Từ ngày 18.04 đến ngày 23.04.2022 _ Phút lắng đọng Lời Chúa

18.04.2022

THỨ HAI TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Mt 28,8-15

 

Lời Chúa:

“Đức Giê-su đón gặp các bà và nói: “Chào chị em!” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người.” (Mt 28,9)

Câu chuyện minh họa:

Truyện các thánh ẩn tu trong sa mạc thời Giáo Hội tiên khởi có kể lại mẩu chuyện sau: Một người đàn ông nọ nghe đồn về rất nhiều phép lạ do các bậc chân tu thánh thiện. Nhưng ông không chấp nhận một lời đồn đại nào, ông chỉ tin những gì mắt thấy, tai nghe. Thế là ông lên đường để diện kiến cho bằng được vị chân tu. Đến nơi, trước khi vào gặp vị chân tu, ông gọi một đệ tử lại và hỏi:

– Thầy của anh đã làm được bao nhiêu phép lạ rồi?

Người đệ tử trả lời:

– Không thể đếm xuể được. Trong xứ của ông, người ta xem như là phép lạ mỗi khi Thiên Chúa làm theo ý muốn của con người. Còn ở đây thì trái lại, chúng tôi coi là phép lạ mỗi khi con người thực thi thánh ý Chúa.

Suy niệm:

Chúa Giêsu không ngừng thực hiện những phép lạ trong cuộc đời chúng ta. Cùng một phép lạ, bà Maria nhận ra Chúa Giêsu Phục sinh nhưng lính canh mồ lại bóp méo sự thật. Các bà trở thành sứ giả loan báo Tin mừng, còn những lính canh mồ thì biến sự việc thành sự phỉ báng. Cùng một phép lạ, nhưng họ chỉ có khác nhau đức tin. Vì chỉ trong đức tin, con người mới nhận ra phép lạ. Ngày nay, phép lạ của Chúa cũng đang diễn ra từng ngày, trong Bí tích Thánh Thể, trong cuộc sống, và trong mọi biến cố của cuộc đời.

“Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó”. Galilê ở đây là tâm hồn của mỗi người. Chúa muốn chúng ta trở về với cõi lòng mình, chúng ta sẽ được gặp Thầy ở đó. Nếu chúng ta không gặp được Chúa trong tâm hồn thì tâm hồn ta sẽ chỉ là một ngôi mộ trống.

Lạy Chúa Giêsu Phục sinh, xin cho chúng con nhận ra Chúa Phục sinh trong tâm hồn chúng con, để mãi mãi chúng con là những sứ giả loan tin mừng phục sinh của Chúa, đem nụ cười cho người than khóc, làm tươi trẻ những tâm hồn héo úa, đem niềm vui cho người sầu khổ…

19.04.2022

THỨ BA TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Ga 20,11-18

 

Lời Chúa:

“Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.” (Ga 20,18)

Câu chuyện minh họa:

Trong tập truyện biến ngôn LM. Nil-il-le-me-tơ đã kể lại câu chuyện sau đây:

Có một người đàn bà đạo đức nọ suốt đời chỉ nuôi một nỗi khát khao duy nhất, đó là được xem thấy dung nhan Chúa trước khi chết.

Một đêm nọ, trong giấc mơ của bà, Thiên Chúa cho biết Ngài sẽ đến thăm bà nội trong đêm mai.

Thế là ngày hôm sau, người đàn bà đã sửa soạn nhà cửa và chuẩn bị một bữa ăn thịnh soạn để đón tiếp và đãi “Vị Thượng Khách”.

Người đàn bà chờ đợi mãi mà vẫn không thấy Chúa đến. Đêm về khuya, bà đã thiếp đi trong sự chán nản. Bỗng có tiếng Chúa nói với bà rằng:

– Tại sao Cha đến mà con không tiếp đón Cha? Người đàn bà đã giải thích là bà đã ngồi chờ đợi Ngài suốt buổi tối ở trước cổng nhà.

Rồi Chúa cho bà biết Chúa đã đến nhà bà bằng cổng sau. Rồi Ngài hẹn đêm sau đó Ngài sẽ đến.

