Cha Pierluigi Maccalli 59 tuổi, là một nhà truyền giáo người Ý thuộc Hội Truyền giáo Phi châu, làm việc tại giáo xứ Bomoanga, giáo phận Niamey. Cha bị dân quân thánh chiến bắt cóc tại Niger, gần biên giới Burkina Faso vào đêm 17 rạng sáng ngày 18/9/2018. Ngày 8/10 vừa qua, cùng với ba con tin khác, cha đã được trả tự do và trở về Ý ngày 9/10, sau cuộc trao đổi các tù nhân chiến binh thánh chiến do chính quyền quân sự đang nắm quyền ở Mali làm trung gian. Chính sức mạnh của cầu nguyện và tinh thần truyền giáo đã nâng đỡ cha trong những tháng tù đày khó khăn.
Cha Maccalli khi đang truyền giáo tại Niger (ANSA)
Cha Pierluigi Maccalli 59 tuổi, là một nhà truyền giáo người Ý thuộc Hội Truyền giáo Phi châu, làm việc tại giáo xứ Bomoanga, giáo phận Niamey. Cha bị dân quân thánh chiến bắt cóc tại Niger, gần biên giới Burkina Faso vào đêm 17 rạng sáng ngày 18/9/2018. Ngày 8/10 vừa qua, cùng với ba con tin khác, cha đã được trả tự do và trở về Ý ngày 9/10, sau cuộc trao đổi các tù nhân chiến binh thánh chiến do chính quyền quân sự đang nắm quyền ở Mali làm trung gian.
Cha Maccali đã chia sẻ về thời gian bị cầm tù và ý nghĩa của nó đối với cuộc đời truyền giáo của cha. Chịu đựng để tồn tại. Đó là lời nói đã đồng hành cùng cha và động viên cha ngày này qua ngày khác. Cha bị bắt cóc và đưa giữa đêm, khi đang mặc bộ đồ ngủ và đi dép; cha không có gì trên người. Cha bị những quân nhân thánh chiến nhiệt thành Hồi giáo xem như con số không; họ xem tôi như một kẻ ô uế và đáng bị kết án xuống địa ngục.
Cầu nguyện là sức mạnh
Nguồn sức mạnh trợ lực duy nhất của cha là lời cầu nguyện đơn giản sáng tối mỗi ngày mà cha học được trong gia đình từ người mẹ, và kinh Mân Côi mà bà của cha đã dạy như lời kinh chiêm niệm. Sa mạc là thời kỳ của sự im lặng tuyệt vời, của sự thanh lọc, của sự trở lại nguồn gốc và bản chất. Một cơ hội để xem lại bộ phim của cuộc đời.
Cha tự hỏi mình nhiều câu hỏi và kêu lên như một lời bộc phát và than thở với Chúa: con đang ở đâu? Tại sao Chúa bỏ con? Cho đến khi nào lạy Chúa? Cha đã biết và vẫn biết rằng Người đang ở đó! Bây giờ, khi được tự do, trở về nhà, cha bắt đầu hiểu ra. Cha biết mọi người đã cầu nguyện, tuần hành và canh thức để yêu cầu trả tự do cho cha ….
Tương quan với Chúa Giê-su đã gia tăng dù rằng không có Thánh lễ. Mỗi ngày, và đặc biệt là mỗi Chúa Nhật, cha đã đọc những lời thánh hiến “Đây là thân thể con được dâng hiến”, là bánh được bẻ ra cho thế giới và châu Phi. Trong kinh nguyện buổi sáng, cha cầu nguyện bằng một bài thánh ca tiếng Pháp “một ngày mới bắt đầu, một ngày được Chúa ban, chúng con đặt nó trong tay Chúa như nó sẽ là” … và kết thúc với câu: “Con không có điều gì khác để dâng Chúa ngoài của lễ đời con”.
Nghe Radio Vatican
Nhưng kể từ ngày 20/5, cha được có một radio có làn sóng ngắn, nhờ đó cha đã có thể nghe suy niệm Phúc Âm Chúa Nhật từ Đài Vatican vào mỗi thứ Bảy.
