Hỏi : Xin cha giải thích lại về vấn đề có nhiều linh mục đồng tế và tiền xin lễ.
Trả lời:
Trong bài trước đây, tôi đã có dịp nói về vấn đề đồng tế (concelebration) của các linh mục trong một Thánh Lễ. Tôi đã nói rõ là không có giáo lý, giáo luật hay luật phụng vụ nào cấm việc này. Có chăng chỉ có giáo luật cấm linh mục Công giáo “đồng tế với các thừa tác viên của các giáo hội hay giáo đoàn không hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo” mà thôi (x. giáo luật số 908).
Cũng trong bài trước, tôi đã nói đến việc giới hạn hay cấm linh mục đồng tế trong các dịp lễ tang hay lễ cưới áp dụng ở một số nơi, nhưng vi luật cấm này của giáo hội địa phương đã không được áp dụng công minh, đồng đều ở địa phương đó, khiến có sự ta thán, bất mãn của cả giáo dân và linh mục.Cụ thể là có nơi vẫn cho nhiều linh mục đồng tế trong tang lễ vì tang gia thân quen với cha xứ, nhưng- cũng trường hợp tương tự- lại không cho phép cả linh mục là thân nhân của người chết được đồng tế trong tang lễ, và tệ hại hơn nữa, là không cho mang xác vào trong nhà thờ khi cử hành tang lễ, chỉ vì tang gia không “thân quen” với cha xứ !!! Đây là chuyện có thật do một nhân chứng kể lại.
Hôm nay, xin được nói riêng về tình trạng đồng tế ở nhiều nơi bên ngoài Việt-Nam, cụ thể là ở Mỹ này.
I- Vấn đề linh mục đồng tế ở Mỹ
Nói chung, ở Mỹ, không có nơi nào cấm hay giới hạn việc đồng tế của linh mục trong các dịp hôn phối, kỷ niệm thành hôn, tang lễ hay lễ giỗ cả. Nhưng phải nói là chỉ có trong các cộng đoàn hay giáo xứ Việt-Nam ở Mỹ mới có “hiện tượng đồng tế” đông đảo trong các dịp nói trên mà thôi.
Ở các giáo xứ Mỹ, Mễ,Phi, Đại Hàn… thì rất ít có linh mục đồng tế trong những dịp này. Ngay cả khi có một linh mục Mỹ, Mễ qua đời thì may lắm mới có được từ 25-40 linh mục đồng tế trên tổng số hơn 500 linh mục trong giáo phận! Tôi chưa bao giờ thấy có đến hơn 100 linh mục Mỹ đồng tế trong lể an táng của một linh mục qua đời cả.
Ngược lại, lễ tang hay lễ cưới của giáo dân Việt-Nam thì đôi khi có trên 20 linh mục đồng tế là thường, ít ra cũng có 4, hay 5 linh mục đồng tế. Thông thường thì ở các nơi có đông người Công giáo Việt-Nam, cũng như có nhiều linh mục Việt Nam làm mục vụ như ở California, Houston, Dallas, New Orleans… các linh mục đến đồng tế vì quen biết ít nhiều hay là thân thích họ hàng với các chủ hôn hay tang gia.
Nhưng cũng có trường hợp linh mục đến đồng tế vì được người khác mời hộ cho đông chứ không hẳn vì quen biết hay có liên hệ gì với gia đính có hôn lễ hoặc tang lễ. Vì thế mà trong giới linh mục một vài nơi ở Mỹ, đã có cụm từ “đi sô” (show) để chỉ tình trạng các linh mục chậy từ nhà thờ này sang nhà thờ kia để đồng tế ít là 2 lễ cuối tuần, giống như nghệ sĩ “đi show” vậy đó!
Đây là thực trạng đáng phàn nàn vì có sự lạm dụng hay dễ dãi không cần thiết về việc đồng tế để chiều thị hiếu của những người muốn được vinh dự với cộng đoàn, giáo xứ địa phương khi có lễ cưới hay lễ tang của gia đình họ. Nhưng điều này lại trái với giáo luật số 905, triệt 1, cấm linh mục cử hành hay đồng tế nhiều lần trong một ngày, khi không có lý do chính đáng được phép làm. Hơn thế nữa, đồng tế quá dễ dãi như vậy cũng gây phân bì hay không vui cho những gia đình không được quen biết nhiều cha hay mời thêm được nhiều linh mục đến đồng tế khi gia đình họ có việc vui, buồn.