Thế là ngày hôm sau, người đàn bà đạo đức lại chuẩn bị một lần nữa với hy vọng chắc chắn là thế nào cũng được gặp Chúa. Chuẩn bị xong bà lại ngồi chờ Chúa, bà chờ mãi cho đến tối, cứ chạy ra cổng trước, rồi chạy vào cổng sau, nhưng tuyệt nhiên không thấy tăm hơi một vị khách nào cả.

Lần này trong giấc mơ, Chúa cũng hiện ra và trách móc người đàn bà, Ngài cho biết Ngài đã đến qua cửa sổ. Thế rồi lần này Ngài lại cho hẹn ở tại một giếng nước trong vùng.

Nghe đến đây, người đàn bà chợt nhận ra trò chơi “cút bắt” của Chúa. Ngài giải thích cho bà:

– Nếu con chỉ muốn thấy Cha ở một nơi nào đó mà thôi, thì con sẽ không bao giờ thấy được Cha. Cha cho con thấy Cha, không phải là một lần trước khi con chết, nhưng là mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút trong cuộc đời của con. Và điều kiện để con có thể thấy được Cha, là con hãy từ bỏ khát vọng được xem thấy Cha bằng con mắt trần tục, vì con mắt ấy quá hữu hạn để nhìn thấy sự vô biên của Cha. Con chỉ có thể xem thấy Cha bằng con mắt của con tim con mà thôi.

Suy niệm:

Con người chỉ nhận ra Thiên Chúa bằng đôi mắt đức tin. Vì sự hiện hữu của Thiên Chúa không hiện diện như xác thịt loài người, nhưng qua những người sống chung quanh chúng ta, chúng ta cũng có thể gặp được Chúa. Bà Maria vừa khóc vừa tìm Chúa; còn chúng ta, trong mọi thử thách, chúng ta thường đi tìm ai? Bà Maria đã chọn Chúa làm lẽ sống của bà, bà đã đi theo Chúa khi lắng nghe Ngài giảng dạy, cho đến khi đứng dưới chân thập giá; và hôm nay, bà là người đầu tiên đi tìm Chúa khi ra viếng mồ Chúa. Chúng ta có đi tìm Chúa như bà Maria chưa? hay chúng ta chỉ biết tìm những thứ, chỉ đem lại hạnh phúc tạm bợ?

Lạy Chúa Giêsu Phục sinh, xin ánh sáng Ngài soi rọi cõi lòng chúng con, để chúng con nhận ra Chúa hiện diện trong anh chị em chúng con.

20.04.2022

THỨ TƯ TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Lc 24,13-35

Lời Chúa:

Họ bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24,32)

Câu chuyện minh họa:

Có một thiếu nữ đến xin gia nhập dòng Thừa Sai Bác Ái của mẹ Têrêsa Calcutta. Mẹ nói với người thiếu nữ: “Con đã nhìn thấy vị linh mục dâng thánh lễ, con đã thấy ngài sờ vào Thánh Thể bằng tình yêu dường nào thì hãy đi và làm như thế ở nhà hấp hối”. Người thiếu nữ ra đi và trở lại với nụ cười rạng rỡ: “Thưa mẹ, con đã sờ được thân thể của Chúa Giêsu trong suốt ba tiếng đồng hồ.”

Suy niệm:

Các môn đệ đi theo Chúa, các ông nghĩ là đã biết về Chúa và hiểu về Chúa. Nhưng qua biến cố Chúa chịu chết, các môn đệ lại thất vọng, có lẽ vì các ông chưa biết rõ về Chúa, đức tin các ông còn non yếu. Chính cuộc gặp gỡ với Đấng Phục sinh trên đường Emmaus đã biến đổi các ông. Các ông nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh, và khi lắng nghe Người giảng dạy; lúc đó cặp mắt đức tin của các ông được mở ra.

Các ông đang chán chường, thất vọng và muốn buông xuôi tất cả, thì Chúa lại đến với các ông. Trong đời sống đức tin của chúng ta cũng thế, Chúa cũng đã đến với chúng ta trong những lúc hoang mang, thất vọng, và tăm tối nhất. Những khi đó, chúng ta cần tĩnh lặng và nhận ra sự hiện diện của Chúa, để lắng nghe Ngài và kết hợp với Ngài trong Bí tích Thánh Thể; nhờ đó chính tình yêu Ngài sẽ biến đổi chúng ta.

