Chúa Nhật hôm nay, 28/11, toàn thể Giáo hội bước vào Mùa Vọng. Nhưng các tín hữu Kitô tại Thánh Địa, từ gần 2 năm nay đang sống một kiểu “mùa vọng” khác: họ mong chờ các du khách và tín hữu hành hương trở lại đây để viếng thăm các nơi mang dấu vết của Chúa Cứu Thế cũng như của các nhân vật trong Cựu Ước, đồng thời giúp hồi phục cuộc sống cụ thể của họ.
Hậu quả của đại dịch
Thực vậy, sau khi đại dịch bùng nổ, Israel đóng cửa biên giới, khiến dân chúng sống tại lãnh thổ này và nhất là tại các nơi thánh thuộc lãnh thổ của người Palestine gặp khó khăn trầm trọng.
Hồi cuối tháng 8 năm nay, linh mục Rami Askarieh, cha sở giáo xứ Thánh Catarina của Công giáo Latinh ở Bêlem, đã nói với hãng tin Asia News, rằng: “Chúng tôi gặp những người ở trong tình trạng rất khó khăn vì hậu quả của Coronavirus, bao nhiêu người mất công ăn việc làm, nhất là những người hoạt động trong ngành du lịch, hoặc những người làm nghề thủ công, chế tạo những đồ bằng gỗ ô-liu, ngày nay họ không bán được gì cả và không còn nguồn lợi kinh tế để sống”.
Nhiều người phải tìm kiếm sự giúp đỡ nơi các cơ quan bác ái của Giáo hội. Cha Rami cho biết: chẳng hạn tại Bêlem, hệ thống y tế công cộng rất thiếu thốn về các dịch vụ y tế. Có nhiều người tìm đến văn phòng xã hội của dòng Phanxicô xin trợ giúp. “Họ là những người thiếu thốn mọi sự: thuốc men, lương thực, sữa cho các trẻ em. Chúng tôi làm sao để họ có thể tới mua hàng ở siêu thị và tiệm thuốc tây, và chúng tôi trang trải chi phí cho họ. Chúng tôi cũng cứu xét xem có thể giúp tu bổ một số gia cư của các tín hữu Kitô ở địa phương, như trường hợp một gia đình gồm 7 người, sống trong 2 căn phòng, nhưng có lầu trên không được sử dụng được. Vì thế, chúng tôi quyết định sửa chữa cho họ”.
Đức Thượng phụ Pierbattista Pizzaballa của Công giáo Latinh ở Giêrusalem, nói rằng: “Các tín hữu hành hương là thành phần cộng đoàn của chúng tôi và chúng tôi cần họ, trước tiên vì chúng tôi cần thở bằng hai buồng phổi: các tín hữu hành hương và các tín hữu địa phương. Ngoài ra, chúng tôi cần sự hỗ trợ của Giáo hội hoàn vũ dành cho Giáo hội chúng tôi, và cũng cần tình liên đới và sự hiện diện của các tín hữu hành hương tại Thánh Địa này. Tôi hy vọng các tín hữu hành hương sớm trở lại đây để hưởng vẻ đẹp và kinh nghiệm tuyệt vời về cuộc hành hương tại Thánh Địa”.
Ngay cả Dòng Phanxicô tại Thánh Địa cũng gặp khó khăn lớn về kinh tế. Từ 8 thế kỷ qua, Dòng có nhiệm vụ bảo tồn các Nơi Thánh và đón tiếp, giúp đỡ các tín hữu hành hương. Vắng bóng các tín hữu hành hương, số thu nhập của dòng bị giảm sút trầm trọng, nên dòng buộc lòng phải cho nghỉ việc 90% nhân viên tại các nhà trọ, 30% nhân viên văn phòng và 50% các nhân viên tại các Đền Thánh.
Tổng quản lý Dòng Phanxicô tại Thánh Địa là cha Ramzi Sidawi, nói với hãng tin CNA của Công Giáo Mỹ: “Trước đây, chúng tôi ở trong chiến tranh và đã trải qua cuộc cách mạng gạch đá “Intifada” của người Palestine, không có các tín hữu hành hương đến Thánh Địa, nhưng các thánh đường trên thế giới vẫn mở cửa, và có thể mở các cuộc lạc quyên giúp Thánh Địa. Nhưng nay, các nhà thờ trên thế giới bị đóng hoặc bị hạn chế nhiều và không thể mở cuộc lạc quyên”.
Ngân khoản Dòng nhận được từ các cuộc lạc quyên được dùng để trả lương cho các nhân viên, kể cả các giáo chức các trường Công giáo, bảo trì các Đền Thánh, hỗ trợ học bổng cho các học sinh nghèo tại 15 trường Công giáo, cấp học bổng cho các sinh viên đại học nghèo, nâng đỡ 530 đơn vị gia cư dành cho các gia đình Công giáo trong các kế hoạch gia cư tại Giêrusalem.
