Ngày 22-7-2021, gần 200 linh mục, tu sĩ đã tình nguyện lên đường vào các bệnh viện dã chiến để chung tay góp sức với ngành Y tế nơi tuyến đầu chống dịch và chăm sóc các bệnh nhân.
Trong thư gửi tín hữu Do Thái, Thánh Phaolô định nghĩa Linh mục là “Người được chọn giữa loài người, được đặt lên lo việc Thiên Chúa thay cho loài người” (Dt 5,1). Hoặc theo một lối diễn đạt khác: Linh Mục là “thừa tác viên” của Giáo Hội, là người được đào tạo để trở nên như vị thầy, như nhà giáo dục đức tin. Linh mục là thầy dạy, không phải dạy văn hóa, dạy thể thao, hay dạy kinh doanh, nhưng dạy điều quan trọng nhất là “Sống Đức Tin”, dạy cách bước theo Chúa Kitô, dạy cách làm môn đệ Chúa Kitô để được cứu rỗi (trích các bài giảng tĩnh tâm linh mục trong năm giáo dục Kitô giáo 2008 – GM Phaolô Bùi Văn Đọc).
Trong thư gửi tín hữu Côrintô, Thánh Phaolô lại nói rằng: “chúng tôi chứa đựng kho tàng Đức Kitô trong những bình sành dễ vỡ” (2Cr 4,7). Quả thực đúng như vậy, linh mục là con người mỏng giòn, yếu đuối, ‘dễ vỡ’,… nhưng Thiên Chúa đã yêu thương chọn-gọi-huấn luyện và trao ban cho một sứ vụ đặc biệt, để con người mỏng giòn ấy tỏa ngát hương thơm của Đức Kitô cho mọi người và toàn thế giới. (Nguồn: dongten.net).
Vì vậy, tự bản chất, Linh mục là người của Chúa, thuộc về Chúa, nên không thể chỉ sống cho bản thân mình mà là cho dân Chúa. Sứ mạng cao đẹp của Linh mục là cứu giúp các linh hồn và là ‘khí cụ’ ban phát ơn giao hòa và sức sống của Thiên Chúa cho dân Chúa.
Trong cộng đoàn, Linh mục là dấu chỉ hữu hình cho sự hiệp nhất, là ‘cầu nối yêu thương’ giữa mọi thành phần dân Chúa và là tấm gương phản chiếu hình ảnh Đức Kitô một cách rõ nét nhất…
Dù mang thân phận mỏng giòn, nhưng tự bản chất đã được Thiên Chúa Thánh hiến qua Bí Tích Truyền Chức Thánh, để trở thành người của Chúa, sẽ tiếp nối công việc của Đức Kitô là “thánh hóa dân Thiên Chúa” bằng chính đời sống và thừa tác vụ của mình.
Hơn nữa, Linh mục còn được mời gọi để trở nên Alter Christus, đóng vai trò của Đức Kitô Mục Tử giữa đoàn dân Thiên Chúa, nên người Linh mục được mời gọi phát huy ý thức để nhận ra mình là thành phần của Giáo Hội. Vì vậy, có thể nói đời sống Linh mục là hành trình “vác thập giá của Đức Giêsu chịu đóng đinh”, một hành trình đến để thi hành thánh ý Chúa Cha; một hành trình yêu cho đến cùng (Ga 13,1); một hành trình trở nên “tấm bánh bị nghiền nát, phân phát cho nhiều người… miễn sao Đức Kitô được rao giảng và “cánh cửa Nước Trời được mở ra cho muôn người được vào. (Nguồn: dongten.net).
Một Linh mục người Mỹ, thuật lại câu chuyện truyền giáo của mình như sau:
“Tôi đã trở thành một nhà truyền giáo.
Sau khi tôi lãnh nhận chức linh mục vào năm 2006 tại thành phố Chicago ở Hoa Kỳ, tôi được bài sai đi làm cha sở một xứ đạo xa xôi mang tên Tổng lãnh thiên thần Micae thuộc Nong Bua Lamphu, Thái Lan.
Bên cạnh nhà thờ là Trung tâm HIV/AIDS Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Trung tâm có nhà mồ côi gồm 21 em, trong đó có 19 em trai và 2 em gái tuổi từ 5 đến 15, và nhà chăm sóc bệnh nhân HIV giai đoạn cuối.
Ở đây tôi nhận ra rằng những nhà truyền giáo như thầy Damien, các soeurs, và bản thân tôi phải làm như thế nào để phục vụ các anh em đang đau khổ với căn bệnh HIV/AIDS.
