Từ ngày 25.01 đến ngày 30.01.2021 _ Phút lắng đọng Lời Chúa

25.01.2021

THỨ HAI TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN

Thánh Phaolô, tông đồ trở lại

Mc 16,15-18

 

Lời Chúa:

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15).

Câu chuyện minh họa:

Khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi thường nhận đồ về thêu. Mỗi buổi sáng, mẹ luôn ngồi trên ghế và thêu rất nhanh. Tôi ngồi dưới đất, háo hức ngước nhìn lên cái khung thêu của mẹ với đôi mắt mở to. Tôi cứ thắc mắc hỏi mẹ đang làm gì. Mẹ bảo công việc đó gọi là thêu. Tôi lại thắc mắc nhìn từ phía dưới cái khung thêu nó cực kỳ lộn xộn chẳng ra hình gì. Mẹ cười và bảo tôi cứ ra ngoài sân chơi, khi nào xong mẹ sẽ cho ngồi lên ghế xem.

Tôi cứ thắc mắc tại sao mẹ dùng sợi chỉ sẫm với chỉ màu sáng xen kẻ nhau, nó có đem lại tác dụng gì không và tại sao mẹ lại làm một thứ lộn xộn đến thế. Chỉ hai giờ sau, mẹ đã gọi tôi vào ngồi trên ghế để xem tranh thêu. Khi xem, tôi gần như reo lên vì trước mắt tôi là bức tranh có bầu trời, có hoa lá, có đủ màu sáng tôi, đẹp đến mức không thể tin được. Và mẹ bảo, cuộc sống cũng như vậy, khi ta nhìn từ một mặt, nó có thể hoàn toàn hỗn độn, nhưng nếu ta chịu chờ đợi, chịu chấp nhận cả những sợi chỉ màu sáng, màu tối và nhìn từ một mặt khác, ta sẽ thấy cuộc sống đáng yêu và đẹp biết chừng nào.

Suy niệm:

Cuộc đời người môn đệ Chúa cũng được đan dệt từ những mảng sáng của hạnh phúc, hy vọng, quảng đại,… và những mảng tối của đau khổ, thất vọng, tham lam, ích kỷ… Nếu chúng ta chấp nhận nó như là một quy luật tự nhiên thì chắc hẳn chúng ta sẽ thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Bổn phận của chúng ta là góp phần làm cho bức tranh ấy thêm sinh động hơn bằng những công việc bác ái, hy sinh, tha thứ… như chính Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta.

Lạy Chúa, xin cho con biết từ bỏ chính mình, để chấp nhận tha nhân cũng như chấp nhận những trái ý trong cuộc sống này, để dệt nên một cuộc sống tốt đẹp hơn, trong đó Chúa Giêsu là tâm điểm và cùng đích mọi sự.

26.01.2021

THỨ BA TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN

Thánh Timôthê và thánh Titô, giám mục

Lc 10,1-9

 

Lời Chúa:

“Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em.” (Lc 10,6)

Câu chuyện minh họa:

Nhà danh hoạ muốn tạo bức tranh để đời, trước khi nhắm mắt về thế giới bên kia. Chàng ta đã suy nghĩ lâu ngày để tìm đề tài vẽ bức tranh đó.

Một hôm tình cờ, ông gặp một đôi tình nhân tay trong tay, với vẻ mặt thật yêu đời đang đi tản bộ bên nhau, ông hỏi:

Anh chị nghĩ cái gì đẹp nhất trên đời này?

Hai người nhìn nhau, không ai bảo ai cùng thưa:

Tình yêu, là cái đẹp nhất trên đời này. Có tình yêu san bằng mọi giai cấp, mọi khuyết điểm. Không có tình yêu, con người sống trong đau khổ, thất vọng cuộc đời vô vị.

Lần khác, ông gặp một người lính từ mặt trận về. Với câu hỏi trước:

Theo anh, anh nghĩ cái gì là đẹp nhất trên đời này?

Người lính chỉ vào cánh tay, vết thẹo vừa mới khỏi. Anh trả lời:

Hoà bình là đẹp nhất. Không có hoà bình con người sống trong lo âu, con người hằn thù chém giết nhau. Không có hoà bình, mọi cái đều đổ vỡ.

Chàng gặp vị linh  mục, với câu hỏi trên:

Thưa cha, theo cha nghĩ cái gì đẹp nhất trên đời?

