Lễ Đức Mẹ Thánh Thể – 13/5

Bạn có biết, trong số rất nhiều ngày lễ kính Đức Mẹ trong năm, có một ngày được dành để kính tước hiệu Đức Mẹ Thánh Thể. Càng bất ngờ hơn, ngày đó lại trùng với lễ kính một tước hiệu nổi tiếng khác của Đức Mẹ – ngày 13 tháng 5.

Nguồn gốc tước hiệu Đức Mẹ Thánh Thể

Thánh Phêrô Julianô Eymard (1811-1868), người Pháp, là một vị Thánh có lòng sùng kính Thánh Thể cách đặc biệt. Đức Mẹ từng hiện ra với Thánh nhân và dạy rằng: “Các mầu nhiệm về cuộc đời Con Mẹ đều có các dòng tu nam nữ để tôn vinh. Nhưng riêng mầu nhiệm Thánh Thể thì lại không.” Sau nhiều năm suy tư và phản biện, dưới sự khuyến khích của Đức Giáo Hoàng Piô IX, ngài quyết định thành lập Dòng Bí Tích Cực Thánh, tức dòng Thánh Thể, vào ngày 13/5/1856 tại Paris.

Trong một bài giảng dành cho các tu sĩ của mình vào tháng 5/1868, Thánh nhân đã dâng kính Đức Mẹ Maria tước hiệu “Đức Mẹ Thánh Thể”. Ngài cũng dạy các tu sĩ sùng kính ảnh Đức Mẹ Thánh Thể với mô thức như sau: Đức Trinh Nữ Maria ẵm Chúa Hài Đồng trên tay, Chúa Hài Đồng một tay cầm chén thánh và tay còn lại cầm Bánh thánh.” Kèm theo lòng sùng kính đó là lời cầu nguyện: “Lạy Đức Mẹ Thánh Thể, xin cầu cho chúng con là kẻ nương cậy Đức Mẹ.” Đức Giáo Hoàng Piô IX đã ban nhiều ân xá cho lời cầu nguyện này; Đức Piô X cũng làm tương tự. Ngày 30/12/1905, Đức Piô X ban ân xá 300 ngày cho những ai đọc lời cầu nguyện trên. Ngài nói: “Tước hiệu Đức Mẹ Thánh Thể có lẽ là tước hiệu nhiều ý nghĩa nhất trong các tước hiệu.”

Lễ kính Đức Mẹ Thánh Thể

Năm 1921, dưới thời Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XV, Thánh Bộ Nghi Lễ (tiền thân của Thánh Bộ Phụng Tự) đã truyền cho dòng Thánh Thể hằng năm cử hành “lễ nhớ trọng Đức Trinh Nữ Maria với tước hiệu Đức Mẹ Thánh Thể” vào ngày 13/5. Đến nay, ngày 13/5 vẫn là lễ trọng Đức Mẹ Thánh Thể trong dòng Thánh Thể.

Năm 1962, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII phong thánh cho Thánh Phêrô Julianô Eymard và tuyên bố chính thức tước hiệu Đức Mẹ Thánh Thể.

Lòng sùng kính Đức Mẹ Thánh Thể của các Thánh

Chúng ta đều biết: Chúa Giêsu nhận lấy thịt và máu mình hoàn toàn từ thịt và máu Đức Mẹ Maria, và được nuôi dưỡng bởi sữa của Mẹ. Thánh Thể Chúa, tức Mình và Máu, mà chúng ta hằng lãnh nhận cũng chính là phần máu thịt của Đức Mẹ. Thật vậy, Đức Mẹ kết hiệp cùng Chúa Giêsu khăng khít đến nỗi không gì có thể chia cắt được, từ khi Mẹ bắt đầu mang thai Chúa cho đến đời đời.

Một lần kia, người ta hỏi Thánh Bênađetta Soubirous: “Điều nào sẽ làm chị vui hơn, rước Chúa Giêsu Thánh Thể hay nhìn thấy Đức Mẹ ở hang đá?” Vị Thánh khi ấy còn rất trẻ suy nghĩ một hồi rồi nói: “Câu hỏi lạ lùng thật! Hai điều ấy không thể tách rời. Chúa Giêsu và Đức Maria luôn đi chung với nhau.”

