Các tác giả Tin Mừng không cho chúng ta biết nơi Mẹ Maria sinh ra. Chúng ta chỉ biết rằng Mẹ có họ hàng với bà Elizabeth sống ở miền Giuđêa. Do đó, không phải là không thể nghĩ rằng bản thân Mẹ là người gốc Giêrusalem, theo một truyền thống cổ xưa, có thể được tìm thấy trong Tiền Phúc Âm theo Thánh Giacôbê, cho chúng ta biết về cha mẹ của Đức Trinh nữ, là thánh Gioakim và thánh Anna.
Và ở Giêrusalem, có một ngôi nhà rất cổ xưa được gọi là “Nhà của Thánh Anna.” Gần ngôi nhà này người ta đã dựng lên một nhà thờ mà lễ cung hiến diễn ra vào ngày 8 tháng 9. Lễ kỷ niệm việc cung hiến này được cử hành hằng năm. Ngày lễ này lan rộng đến Constantinôpôli vào thế kỷ thứ năm và sau đó đến phương Tây. Sau đó, ngày lễ Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội đã được thêm vào 9 tháng trước đó, đó là ngày 8 tháng 12. Lễ Sinh Nhật Đức Maria là một trong những lễ lớn của năm phụng vụ Byzantine vì lễ đó khai mạc kế hoạch cứu độ và thực hiện Lời Chúa trong lịch sử con người.
“Kể từ thế kỷ thứ 6, chúng tôi kính nhớ nơi Đức Trinh Nữ Maria được sinh ra, ở Giêrusalem, gần giếng Thánh Tẩy Bézatha, nơi đã chứng kiến sự ra đời của Mẹ Chúa Kitô, là “khởi đầu ơn cứu độ”. Chính tại Vương cung thánh đường Sinh Nhật của Mẹ Maria, Thánh Gioan Damascenô đã tuyên bố kỷ niệm ngày này một cách hân hoan.”
Lễ Sinh Nhật của Đức Trinh Nữ Maria ngày 8 tháng 9 diễn ra đúng chín tháng sau lễ trọng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ngày 8 tháng 12. Chính vì sự thánh thiện của Đức Trinh Nữ Maria khi còn trong lòng mẹ mà Giáo Hội tổ chức Lễ Sinh Nhật của Mẹ theo phụng vụ của Giáo Hội. Chỉ một Lễ Sinh Nhật khác của một vị thánh được cử hành theo nghi lễ Giáo Hội là Lễ Sinh Nhật của Thánh Gioan Tẩy Giả, là người đã được thánh hiến ngay khi còn trong bụng mẹ khi ngài nhảy mừng trước sự hiện diện của hài nhi Giêsu trong cung lòng Mẹ Maria.
Đức Trinh Nữ Maria đã được gìn giữ khỏi Tội Nguyên Tổ ngay từ khi được tượng thai và vững bền trong suốt cuộc đời mà không phạm tội riêng nào. Dù mãi đến năm 1854 thì Đức Giáo hoàng Pius IX mới chính thức tuyên bố đây là một tín điều của Giáo hội, nhưng tín điều đó đã được cử hành từ thời Giáo Hội sơ khai.
Tiền Phúc Âm của Thánh Giacôbê
Nếu Đức Maria đã thực sự thoát khỏi tội lỗi từ lúc tượng thai trong cung lòng mẹ của Ngài là thánh Anna và trong suốt cuộc đời của Mẹ, như những người Công giáo tin tưởng, thì chắc chắn Mẹ đã có một thời thơ ấu thánh thiện và trong trắng đặc biệt. Tài liệu đầu tiên cố gắng thuật lại thời thơ ấu của Mẹ Maria được viết vào nửa sau thế kỷ thứ hai. Mặc dù bị loại khỏi Kinh thánh quy điển, Tiền Phúc Âm của Thánh Giacôbê vẫn khá phổ biến trong Giáo hội sơ khai, vì hơn 130 bản sao chép cổ xưa đã được phát hiện. Một số câu chuyện trong đó vẫn tồn tại trong truyền thống Công giáo.