Không cần suy nghĩ, vị linh mục trả lời:

Chỉ có niềm tin đáng quí nhất trên đời. Niềm tin giúp chúng ta tin vào cuộc sống hiện tại và tương lai. Có niềm tin, chúng ta hy vọng vào Thiên Chúa và tự tin vào mình. Mất niềm tin, chúng ta sống trong thất vọng, chán nản và buông thả tất cả.

Nhà danh hoạ cố gắng thu góp những lời hay ý đẹp để diễn tả trên bức hoạ của mình.

Nhưng khi về nhà, ông đã gặp những tư tưởng hay, những đức tính cao quí đến trong gia đình ông:

* chàng thấy tình thương thắm thiết vợ ông dành cho ông, con cái ông sống trong tình thương yêu và nhường nhịn nhau.

*  Chàng cảm thấy gia đình ông sống trong bầu khí an bình, tràn đầy hạnh phúc.

Cuối cùng, nhà hoạ sĩ tài ba đó quyết định dùng hết tài năng của bàn tay khéo léo vẽ bức tranh gia đình hạnh phúc của mình.”

Suy niệm:

Trong hành trình truyền giáo, chắc hẳn chúng ta gặp gỡ đủ mọi hạng người: hạnh phúc, bất hạnh, giàu có, nghèo hèn,… cũng như đủ mọi kiểu tiếp đón của những người chúng ta gặp gỡ, có người đón tiếp rất nhiệt tình, có người xua đuổi ngay khi vừa thấy mặt,… Quả thật, cuộc đời làm môn đệ Chúa không êm xuôi và bằng phẳng chút nào cả. Tất cả những điều đó Chúa Giêsu đã vượt qua, và để lại cho mỗi người chúng ta là môn đệ Chúa bài học, và cũng là lời động viên, an ủi: Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em.

27.01.2021

THỨ TƯ TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN

Mc 4,1-20

Lời Chúa:

“Người gieo giống đi ra gieo giống…” (Mc 4,3)

Câu chuyện minh họa:

Một bác nông phu quê mùa chất phác nọ đã trở lại Kitô giáo. Đức tin và lòng mến Chúa chân thành của ông đã thúc đẩy ông sốt sắng trong việc rao giảng về Đức Kitô.

Một hôm có một người vô thần đến gặp bác, với ý định là đặt một số câu hỏi để dằn mặt ông này cho ông ta khỏi đi rao giảng về Đức Kitô.

Người vô thần hỏi:

– Ông có biết Đức Kitô mà ông vẫn hăng say quảng cáo, sinh ra ngày nào không?

Bác nông phu trả lời:

– Ngày 25 tháng 12.

Người vô thần nhún vai, trợn mắt lên, lắc đầu ra chiều khinh bỉ, rồi hỏi tiếp:

– Thế ông có biết Đức Kitô của ông chết năm bao nhiêu tuổi không?

Bị hỏi bất ngờ, bác nông phu còn đang ấp úng để tìm câu trả lời, thì người vô thần kia đã cướp lời:

– Ông thấy không, ông có biết gì về Đức Kitô của ông đâu. Vậy mà cứ đi quảng cáo về ông ta rùm beng.

Sau lời chê bai của người vô thần, bác nông phu bình tĩnh giải thích:

– Tôi không biết nhiều về Đức Kitô. Nhưng có một điều tôi biết chắc là, hai năm trước đây, tôi là một người chè chén say sưa, tôi rất hay nóng giận, đập phá nhà cửa, đánh đập vợ con. Hai năm trước đây, vợ tôi không bao giờ thấy nở một nụ cười, các con tôi thì sợ tôi như cọp. Nhưng sau khi tôi đã tin nhận Chúa, giờ đây vợ tôi đã tươi cười, con cái tôi không còn xa tránh tôi nữa. Bầu khí trong gia đình tôi đã trở nên nhẹ nhõm, vui tươi. Còn riêng tôi, tôi đã bỏ được những tật xấu trước đây. Tất cả những điều ấy, tôi tin là Đức Kitô đã làm cho tôi và gia đình tôi được thay đổi. Tôi nghĩ, tôi biết như thế về Đức Kitô, cũng đã là quá nhiều rồi.

Suy niệm:

Qua mẫu đối thoại, chúng ta nhận thấy hai mảnh đất tâm hồn rất khác nhau được Chúa Giêsu nhắc đến trong dụ ngôn người gieo giống. Chính sự kiêu ngạo và tự mãn của người vô thần kia, đã làm cho những kiến thức của ông về Chúa bị bóp nghẹt, nên đã không thể sinh hoa trái được.

