Với 78 năm tuổi đời, cha Rafael Marco, một nhà truyền giáo thuộc Hội Truyền giáo châu Phi, đã hoạt động truyền giáo tại châu Phi hơn 50 năm. Từ Niger, cha đã nói về dự án giúp đỡ cho các trẻ em khiếm thị ở Gaya, thuộc nước Niger, một dự án được bắt đầu từ một ý tưởng khiêm tốn để gần gũi với những người bị bỏ rơi.
Tất cả bắt đầu từ cuộc gặp gỡ một bé gái tên là Hamida. Cha kể: “Nhiều lần tôi đã kể cho các bạn nghe về những đứa trẻ khiếm thị mà tôi đã phát hiện ra ở Gaya, trong một ngôi trường giúp hòa nhập ở tại thành phố này. Chuyến thăm đó đã tác động đến tôi, và hơn nữa, một bé gái tên Hamida đã đọc cho tôi nghe bài thơ ‘Ngày mai là ánh sáng’ và khiến tôi xúc động. Sau đó, tôi đã thường xuyên trở lại thăm ngôi trường này. Thấy vậy, cô hiệu trưởng đã nói với tôi: ‘Cha nên đi gặp thanh tra’. Và tôi đã đến gặp thanh tra giáo dục và cùng với ông ấy, chúng tôi đã nghĩ ra một dự án để giúp đỡ những đứa trẻ đó, 5 em, thuộc những gia đình rất nghèo khổ. Chúng tôi giúp cung cấp thực phẩm, phương tiện đi lại, quần áo, đồ dùng học tập … mà chúng tôi đưa vào hoạt động với một nhóm tình nguyện viên: một số giáo viên từ trường hòa nhập và các giảng viên khác.
Cha Marco đã bắt đầu dự án của mình với sự giúp đỡ của một nhóm các thiện nguyện viên, gồm một số giáo viên ở trường hòa nhập và các nhà đào tạo khác. Vị linh mục truyền giáo cũng được cho biết về hoàn cảnh của các trẻ em. Cha chia sẻ: “Tôi phát hiện ra rằng, ở trong vùng có rất nhiều trẻ em bị mù, chủ yếu là do “bệnh mù sông”. (Đây là một bệnh nhiễm ký sinh trùng do vết cắn của loài ruồi đen sống gần sông. Một con giun ký sinh xâm nhập vào cơ thể người sinh ra hàng nghìn ấu trùng di chuyển dưới da và vào mắt). Đặc biệt, cha Marco còn phát hiện ra rằng, đối với người dân ở đó, những đứa trẻ mù lòa đó là nỗi xấu hổ đối với gia đình của các em, không kém một lời nguyền rủa. Do đó, các em bị giấu kín và nhốt trong nhà, bị tước đoạt mọi hình thức của đời sống xã hội, ngoại trừ việc các em bị bắt đi ăn xin”.
Khi biết về hoàn cảnh của các em, cha Marco ngày càng thăm viếng các em nhiều hơn và một dự án trợ giúp toàn diện đã nảy sinh trong tâm trí của cha, với sự cộng tác của các nữ tu phụ trách trường Công giáo. Ý tưởng của cha là thành lập một trung tâm tiếp nhận và giáo dục cho trẻ em khiếm thị. Cuối cùng, các nữ tu đã từ bỏ dự án đó, nhưng cha đã cố gắng bắt đầu nó với nhóm khởi đầu gồm 5 người thành lập một hiệp hội và tổ chức phi chính phủ có tên Trung tâm Sáng kiến và trợ giúp xã hội.
Ban đầu, hiệp hội cũng gặp những khó khăn nhưng dần dần nó đã được mở rộng thêm. Cha Marco kể: “Trung tâm hiện nay là một căn nhà khá rộng được thuê và trang bị bàn ghế, giường chiếu, bếp núc, bát đĩa … Tại đây có các khóa học đọc và viết chữ nổi Braille, bài tập định hướng, trò chơi cho người mù, học nhạc cụ … Có cả một phòng thí nghiệm đã được thành lập trong năm qua, vừa dành cho các trẻ em và cả người lớn chúng tôi, những người sáng lập và giáo viên, những người đang khám phá một thế giới mới tràn ngập hy vọng; một số người thì khám phá bằng cách học hỏi, còn một số người khác thì bằng cách tự chiêm niệm các cảm xúc của chính mình”.
Cha Marco cho biết rằng, khóa học cuối cùng vừa kết thúc với 13 em và năm nay có 21 em đang theo khóa học mới. Hiện nay, vì lý do an ninh, cha đã phải di chuyển đến Dosso, cách xa Gaya 140 cây số, nhưng hàng ngày, cha vẫn liên lạc với những người chịu trách nhiệm của trung tâm và được thông báo về tiến độ của dự án. Đã có những khoảnh khắc khó khăn, nhưng tất cả đã qua, và giờ đây là niềm vui khi thực hiện được một ước mơ, một niềm vui khiến tâm hồn mọi người tràn ngập niềm tự hào nhưng khiêm tốn.
Hồng Thủy
Nguồn: vaticannews.va/vi/
Để lại một phản hồi