Có một lần cha nghe được buổi phát sóng trực tiếp Thánh lễ, chính xác là lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm 2020. Sáng hôm đó, sau khi nghe bản tin của đài RFI, khi thay đổi tần số, cha vô cùng ngạc nhiên khi nghe Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói bằng tiếng Ý. Cha ghé tai lại gần và chỉnh đài tốt hơn và thấy mình đang ở đầu Thánh lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, trong sự hiệp thông với Đức Giáo hoàng, Giáo hội và thế giới. Cha tự nhủ: “Hôm nay tôi đang ở đền thờ thánh Phê-rô ở Roma và đồng thời đang thực hiện một nhiệm vụ ở Châu Phi.” Cha hơi xúc động khi lắng nghe các bài đọc và bài Tin Mừng nhắc nhở cha về châm ngôn đời linh mục của cha, đoạn Tin Mừng Thánh Gioan (Ga 20): “Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con. Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần.”
Cha tự nhủ phải chăng đây là một sự trùng hợp? Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô là một luồng không khí trong lành. Sau 2 năm hạn hán về thiêng liêng và không có Lời Chúa, cha cảm thấy được tái sinh và đón nhận món quà này như một hơi thở của Chúa Thánh Thần, Đấng muốn đẩy làn sóng radio đến tận sa mạc Sahara. Cha đã nghe Tin Mừng và những lời của Đức Giáo Hoàng cách thích thú hơn bao giờ hết, chúng có một hương vị đặc biệt trong bối cảnh đó.
Tinh thần truyền giáo
Dù bị giam cầm cha Maccalli vẫn thấy gắn bó với sứ vụ truyền giáo. Cha chia sẻ: “Tôi luôn cảm thấy mình là một nhà truyền giáo ngay cả khi chân bị xiềng xích, tôi muốn nói là ‘truyền giáo từ tận đáy lòng mình’, như Đấng sáng lập của chúng tôi thường nói (Đức Cha Melchior de Marion Bresillac, người sáng lập S.M.A.). Tôi thường đi bộ trên sườn núi Bomoanga-Niger (nơi mà tôi đã bị bắt cóc). Thân xác tôi là tù nhân của cồn cát, nhưng tinh thần của tôi đã đi đến những ngôi làng mà tôi đã nhớ đến trong lời cầu nguyện của mình và tôi cũng nhớ tên của những người cộng tác của tôi và của nhiều người và những người trẻ mà tôi mang trong lòng, đặc biệt là những đứa trẻ suy dinh dưỡng và ốm yếu mà tôi chăm sóc, và nhiều khuôn mặt đang hiện diện sống động trong trái tim bị tổn thương của tôi.”
Cha nhận ra rằng truyền giáo không chỉ là ‘làm’, nhưng còn là thinh lặng và về cơ bản, đó là công việc của Chúa. Nhiều hoạt động đặc trưng cho những ngày của cha bây giờ không gì khác hơn là hồi ức và cầu nguyện. Nhưng cha tin sứ mệnh truyền giáo vẫn tiếp tục và luôn nằm trong bàn tay tốt lành, chính xác là bàn tay của Chúa, đó là sứ vụ của Chúa. Chứng tá của nhiều người, bạn bè và những người không quen biết đã tham dự các buổi cầu nguyện, tuần hành, v.v. để cầu xin trả tự do cho cha, như một tiếng vang, xác nhận rằng Sứ vụ của Chúa quyền năng như thế nào. Mọi người nói với cha rằng họ đã cầu nguyện rất nhiều, thậm chí có người nói “cha đã lấp đầy các nhà thờ”… Cha nói: “Không phải tôi, đây là công việc của Chúa!”
Tha thứ
Tha thứ là điều cha Maccalli dành cho những kẻ bắt cóc mình. Cha thương những người trẻ đã bị các video tuyên truyền tẩy não. Họ không biết việc họ làm! Cha nói: “Tôi không thù ghét những kẻ bắt giữ và cai ngục của mình, tôi đã cầu nguyện cho họ và tiếp tục làm như vậy.” Trong khi được đưa ra xe để được trả tự do cha cũng cầu chúc cho người quản lý cha trong năm tù cuối cùng: “xin Chúa cho một ngày nào đó chúng ta sẽ hiểu mình là anh em.”
Hồng Thủy
(vaticannews.va 25.10.2020)
Để lại một phản hồi