Còn với bác nông phu kia, tuy kiến thức của bác về Chúa có ít ỏi và yếu kém thật, nhưng bác đã để cho những gì bác lãnh hội được, biến đổi đời sống của bác. Tâm hồn chất phác đơn sơ của bác, chính là thửa đất tốt, vì thế mà hạt giống lời Chúa đã sinh hoa kết trái. Nó đã làm thay đổi, không những đời sống của bác nông phu, mà nó còn làm thay đổi cả đời sống của gia đình bác nữa.

Trong thinh lặng, chúng ta xét xem tâm hồn mình thuộc mảnh đất nào: sỏi đá, gai góc hay đất tốt?

28.01.2021

THỨ NĂM TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN

Thánh Tôma Aquinô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh

Mc 4,21-25

 

Lời Chúa:

“Người nói với các ông: “Chẳng lẽ mang đèn tới để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường? Nào chẳng phải là để đặt trên đế sao? (Mc 4,21)

Câu chuyện minh họa:

Buổi chiều, người nọ lấy cây nến nhỏ từ trong hộp ra và leo lên tầng tháp cao. Cây nến hỏi:

– Chúng ta đi đâu?

– Đi lên cao hơn để chỉ đường cho tàu bè vào cảng.

– Nhưng tôi nhỏ bé thế này làm sao tàu bè thấy được?

– Chỉ cần ngươi cứ cháy sáng thôi, còn mọi việc ta lo.

Tới đỉnh tháp, người nọ đặt cây nến vào trong một cái đèn có ghép những tấm kính phản quang. Nhờ đó, ánh sáng lan tỏa và mọi tầu bè đều thấy.

Chúng ta cũng là cây nến trong tay Thiên Chúa. Chỉ cần ta cháy sáng, còn kết quả là ở Thiên Chúa.

Suy niệm:

Lời Chúa quả có sức chiếu sáng rất mạnh. Chỉ tiếc rằng Lời Chúa rót vào tai một số người giống như dầu châm vào những cây đèn không chịu cháy sáng nên cũng vô ích. Bà Chiara Lubich nói: “Chúng ta phải sống thế nào để cho dù các sách Tin Mừng trên khắp thế giới có bị đốt hết đi thì người ta nhìn vào cuộc sống chúng ta vẫn có thể chép lại Tin Mừng ấy đúng từng câu, từng chữ”.

Lý do hiện hữu của cây đèn là để soi sáng. Vậy khi cây đèn không soi sáng nữa, thì nó không còn phải là cây đèn nữa. Cũng thế, lý do hiện hữu của người Kitô hữu là phải tỏa sáng niềm tin của chúng ta, để cho người khác, nhờ ánh sáng đó mà được dẫn đưa đến chân lý và hy vọng. Việc làm chứng cho Đức tin trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, không phải là một việc làm tùy ý, nhưng đó là một đòi hỏi tất yếu, bao trùm tất cả cuộc sống Kitô hữu của chúng ta.

Lạy Chúa, xin cho mọi Kitô hữu luôn ý thức tầm quan trọng của việc sống niềm tin; và quyết tâm sống niềm tin ấy, để mỗi người trở thành những ngọn đèn được thắp sáng giữa môi trường mà chúng ta đang sống.

29.01.2021

THỨ SÁU TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN

Mc 4,26-34

 

Lời Chúa:

“Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên…” (Mc 4,26-27)

Câu chuyện minh họa:

Vào ngày chúc thọ mừng 90 tuổi của thầy giáo, cả bọn học sinh chúng tôi vây quanh thầy chúc mừng đại thọ và không ngừng khen thầy là người cao tuổi tráng kiện nhất, sắc mặt da dẻ hồng hào, tinh thần lại phấn chấn hoàn toàn không giống người ở tuổi 90.

Lúc đó có một người thưa hỏi thầy, có bí quyết gì trong cuộc sống không? Thầy liền tiết lộ bí quyết cho chúng tôi nghe: “65 năm về trước, sau khi kết hôn. Vào đêm tân hôn tôi và cô ấy (vợ thầy) đã vạch ra một pháp lệnh như sau: Từ nay về sau nếu chúng ta cãi nhau, khi đã biết được ai sai thì người đó phải ra vườn tản bộ. 65 năm qua, mỗi khi cãi nhau thì tôi là người ra vườn đi tản bộ hoặc đi dạo phố”. Nghe xong, cả bọn chúng tôi cười ầm lên, bỗng nhiên có một học sinh nam nói nhỏ rằng: “ngốc thế, sao lần nào thầy cũng sai cả”.

