Tính hiệp hành (synodality) đang càng ngày càng xuất hiện nhiều trong đời sống Giáo Hội. Nó được nhắc tới nhiều từ các Thượng Hội Đồng Giám Mục gần đây về gia đình và về giới trẻ. Nó cũng được nhắc đi nhắc lại trong Công Nghị ở Đức gần đây như một khẩu hiệu mang tính chiến lược.
Các Giám mục và Linh mục tham dự thánh lễ khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục dành cho người trẻ. tại Vatican. 03/10/2018. (Credit: Paul Haring/CNS.)
Và không phải vô lý khi Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới mà Đức Phanxicô triệu tập năm 2023 lại có chủ đề là Tính hiệp hành. Và khi phải đối diện với vô vàn những chất vấn về những vấn nạn gai góc trong đời sống Giáo Hội và nhân sinh hiện tại, biết đâu tính hiệp hành này lại không là một dấu chỉ của thời đại theo cách nói của công đồng Vatican II, một gợi ý (hint) của Thánh Linh Thiên Chúa và qua đó, Thiên Chúa tiếp tục dẫn dắt Giáo Hội?
Synod-Synodality?
Về mặt từ nguyên, chúng ta thấy chữ synodality/ synodalité/ synodalità (danh từ) mà chúng ta gọi là tính hiệp hành khởi nguyên từ một từ ghép tiếng Hy Lạp σύνοδος-Sunodos (synod / synode/ sinodo) mà chúng ta dùng để gọi các công nghị/ thượng hội đồng của các giám mục để bàn về những vấn đề trong Giáo Hội. Từ này phát khởi bao gồm một giới từ συν (sun – với) và danh từ όδός (odos – đường), với ý nghĩa là một con đường mà dân Chúa cùng đi. Đây là một từ ngữ cổ xưa. Cũng vậy, từ đó cũng mặc nhiên gợi nhớ đến Chúa Giêsu, Đấng đã tự tỏ mình là “đường, sự thật và sự sống” (Ga 14,6), và liên quan đến các Kitô hữu, những kẻ theo Ngài, mà ngay từ thuở ban đầu, vẫn được gọi là “người theo Đạo” (xem Cv 9,2; 19,9.23; 22,4; 24,14.22). Khi dịch qua tiếng Việt, chữ synod và synodality này được dịch ra nhiều hạn từ khác nhau. Chữ synod được dịch ra thành Thượng Hội Đồng Giám Mục hay công nghị, (nghĩa thế tục là hội đồng) và chữ synodality được dịch ra thành tính hiệp hành (theo cách dịch của HĐGMVN), hay những bản dịch đây đó trên các kênh thông tấn xã Công Giáo như Việt Catholic là tính đồng nghị (cách dịch của tác giả Vũ Văn An hay Đặng Tự Do), tính công nghị, tính liên hợp (bản dịch Christus vivit của cha Lê Công Đức), tính nhất quán (bản dịch Christus vivit của Ủy ban Mục vụ Giới trẻ và Thiếu nhi – trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam), và kể cả cách gọi tính hiệp/hợp đoàn nữa. Mỗi chữ đều có những dị biệt về ý nghĩa, có những điểm mạnh điểm yếu trong cách dịch. Vì chưa có một hàn lâm viện về ngôn ngữ nên trong những thuật ngữ hàn lâm (academic term) này, tiếng Việt còn rất “phong phú” đến mức “loạn lạc”! Chúng ta bỏ qua những dị biệt về vấn đề cách dịch và ngôn ngữ để hiểu ý niệm này qua hạn từ tính hiệp hành trong suốt bài viết này.
Tính hiệp hành trong lịch sử Giáo Hội:
Như đã nói, tính hiệp hành đã là một thuật ngữ cổ xưa trong lịch sử Giáo Hội và đã từng được thực hành trong đời sống Giáo Hội. Thật vậy, tính hiệp hành là một hiệu quả phát sinh từ ý nghĩa đích thực của cuộc “triệu tập dân Chúa” (קָחַל/עֵדה – qahal /‘edah) qua ơn gọi của Abraham, được củng cố với Giao ước Sinai với cuộc Đại Hội của Dân Chúa, từ đó tiên báo “đoàn dân của Giao ước mới” là Giáo Hội (έκκλησία – Ecclesia là tiếng Hy Lạp được dùng để dịch chữ קָחַל/עֵדה , tức qahal /‘edah tiếng Hipri). Hình ảnh dân Do Thái cùng nhau bước đi trong sa mạc, rồi được cụ thể hóa qua việc Đức Giêsu quy tụ các Tông Đồ và thành lập Giáo Hội, rồi Công Đồng đầu tiên của các Tông Đồ tại Giêrusalem năm 43 đều là những nền tảng Thánh Kinh cho thấy tính hiệp hành đã là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử cứu độ. Trong thời kì đầu của Giáo Hội, các vị giám mục thường họp bàn với nhau những về những vấn đề tín lý, luân lý và cách quản trị trong Giáo Hội qua các Công Đồng và với tư cách giám mục đoàn. Chính vì thế mà cũng có sự giao thoa giữa ý niệm tính hiệp hành (synodality) với tính hợp đoàn (collegiality) của các Giám mục, và tính công đồng (conciliarity).
