Bộ Phục vụ Phát triển con người toàn diện và Ủy ban ứng phó Covid-19 Vatican tổ chức hội thảo “Thúc đẩy giải trừ vũ khí trong thời điểm đại dịch”, với mục đích cổ võ lệnh ngừng bắn toàn cầu, đưa ra các phương pháp cụ thể cho việc theo đuổi giải trừ quân bị và nhấn mạnh vai trò đối thoại đại kết và liên tôn.
Hậu quả chiến tranh (WFP/Ammar Bamatraf)
Theo tuyên bố của các nhà tổ chức, hội thảo “Thúc đẩy giải trừ vũ khí trong thời điểm đại dịch” gồm một chuỗi các sự kiện trực tuyến, với sự tham gia của các đại diện tôn giáo và các nhà nghiên cứu. Nội dung của các buổi thảo luận sẽ suy tư về những nỗ lực thúc đẩy ngừng bắn toàn cầu bằng cách ngừng sản xuất và phổ biến vũ khí. Sáng kiến nhằm cung cấp cho cộng đồng quốc tế và các nhà lãnh đạo tôn giáo những lựa chọn cụ thể để đi theo con đường giải trừ quân bị toàn diện, theo thông điệp Fratelli tutti”.
Một năm qua, khi cả thế giới đang phải đối phó với đại dịch, Đức Thánh Cha và Liên Hợp Quốc đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi ngừng bắn toàn cầu và ngưng sản xuất, phổ biến vũ khí. Trong sứ điệp Phục sinh 2020, Đức Thánh Cha nói: “Đây không phải là thời điểm để tiếp tục sản xuất và buôn bán vũ khí, sử dụng những khoản đầu tư lớn mà đáng lẽ phải được dùng để chăm lo cho con người và cứu vớt mạng sống”. Vào tháng 3/2020, ông Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cũng đã kêu gọi các chính phủ ngừng bắn toàn cầu. Ông giải thích: “Ngày nay, virus corona là mối đe dọa chính đối với an ninh toàn cầu, đây là lý do tại sao tôi đã kêu gọi ngừng bắn toàn cầu”.
Phiên hội thảo đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 23/3. Tại buổi đầu tiền này sẽ có các bài tham luận của Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh; của Đức Hồng y Peter Turkson, Bộ trưởng Bộ Phục vụ và Phát triển con người toàn diện; và của các chuyên gia nghiên cứu quốc tế và ngoại giao.
Phân tích luật quốc tế và các phương pháp cụ thể để theo đuổi giải trừ quân bị là nội dung thảo luận của phiên thứ hai. Hiện diện tại buổi họp này sẽ có các chuyên viên về giải trừ quân bị chia sẻ kiến thức chuyên môn về lĩnh vực này. Đại diện Tòa Thánh phát biểu trong lần họp này là Đức Tổng Giám mục Ivan Jurkovič, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc ở Genève.
Phiên thứ ba sẽ nêu bật vai trò quan trọng của đối thoại đại kết và liên tôn trong việc theo đuổi giải trừ quân bị. Tại phiên thảo luận này có sự tham gia của Đức Hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Hiệp nhất các Kitô hữu, và Đức Hồng y Miguel Ayuso Guixot, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, cùng với đại diện các Giáo hội Kitô và các tôn giáo khác.
Ngọc Yến
(vaticannews.va 18.03.2021)
Để lại một phản hồi