Như vậy, linh mục cũng cần giới hạn việc đồng tế khi thực sự không phải là nhu cầu cần thiết. Một khía cạnh không được đẹp mắt là người ta thường tặng “phong bì” cho các cha chủ tế và đồng tế ngay sau thánh lễ, trước mặt giáo dân đang rời nhà thờ sau thánh lễ. Theo thiển ý, đáng lẽ phải nói cho giáo dân biết là không nên làm việc này, vì linh mục đến đồng tế là vì thân tình với các gia chủ có việc vui buồn chứ không phải đến để nhận “phong bì”. Vả lại, làm như vậy khiến người ta có cảm tưởng là “trả công” đi đồng tế cho các linh mục.
Nhưng điều quan trọng hơn hết cần nói để mọi người biết một lần nữa là: ơn Chúa ban cho đôi tân hôn hay cho linh hồn người quá cố hoàn toàn không lệ thuộc vào việc có nhiều hay ít linh mục dâng lễ trong những hoàn cảnh này. Càng không liên hệ gì đến số tiền gia chủ chi ra để trả hay tặng cho các cha chủ tế và đồng tế trong các lễ cưới và lễ tang. Nghĩa là Chúa không căn cứ vào số linh mục hiệp dâng thánh lễ và số tiền dâng cúng để ban ơn nhiều hay ít cho đôi tân hôn hoặc thưởng hay tha hình phạt cho một linh hồn mới ly trần. Chúa ban ơn vì lòng nhân hậu vô biên và công bằng tuyệt đối của Ngài, và vì công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô cộng với thiện chí cộng tác của con người trong cuộc sống ở đời này.
Nói khác đi, nếu không có công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô thì không ai có thể được cứu rỗi. Nhưng nếu con người không cộng tác với ơn cứu chuộc này bằng quyết tâm yêu mến Chúa và sống theo đường lối của Ngài, thì Chúa cũng không thể cứu ai được, cho dù người ta có bỏ ra hàng trăm triệu để xin lễ thì cũng vô ích mà thôi, vì ơn cứu chuộc nói riêng và ơn Chúa nói chung không thể mua được bằng tiền bạc.
Vậy nếu ai ỷ lại vào công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô để không làm gì hết, hoặc tệ hại hơn nữa, là sống ngược lại với Tin Mừng Cứu Độ và khước từ tình thương của Thiên Chúa cho đến phút chót của đời mình, thì Chúa không thể cứu người đó được; cho dù sau khi chết, có được hàng trăm Giám mục và linh mục đồng tế, và đã xin nhiều “lễ đời đời” hay “mua hậu” với số tiền rất lớn của các nơi buôn thần bán thánh, thì cũng vô ích mà thôi. Chắc chắn như vậy.
Ngược lại, nếu một người đã thực tâm yêu mến Chúa và sống theo đường lối của Ngài, thì dù sau khi chết, không được linh mục nào đến đồng tế, và thậm chí xác còn không được mang vào trong nhà thờ như đã xảy ra ở nơi nào đó khiến giáo dân bất mãn, thì cũng không thiệt thòi gì trước mặt Chúa khi Người công minh phán xét.
Vậy đừng ai lầm tưởng rằng hễ có nhiều cha đồng tế, nhất là được hồng y, giám mục chủ tế và chi ra nhiều tiền cho nhà thờ thì bảo đảm phần rỗi hơn là không có cha nào dâng lễ và không dâng cúng đồng nào cho ai.
Thật ra, nếu có Hồng Y hay Giám mục chủ tế và đông linh mục đồng tế, thì đây chỉ là vinh dự trần thế cho tang gia hay chủ hôn mà thôi, chứ không hề là bảo đảm gì về lợi ích thiêng liêng trước mặt Chúa cho ai sau khi lìa đời, hay kết hôn.
Tóm lại, cần sống đẹp lòng Chúa ngay bây giờ thì đó mới là bảo đảm chắc chắn cho phần rỗi mai sau. Xin dâng nhiều lễ, cầu nguyện và làm việc lành chỉ có ích cho những linh hồn đã ra đi trong ơn nghĩa Chúa nhưng còn chưa lành sạch đủ để vào Nước Trời hưởng Thánh Nhan Ngài mà thôi. Nghĩa là, việc lành ta làm chỉ có ích thiêng liêng cho các linh hồn thánh (holy souls) đang ở Luyện Tội (Purgatory) chứ không ích gì cho những ai đang ở hỏa ngục, là nơi không còn hiệp thông nào với Thiên Đàng và Giáo Hội lữ hành trên trần thế này.