Tài liệu của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế ghi nhận: “Công đồng Nicea (325) quy định nơi điều 6 xác nhận tính ưu tiên và trổi vượt của các toà Rôma, Alexandria và Antiokia. Toà Constantinople đã được thêm vào danh sách các toà chính khi diễn ra Công đồng Constantinople I (381): Riêng khoản luật 3 đã trao chức chủ tịch danh dự cho vị Giám mục Rôma, Công đồng Chalcedon (451) đã xác nhận tước hiệu nầy, khi toà Giêrusalem được thêm vào danh sách. Ở phương Đông, chế độ “ngũ toà” này được coi là mô hình bảo đảm việc thực thi mối dây hiệp thông và tính hiệp hành giữa năm Toà Thượng phụ này. Trong khi phương Đông công nhận vai trò của các Thượng phụ Giáo chủ (ngang nhau), thì Hội Thánh phương Tây trao cho toà Rôma vị thế đặc biệt là trung tâm của Giáo hội hoàn vũ.” Sau thời kì bị bách hại, Giáo Hội được các Hoàng Đế Roma ủng hộ và phát triển nhanh chóng. Các Công Đồng chung trong thiên niên kỉ đầu tiên của lịch sử Giáo Hội đều tổ chức ở phương Đông, với sự hiện diện của các Thượng Phụ, Tổng Giám Mục và Giám Mục, và được chính các Hoàng Đế triệu tập vì danh xưng “nhà Bảo Hộ tối cao của Kitô giới” của mình. Vì ngăn trở về địa lý và ngôn ngữ, các vị Giáo Hoàng ít khi có thể hiện diện trực tiếp trong các Công Đồng đầu tiên này. Các vị thường chỉ có những đặc sứ như các vị đại diện. Tuy nhiên, các công nghị các Giám Mục ở Tây Phương thì do chính các vị Giáo Hoàng triệu tập, và tính hiệp hành là một đặc nét rất quan trọng trong cả Giáo Hội trong thiên niên kỉ thứ nhất. Đặc nét ấy vẫn còn tồn tại đến ngày nay nơi các Giáo Hội Đông Phương, cụ thể là Giáo Hội Chính Thống Giáo. Riêng ở Giáo Hội Tây Phương, từ khoảng thế kỉ thứ VI trở đi, tính hiệp hành, thể hiện cụ thể nơi các Công Đồng lại có phần suy yếu. Tại sao?
Từ thế kỉ thứ V-VI trở đi, với sự xuất hiện của thánh Lêô I tức Lêô Cả (400-460) và thánh Grêgôriô I tức Grêgôriô Cả (540-604), nhu cầu xác định về tối thượng quyền của Giám Mục Roma càng ngày càng được coi là một nhu cầu cần thiết, bởi vì sự xâm lấn bất hợp lý của thế quyền thời bấy giờ. Các cuộc họp Công Đồng trong cả Giáo Hội, dù là những hội đồng do các Giám Mục hội họp và quyết định, nhưng thực tế đều do chính các Hoàng Đế triệu tập! Và không chỉ có phần ảnh hưởng trong các Công Đồng, các Hoàng Đế còn gây ảnh hưởng lên các bổ nhiệm Giám Mục, thậm chí cả các cuộc mật nghị bầu Giáo Hoàng. Để chấm dứt ảnh hưởng của thế quyền, Thánh Grêgôriô Cả và sau này là Thánh Grêgôriô VII (1020-1085) đã khẳng định tối thượng quyền của ngôi vị Giáo Hoàng với những tuyên bố rằng thần quyền phát xuất từ Thiên Chúa và vượt trên thế quyền. Thật vậy, vì chính Đức Kitô đã trao chìa khóa Nước Trời cho thánh Tông Đồ Phêrô (Mt 16, 19). Việc tuyên bố về tối thượng quyền của Đức Giáo Hoàng cũng đòi hỏi sự tuân phục triệt để, và chính sự tuân phục triệt để đó đã gìn giữ được sự hiệp nhất trong Giáo Hội vốn bị bao vây bởi bao thứ ly giáo, lẫn những thế lực khác muốn lũng đoạn và phá hoại Giáo Hội. Vấn đề xác nhận tối thượng quyền của Phêrô thực sự đã kéo Giáo Hội ra khỏi ảnh hưởng của nanh vuốt của thế quyền đối với Giáo Hội. Tuy nhiên, khẳng định này cũng dần đưa chức Giáo Hoàng tới một vị trí độc tôn như một vị “vua các vua, chúa các chúa”. Các hoàng đế và vua chúa Tây Phương đều phải đến Roma để được phong vương, và thần phục Đức Giáo Hoàng. Đức Giáo Hoàng được coi như một nhà lãnh đạo độc quyền và bất khả xâm phạm. Những tưởng khi đã khẳng định lại thế thượng phong của thần quyền để khỏi bị kìm kẹp bởi thế quyền và những lũng đoạn của quyền lực thế tục thì Giáo Hội sẽ được yên ổn. Nhưng như bất kì mọi thể chế trần gian nào và dù có tính thần thiêng mầu nhiệm, Giáo Hội cũng không tránh khỏi tính con người và lại đi tới một thái cực khác: các Đức Giáo Hoàng có nguy cơ lãnh đạo Giáo Hội một mình hay chỉ với một số ít vị lãnh đạo thân cận và mọi quyết định đều phải quy chiếu về một quyền lực duy nhất là Đức Giáo Hoàng Roma! Đức Giáo Hoàng không chỉ là Đại Diện Thánh Phêrô như thánh Lêô Cả đã gọi, nhưng sau này, với Đức Innocent III, Đức Giáo Hoàng còn là Người Kế Vị Thánh Phêrô và Đại Diện (vicarius) Chúa Kitô. Việc công nhận tối thượng quyền của ngôi Giáo Hoàng là điều cần thiết, nhưng một khi nó đi tới mức trao vào tay các Giáo Hoàng một quyền lực vô hạn, thì xem ra tính hiệp hành trong Giáo Hội đã không còn được coi trọng nữa. Cả thiên niên kỉ thứ hai, Giáo Hội Tây Phương đã chứng kiến điều ấy. Các vị Giáo Hoàng coi các Giám Mục là những cánh tay nối dài và là những con cái của mình, trong khi thực ra tất cả các vị đều là các Giám Mục, ngang nhau về thánh chức và chỉ khác nhau về quyền quản trị và quyền tài phán.
Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là trong Giáo Hội Công Giáo (Tây Phương) không có tính hiệp hành từ khoảng đầu thời Trung Cổ cho đến nay. Dù tối thượng quyền nằm trong tay Đức Giáo Hoàng và trong thực tế, ngài là vị giáo chủ tối cao của toàn thể Giáo Hội, ngài vẫn cai quản Giáo Hội cùng với các Hồng Y, Giám Mục và đặc biệt là qua các Công Đồng Chung được triệu tập trong lịch sử Giáo Hội. Ngoài ra, còn có rất nhiều những công đồng riêng của từng miền, từng quốc gia trong lịch sử Giáo Hội, và các nghị quyết của các Thượng Hội Đồng đó đã góp phần quan trọng trong đời sống tín lý, phụng vụ, luân lý và bí tích của Giáo Hội. Đã có những lúc rối ren, đến mức nhiều người còn đòi đưa ý tưởng về một chủ nghĩa công đồng (conciliarism) khi cho rằng Công Đồng có quyền trên cả Đức Giáo Hoàng nữa (để cách nào đó, chế tài sự lạm quyền của các Giáo Hoàng và đòi hỏi phải có một sự dân chủ hơn trong các quyết nghị được xác lập bởi Giám Mục đoàn). Nhưng rồi ý tưởng đó không quen thuộc với truyền thống và thần học Công Giáo. Dù vậy, Đức Giáo Hoàng vẫn cai quản Giáo Hội với sự góp ý, cộng tác, chia sẻ của các vị lãnh đạo khác trong Giáo Hội. Nhưng dù sao, sự tham gia của các Giám Mục cũng chỉ có tính tư vấn, góp ý cách rất rụt rè vì những truyền thống xa xưa cũng như ảnh hưởng của kiểu cách quân chủ phong kiến, và chưa có được một sự tham gia của hàng ngũ giáo dân, vốn chiếm đa số trong Giáo Hội.
Tính hiệp hành trong bối cảnh Giáo Hội hiện nay
Với Công Đồng Vatican II, cả Giáo Hội đã chuyển mình. Các bộ môn thần học được đào sâu và được nghiên cứu kĩ lưỡng đòi hỏi cần phải có những cuộc canh tân bằng cách về nguồn và xác định lại những gì cốt cán trong suy tư thần học và đời sống của Giáo Hội. Các Đức Giáo Hoàng đã quay trở lại gọi các Giám Mục bằng danh từ frates, nghĩa là Hiền huynh/ Hiền đệ theo cách dịch Việt Nam, một chi tiết tuy nhỏ nhưng lại hàm chứa một thay đổi về góc nhìn rất lớn.
Trước Vatican II, người Công Giáo chỉ biết tới hai định chế của Huấn Quyền là Đức Giáo Hoàng với Vatican, và các Công Đồng. Công đồng Vaticanô II đã tái khám phá tính hợp đoàn (collegiality) của hàng giám mục. Vào thời nguyên thuỷ, Giáo Hội được điều khiển bởi tập đoàn các tông đồ với thánh Phêrô là thủ lãnh, sang các thời đại kế tiếp, Giáo hội cũng được điều khiển bởi tập đoàn các giám mục (kế nhiệm các thánh tông đồ) với giám mục Rôma làm thủ lãnh (kế vị thánh Phêrô). Nhưng làm cách nào để tập đoàn các giám mục có thể tham gia việc điều khiển Giáo hội? Việc tổ chức công đồng hoàn vũ quy tụ gần ba ngàn giám mục là chuyện không đơn giản. Trong bối cảnh đó, nảy ra đề nghị thiết lập một cơ quan đại diện tập đoàn Giám mục để góp ý cho Đức Thánh Cha về việc điều hành Giáo Hội. Để đáp lại nguyện vọng đó, Đức Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, qua tự sắc Apostolica sollicitudo ngày 15/9/1965 (nghĩa là vào lúc khai mạc khóa chót của công đồng) đã thiết lập Thượng Hội Đồng Giám mục (Synodus episcoporum). Đây không phải là một “tiểu công đồng” (mini-concilium) hoặc là một “quốc hội” gồm đại biểu của hàng giám mục với vai trò lập pháp. Thượng Hội Đồng Giám Mục là một thể chế mang một hình thái độc đáo, diễn tả sự cộng tác của tập đoàn các giám mục với Đức Thánh Cha qua việc thông tin và góp ý. Như vậy nó là một cơ quan tư vấn chứ không quyết nghị. Đó là một thể chế bền vững, nhưng không có tính cách thường trực (khác với giáo triều Rôma): các khóa họp chỉ kéo dài một thời gian rồi kết thúc, và thành phần các đại biểu của khóa tiếp sẽ thay đổi. Thượng Hội Đồng Giám Mục biểu lộ rõ nét tính hiệp hành mà Giáo Hội đã thực thi trong quá khứ, giờ đây được hồi sinh cách mới mẻ.