Trong vai trò là cha sở giáo xứ Micae, có sự gắn kết về tinh thần cũng như không gian liền kề với nhà mồ côi Mẹ Têrêxa và Trung tâm Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, vấn đề HIV/AIDS đóng vai trò quan trọng trong công tác mục vụ của giáo xứ. Sau một thời gian phục vụ, tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì nhận ra có nhiều người trước kia không đến nhà thờ dự lễ vì sợ bị lây nhiễm HIV, giờ đây cũng đã đến nhà thờ thường xuyên.
Câu chuyện truyền giáo của tôi chỉ là những công việc nho nhỏ, đơn sơ như thế thôi. Nhưng đối với tôi, đó chính là bản chất của việc làm truyền giáo, có nghĩa là làm cho Chúa Giêsu Kitô được nhận biết và yêu mến qua lời nói cũng như qua việc làm. Niềm hạnh phúc của tôi là đã giúp cho những người sống xung quanh biết rằng Đức Kitô là ai, và hiểu rằng Ngài là lý do cho tất cả những gì tôi đang dấn thân trong cuộc sống”…
Nhưng, đó là câu chuyện của những nhà truyền giáo.
Còn hiện nay, chúng ta đang sống trong đại dịch Covid-19, nhiều nơi đang bị phong tỏa, bị cách ly nghiêm ngặt. Các linh mục phải làm gì?
Hồi cuối tháng 4/2020, trả lời phỏng vấn của báo Quan sát viên Roma, Đức Hồng y Stella đã nói:
“Lịch sử Kinh Thánh nhiều lần thuật lại với chúng ta những tình huống khủng hoảng nặng nề và bi kịch đối với người dân, trong đó ngay cả Đền thờ cũng bị phá hủy và không thể thực hành việc thờ phượng. Những lời của ngôn sứ Giêrêmia đã diễn tả tình cảnh tuyệt vọng này: “Ngay cả ngôn sứ và tư tế cũng đang lang thang khắp xứ và không biết phải làm gì” (14:18). Tuy nhiên, trong những hoàn cảnh dường như vô vọng này, Thiên Chúa đề nghị những không gian khác để ca ngợi và phục vụ Người”.
Đức Hồng y Stella nói thêm: “Mỗi linh mục tốt lành sẽ có thể khám phá ra công thức của riêng mình, cử chỉ của chính mình, từ sự thúc đẩy nội tâm của người mục tử và sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, những điều buộc các ngài phải hoạt động và tỉnh thức giữa dân tộc của mình, theo phong tục văn hóa và phụng vụ từ mỗi quốc gia. Tôi thực sự mong muốn một ngày nào đó khi chúng ta thoát khỏi đại dịch vô tận này, chúng ta có thể nghĩ đến các linh mục với lòng biết ơn và tình cảm tương tự như những người mà ngày nay rất nhiều người nói về bác sĩ, y tá, nhân viên y tế, nhân viên thực thi pháp luật hiện diện trên chiến trường cho đến độ anh hùng”. (Nguồn: Vatican News).
Thực tế đã nảy sinh những sáng kiến mục vụ độc đáo chưa từng có trong Giáo hội Công giáo trong thời điểm dịch bệnh hiện nay. Nhiều linh mục tỏ ra dũng cảm phi thường để phục vụ đời sống thiêng liêng cho người Công giáo trên khắp hoàn cầu. Trong đó có nhiều linh mục đã hy sinh khi phục vụ bệnh nhân tại bệnh viện hay tại giáo xứ của mình. Những hình ảnh đẹp ấy cho thấy sự quan tâm của các mục tử đối với giáo dân trong thời khắc kinh hoàng nhất, vẫn thấy được sự hiện diện của các linh mục, những người sẵn sàng hy sinh vì đoàn chiên.
Tại TGP Sài Gòn, Cha chánh xứ Vĩnh Hòa, với bộ trang phục bảo hộ phòng dịch theo đúng yêu cầu y tế, đã đến thăm bà con trong khu vực cách ly. Khi đến trước mỗi nhà, ngài đứng ngoài cửa dặn dò: “Cha xứ đến thăm gia đình đây, mọi người hãy an tâm ở yên trong nhà, đừng đi ra ngoài, gia đình nhận chút quà của cha xứ gởi nhé”. Ngài còn dùng phần tiền tiết kiệm ít ỏi của mình để chia sẻ những phần quà đến bà con nghèo đang sống trong giáo xứ Vĩnh Hòa, không phân biệt tôn giáo, để phần nào giảm bớt khó khăn trong cuộc sống của bà con. (Nguồn: tgpsaigon.net).
