Văn sĩ Edith Bruck cám ơn Đức Thánh cha

Nữ văn sĩ Do thái gốc Hungary, bà Edith Bruck, người sống sót từ trại tập trung của Đức quốc xã, cám ơn Đức Thánh cha Phanxicô vì đã nêu rõ nạn bài Do thái trong cuộc viếng thăm vừa qua tại Trung Âu.

Đức Thánh cha Phanxicô và văn sĩ Edith Bruck | Photo: Vatican News

Trong chuyến tông du thứ 34 tại hai nước Hungary và Slovakia, từ ngày 12 đến 15/9/2021 vừa qua, Đức Thánh cha đều gặp cộng đoàn Do thái ở địa phương, nhắc nhớ những đau khổ của họ trong thời thế chiến thứ II, đồng thời lên án nạn bài Do thái hiện nay vẫn còn tại Âu châu.

Bà Edith Bruck năm nay 90 tuổi, đã được Đức Thánh cha đích thân đến thăm bà tại tư gia ở Roma, ngày 20/2 năm nay. Bà sinh tại Hungary, nhưng sống tại Italia từ gần 70 năm nay. Năm 12 tuổi, Edith bị đày tới trại tập trung Auschwitz bên Ba Lan, rồi tới trại Dachau ở miền nam Đức, cùng với cha mẹ, 2 anh trai và 1 chị. Song thân của bà cùng với 1 người anh chết trong các trại tập trung. Bà Edith Bruck cùng với 1 người chị được quân đồng minh giải thoát hồi năm 1945.

Bà trở về Hungary rồi sang Tiệp Khắc, nơi người chị sinh sống. Bà kết hôn lần đầu khi được 16 tuổi và di cư sang Israel. Cuộc hôn nhân ấy kết thúc với cuộc ly dị 1 năm sau đó. Bà còn kết hôn và ly dị 2 lần nữa. Năm 1952, bà Bruck di cư sang Italia và kết hôn với ông Nelo Risi, một thi sĩ người Ý, kiêm giám đốc phim ảnh, dịch giả, và biên soạn kịch bản. Ông qua đời năm 2015. Bà đã xuất bản nhiều tác phẩm, đặc biệt là một hồi ký về thời kỳ bà bị giam trong tại tập trung. Trong những năm gần đây, bà Bruck tiếp tục nói về cuộc diệt chủng Do thái tại các trường và đại học.

Hôm 15/9 vừa qua, thư của bà Bruck đã được ký giả đài Sky 24 của Ý, trao cho Đức Thánh cha trong cuộc họp báo của ngài trên máy bay, khi ngài trở về Roma từ Slovakia. Trong thư bà viết: “Đức Giáo hoàng Phanxicô rất quí mến, tôi đã lắng nghe những lời quan trọng của ngài, những lời không thể để cho ai dửng dưng tại những nơi mà sự ác đã trổi vượt”.

Bà cho biết những người bạn Hungary của bà đã nói với bà rằng Đức Giáo hoàng đã để lại dấu vết tình thương trong 7 giờ viếng thăm tại Budapest, thủ đô Hungary. Và bà viết: “Xin Thiên Chúa đồng hành với ngài trong mỗi bước đường ngài thực hiện cho hòa bình, sự sống chung và mở rộng những tâm hồn và lương tâm chưa được trong sạch. Tôi hy vọng tiếng nói và sự nồng nhiệt của ngài đi tới, đánh động và thức tỉnh sự thiện nơi mỗi người. Đôi khi cả trong những tối tăm nhất, ánh sáng cũng chiếu vào. Tôi biết điều đó và vì thế tôi hy vọng.”

(CNA 15-9-2021)

Trần Đức Anh, O.P.

(rvasia.org 16.09.2021)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*