Tính hiệp hành cũng được nhắc tới nhiều trong các Thượng Hội Đồng Giám Mục gần đây. Đức Phanxicô đã nói tới tính hiệp hành trong lời chào mừng các nghị phụ tham gia Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới ngoại thường năm 2014. Trong diễn văn kỉ niệm 50 năm Đức Chân Phước (nay là Thánh) Giáo Hoàng Phaolô VI thành lập Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Tính hiệp hành là con đường mà Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba… Như một tính năng động hiệp thông, tính hiệp hành, trên hết, là việc tích hợp đầy cảm giới mọi tham dự viên, trong tinh thần đối thoại, để mọi người đạt được một điểm đồng thuận… Mặc dù, tính hiệp hành thuộc từ vựng của Giáo Hội, nó có giá trị cho cả xã hội nói chung. Được chấp nhận làm nguyên tắc làm việc cho thế giới thế tục, tính hiệp hành có thể là phong thái hợp tác cho các mối liên hệ liên ngã và tình huynh đệ nhân bản. Tính hiệp hành là thuốc chữa chống việc cô lập, giúp chúng ta biết đánh giá cao vẻ đẹp của cộng đồng nhân bản. Cùng nhau bước đi không phải lúc nào cũng là một nhiệm vụ dễ dàng, bất kể là đối với Giáo Hội hay đối với xã hội, nhưng tất cả chúng ta đều cần phải thực thi thực hành này, vốn có tính hết sức chủ yếu đối với tương lai”. Ngài muốn một Giáo hội, “giống như một kim tự tháp ngược”, “hòa hợp mọi chủ thể có liên quan với nó: dân Chúa, Hợp đoàn Giám mục, Người kế vị Thánh Phêrô”. Trong Tông Huấn Christus Vivit, ngài dành một phần (từ số 203-208) để nói về tính hiệp hành trong việc Giáo Hội cần quan tâm đồng hành với người trẻ. Đức Hồng Y Michael Czerny nhấn mạnh rằng trong khi tính hợp đoàn (collegiality) chuyên biệt nói “đến việc thi hành thừa tác vụ của các giám mục”, thì tính hiệp hành là một khái niệm “rộng hơn”, vì nó “ngụ ý sự tham gia và sự can dự của toàn thể dân Chúa vào đời sống và sứ mệnh của Giáo hội”. Đây là ý nghĩa mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành cho chữ “Thượng Hội Đồng”; nghĩa là, không những chỉ cảm thức về “cơ cấu giáo hội”, mà còn là cảm thức về “hình thức hiệp thông hữu hình”, về “con đường huynh đệ giáo hội, trong đó, mọi người đã được rửa tội đều đích thân tham gia và đóng góp” . Trong Thượng Hội Đồng Giám Mục về Amazon năm 2019, Đức Hồng Y Gracias nói rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban cho Giáo Hội nền thần học về tính hiệp hành, và rất chú trọng đến nó, và trong Thượng Hội Đồng Amazon, Giáo Hội đã có trải nghiệm thực sự về nó. Chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã giải thích việc, tại Công Đồng đầu tiên ở Giêrusalem, các Tông đồ đã giải quyết các vấn đề thần học ra sao bằng cách thảo luận về chúng và tìm ra một con đường chung. Điều này, theo ngài, “đã làm sáng tỏ” việc phải xử lý các khác biệt và giải quyết xung đột qua đối thoại như thế nào.
Tính hiệp hành cũng được nhắc tới nhiều ở Công Nghị tại Đức, một biến cố đang diễn ra đang thu hút rất nhiều sự ủng hộ lẫn chống đối. Có rất nhiều lập trường ủng hộ và chống đối dữ dội Công Nghị này. Người ủng hộ thì cho rằng đã tới lúc Giáo Hội phải thay đổi và xét lại những vấn đề (vấn đề quyền bính trong Giáo Hội, luật độc thân giáo sĩ, việc truyền chức linh mục cho phụ nữ và các vấn đề luân lý tính dục) mà điển hình và nguyên nhân là vụ bê bối lạm dụng tình dục của giáo sĩ khắp phương Tây làm cho cả Giáo Hội phải điêu đứng khổ sở. Và người ta thấy rằng chính các Giám Mục – các thầy dạy đức tin – không phải là các thần học gia hay giáo dân đã dẫn đầu Công Nghị này, khiến cho người ta tự hỏi rằng phải chăng các vị mục tử đã thấy có những khoảng cách hay lấn cấn cần phải giải quyết giữa cách sống đạo của người tín hữu và những gì họ tin? Tuy nhiên, Công Nghị này cũng bị chỉ trích rất dữ dội, vì tình hình ở Đức được coi là rất nghiêm trọng vì có khả năng dẫn tới một cuộc ly giáo. Và người ta tự hỏi rằng phải chăng các Giám Mục Đức đã bị lầm lạc? Công Nghị này bị cảnh báo là sẽ vô hiệu về mặt Giáo Hội học vì đưa ra những hiệu quả mang tính ràng buộc trong khi chỉ là một công nghị địa phương chứ không phải là một công đồng hoàn vũ. Hơn nữa, tất cả mọi nghị quyết của bất kì Công Nghị/Công Đồng miền nào hay Công Đồng chung nào cũng phải có sự đồng ý của chính Đức Giáo Hoàng thì mới có hiệu lực (GL điều 341 §1), cũng như những nghị quyết của chính Giám Mục đoàn (GL Điều 341 §2) cũng như không thể kháng cáo hoặc thượng tố chống lại một án văn hay nghị định của Đức Giáo Hoàng (GL điều 333 §3). Vào tháng 06/2019, chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã gửi một lá thư cho Giáo Hội Đức, trong đó chính ngài ủng hộ con đường Công Nghị, tuy nhiên vẫn nhắn nhủ Giáo Hội tại nước này đừng tiến hành một mình, trái lại quan tâm đến Giáo Hội hoàn vũ và duy trì sự hiệp nhất của Giáo Hội và ưu tiên nhiều hơn đến vấn đề truyền giáo. Ngài không cống hiến các giải pháp, không cấm thảo luận, nhưng theo đường lối của Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, ngài nhắc nhở vị trí trung tâm của Chúa Thánh Linh. Thư của Đức Thánh Cha có đoạn viết: “Mỗi khi một cộng đoàn Giáo Hội tìm cách tự mình ra khỏi các vấn đề của mình, và chỉ tín thác vào sức riêng, vào các phương pháp và trí thông minh của mình, thì rốt cuộc Giáo Hội ấy chỉ gia tăng và nuôi dưỡng những tai ương mà họ muốn vượt qua”. Đây là một điều khá lạ, vì thực sự nếu một biến cố gây ra nhiều tranh cãi trái chiều như thế mà nếu Đức Giáo Hoàng muốn, ngài có thể ngay lập tức đóng cửa một Công Đồng chung, huống chi là Công Nghị này (GL điều 338 §1 và điều 344). Thế nhưng ngài đã không làm và cũng không cũng không lên tiếng về Công Nghị này ngoài lá thư trước đây ngài gởi, một lá thư mang giọng điệu khích lệ và tôn trọng hơn là cảnh báo và nghiêm khắc. Tại sao? Phải chăng Đức Phanxicô nhìn thấy nơi Công Nghị này có nhiều điều cần phải được bàn luận, trao đổi, và phân định? Phải chăng chính ngài, như đã nhiều lần nói về tính hiệp hành, cũng đang thực hành điều này và như chính ngài xưa nay đã không sợ bàn luận, ý kiến trái chiều, không sợ công kích? Nếu vậy, thì xem ra với Đức Phanxicô, thái độ này của ngài đứng trước một Công Nghị bị nhiều người dị ứng, tiên đoán, chỉ trích là có thể hiểu được. Đàng khác, theo Giáo Luật, bất kì một quyết định nào của một Công Nghị giáo phận hay một Công Đồng chung thì cũng phải có sự đồng ý của chính Đức Giáo Hoàng mới có hiệu lực. Liệu khi nói tới “một Công Nghị có hiệu quả mang tính ràng buộc”, các Giám Mục Đức có nói tới một thái độ bất cần Tòa Thánh không? Chúng ta cũng chưa biết được. Dù vậy, trong một diễn biến mới nhất, khi yết kiến Đức Phanxicô, Đức cha Georg Bätzing, Chủ tịch Hội đồng giám mục Đức, cho biết Đức Thánh Cha biết rõ tình hình Giáo hội Đức và hy vọng họ sẽ vượt qua những căng thẳng. Đồng thời Đức cha khẳng định Giáo hội Đức không theo những con đường đặc biệt, có nguy cơ ly giáo, như có những người lo ngại như thế. Có thực sự như thế không, chúng ta cũng chưa dám nói chắc. Nhưng dù sao, nếu cứ theo chiều hướng như thế, Giáo Hội Đức sẽ có thể phải có được cái gật đầu của Đức Phanxicô thì mọi quyết định mới có thể có hiệu lực, và như thế, tình trạng ly giáo mong rằng sẽ không diễn ra chăng? Và, các nhà giáo luật ở Vatican cũng không vừa, họ đã rào trước đón sau bằng những sửa đổi về giáo luật gần đây nhất, nhằm hạn chế những cải cách thái quá ở Đức.
Đối với bản thân, người viết cảm thấy còn khá sớm để dám đưa ra những kết luận hay nhận định về biến cố này, bởi lẽ chúng ta không sống trong bối cảnh chính trị, xã hội, văn hóa của thế giới phương Tây nên sẽ khó có cái nhìn toàn diện và chân thực. Người viết đồng tình với câu trả lời của Đức Hồng Y Walter Kasper, “Tôi rất lo lắng, nhưng tôi thận trọng trong việc đưa ra phán đoán tổng thể cuối cùng”. Tuy nhiên, cả bốn vấn nạn mà Giáo Hội Đức đưa ra không phải là những vấn đề nhỏ. Nó không chỉ nên được biểu quyết bằng cách giơ tay, hay bầu cử theo kiểu quốc hội hay nghị viện, nhưng cần phải có những nền tảng suy tư thần học thật chắc chắn và vừa trung thành với truyền thống, vừa tự do với sức thúc đẩy của Thần Khí, khi dám lắng nghe cảm thức đức tin (sensus fidei) của các tín hữu một cách lành mạnh và kể cả phải có sự mạnh bạo (parrhesia) nữa khi đối diện với rất nhiều những tình huống phức tạp trong đời sống mục vụ hôm nay. Ta thử lướt nhanh qua:
- Vấn đề quyền bính trong Giáo Hội: là một điều Giáo Hội cần suy tư mà khi thúc đẩy tính hiệp hành, chính Đức Phanxicô đã dường như cho phép các Hội Đồng Giám Mục có nhiều quyền lợi hơn thay vì cứ tập trung vào mọi quyết định của Vatican như xưa nay. Chuyện tản quyền là cần thiết, nhưng tới mức độ nào, phương cách nào là những vấn đề cần được thảo luận sâu xa.