Tại Giáo phận Xuân Lộc, những “Túi rau nghĩa tình” xuất hiện trên cánh cổng mỗi nhà ở địa bàn giáo xứ Xuân Khánh, bất kể lương, giáo. Đó là sáng kiến của Cha sở nhà thờ Xuân Khánh đó! Bó rau ngày thường chẳng đáng là bao, nhưng trong đại dịch lại quý hơn “kim cương hột xoàn”. Quý hơn cả, chính là tấm lòng của người tặng. Mồng tơi xanh nấu với tôm khô, ngọt ngào biết bao!
(Nguồn: giaophanxuanloc.net).
Tại Giáo phận Ban Mê Thuột, linh mục GB. Nguyễn Minh Hảo – Trung Tâm Sắc Tộc, Nhà Thờ Mẫu Tâm, cùng với một số linh mục đã lên tiếng kêu gọi chia sẻ khó khăn với người dân Sài Gòn. Thế là những món quà đơn sơ từ tấm lòng yêu thương chân tình, có gì cho nấy: một bịch gạo, một bó rau, một nải chuối, một vài trái chanh… gom lại thành 3 xe tải lớn. Tất cả đã được chuyển đến sớm nhất cho bà con ở Sài Gòn. (Nguồn: tgpsaigon.net).
“Chưa bao giờ, kể cả thời chiến tranh, thành phố đã trải qua những ngày thử thách bức bách như hôm nay. Muôn vàn thảm kịch đang diễn ra mỗi lúc một nghiêm trọng: lây nhiễm cộng đồng, bệnh viện quá tải, y sỹ, nhân viên y tế kiệt lực, đội phòng chống căng thẳng, sản xuất ngưng trệ, lưu thông hạn chế, vật giá leo thang…” (Thư kêu gọi của Đức Cha Chủ tịch HĐGMVN).
“Hãy đi và hãy làm như vậy!”. Đó là lời mời gọi của Chúa Giêsu với mỗi người chúng ta qua dụ ngôn “Người Samari Nhân Hậu” (Lc 10,25-37).
Đáp lại lời mời gọi của Đức Tổng Giám mục Giuse – Tổng Giám mục Giáo phận Sài Gòn – ngày 22-7-2021, gần 200 linh mục, tu sĩ đã tình nguyện lên đường vào các bệnh viện dã chiến -nơi điều trị bệnh nhân bị nhiễm Covid- để chung tay góp sức với ngành Y tế nơi tuyến đầu chống dịch và chăm sóc các bệnh nhân.
Các linh mục, tu sĩ đã can đảm ra đi, chèo ra chỗ nước sâu, đầy nguy hiểm với lòng nhiệt thành, với tình yêu thương nồng cháy của con tim dâng hiến mà không cần “vốn liếng” nào khác ngoài Chúa Quan Phòng. Vượt qua tất cả những lo lắng sợ hãi, các linh mục đã và vẫn tiếp tục lên đường. Nơi đây họ thấy, họ thấu cảm với sự vất vả kiệt lực của các bác sĩ và nhân viên y tế – những con người ngày đêm chiến đấu với tử thần để giành giật sự sống cho bệnh nhân.
Trong các bệnh viện, các linh mục không được phép trực tiếp chữa trị bệnh nhân, nhưng họ sẵn sàng đảm nhận tất cả mọi công việc; Từ các khâu hậu cần, vận chuyển đồ đạc, dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác thải, phụ thay tã, thay drap giường, lau chùi máy móc,… Không nề hà bất cứ việc gì trong bộ đồ bảo hộ nóng nực và rất khó chịu. Ngoài giờ làm việc, các linh mục còn chăm sóc giúp các bệnh nhân sống lạc quan, ăn uống ngủ nghỉ đúng giờ, tập luyện sức khoẻ thể chất và tinh thần để mau bình phục. (Nguồn: tgpsaigon.net).
Xin Chúa Thánh Thần phù trợ các linh mục để các ngài can đảm dấn thân trong hành trình “vác thập giá của Đức Giêsu chịu đóng đinh”, một hành trình đến để thi hành thánh ý Chúa Cha; một hành trình yêu cho đến cùng (Ga 13,1); một hành trình trở nên “tấm bánh bị nghiền nát, phân phát cho nhiều người…
Maria Mỹ Dung
Nguồn: gpbanmethuot.com/
Để lại một phản hồi