiếm khắp thế giới để hỏi xem Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng nào. Giờ đây cuộc hành trình của con kể như đã đến đích. Đêm nay chính mắt con đã thấy được Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng nào. Ngài nói bằng “ngôn ngữ của tình yêu” – “Thiên Chúa đã quá yêu thương thế gian đến nỗi đã ban cho thế gian chính Con Một của Ngài” (Ga 3,16).
Trái tim Emmanuel trào dâng niềm xúc động, chú vội quỳ gối xuống trước Hài nhi và mừng rỡ khóc lên. Giờ đây chú đã biết rằng Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng của tình yêu, thứ tiếng mà mọi người thuộc bất cứ dân tộc hay thời đại nào cũng đều có thể hiểu được. Và thế là Emmanuel ở lại đó vài ngày để giúp đỡ Đức Maria và Thánh Giuse. Sau đó đến lúc chú phải chia tay để đi loan báo cho mọi người Tin Mừng về ngôn ngữ Chúa dùng: “Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng của tình yêu”.
Lủi thủi một mình, Emmanuel vừa rảo bước vừa suy nghĩ: “Nếu tôi muốn kể cho mọi người biết Thiên Chúa dùng thứ tiếng nào để nói, thì chính tôi cũng phải nói bằng thứ tiếng Chúa nói, tức là ngôn ngữ của tình yêu. Bởi vì đó chính là thứ tiếng nói duy nhất mà mọi người trên thế giới đều hiểu được”.
Suy niệm:
Thiên Chúa đến với con người bằng con đường yêu thương và nói với con người cũng bằng ngôn ngữ của tình yêu. Ngài đã diễn tả tình yêu đó bằng cả cuộc sống của Ngài từ hang Bêlem đến Núi Sọ. Không những thế, Ngài luôn chia sẻ, đồng hành với chúng ta trong cuộc đời, nhất là những người nghèo hèn, bị áp bức, bị bỏ rơi…
Chúa đến trong trần gian cũng nhờ đến lời “xin vâng” của Mẹ Maria, người đã cưu mang tình yêu và sống với tình yêu. Vì thế, chúng ta cũng hãy học nơi Mẹ tiếng xin vâng ấy để rồi tình yêu luôn hiện diện và biểu lộ trong cuộc đời của mỗi chúng ta.
Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con mỗi ngày biết nhận ra tiếng gọi đầy yêu thương của Chúa trong mọi biến cố cuộc đời con, để con cũng biết xin vâng như Mẹ.
09.09.2020
THỨ TƯ TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN
Lc 6,20-26
Lời Chúa:
“Phúc thay anh em là những kẻ nghèo khó… Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có…” (Lc 6,20.24))
Câu chuyện minh hoạ:
Mẹ Têrêsa Calcutta là một phụ nữ sống cho tha nhân. Suốt đời Mẹ sống với Phúc Tám Mối của Chúa Giêsu. Mẹ phục vụ cho những người nghèo khó nhất trần gian là để bắt chước lòng nhân từ của Chúa Giêsu. Ngay cả những người không phải là Kitô hữu đã nhìn vào Mẹ và thấy Mẹ có một điều gì giống như Thiên Chúa và có thể nối kết với Ngài. Một người ăn xin đang nằm hấp hối bên vệ đường thành phố Calcutta, sau khi được cứu sống đã nói với Mẹ: “Trên trần gian này, có điều gì giống với Thiên Chúa không?” Mẹ trả lời: “Không, tôi đang cố gắng là một cái gì đó giống như Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa.”
Suy niệm:
Tin Mừng thánh Luca hôm nay, thuật lại lời giảng dạy của Chúa Giêsu về những tiêu chuẩn phải có của người môn đệ Chúa Giêsu, những tiêu chuẩn ấy dường như bị đảo ngược, chẳng hạn như: “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc… Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê… nhưng đó chính là thái độ sống mà người môn đệ cần phải có để đạt hạnh phúc đích thực.
Bởi vì là người môn đệ của Chúa, chúng ta theo Chúa, không phải là “đựơc gì” hay là “làm gì”, nhưng theo Chúa để được giống Chúa, được hạnh phúc Nước Trời.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết chọn Chúa hơn chọn những của cải vật chất trần gian, để dù ở trong hoàn cảnh nào chúng con cũng có thể làm sáng danh Chúa. Amen.
10.09.2020
THỨ NĂM TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN
Lc 6,27-38
Lời Chúa:
“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Ðấng nhân từ” (Lc 6,36)
Câu chuyện minh họa:
Disraeli, một chính khách nổi tiếng của Anh, lần kia đáp tàu trở về nước. Cùng chung chuyến tàu có một phu nhân mang theo đứa nhỏ, nhưng vì bà không ngó ngàng gì đến con khiến nó cứ khóc thét lên. Hành khách ai cũng bực mình, có người còn dọa ném nó xuống biển. Lúc đó Disraeli đã làm một việc mà có lẽ ít ai ngờ tới: ông ẵm lấy đứa bé, nói chuyện và cười đùa với nó. Đứa bé không khóc nữa và còn vui vẻ hơn khiến ai nấy cũng được vui lây.
Suy niệm:
Disraeli đã dùng cách thu phục người khác hơn là ra lệnh cho người phụ nữ làm cho con bé không khóc nữa. Hôm nay Chúa cũng mời gọi mỗi người chúng ta hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.