- Vấn đề phong chức linh mục cho nữ giới:dù đã được Thánh Gioan Phaolô II xác tín rằng Giáo Hội không hề có thẩm quyền để phong chức Linh Mục cho phụ nữ và chính ngài dường như đã muốn dẹp bỏ mọi bàn tán xôn xao về vấn đề này vào năm 1994 với Tông Thư “Ordinatio sacerdotalis” , tuy nhiên, vẫn đây đó còn những phong trào, kể cả những suy tư về vấn đề này. Liệu vấn đề này có phải tiếp tục cần được đào sâu thêm để có được một xác quyết thần học và dẫn tới một thực hành (bởi lẽ đã là chân lý thì không sợ thảo luận), hay thực chất ở bề sâu, những cơn sóng này chỉ khơi lên mong muốn để Giáo Hội có thể nâng cao vị trí của người phụ nữ trong đời sống Giáo Hội hơn?
- Vấn đề bãi bỏ luật độc thân trong hàng giáo sĩ:Cho dù có những ý kiến phản bác mọi tư tưởng nối kết giữa luật buộc độc thân giáo sĩ và những bê bối về tình dục của hàng giáo sĩ (như lạm dụng tình dục trẻ em chẳng hạn), nhưng thực tế, trong các khảo luận thần học lẫn các tâm tư của các linh mục là những người chính thức sống trong đời sống độc thân, người ta vẫn không thể phủ nhận được giá trị lẫn sức nặng đôi khi đến mức khủng khiếp của nó. (Dĩ nhiên bên cạnh đó, có rất nhiều linh mục khác vẫn cảm nhận đời sống độc thân là một cách thức không thể tuyệt vời hơn để họ sống đời sống linh mục của mình) Chính vì thế, không biết đây có phải là chủ trương của Công Nghị này hay không, nhưng ít ra là có một luồng tư tưởng trong Giáo Hội những thập niên gần đây đề nghị cho việc độc thân linh mục không còn là một luật buộc nữa, nhưng là một lựa chọn tùy ý, như thể các linh mục của Giáo Hội Đông Phương hay Giáo Hội Chính Thống. Điều này chúng ta có thể thấy rõ nhất trong Thượng Hội Đồng Giám Mục ở Amazon, khi đề xuất muốn phong chức cho các người đàn ông (viri probati) đã có gia đình trở thành một tâm điểm gây tranh cãi rất lớn. Cho dù Đức Phanxicô đã không đề cập tới vấn đề này trong Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới (Querida Amazonia -Amazon Yêu Quý). Và cho dù đây không phải là một vấn đề tín lý nhưng là một vấn đề thuộc về kỉ luật, nhưng nó đụng tới nhiều vấn đề khác nên cần được luận bàn sâu xa.
- Và sau cùng, vấn đề luân lý tính dục: Trong nhiều thế kỉ qua, giáo huấn luân lý về tính dục của Giáo Hội vẫn bị lên án là nhiệm nhặt, khắc khổ và quá bi quan. Những khám phá của các khoa học đã có cái nhìn cân bằng hơn về những vấn đề con người, tình dục và giới tính. Thần học luân lý, đặc biệt là mảng luân lý tính dục sau Vatican II đã có những nét chuyển mình rõ rệt: khoan dung hơn, tích cực hơn, đề cao việc khích lệ và coi trọng luật tiệm tiến hơn thay vì nói đến tội lỗi, hình phạt, hỏa ngục với cung cách đanh thép và cứng cỏi vì người ta hiểu được hơn về tính mầu nhiệm của con người với tất cả nét mỏng dòn và cao cả của nó trong hành trình đời người. Tuy nhiên, người ta vẫn còn thấy có những điểm mà giữa Giáo Hội và cuộc sống vẫn chưa có một tiếng nói “hòa bình” được: Có thể nào giúp người đồng tính luyến ái thay vì chỉ tuyên bố đây là tội và kia là không chăng? Có những chương trình mục vụ nào giúp cho họ chăng? Chuyện ngừa thai nhân tạo đáng lên án tới mức độ nào? (và, liệu rằng giáo huấn này còn được người Công Giáo giữ đến bao nhiêu phần trăm?)… Người ly dị tái hôn nói cho cùng thì có được rước lễ không, hay lại phải tùy vào cha giải tội như Tông Huấn Amoris Laetitia đã chủ trương và chính Tông Huấn này đã gây ra những tranh cãi bất tận cho đến nay? Tất cả những vấn đề đó cần được đào sâu và nói thẳng, rõ ràng, không giáo điều, úp mở. Đó là điều Công Nghị Đức đang làm. Thế nhưng liệu một Công Nghị của một quốc gia có thể có cái nhìn tổng quát và toàn diện không? Và dù cho có ý tốt, nhưng cách làm của họ sẽ dẫn đến kết quả tốt không? Mọi sự chưa dễ trả lời…
Thôi, hãy tạm dừng những suy tư về Công Nghị ở Đức. Thay vào đó, chúng ta hãy lưu ý chuyện Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới năm 2022 sắp tới. Vào năm thứ chín triều giáo hoàng của ngài, Đức Phanxicô phát động một “tiến trình hiệp hành” đầy tham vọng kéo dài 3 năm trên toàn thế giới, và sẽ kết thúc vào tháng 10 năm 2023 tại Rôma với buổi họp thường kỳ lần thứ XVI của Thượng Hội Đồng Giám Mục. Có ba cấp trong tiến trình Thượng Hội Đồng này: Giai đoạn đầu tiên là giai đoạn cấp giáo phận, sẽ được Đức Phanxicô khai mạc vào ngày 09&10/10/2021, và một tuần sau đó tại các giáo phận. Cho đến tháng 04/2022, kế đó là giai đoạn “lắng nghe tất cả những người đã được rửa tội”. Một bảng câu hỏi sẽ được gởi từ Rôma đến toàn thế giới, và được dùng để đưa ra bản tóm tắt đầu tiên sẽ được công bố vào tháng 04/2022. Sau đó, một giai đoạn suy tư sẽ bắt đầu ở cấp lục địa. Các tổ chức quy tụ các giám mục của một châu lục, như SCEAM (Châu Phi), CELAM (Châu Mỹ Latinh) hoặc CCEE (Châu Âu) sẽ kéo dài đến tháng 03/2023 để gởi bản báo cáo của mình. Và từ đó sẽ được dùng để chuẩn bị một báo cáo mới, được công bố vào tháng 06/2023. Chính tài liệu này sẽ là công cụ làm việc cho các đại diện của Thượng Hội Đồng Giám Mục tại Rôma vào tháng 10/2023.