Ngoài việc thuật lại những câu chuyện từ các Tin Mừng quy điển và các đoạn văn trong Cựu ước, tài liệu này có thể còn lưu giữ một số câu chuyện được truyền khẩu trong Giáo hội sơ khai. Các Giáo phụ của Giáo hội dù không tán thành chính bản văn này, nhưng lại minh chứng rằng một số khái niệm cốt lõi về Đức Maria là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội và trọn đời đồng trinh được quyển Phúc Âm này củng cố thêm.
Bản thân tài liệu, còn được gọi là Tiền Phúc Âm của Thánh Giacôbê hoặc Phúc âm về Thời Thơ Ấu theo Giacôbê, không phải là quy điển đối với người Công giáo. Một số câu chuyện của Tiền Phúc Âm này có vẻ kỳ quặc và Đức Thánh Giáo Hoàng Gelasius I vào cuối thế kỷ thứ năm đã liệt kê Tiền Phúc Âm này vào số những văn bản bị người Công giáo khước từ. Các học giả hiện đại nói chung không đặt nhiều tin cậy vào tính lịch sử của nó, lại càng ít tin tưởng hơn rằng tác giả của nó là Thánh Giacôbê.
Những thị kiến của Chân Phước Catherine Emmerich
Nhưng những thị kiến chi tiết hơn của Chân phước Catherine Emmerich – sinh ngày 8 tháng 9 năm 1774 và mất năm 1824 – kể về một chuỗi sự kiện thời gian đầu đời của Mẹ Maria rất giống với những sự kiện trong Tiền Phúc Âm của Thánh Giacôbê. Những mặc khải tư này sau đó được viết ra bởi Clemens Brentano, là người ngồi bên giường của Vị Nữ Chân Phước, và dù Giáo hội không thấy nơi những mặc khải tư này điều gì trái với Đức tin, nhưng Giáo hội cũng không chính thức xác nhận chúng. Người ta cũng không biết Brentano, vốn cũng biết Tiền Phúc Âm của Thánh Giacôbê, đáng tin cậy như thế nào khi viết những lời đúng thực của Chân phước Catherine Emmerich.
Điểm chính của những câu chuyện lần đầu tiên được nêu ra trong Tiền Phúc Âm của Thánh Giacôbê nhằm cho thấy rằng Mẹ Maria không chỉ là một trinh nữ khi thụ thai Chúa Giêsu mà vẫn mãi là một trinh nữ, và hơn nữa, hoàn toàn trinh trong trước mặt Thiên Chúa. Người ta nhấn mạnh rằng không điều gì không tinh khiết mà lại được phép thấm nhập vào Mẹ và Mẹ đã được ban cho những tác động trinh trong nhất ngay khi còn là một em bé. Trinh khiết được cho là một phần căn tính của Mẹ Maria, và thánh Giuse, người sau này được chọn làm bạn trăm năm của Mẹ, cũng tôn trọng sự khiết trinh của Mẹ như vậy.