Lạy Chúa, xin cho chúng con năng đến với Chúa trong Bí tích Thánh Thể, để sức sống và tình yêu Chúa đổi mới chúng con mỗi ngày nên giống Chúa hơn.

21.04.2022

THỨ NĂM TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Lc 24,35-48

Lời Chúa:

Bấy giờ, Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại” (Lc 24,45-46).

Câu chuyện minh họa:

Trong một tác phẩm có tựa đề “Đêm” của tác giả Êlie wiesel, người sống sót trong trại tập trung Đức Quốc Xã trở về và sau này được giải Nobel Hòa Bình đã kể lại:

Những người lính Đức Quốc Xã xem ra có vẻ lo lắng và bị xáo trộn hơn mọi khi. Treo cổ một thiếu niên trước mặt hàng ngàn người không phải là chuyện cơm bữa. Người đứng đầu trại đọc bản án. Tất cả mọi con mắt đều hướng về cậu bé. Người cậu tái xanh nhưng nó mím môi để giữ bình tĩnh, giàn treo đang phủ bóng trên cậu. Lần này, người đứng đầu trại khước từ vai trò lý hình, ba người lính Đức Quốc Xã thế chỗ ông, ba nạn nhân cùng leo lên ba chiếc ghế, ba cái cổ cùng được đưa vào ba cái lỗi dây thòng lọng. Hai người lớn hô: “Tự do muôn năm”, nhưng người thiếu niên giữ thinh lặng. Đằng sau tôi có người hỏi “Chúa đang ở đâu?” Khi người trưởng trại ra hiệu, cả ba chiếc ghế cùng bị đẩy ra một bên. Cả trại chìm trong thinh lặng. Ở chân trời, thái dương đang từ từ lặn. Hai người lớn không còn sống nữa, hai cái lưỡi thè ra, nhưng chiếc dây thứ ba còn động đậy, vì quá nhẹ cân nên cậu bé vẫn còn sống. Trong hơn một tiếng rưỡi đồng hồ, em vẫn còn treo lơ lửng ở đó, chiến đấu giữa cái chết và sự sống. Chết từ từ dưới cái nhìn của chúng tôi. Và chúng tôi phải nhìn thẳng vào mặt em. Em vẫn còn sống nhưng mắt em đã mất thần. Sau lưng tôi vẫn còn nghe cái giọng lúc nảy: “Bây giờ, Chúa đang ở đâu?” và có một tiếng nói vọng lại trong tôi “Chúa đang ở đâu ư? Ngài đang ở đây này. Ngài đang bị treo trên cái dây thòng lọng kia kìa”.

Suy niệm:

Trước đau khổ của cuộc sống, có người tin tưởng và phó thác, có người nổi loạn và phạm thượng. Đau khổ là thước đo nhân cách và lòng tin của con người, nó còn đào luyện và thanh tẩy con người. Chúa đã trải qua đau khổ và đang tiến vào vinh quang với Chúa Cha. Chính qua khổ đau, và thập giá, Thiên Chúa tỏ lộ tình yêu của Ngài cho chúng ta.

Giữa đau khổ, Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy thái độ đúng đắn của con người. Ngài là Thiên Chúa nhưng luôn có mặt trong từng đau khổ của chúng ta. Ngài cảm thông và đồng hóa mình với những ai đang đau khổ. Ngài đang mời gọi chúng ta chia sẻ với Ngài để sau này, chúng ta cũng được hưởng vinh quang với Chúa trên thiên đàng.

Lạy Chúa Giêsu Phục sinh, xin cho chúng con biết nhận ra Chúa đồng hành với chúng con trong mọi lúc, nhất là sự hiện diện của Chúa trong những khó khăn và đau khổ của cuộc sống này.

22.04.2022

THỨ SÁU TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Ga 21,1-4

Lời Chúa:

Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: “Chúa đó!” (Ga 21,7a)

Câu chuyện minh họa:

Vào một buổi tối mùa đông lạnh lẽo, có một cậu bé đang đứng nép mình co ro phía ngoài cửa một siêu thị lớn. Cậu đang run lên cầm cập trong bộ quần áo cũ rách nát và đôi chân đất không có giày dép.