Như vậy, Thượng Hội Đồng sẽ chiếm nhiều thì giờ và sức lực của người Công giáo ở cấp địa phương, giáo phận, quốc gia và quốc tế trong gần ba năm, bao gồm các hội dòng địa phương, các giáo phận trong việc gom lại các kết quả và chia sẻ với các giáo phận khác, các giám mục tham gia vào các cuộc nói chuyện, cùng xem xét và báo cáo với văn phòng Rôma để lên chương trình nghị sự cho Thượng Hội Đồng.
Tính hiệp hành, một dấu chỉ thời đại?
Hiện nay, người ta bắt đầu nói tới những cuộc chuyển mình ở nhiều nơi: Có một Thượng Hội Đồng khoáng đại mang tính lịch sử của Úc sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên vào tháng 10/2021. Và như đã nói, đã có một con đường Công Nghị đang được tiến hành ở Đức. Các công việc chuẩn bị đang tiến hành cho một Thượng Hội Đồng quốc gia ở Ireland, và sau nhiều lần được Đức Giáo Hoàng thúc đẩy, cuối cùng Giáo Hội ở Ý cũng bắt đầu lên kế hoạch cho Thượng Hội Đồng của mình. Các biên tập viên của tạp chí America do các tu sĩ Dòng Tên điều hành vừa cổ động cho một cuộc họp khoáng đại của Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ. Ở cấp độ siêu quốc gia, các giám mục Châu Mỹ La Tinh đã thành lập cuộc họp Giáo Hội của riêng mình, lần đầu tiên với toàn thể Giáo hội Châu Mỹ La Tinh và vùng Caribê.
Người viết nhận thấy tính hiệp hành là một dấu chỉ của thời đại (sign of time). Nó xuất hiện nhiều lần và được nhắc tới trong đời sống Giáo Hội, và nó diễn tả một nhu cầu của đời sống Giáo Hội. Nhưng thực ra nhu cầu này không mới, nó đã xa xưa như chính sự hiện hữu của Giáo Hội. Đức Hồng Y Michael Czerny cho rằng tính hiệp hành không phải chỉ là “một diễn trình ra quyết định” nhưng là “nét căn bản của bản sắc Giáo Hội” . Tiến trình hiệp hành này diễn ra vào thời điểm bấp bênh do đại dịch corona virus, càng làm cho nó có ý nghĩa, khi là những con người của Giáo Hội, chúng ta liên đới với nhau và cùng đi chung với nhau, cùng suy tư chung với nhau, bàn luận chung với nhau về những vấn đề của Giáo Hội, dưới ánh sáng của Lời Chúa và sự hiệp thông nơi Thánh Thể. Phải chăng, Đức Phanxicô muốn Giáo Hội không chỉ “nói” về các Thượng Hội Đồng, nhưng là sống một cách cụ thể, trải nghiệm với tinh thần Thượng Hội Đồng – tức là tính hiệp hành – và thực hiện dần dần để có thói quen quản trị mới?
Tuy nhiên, dù trên lý thuyết thật đẹp, nhưng trong thực tế, sống tính hiệp hành này không hề dễ dàng. Nó có nguy cơ để Vatican mất đi quyền lực của một định chế trung ương. Việc tản quyền cho các địa phương cũng có thể làm suy yếu tối thượng quyền của Đức Giáo Hoàng nếu được hiểu và thực hành sai. Về lý thuyết, quá trình này sẽ cho phép sự tham vấn rộng rãi hơn giữa những người Công Giáo trên thế giới, cả giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân chứ không phải chỉ là các ý kiến của các Giám Mục mà thôi. Tuy nhiên, những người chịu trách nhiệm liên lạc, điều phối và báo cáo, nếu họ không ngay thẳng, công tâm và quyết tâm tìm thánh ý Thiên Chúa mà thôi nhưng tìm những cơ hội lèo lái tiến trình ấy theo một ưu tiên nhận định, một ý thức hệ theo ý thích của họ – thì chính quá trình hiệp hành có thể tạo ra tác dụng ngược lại. Thật vậy, Giáo Hội không phải là nghị viện, và Đức Phanxicô thường cảnh báo không nên giải thích tính hiệp hành là chủ nghĩa nghị viện để người ta cứ quyết định theo số đông là đủ. Và Đức Hồng y Joseph Tobin cho biết rằng chính Đức Phanxicô cũng đang “điều chỉnh bộ máy” của Thượng Hội Đồng Giám Mục. Theo ngài, tính hiệp hành là một “thuật ngữ thông dụng của triều đại Giáo hoàng này” và thường bị hiểu nhầm là thiếu định hướng hoặc “tìm cách đồng hành, nhưng không hoán cải”. Việc chia rẽ sâu sắc về quan điểm của các nhà thần học lẫn các vị lãnh đạo Giáo Hội từ đầu triều đại Đức Phanxicô đã bị truyền thông thế tục coi là một thị trường béo bở để giật tít kiếm tiền cũng như là dịp để họ công kích Giáo Hội đến chưa từng có, nhưng dường như chính Đức Phanxicô chấp nhận chuyện này. Ngài không