Sau cuộc diệt chủng làm cho một triệu người bị giết hại, Giáo hội Rwanda đã và tiếp tục dấn thân cho sự hòa giải của đất nước. Các Giám mục đang tìm kiếm một hiệp định khung điều chỉnh dứt khoát các tương quan giữa nhà nước và Giáo hội.
Đức cha Philippe Rukamba
Ngày 6/4 vừa qua là ngày tưởng niệm 27 năm cuộc diệt chủng tại Rwanda. Tháng 4/1994 tổng thống Habyarimana người Hutu đã bị ám sát khiến cho hai chủng tộc Hutu và Tutsi tàn sát lẫn nhau. Trong vòng 100 ngày, từ ngày 6/4 tới giữa tháng 7/1994, đã có tới một triệu người bị sát hại, đa số là người Tutsi.
Nhìn lại quá trình hàn gắn vết thương cho đất nước, Đức cha Philippe Rukamba, được bổ nhiệm làm Giám mục Butare năm 1997 và hiện là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Rwanda, cho biết, sau cuộc diệt chủng, đất nước bị tàn phá, Giáo hội phải bắt đầu lại từ con số không. Giáo hội bị nhiều thiệt hại: hai giám mục bị giết, một giám mục bị mất tích, nhiều linh mục và tu sĩ bị giết. Giáo hội đã cố gắng cùng với người dân tái thiết đất nước, và công việc trước tiên là sự hòa giải.
Đức cha Chủ tịch giải thích, điều quan trọng là cố gắng hòa giải các gia đình của các nạn nhân với các thủ phạm của các cuộc tàn sát, và điều này được thực hiện bằng suy tư và trước hết là cố gắng hiểu chuyện gì đã xảy ra. Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục đã xin sự trợ giúp kinh nghiệm của một số quốc gia đã từng trải qua thời kỳ căng thẳng về sắc tộc hoặc tôn giáo, như Nam Phi và Bắc Ailen. Bằng cách này, một con đường rất hữu ích đã được khởi động.
Giám mục của Butare cho biết thêm, dần dần tình hình đã được cải thiện. Lúc đầu, Giáo hội bị cáo buộc là đã “chuẩn bị” cho cuộc diệt chủng. Trong những năm qua, các vị lãnh đạo các tôn giáo đã thừa nhận rằng nhiều Kitô hữu cũng như các tín đồ khác đã tham gia vào cuộc diệt chủng. Nhưng mọi người đều hiểu rằng cần phải tiến lên bằng cách đi một con đường mới với lòng quyết tâm.
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Rwanda khẳng định: “Năm 2017, khi tổng thống Kagame đến thăm Vatican, Đức Thánh Cha đã thay mặt các Kitô hữu xin tha thứ về tội ác diệt chủng. Tôi tin rằng chúng tôi đã thực hiện một hành trình hiệu quả, cũng bởi vì chúng tôi bắt đầu với người dân và thúc đẩy hòa giải trong các giáo xứ ở mọi cấp độ”.
Đức cha Rukamba kết luận: “Tình hình đã được cải thiện rất nhiều và tương quan giữa nhà nước và Giáo hội đã có sự thay đổi. Hiện tại, chúng tôi đang tìm kiếm một hiệp định khung điều chỉnh dứt khoát các tương quan giữa nhà nước và Giáo hội. Vào ngày tưởng nhớ nạn diệt chủng 6/4 vừa qua đã có một nghi lễ và lần đầu tiên tên của một số linh mục và giám mục, bị giết trong các cuộc đụng độ được nêu công khai. Các vị được nhìn nhận là ‘Những người Công chính’ vì đã phản đối bạo lực và cứu sự sống”.
Ngọc Yến
(vaticannews.va 19.04.2021)
Để lại một phản hồi