Thánh Augustinô dạy rằng: “Trong Thánh Thể, Đức Maria mở rộng và kéo dài tình mẫu tử thiêng liêng của Người.” Trong một Thánh lễ, Thánh Inhaxiô Loyala được thị kiến thấy Thịt và Máu Chúa Giêsu trong Bánh và Rượu có chứa Thịt và Máu của Đức Mẹ, và ngài say đắm vì thị kiến này một thời gian dài.

Các vị Thánh Phêrô Đamianô, Bênađô, Bônaventura, Bênađinô… khẳng định rằng Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể trước hết là dành cho Đức Maria, sau đó nhờ Mẹ là Đấng thông ơn Thiên Chúa mà dành cho cả nhân loại.

Thánh Piô Năm Dấu thường nói với các con cái thiêng liêng của ngài: “Các con không thấy rằng Đức Mẹ ở ngay bên cạnh Thánh Thể sao?” Thánh Anphongsô Liguori luôn liên kết việc viếng Đức Mẹ với mỗi lần viếng Chúa Giêsu Thánh Thể. Thánh Maximilianô Kolbê nhắc các tín hữu khi đi viếng Chúa Thánh Thể thì không bao giờ được quên sự hiện diện của Đức Mẹ Maria và kêu cầu Mẹ, hay ít nhất là nhớ đến danh thánh ngọt ngào của Mẹ trong đầu.

Thánh Vêrônica Giuliani và chân phước Magdalen Martinengo từng thị kiến thấy: trên Thiên đàng, Đức Mẹ giữ gìn một Thánh Thể nhìn thấy được trong trái tim mình, bởi vì Mẹ là “Thiên đàng ngọt ngào của Thiên Chúa”, như Thánh Germain gọi. Vì vậy, ở Pháp, nhiều nhà thờ đúc mặt nhật hình Đức Mẹ chứa Thánh Thể ở giữa ngực. Thánh Hilariô, Tiến sĩ Hội Thánh, viết: “Niềm vui lớn nhất chúng ta có thể dành cho Đức Maria là mang Thánh Thể trong trái tim mình.”

Mối quan hệ giữa Thánh Thể và Đức Mẹ Fatima

Thiên Đàng không bao giờ làm gì ngẫu nhiên. Vì vậy, không phải tình cờ mà Đức Mẹ hiện ra tại Fatima lần đầu vào ngày 13/5, lễ Đức Mẹ Thánh Thể.

Quả vậy, trước khi Đức Mẹ hiện ra 1 năm, một Thiên thần tự xưng là Thiên thần Hoà Bình đã hiện ra vài lần với ba trẻ và dạy các em lòng sùng kính Mình Máu Thánh Chúa. Trong các lần hiện ra, Thiên thần cho ba trẻ rước lễ và nói: “Hãy nhận và ăn uống Thịt và Máu Chúa Giêsu Kitô đã bị xúc phạm kinh khủng bởi loài người vô ơn. Hãy đền bồi tội lỗi họ và an ủi Thiên Chúa của các em.” Trong lần hiện ra tháng 7 năm 1917, Đức Mẹ nói về việc dâng 5 thứ Bảy đầu tháng, mà hai điều quan trọng nhất trong việc đạo đức này là Rước Lễ đền tạ và lần chuỗi Mân Côi.

Ba trẻ sau khi thị kiến Đức Mẹ đã trở thành những mẫu gương sùng kính Thánh Thể. Thánh Phanxicô và Jacinta, trước khi qua đời, đều say mê viếng Thánh Thể mà các ngài gọi là “Chúa Giêsu ẩn mình”. Các ngài cho chúng ta thấy mối quan hệ quan trọng kỳ diệu giữa sự kiện Fatima và mầu nhiệm Thánh Thể.

Gioakim Nguyễn biên dịch

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*