Một số điểm nổi bật của các câu chuyện như sau. Cha mẹ của Mẹ Maria, lần đầu tiên có tên trong văn bản này là Gioakim và Anna, là những người công chính nhưng không có con khi về già. Ông Gioakim giàu có và khi ông lên Đền thờ dâng cúng hào phóng cho Thiên Chúa, ông đã bị từ chối chỉ với lý do ông không có người nối dòng dù là người công chính trong Israel. Vì vậy, trong than khóc, ông đi ra sa mạc ăn chay cầu nguyện xin cho mình và vợ mình được sinh con. Tương tự như vậy, bà Anna, vợ của ông cảm thấy ô nhục về sự son sẻ của mình và bà than thở về tình trạng đau buồn của bà với Thiên Chúa — giống như Hannah, người mẹ hiếm muộn của tiên tri Samuel trong Cựu Ước (1 Samuel 1). Thiên Chúa đã nghe lời cầu nguyện của ông Gioakim và bà Anna và đã gửi các thiên sứ đến cả ông và bà để thông báo về sự ra đời của một đứa trẻ “sẽ được tất cả trần thế nói đến” và người “sẽ phụng sự Thiên Chúa trong những việc thánh suốt mọi ngày của đời nó. ”
So sánh hai văn bản
Thánh Anna khấn hứa sẽ dâng đứa trẻ phục vụ Thiên Chúa. Bà sinh ra một cô con gái, tên là Maria. Trong khi Tiền Phúc Âm của Thánh Giacôbê trình thuật việc sinh ra đời thực sự của Mẹ Maria khá ngắn gọn, thì Chân phước Catherine Emmerich lại thoáng nhìn thấy ý nghĩa thánh thiêng của việc sinh hạ đó:
“Trong khoảnh khắc đứa trẻ sơ sinh nằm trong vòng tay của người mẹ thánh Anna, đồng thời tôi thấy đứa trẻ được hiện diện trên thiên đàng trước Ba Ngôi Chí Thánh, và được tất cả thần thánh trên trời chào đón với niềm vui khôn tả. Sau đó tôi hiểu ra rằng em bé được biết đến, bằng một cách siêu nhiên nào đó, cùng với toàn bộ tương lai của em với tất cả những niềm vui và nỗi buồn của em. Maria đã được chỉ dạy về những mầu nhiệm vô hạn, dù vẫn là một đứa trẻ. Chúng ta không thể hiểu được sự hiểu biết này của em, bởi vì sự hiểu biết của chúng ta mọc trên cây thiện và ác. Còn em biết mọi thứ giống như một đứa trẻ biết vú của mẹ mình và biết rằng phải bú từ bầu sữa của mẹ mình.”
Cuộc đời của Đức Trinh Nữ Maria
Theo Tiền Phúc Âm của Thánh Giacôbê, khi bé Maria được sáu tháng tuổi, thánh Anna đã đặt bé xuống để xem bé có thể đứng được hay không. Khi bé Maria bước được bảy bước, thánh Anna bế bé lên và kêu lên: “Lạy Chúa là Thiên Chúa hằng sống của tôi, tôi sẽ không bước đi trên trái đất này cho đến khi tôi dâng con tôi vào đền thờ Chúa.”
Bé Maria được coi là thánh thiện, và thánh Anna đã làm một nơi tôn nghiêm trong buồng ngủ của bé khi cô bé mới được sáu tháng tuổi và không để bất cứ thứ gì uế tạp thấm nhập vào bé. Bé được các tư tế và người dân công nhận là dành riêng cho Thiên Chúa và được định sẵn để được đưa vào Đền thờ. Lần đầu tiên khi cha mẹ bé cân nhắc việc cho bé vào phục vụ Đền thờ năm lên hai tuổi, giống như tiên tri Samuel trong Cựu ước, họ quyết định đợi cho đến khi bé lên ba.
Vào thời điểm đó, cha mẹ đã giao bé Maria cho Đền thờ nuôi dưỡng như họ đã thề hứa:
“Hãy mời những cô con gái Hipri trinh trắng, mỗi em hãy cầm lấy một ngọn đèn, và để các em đứng đó cầm ngọn đèn đang cháy, hầu cho em nhỏ không quay lại, và để tâm hồn em nhỏ được đền thờ của Thiên Chúa chiếm giữ. Và các thiếu nữ đã làm như vậy cho đến khi họ đi vào đền thờ của Thiên Chúa. Thầy tư tế đón bé gái Maria, hôn em và chúc phúc cho em, rằng: Thiên Chúa đã làm rạng danh em muôn thế hệ. Nơi em, vào những ngày cuối cùng, Thiên Chúa sẽ bày tỏ ơn cứu độ của Ngài cho dân Israel. Ông đặt em xuống bậc ba của bàn thờ, và Chúa là Thiên Chúa ban ân sủng cho em; và em nhẩy múa trên đội chân mình, và cả nhà Israel đều yêu mến em.”