Cha Francesco Patton, Bề trên dòng Phanxicô tại Thánh Địa cho biết thêm rằng: “Dòng phải săn sóc và bảo trì khoảng 70 đền thánh, mà số thu nhập ở mức zero. Dầu vậy, chúng tôi không thể sống trong sợ hãi. Tôi được tin có hàng trăm nhóm đang chờ đợi giấy phép để khởi hành từ Ý, Tây Ban Nha, Mỹ và Mêhicô. Nhiều hãng du lịch đang liên lạc với chúng tôi vì họ sẵn sàng khởi hành”.
Ánh sáng ở cuối đường hầm
Trong thời gian gần đây, đã có một số tia sáng ở cuối đường hầm: từ ngày 6/11 vừa qua, chính phủ Israel bắt đầu cho các nhóm hành hương được đến Thánh Địa, nhưng phải qua các thủ tục y tế nghiêm ngặt, và số người hạn chế. Những đoàn muốn vào Israel phải điền các mẫu đơn trên mạng, kèm theo giấy chứng nhận chích ngừa 2 mũi vắc-xin, trong thời gian 180 ngày sau mũi thứ hai, hoặc đã qua 14 ngày sau mũi thứ ba. Ngoài ra, phải làm 3 cuộc xét nghiệm phân tử: xét nghiệm thứ I trong vòng 72 tiếng trước khi khởi hành, xét nghiệm thứ 2 khi tới phi trường Tel Aviv của Israel, và xét nghiệm thứ 3 phải làm ở địa phương trong vòng 72 tiếng trước khi lên đường rời khỏi Israel. Hai xét nghiệm này phải giữ chỗ trước trên mạng ở Israel.
Thủ tục quá rắc rối này đã ngăn cản 10 linh mục ở Ý không thể tham dự đoàn hành hương mới đây từ Ý, khiến cho phí tổn chung của đoàn gia tăng.
Ở Roma, có chị Phương Nhi chuyên tổ chức các phái đoàn hành hương. Chị đã lên chương trình tổ chức cuộc hành hương cho các linh mục tu sĩ Việt Nam ở Roma đến Thánh Địa từ ngày 22 đến 27/12 tới đây, nhưng rốt cuộc, chị đành hủy bỏ vì giới hạn y tế quá nghiêm ngặt, nên không làm kịp thời gian trước khi đặt mua vé máy bay. Thay vào đó, chị tổ chức chuyến đi Ba Lan với những thủ tục giản dị hơn.
Tìm kiếm lối thoát
Trong bối cảnh đó, hãng tin Sir của HĐGM Ý đưa tin: bà Adriana Sigilli, chủ hãng du lịch Diomira ở Ý, đã đề nghị mở những hành lang du lịch “Covid free” an toàn chống Covid-19. Mới đây, bà tổ chức một đoàn 20 tín hữu hành hương từ các giáo xứ ở miền Lombardia sang Thánh Địa. Theo bà, với hành lang an toàn này, trong sự tuân thủ nghiêm túc các biện pháp y tế, có thể giúp nhập cảnh vào Israel một cách đơn giản hơn và trở về nước an toàn.
Bà Sigilli đã đưa ra đề nghị này trong các cuộc gặp gỡ với các vị lãnh đạo Giáo hội tại Thánh Địa, trong đó có Đức Thượng phụ Pizzaballa, ông Tổng lãnh sự Ý ở Giêrusalem và với Bộ Trưởng du lịch của Palestine là bà Rula Maayah, cũng như với bà Noga Sher-Greco, Giám đốc văn phòng du lịch tôn giáo của Bộ du lịch Israel.
Ông Bộ Trưởng du lịch của Palestine hân hoan chào mừng phái đoàn hành hương và cho biết: Bêlem đã chuẩn bị sẵn sàng đón tiếp các tín hữu hành hương muốn đến viếng nơi Chúa sinh ra. Ông nói: “vào dịp Giáng Sinh, chúng tôi không muốn các thánh đường trống rỗng tại thành này”.
Còn bà Nogo Sher Greco cam kết rằng: Israel sẽ dấn thân hết sức để giúp các du khách và tín hữu hành hương đến nước này dễ dàng. “Việc thiết lập các hành lang “Covid free” cho các tín hữu hành hương đến đây tùy thuộc rất nhiều vào mức độ lây nhiễm trên thế giới, và các nước láng giềng của chúng tôi. Nếu mức lây nhiễm giảm, thì thủ tục có thể được cứu xét mau lẹ hơn, mà không giảm sự an toàn y tế. Chúng tôi biết rằng, nhiều nhóm hành hương đã hoãn lại các chuyến đi Israel để hoàn tất chu kỳ tiêm vắc xin. Trong khi đó, tại Israel và nhiều cơ cấu tiếp đón đang tu bổ để khi khách hành hương trở lại đây, họ sẽ thấy rất nhiều điều mới mẻ”.
Cũng nên nhắc lại rằng: năm 2019 trước đại dịch, có hơn 4.000.000 du khách và tín hữu đến Israel, trong số này một nửa là khách hành hương, và trong đó có 190.000 người Ý. (Sir 19-11-2021)
Trần Đức Anh O.P
Nguồn: vaticannews.va/vi/
Để lại một phản hồi