sợ Giáo Hội bị mắc cỡ. Ngài là một cụ già muốn mọi thứ “xáo tung” lên nhờ Gió của Thần Khí, rồi tìm cách phân định, bàn hỏi, tranh luận, và tìm ý Chúa. Và, chính qua những điều này vốn thể hiện rất rõ tính hiệp hành mà Giáo Hội tìm ra thánh ý Thiên Chúa qua cảm thức đức tin (sensus fidei) của các tín hữu. Chuyện tiến trình Thượng Hội Đồng năm 2023 diễn ra ở ba cấp, với những bản hỏi được phát ra cho từng người Công Giáo đã được rửa tội là một dấu chỉ rõ ràng nhất Đức Phanxicô muốn nghe ý kiến từng người một chứ không phải chỉ những ý kiến đầy lý thuyết, vâng lời ngoan ngoãn đến mức thiếu lưu tâm tới những vấn nạn trong đời sống mục vụ của các vị lãnh đạo hay các nhà thần học bàn giấy mà thôi. Nhưng điều quan trọng là mọi bậc của tiến trình này cũng phải cần có sự minh bạch, công tâm, tôn trọng và tự do trong ngôn luận và quan điểm, từ cấp độ giáo phận đến châu lục và hoàn vũ. Bằng không thì chúng ta cũng sẽ vẫn chỉ nghe được những điều “xưa nay vẫn thế”, với sự thận trọng dè dặt và khôn ngoan mục vụ cố hữu của các vị lãnh đạo hay các nhà thần học.
Trong thực tế, những cơ hội bao giờ cũng bao gồm những rủi ro. Sự hiệp nhất mà tính hiệp hành mang lại không rẻ tiền, dễ dãi nhưng có được nhờ tiến trình phân định thánh ý Thiên Chúa. Việc phân định, một đặc sản của thánh Inhã nói riêng và dòng Tên nói chung đã trở nên gia sản chung của Giáo Hội trong gần nửa thiên niên kỉ nay, giờ đây lại trở nên một thứ “ơn hiện sủng” cho đời sống Giáo Hội giữa bao cuồng sóng đảo điên của thế giới hậu hiện đại này. Chính nhờ điều đó mà chúng ta mới thấy được rằng Thiên Chúa vẫn tiếp tục điều hành và hướng dẫn Giáo Hội trong hành trình lữ thứ đời này. Có thể nói, đây là cuộc cách mạng lâu dài mà Đức Phanxicô đề xướng trong Giáo Hội: một tinh thần đối thoại, lắng nghe, không sợ hãi né tránh, không áp đặt, nhưng cùng nhau tìm ra hướng đi chung cho Giáo Hội. Đó là tinh thần rất cần thiết cho đời sống Giáo Hội, nhất là trong thời điểm hiện nay. Điều quan trọng, là có được những ý kiến thực tế của tất cả mọi người, nhưng cần phân định, bàn luận, cầu nguyện dựa trên những nền tảng thần học chắc chắn (khởi nguồn từ Kinh Thánh và Truyền thống sống động của Giáo Hội), vốn dĩ trung hòa giữa những khuynh hướng bảo thủ và cấp tiến, cũng như tham khảo tiếng nói của cả các khoa học nhân văn nữa, vốn vẫn được coi là một phần của mạc khải tự nhiên.
Chúng ta không nói trước được tương lai. Điều chúng ta chỉ có thể nói mà không sợ sai lầm, đó là trong mọi sự, Giáo Hội luôn luôn cần nhìn về Đức Kitô và Tin Mừng của Người, và với ý thức để cho Thánh Thần soi sáng Giáo Hội tới những nẻo đường đầy ngạc nhiên và mới mẻ. Từ đó, Giáo Hội truyền đạt lại ý muốn Thiên Chúa cách trung thực và trung thành. Cùng lúc đó Giáo Hội cũng như luôn mở ra với luồng gió của Thánh Thần, Đấng vẫn đang hoạt động trong Giáo Hội và rồi sẽ dẫn Giáo Hội “tới chân lý vẹn toàn” (Ga 16,13) qua cảm thức đức tin chân chính của mình, dù hiện nay Giáo Hội ấy vẫn còn đang trên đường lữ hành. Bởi vì trong hành trình trần thế này, Giáo Hội, trong khi vẫn cần giữ lấy truyền thống của mình vì thực sự tin rằng giáo huấn của Thiên Chúa là Tin Mừng cho thế giới nên cần làm thế nào để giữ cho giáo huấn này không bị pha loãng, đồng thời cũng cần phải bước vào cuộc đối thoại với thế giới theo cách thức Giáo Hội có thể nói, kể cả đối với những vấn đề của thời đại. Và vì vậy, Giáo Hội cần vừa nhấn mạnh đến giáo huấn vừa nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cuộc đối thoại, vừa có thể tự do vừa ở có thể trung thành với Đức Kitô. Điều này đòi hỏi Giáo Hội cần phải cùng nhau hiệp hành với nhau trên nẻo đường trần thế này.
Nhưng, liệu một Thượng Hội Đồng Giám Mục có giải quyết được tận gốc rễ những vấn đề và khó khăn trong đời sống hiện tại không? Hay người ta phải trông chờ đến một Công Đồng Chung mới?
Lễ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ
(29/06/2021)
Con chiên nhỏ
Để lại một phản hồi