Một Trinh nữ của Đền thờ
Bé Maria, được đặt trên bậc thềm của Đền thờ, đã không quay chạy lại với cha mẹ như một đứa trẻ bình thường, vì vậy cha mẹ cô đã lấy làm lạ về điều này như một dấu hiệu cho thấy sự thánh thiện đặc biệt của cô. Chúng ta được kể rằng bé Maria đã cư ngụ trong Đền thờ cho đến khi được mười hai tuổi, và đã được nuôi dưỡng bởi bàn tay của một thiên thần.
Theo Tiền Phúc Âm của Thánh Giacôbê, khi Mẹ Maria được mười hai tuổi, các tư tế của Đền thờ quyết định rằng Mẹ nên được kết giao trong hôn nhân. Họ tập hợp những người đàn ông góa vợ thuộc dòng dõi Đavít và đưa cho mỗi người một cây gậy rút thăm. Một con chim bồ câu bay ra khỏi cây gậy của Giuse và đậu trên người ông, cho thấy Thiên Chúa lựa chọn Giuse làm chồng cho Đức Maria trọn đời đồng trinh. Giuse lớn hơn Mẹ Maria nhiều tuổi và có lòng kính sợ Thiên Chúa khi nhận bảo vệ “trinh nữ của Thiên Chúa”, nhưng các tư tế xác nhận rằng ông thực sự đã được chọn, và phải thực hiện trách nhiệm của mình cách nghiêm cẩn.
Trong khi đó, bảy trinh nữ của nhà Đavít, bao gồm cả Mẹ Maria, được chọn để bốc thăm để xem người nào sẽ đan các phần nào của bức màn trướng trong Đền thờ. Rất nhiều sợi chỉ màu tím và đỏ tươi rơi xuống chỗ Mẹ Maria đan, và trong khi Mẹ đang thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng này, Mẹ đã được thiên thần Gabriel đến thông báo với Mẹ rằng Mẹ sẽ là Mẹ của Chúa Giêsu.
Những minh chứng hỗ trợ của lịch sử
Hầu hết các học giả ngày nay đều chỉ ra rằng thiếu bằng chứng lịch sử về việc các trinh nữ phục vụ nghi lễ trong Đền thờ Giêrusalem. Nhưng có một vài dấu hiệu trong ghi chép lịch sử có thể chỉ ra những gì được mô tả về Mẹ Maria và những người bạn đồng hành của Mẹ trong Tiền Phúc Âm theo Thánh Giacôbê. Sách Xuất Hành cho chúng ta biết những người phụ nữ lành nghề của Israel đan màn trướng cho Đền thờ: “Mọi phụ nữ khéo tay đã tự mình dệt, rồi đem những gì đã dệt đến: vải đỏ tía và vải điều, vải đỏ thẫm và vải gai mịn. Mọi phụ nữ có nhiệt tâm và khéo tay thì lấy lông dê mà kéo sợi” (Xuất Hành 35: 25-26). Mishnah, bộ sưu tập lớn đầu tiên các văn bản về các truyền thống truyền khẩu của người Do Thái, lúc đó chỉ ra rằng vai trò này được trao cho các trinh nữ và cũng ngụ ý rằng các trinh nữ này có một vai trò trong Đền thờ.