Một phụ nữ trẻ tình cờ đi ngang qua, vừa nhìn thấy cậu bé, cô đọc được nỗi khao khát trong đôi mắt của cậu. Cô tiến lại gần nắm lấy tay cậu dẫn vào trong một siêu thị rồi mua cho cậu một đôi giày mới và một bộ quần áo ấm.

Sau đó cô đưa cậu trở ra và nói: “Bây giờ cháu có thể trở về nhà, mong cháu có một kỳ nghỉ đông thật hạnh phúc.”

Cậu bé chăm chú nhìn cô rồi hỏi: “Cô ơi, cô có phải là Thượng đế không?” Người phụ nữ nhìn cậu mỉm cười rồi trả lời: “Không cháu à, cô chỉ là một trong số những đứa con của Thượng đế thôi.”

Suy niệm:

Cậu bé thực sự cảm động vì lòng quảng đại của người phụ nữ. Vì cậu nghĩ một cách đơn sơ chỉ có Thượng đế mới chăm sóc và quan tâm đến những người nghèo khổ. Thiên Chúa không ai nhìn thấy bao giờ, nhưng Người hiện diện ở khắp mọi nơi. Bằng con mắt đức tin, chúng ta sẽ nhận ra Chúa. Hơn thế nữa, người khác có thể nhận ra Chúa nơi chúng ta qua cử chỉ yêu thương, quan tâm, tha thứ, lòng quảng đại,… Quả thật, yêu thương chính là dấu hiệu nhận biết chúng ta là môn đệ Chúa Kitô. Vì thế, làm chứng cho sự hiện diện của Chúa quả là một sứ mạng cần thiết của người Kitô hữu trong thế giới hôm nay.

Lạy Chúa, qua cử chỉ bẻ bánh các môn đệ nhận ra Chúa là Thiên Chúa, xin cho chúng con mỗi khi tham dự bàn tiệc thánh cũng cảm nếm được sự ngọt ngào của tình yêu Chúa, và trao ban cho những anh chị em chung quanh chúng con.

23.04.2022

THỨ BẢY TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Mc 16,9-15

 

Lời Chúa:

Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin. (Mc 16,11)

Câu chuyện minh họa:

Năm 1858 tại đồi Palatino, Rôma, các nhà khảo cổ phát hiện trên vách hang có khắc một cây thập giá. Trên thập giá vẽ hình một người mang đầu lừa, dưới có hàng chữ: Alexanenos thờ lạy Chúa của hắn. Đó là hình vẽ thập giá cổ nhất bị nhạo báng: Thiên Chúa chết trên thập giá là hành động khờ dại của con lừa và những ai thờ lạy thập giá cũng thế. Thập giá với kẻ không tin là điên dại nhưng đối với người tin là sức mạnh Thiên Chúa và là cách Thiên Chúa tỏ mình.

Suy niệm:

Bà Maria nhận ra Chúa và đi loan báo cho các môn đệ nhưng các ông không tin. Chúa lại hiện đến với các ông bằng nhiều cách khác nữa, nhưng lòng các ông vẫn còn chậm tin. Người lại củng cố lòng tin cho các ông và sai các ông đi rao giảng tin mừng. Chúa dùng chính cuộc sống các ông mà loan báo cho mọi người về sự phục sinh của Chúa. Ngày nay, chúng ta cũng mang sứ vụ ấy. Mầu nhiệm phục sinh của Chúa hướng chúng ta đến sự sống đời sau. Thật vậy, biến cố phục sinh không dễ làm cho người khác tin nhận, nhưng cần có ơn Chúa. Vậy, chúng ta cần kết hiệp với Chúa trong chiêm ngắm, và cầu nguyện để Ngài sẽ ban ơn cho chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu Phục sinh, Chúa đã đến với chúng con trong cuộc đời bằng nhiều cách thế, nhưng cặp mắt đức tin của chúng con còn bị che khuất bởi những thú vui, danh vọng, đam mê,… Xin Chúa khai mở tâm hồn và cặp mắt đức tin của chúng con, để chúng con nhận ra Chúa trong từng biến cố cuộc đời.

Têrêsa Mai An

Gp. Mỹ Tho

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*