ĐHY Parolin
ĐHY PAROLIN: HÒA BÌNH ĐƯỢC XÂY DỰNG BẰNG TÌNH HUYNH ĐỆ
Ngọc Yến
Trong sứ điệp video gửi đến Kỳ họp thứ 76 của Liên Hiệp Quốc, hôm Chúa Nhật 26/9, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh tập trung vào chủ đề “Xây dựng khả năng phục hồi qua hy vọng”, và nhấn mạnh “hòa bình được xây dựng bằng tình huynh đệ”.
Mở đầu sứ điệp, Đức Hồng y Parolin nói đến niềm hy vọng. Quốc vụ khanh Toà Thánh lưu ý, cần phải phân biệt giữa hy vọng và lạc quan, bởi vì lạc quan chỉ là một sự chờ mong thụ động, rằng mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn, trong khi hy vọng đòi hỏi chúng ta phải có phản ứng tích cực để giải quyết nhiều vấn đề mà thế giới đang phải đối diện.
Liên quan đến những quyền được gọi là “quyền mới”, Đức Hồng y nhận định rằng, những thảm trạng đang diễn ra trong xã hội là hậu quả của một cuộc “khủng hoảng nhân chủng học”, một cuộc “khủng hoảng về các tương quan của con người”. Chính vì vậy, luật nhân đạo bị coi như là một khuyến nghị hơn là một bắt buộc, một nghĩa vụ; do đó “những người tị nạn, người di cư và những người di dời nội địa ngày càng bị bỏ quên trong tình trạng lấp lửng hoặc thậm chí bị để cho chết”.
Điều này cũng được thể hiện rõ trong những cách giải thích mới về quyền con người. Trong nhiều trường hợp, “các quyền mới” không chỉ mâu thuẫn với các giá trị mà lẽ ra chúng phải được ủng hộ, nhưng còn bị áp đặt mặc dù không có sự đồng thuận quốc tế. Đối với Tòa Thánh, nhân quyền bị tước đoạt khỏi chiều kích phổ quát và những cách giải thích cục bộ mới, thật đáng buồn, lại trở thành điểm tham chiếu ý thức hệ cho một “tiến bộ giả dối”, tạo ra sự phân cực và chia rẽ. Những nỗ lực này thực sự gây nhầm lẫn, ngăn cản việc thực hiện các công ước nhân quyền, bằng cách loại bỏ sức mạnh khỏi việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền như “quyền sống, tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo, và quyền ý kiến và biểu đạt”.
Điểm cuối cùng được Đức Hồng y nói đến là hòa bình. Ngài nói rằng, Liên Hiệp Quốc không phải là một công cụ của quyền lực nhưng là một tổ chức phục vụ tất cả mọi người. Vì vậy, về mặt nhiệm vụ, tổ chức quốc tế này cần phải được phục hồi. Quốc vụ khanh Tòa Thánh đưa ra một ví dụ: Hội đồng Bảo an được cho là hiện diện để bảo vệ những người dễ bị tổn thương, và các thành viên được mời gọi trở thành những người xây dựng hòa bình trên thế giới, nhưng thực tế, cơ quan này của Liên Hiệp Quốc thường gặp nhiều bế tắc trong hoạt động.
Kết thúc bài phát biểu, Đức Hồng y Parolin nhấn mạnh rằng: “ngay cả trong xã hội mệt mỏi của chúng ta, vẫn còn có nhiều dấu hiệu hy vọng. Là những người xây dựng hòa bình, có nghĩa là những người tìm được hạt mầm của tình huynh đệ”. Trở thành những nhịp cầu hiệp thông, không ngoảnh mặt đi trước những đau khổ của người di cư và người tị nạn. Chúng ta cùng làm việc để mang lại cho họ tương lai, phát triển trong hòa bình. Hòa bình không đòi hỏi người thắng hay người thua, nhưng là những anh chị em, vì tất cả những hiểu lầm và vết thương trong quá khứ đang dần chuyển từ xung đột sang hiệp nhất. (CSR_6470_2021)
Nguồn: vaticannews.va/vi/
Để lại một phản hồi