Ngoài ra, sách Dân số chương 6 đã thiết lập lời thề Nadia: “Thiên Chúa phán với ông Môsê rằng: “Ngươi hãy nói với con cái Israel và bảo chúng: Bất cứ ai, đàn ông hay đàn bà, đã khấn nadia, tức là khấn đặc biệt kiêng cữ để kính Thiên Chúa, thì nó phải kiêng rượu và men nồng: không được uống giấm chua từ chất rượu cũng như giấm chua từ chất men, không được uống mọi thứ nước nho, không được ăn nho tươi cũng như nho khô. Suốt thời gian nó bị ràng buộc bởi lời khấn đó, thì bất cứ thứ gì chiết xuất tự cây nho, từ hột nho cho đến vỏ nho, nó cũng không được ăn. Suốt thời gian nó bị ràng buộc bởi lời khấn, dao cạo không được đụng đến đầu nó; bao lâu chưa mãn thời kỳ khấn đặc biệt để kính Thiên Chúa, thì nó sẽ là người được thánh hiến: nó phải để cho tóc trên đầu mọc tự nhiên. Suốt thời kỳ khấn đặc biệt để kính Thiên Chúa, nó không được tới gần xác chết. Dù là cha mẹ hay anh chị em nó chết, nó cũng không được để cho mình nhiễm uế, bởi vì nó mang trên đầu lời khấn nadia kính Thiên Chúa. Suốt thời kỳ khấn đặc biệt, nó sẽ là người được thánh hiến cho Thiên Chúa”. Lời khấn hứa này đòi hỏi một lối sống thánh thiện dành cho trẻ nhỏ Maria như đã được mô tả trong Tiền Phúc Âm của Thánh Giacôbê. Điều này cũng có thể được thực hiện bởi phụ nữ, và phổ biến trong thời kỳ Đền thờ thứ hai.
Thêm chi tiết về thời thơ ấu của Mẹ Maria
Những thị kiến của Chân phước Catherine Emmerich được ghi lại trong Cuộc đời của Đức Trinh Nữ Maria cho chúng ta một bức chân dung sâu sắc về cuộc sống của một thiếu nữ không hề phạm tội thì như thế nào trong Đền thờ:
“Tôi đã nhìn thấy Đức Trinh Nữ Maria trong Đền thờ, luôn luôn thăng tiến trong học tập, cầu nguyện và làm việc. Đôi khi tôi thấy Mẹ ở trong phòng phụ nữ ở với những thiếu nữ khác, đôi khi một mình trong căn phòng nhỏ của Mẹ. Mẹ làm việc, dệt và đan những dải vải hẹp trên những thanh dài để phục vụ Đền thờ. Mẹ giặt giũ và lau xoong nồi. Tôi thường thấy Mẹ trong cầu nguyện và suy niệm. Tôi chưa bao giờ thấy Mẹ trừng phạt hay hành hạ cơ thể của mình – Mẹ không cần điều đó. Giống như tất cả những người rất thánh thiện, Mẹ chỉ ăn để sống, và không dùng thức ăn nào khác ngoại trừ những thứ mà Mẹ đã thề hứa. Bên cạnh những lời cầu nguyện được quy định trong Đền thờ, lòng sùng mộ của Đức Maria còn là một khao khát không ngừng được cứu độ, một tinh thần cầu nguyện luôn mãi trong nội tâm, được thực hiện cách lặng lẽ và dấu ẩn. Trong sự tĩnh lặng của đêm khuya, Mẹ trỗi dậy ra khỏi giường và cầu nguyện với Thiên Chúa. Tôi thường thấy Mẹ khóc trước những lời cầu nguyện của mình và được ánh hào quang bao phủ. Khi Mẹ lớn lên, tôi luôn thấy Mẹ mặc một chiếc váy màu xanh lam lấp lánh. Mẹ che kín mặt khi cầu nguyện, và cũng lấy mạng che mặt khi nói chuyện với các tư tế hoặc đi xuống một căn phòng bên Đền thờ để nhận việc hoặc giao lại những gì Mẹ đã làm. Có những căn phòng như thế này ở ba mặt của Đền thờ; đối với tôi, các phòng này luôn như những phòng thánh. Tất cả mọi thứ đều được cất giữ ở đó mà nhiệm vụ của các thiếu nữ trong Đền thờ là phải trông nom, sửa chữa và thay thế.”
Những câu chuyện này cho thấy cuộc đời của Mẹ Maria là rất thánh thiện và phẩm giá của Mẹ là rất đặc biệt, chúng cũng cho chúng ta thấy được nhân tính của Mẹ. Mặc dù vô nhiễm nguyên tội, Mẹ Maria đã và vẫn đang hoàn toàn là con người và chỉ là con người. Mẹ tỏ ra cho chúng ta thấy rằng vì kinh nghiệm chung của chúng ta về bản tính sa ngã của con người nên chúng ta mới nói rằng: “phạm tội chỉ là chuyện thường tình của con người.” Trong kế hoạch của Thiên Chúa, Mẹ Maria là mẫu mực cho những gì Thánh Irênê thành Lyon đã dạy:
“Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống tràn đầy.”