Kỳ thật, thầy giáo chúng tôi không ngốc và cũng không phải mỗi lần cãi nhau đều do lỗi của thầy hay do thầy sai đâu. Nhưng bởi vì thầy nhường nhịn, mỗi lần như vậy thầy đều chủ động ra vườn tản bộ, làm giảm bớt những điều không đem lại lợi ích giữa vợ chồng và dập tắt đi sự tranh cãi. Tinh thần của thầy đáng làm cho mọi người cảm động và khâm phục, bao nhiêu cặp nam nữ có thể không xảy ra tranh cãi chứ? Thà rằng “tự nhận sai” và nhường đi vài lời để cắt ngang lời lẽ không hay giữa hai người, làm cho hai người bình tĩnh suy xét lại mình trong chốc lát còn hơn rướng cổ tranh cãi.

Chỉ có sự nhường nhịn và bao dung trong lời nói, “tự nhận sai và ra vườn tản bộ trầm tư suy nghĩ. Đó mới chính là bí quyết để nuôi dưỡng hạnh phúc.

Suy niệm:

Để làm cho cây lớn lên cần có điều kiện căn bản là đất và nước. Thế nhưng một điều quan trọng quyết định là Chúa có cho nó mọc lên hay không. Nói như vậy không phải không cần sự quan tâm của con người, nhưng con người cần có nhiệm vụ chuẩn bị mảnh đất tốt, môi trường tốt để hạt giống có điều kiện mọc lên và sinh hoa trái. Cũng vậy, lời Chúa được gieo vãi nơi tâm hồn mỗi người, cần có sự cộng tác của mỗi người. Cũng như hạt giống được gieo trong lòng đất chúng ta không thấy được tiến trình phát triển của nó nhưng nó vẫn hoạt động và phát triển từng ngày, thì Lời Chúa cũng được lớn lên mỗi ngày trong những tâm hồn khiêm nhu, biết đón nhận, và rồi trổ sinh nhiều hoa trái tốt đẹp.

Lạy Chúa, dù con không đáng gì nhưng tình yêu Chúa luôn âm thầm hoạt động trong con, xin cho con sống xứng đáng với tình yêu ấy, để những gì Chúa ban cho con đều mang lại lợi ích thiêng liêng và cho phần rỗi của con. Amen.

30.01.2021

THỨ BẢY TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN

Mc 4,35-41

 

Lời Chúa:

“Người thức dậy ngâm đe gió và truyền cho biển: im đi! Câm đi! Gió liền tắt và biển lặng như tờ.” (Mc 4,39)

Câu chuyện minh họa:

Thánh Martinô thành Tour, thời còn trai trẻ, một lần đi ngang qua ngọn núi An-pơ ngài bị rơi vào tay bọn cướp. Chúng lột hết cả hành trang tiền bạc. Một tên cầm dao kề vào cổ đòi giết ngài, ngài vẫn đứng yên chờ chết. Dáng vẻ can đảm và bình tĩnh của ngài khiến tên cướp đầu đảng giật mình thán phục. Hắn chạy vội lại giật con dao ném xuống đất và hỏi ngài tại sao chẳng có chút gì sợ sệt khi thấy cái chết đang kề bên cổ. Ngài trả lời, đã có Thiên Chúa hằng thương yêu săn sóc lúc sống cũng như lúc chết thì cái chết nào có nghĩa lý gì mà sợ.”

Suy niệm:

Thiên Chúa luôn can thiệp vào cuộc sống của chúng ta, mà dường như chúng ta đã ít lần hay không nhận ra được điều đó. Các môn đệ đã đi theo Chúa, chứng kiến những việc Chúa làm nhưng các ông cũng chưa nhận ra Ngài là Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta cần đặt lại cho cuộc đời mình: Đức Kitô là ai trong cuộc đời tôi? Trong những biến cố của cuộc đời, tôi có nhận ra bàn tay uy quyền của Chúa hay không. Để làm được điều đó, chúng ta cần sống mối tương quan mật thiết với Chúa.

Lạy Chúa, có những sóng gió trong cuộc đời con, Chúa luôn ở bên mà con đâu nhận ra; có những hạnh phúc con có được mà con đâu biết chính Chúa đã làm cho con. Xin ban thêm cho con lòng yêu mến Chúa để con biết Chúa yêu con đến dường nào, và để con nhận ra lòng thương xót vô bờ của Chúa hằng ấp ủ cuộc đời con. Amen.

Têrêsa Mai An

Gp. Mỹ Tho

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*