Thật vậy, ơn gọi Kitô hữu của chúng ta là nên trọn lành như Thiên Chúa. Ngài mời gọi chúng ta vượt xa mọi mực thước hay tiêu chuẩn của trần gian: yêu kẻ yêu mình, ghét kẻ ghét mình; nhưng đối với Thiên Chúa thì khác, ngài dạy chúng ta hãy yêu cả kẻ thù nữa. Điều này ngài đã nêu gương cho chúng ta trước, khi Ngài chịu chết vì tội lỗi chúng ta. Ngài còn dạy chúng ta cách thức cụ thể để yêu thương kẻ thù: làm điều lành cho kẻ thù, chúc lành cho kẻ nguyền rủa và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi. Luật yêu thương mà Chúa đưa ra cho con người không những giúp con người giải quyết những khó khăn trong mối quan hệ nhưng dẫn con người tới mức hoàn thiện và trọn lành.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết hoán cải và thay đổi cách sống, cách đối xử với nhau như Chúa dạy để mỗi ngày chúng con trở nên hoàn thiện hơn như Chúa đòi hỏi.
11.09.2020
THỨ SÁU TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN
Lc 6,39-42
Lời Chúa:
“Mù lại dắt mù được sao?” (Lc 6,39)
Câu chuyện minh hoạ:
Thánh Ignatio Loyola đã viết: “Nếu tôi không được bắt đầu từ chính mình, thì mọi ý định làm cho người khác nên tốt hơn đều chỉ làm uổng phí thì giờ một cách vô ích mà thôi”. Điều này dĩ nhiên không có nghĩa là người ta phải trở nên hoàn hảo trong mọi sự trước khi ra tay nâng đỡ những người khác. Nhưng có nghĩa là bạn phải biết những khuyết điểm của chính mình và thực tâm sửa đổi chúng ngay trong cả khi đang cố gắng giúp người khác sửa đổi.
Suy niệm:
Sau khi Chúa dạy các môn đệ phải có lòng nhân từ, yêu thương kẻ thù của mình, Chúa còn đòi người môn đệ phải sáng suốt, làm gương sáng trong nhiệm vụ dạy dỗ và sửa lỗi tha nhân.
Thật thế, mỗi Kitô hữu chúng ta phải luôn hoàn thiện chính mình, để qua đời sống tốt lành, thánh thiện của chúng ta mà mọi người sẽ nhận ra sự hiện diện của Chúa. Thế nhưng, muốn làm được điều này, thiết nghĩ chúng ta phải học hỏi Lời Chúa và biết tự kiểm điểm bản thân mỗi ngày, nhất là trong các mối tương quan: với Chúa, với tha nhân và cả với chính mình. Bởi vì, “Mù mà lại dắt mù cả hai đều sa xuống hố?” (Lc 6,39).
Lạy Chúa, xin giúp chúng con nỗ lực học hỏi và sống Lời Chúa, để qua lời nói và gương sáng của chúng con, mà mọi người nhận ra Thiên Chúa của chúng con tôn thờ. Amen.
12.09.2020
THỨ BẢY TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN
Lc 6,43-49
Lời Chúa:
“Tại sao anh em gọi Thầy: Lạy Chúa! Lạy Chúa! mà anh em không làm điều Thầy dạy”. (Lc 6,46)
Câu chuyện minh hoạ:
Khi tạc những pho tượng trên vòm nhà thờ Milan, nhà điêu khắc đại tài Michen Ange vẫn tỏ ra kỹ lưỡng trong những chi tiết nhỏ nhặt, dù không có ai có thể thưởng thức những chi tiết đó từ bên dưới. Có người đã hỏi nhà điêu khắc:
“Công phu như thế làm gì? Ở dưới có ai xem thấy đâu!”
Nhà điêu khắc trả lời: “Ở dưới không ai thấy, nhưng đã có Thiên Chúa thấy! Và thế là đủ rồi.”
Cao quí thay những tâm hồn nào có thể nói được như thể. Nó diễn tả sự trong sáng và sức mạnh của lương tâm. Thiên Chúa sẽ vui thích ngự trị và nhậm lời những tâm hồn luôn biết hành động cách cẩn mật Lời Ngài. Bức tranh tâm hồn mỗi chúng ta sẽ trở nên đẹp biết bao khi chúng ta cẩn thận vẽ những nét theo sự hướng dẫn của Lời Chúa.
Suy niệm:
Tin Mừng thánh Luca hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải tỉnh thức và sáng suốt để phân biệt cái tốt cái xấu cũng như người lành và người dữ.
Thật thế, căn cứ vào việc làm của một con người, chúng ta sẽ nhận biết được nội tâm của họ, một đời sống tốt sẽ được chứng minh bằng những việc tốt lành, thánh thiện, vì “không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt” (Lc 6,43). Bởi đó, người yêu mến Chúa chân thật là người luôn chu toàn luật Chúa trong tinh thần bác ái và yêu thương.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con luôn có một cung cách sống đi đôi với một tâm hồn tốt, để cách sống đạo của chúng con là biểu hiện của niềm tin vào Chúa, yêu mến Chúa và yêu thương tha nhân. Amen.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
Để lại một phản hồi