Vài suy niệm
Mẹ Maria trả lại cho chúng ta hình ảnh của một con người hoàn hảo trong việc Mẹ được tượng thai vô nhiễm nguyên tội.
Ngày lễ này khiến chúng ta nghĩ về sự ra đời của Mẹ Maria trong trần thế như bình minh đi trước ánh sáng cứu độ, là Chúa Giêsu Kitô; giống như hoa nở trên trái đất, vốn tất cả đều bị bao phủ bởi vũng lầy tội lỗi, là bông hoa đẹp nhất từng được nhìn thấy trong vườn hoa bị tàn phá của nhân loại.
Ngày lễ này khiến chúng ta nghĩ đến sự ra đời của thụ tạo thanh khiết nhất, vô tội nhất, hoàn hảo nhất của nhân loại, xứng đáng nhất với ý định mà Thiên Chúa đã ban cho con người khi tạo ra con người theo hình ảnh của Thiên Chúa, giống với Thiên Chúa, là vẻ đẹp tối thượng, sâu thẳm, là vẻ đẹp tuyệt mỹ, vẻ đẹp lý tưởng trong bản tính và nơi hình hài của mình, chân thực trong biểu hiện sống động của thụ tạo đó, đến nỗi người ta có thể thoáng thấy rằng thụ tạo chưa từng có này, một mặt, được tiền định làm nữ hoàng trần thế, và mặt khác, là đối tượng của cuộc đối thoại và của tình yêu của Đấng Sáng Tạo ra mình bằng một sự đáp trả hoàn toàn buông bỏ chính mình, một sự đáp trả thi vị và tràn đầy niềm vui, như trong Kinh Magnificat của Mẹ Maria.
Bằng một kế hoạch thương xót vô hạn, Thiên Chúa đã làm sống lại nơi Mẹ Maria những gì đã bị mất nơi bà Evà: “Chúa Cha rất nhân từ đã muốn sự ưng thuận của
Đấng đã được tiền định làm Mẹ phải có trước khi Chúa Con nhập thể, để như một người nữ đã hợp tác cho sự chết, thì cũng một người nữ hợp tác cho sự sống (Lumen Gentium 56. x. 61)”.
Chúa Thánh Thần đã chuẩn bị Mẹ để Mẹ xứng đáng là cung lòng xứng đáng cho Con Mẹ. Và hôm nay, trong ngày dành riêng để tôn kính ân huệ này, tôn kính kiệt tác này của Thiên Chúa, chúng ta vui mừng nói: Mẹ Maria đã sinh ra, Mẹ là Mẹ của chúng ta, Mẹ khôi phục lại nơi chúng ta hình ảnh của nhân loại hoàn hảo trong việc tượng thai vô nhiễm nguyên tội của Mẹ, đáp ứng một cách đáng ngưỡng mộ ý định của Thiên Chúa muốn có cuộc tượng thai nhiệm mầu của một thụ tạo sẽ là Nữ Hoàng của trần thế: “Suốt dọc chiều dài lịch sử, Hội Thánh đã nhận thức rằng Mẹ Maria, vì được Thiên Chúa ban cho “đầy ơn phúc” (Lc 1,28), nên được cứu chuộc ngay từ lúc tượng thai. Đó là nội dung tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội do Đức Piô IX công bố năm l854. Đức Trinh Nữ Diễm Phúc Maria, đã được gìn giữ khỏi mọi tỳ ố nguyên tội ngay từ lúc tượng thai, do ân sủng và tình thương đặc biệt của Thiên Chúa toàn năng, nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu Độ loài người (DS 2803)”.
Thánh Augustinô đã mô tả sự ra đời của Đức Trinh Nữ Maria là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử và vũ trụ, và là khúc dạo đầu thích hợp cho sự ra đời của Chúa Giêsu Kitô. Ngài nói: “Mẹ là bông hoa trong cánh đồng, từ đó đã nở ra một hoa huệ thung lũng quý giá”.