Tuy nhiên, vì ta không biết ai đang còn ở luyện tội và ai đang ở hỏa ngục, nên ta cứ cầu nguyện, làm việc lành để cầu cho mọi người đã ly trần. Và Chúa sẽ phân phát lợi ích thiêng liêng này cho những linh hồn đang cần đến để mau được vào Nước Trời hưởng Thanh Nhan Ngài.
II- Bổng lễ (mass stipends)
Vấn đề này tôi đã giải thích nhiều lần. Nhưng vì còn có người vẫn thắc mắc nên tôi xin nói lại một lần nữa.
Bổng lễ là số tiền tượng trưng linh mục được hưởng khi dâng một thánh lễ cầu nguyện theo ý người xin. Số tiền này do Tòa giám mục địa phương ấn định. Thí dụ ở Houston là 5 dollars cho mỗi thánh lễ. Như vậy, linh mục không được phép đòi hơn số tiền qui định này để dâng lễ cầu cho ai (x. giáo luật số 952, triệt 1).
Nhưng nếu người xin lễ tự ý dâng số tiền lớn hơn thì linh mục được phép nhận mà không có lỗi gì. Mặt khác, nếu người xin lễ, vì nghèo túng, không có khả năng trả số tiền qui định đó thì linh mục cũng được khuyên nên dâng thánh lễ dù không có bổng lễ (giáo luật số 945, triệt 2).
Điều quan trọng cần hiểu là ơn Chúa ban qua thánh lễ không dính dáng gì đến số tiền to, nhỏ của người xin trả cho linh mục. Ơn thánh của Chúa thì hoàn toàn vô giá (invaluable), nghĩa là không thể mua được bằng tiền bạc hay của cải vật chất. Tiền xin lễ theo qui định của giáo quyền chỉ có giá trị đãi ngộ cho linh mục dâng lễ theo tinh thần “người lo cho các thánh vụ thì được hưởng lộc Đền Thờ, và kẻ phục vụ bàn thờ thì cũng được chia phần của bàn thờ…” như Thánh Phaolô đã dạy (x. 1 Cor 9:13).
Do đó, sẽ mắc tội mại thánh(buôn thần bán thánh) (simonia) nếu ai muốn dùng tiền của để mua ơn Chúa, hoặc đòi tiền để ban một bí tích hay gây cho người ta lầm tưởng rằng xin lễ với bổng lễ to thì được nhiều ơn ích thiêng liêng hơn lễ với bổng lễ nhỏ; tất cả đều là những hình thức buôn thần bán thánh bị nghiêm cấm trong Giáo Hội (giáo luật số 947; 1380).
Sau hết, cũng liên quan đến bổng lễ, linh mục không được phép gom tất cả ý lễ nhận được để hưởng trọn trong một thánh lễ. Ngược lại, phải dâng đủ lễ cho mỗi ý lễ, nghĩa là người ta xin bao nhiêu lễ thì linh mục phải làm đủ số ý lễ đó, dù bổng lễ là to hay nhỏ (x. giáo luật số 948).
Mặt khác, dù dâng nhiều thánh lễ trong một ngày, linh mục cũng chỉ được hưởng một bổng lễ mà thôi,(trừ dịp lễ Giáng Sinh). Các bổng lễ còn lại phải được chuyển về Tòa giám mục để phân phối cho mục đích khác (giáo luật số 951). Nếu có nhiều ý lễ nhận được trong một thánh lễ thì muốn hưởng hết bổng lễ, linh mục phải làm bù lại vào các ngày khác cho đủ ý lễ của người xin. Nhưng linh muc không được phép nhận nhiều ý lễ có bổng lễ đến mức không thể làm hết được trong vòng một năm (x. giáo luật số 953).
Đó là tất cả những điều cần thiết tôi phải nói lại một lần nữa về vấn đề đồng tế, và bổng lễ theo giáo luật. Ước mong những giải thích này thỏa mãn được mọi thắc mắc liên hệ.
Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
Để lại một phản hồi