Vị giám mục của thế kỷ thứ tư đó, mà thần học của ngài đã định hình một cách sâu sắc sự hiểu biết của Giáo hội phương Tây về tội lỗi và bản tính con người, khẳng định rằng “nhờ sự ra đời của Mẹ, bản tính nhân loại mà chúng ta thừa hưởng từ cặp cha mẹ đầu tiên đã được thay đổi”.
Thánh Gioan Đamátsô đã dâng lời ca tụng: “Hết thảy mọi người hãy đến, chúng ta hân hoan mừng ngày sinh ra niềm vui sướng của cả thế giới! Hôm nay đây, từ một bản tính thế trần, một thiên đàng đã thành hình dưới thế. Hôm nay đây, việc cứu rỗi đã bắt đầu cho thế giới!”
Trong ngày Đức Maria chào đời, Giáo Hội reo lên: “Ôi lạy Mẹ! Ngày sinh của Mẹ đã đem lại cho thế giới sứ điệp vui mừng và hy vọng. Vì Chúa Kitô Chúa chúng con là Mặt trời soi đường ngay nẻo chính đã từ cung lòng Mẹ sinh ra, Ngài là Đấng huỷ bỏ lời chúc dữ, đem lại muôn phúc lành, Đấng tiêu diệt thần chết và ban phúc trường sinh”.
Vào chính Lễ Kính Sinh Nhật Đức Mẹ 8/9/2004, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã suy niệm về Mẹ như sau: “Phụng vụ hôm nay nhắc lại Sinh Nhật của Đức Trinh Nữ Maria. Lễ này, một lễ rất được dân chúng sùng mộ, khiến chúng ta phải ca ngợi ánh bình minh sáng ngời nhất của Ơn Cứu Độ nơi con trẻ Maria này. Chúng ta chiêm ngưỡng một con trẻ giống như tất cả mọi con trẻ khác, nhưng đồng thời lại độc nhất vô nhị, đó là “một người nữ có phúc hơn mọi người nữ” (Luca 1:42). Mẹ Maria là “nữ tử Sion” vô nhiễm được tiền định làm Mẹ Đấng Thiên Sai.”
Và Mẹ Maria, vì niềm hân hoan và niềm vui của tâm hồn chúng ta, Mẹ không bao giờ ngăn cản ánh mắt của chúng ta hướng nhìn về Mẹ trừ khi để khích lệ chúng ta nhìn cao hơn, hướng tới nhiệm mầu của ánh sáng, của sự thánh thiện và sự sống mà Mẹ đã loan báo khi mới chào đời và Mẹ sẽ ban cho chúng ta: đó là Chúa Kitô, Chúa chúng ta, là Con của Mẹ, và là Con Thiên Chúa, mà chính Mẹ đã nhận được mọi sự từ Ngài. “Đó là mầu nhiệm ân sủng mà chúng ta gọi là Mầu Nhiệm Nhập thể và ngày nay, làm cho chúng ta thấy trước nơi Đức Maria ngọn đèn mang ánh sáng Thiên Chúa, thấy trước cánh cửa qua đó trời cao sẽ hướng về đất thấp, thấy trước Người Mẹ, Đấng sẽ ban sự sống con người cho Ngôi Lời của Thiên Chúa, thấy trước việc chúng ta đạt tới ơn cứu độ.”
Lạy Đức Nữ Vương, xin thương xót chúng con là kẻ có tội và xin đến cứu giúp chúng con. Việc ra đời hiển vinh của Mẹ trong dòng dõi Ábraham, chi tộc Giuđa, hoàng tộc Đavít, không đem lại niềm vui cho cả thế trần đó sao? Xin Mẹ làm cho niềm vui của chúng con được tràn đầy và cũng xin làm cho chúng con sạch mọi tội lỗi. Amen.
Phêrô Phạm Văn Trung chuyển ngữ và biên tập.
Để lại một phản hồi