Đức Thánh Cha đã gặp gỡ phái đoàn của “Dự án Giáo dục Công giáo Thăng tiến các Nhà nghiên cứu Toàn cầu” (Vatican Media)
Sáng thứ Tư 20/4, trước buổi tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ phái đoàn của “Dự án Giáo dục Công giáo Thăng tiến các Nhà nghiên cứu Toàn cầu”, nhắc lại tầm quan trọng của một nền giáo dục năng động, theo đó nhà giáo dục đích thực là người biết đồng hành, lắng nghe và đối thoại.
“Dự án Giáo dục Công giáo Thăng tiến các Nhà nghiên cứu Toàn cầu” là một dự án nghiên cứu quốc tế mới do các tình nguyện viên xúc tiến, với mục đích thúc đẩy các giá trị giáo dục Công giáo tôn trọng bản sắc và đối thoại.
Đức Thánh Cha nói với phái đoàn rằng giáo dục không phải là “lấp đầy các ý tưởng vào đầu một người”, nhưng là cùng bước đi với họ trong một “sự giằng co giữa rủi ro và an toàn”. Thực vậy, “Giáo dục là chấp nhận rủi ro trong sự giằng co giữa cái đầu, trái tim và đôi tay: trong sự hòa hợp, đến điểm suy nghĩ về những gì tôi cảm thấy và làm; để nghe những gì tôi nghĩ và làm; để làm những gì tôi cảm thấy và suy nghĩ. Đó là một sự hòa hợp”. Ngài nói thêm: “Người ta không thể giáo dục nếu không đồng hành với những người đang được giáo dục”.
Đức Thánh Cha chỉ ra rằng “giáo dục không phải là nói những điều hoàn toàn khoa bảng; giáo dục là kết hợp những gì được nói với thực tế. Các thanh thiếu niên có thể sai lầm, nhưng nhà giáo dục đồng hành với các em để hướng dẫn những sai lầm này, để các em không gặp nguy hiểm. Nhà giáo dục thực sự không bao giờ sợ sai lầm, nhưng đồng hành, lắng nghe và đối thoại”.
Trong buổi nói chuyện, phái đoàn “Dự án Giáo dục Công giáo Thăng tiến các Nhà nghiên cứu Toàn cầu” đã giải thích với Đức Thánh Cha rằng mục đích của dự án giáo dục không chỉ truyền tải kiến thức, nhưng còn dành không gian cho lĩnh vực tâm linh và mục vụ cũng như những gì người già có thể truyền cho thế hệ trẻ.
Đáp lại, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng đối thoại giữa người trẻ và người già rất quan trọng, vì để phát triển, cây cần liên kết chặt chẽ với rễ. Không có rễ, cây không thể tiếp tục sống. Chỉ với cội nguồn, chúng ta mới thành người.
Ngọc Yến
Nguồn: vaticannews.va/vi/
Để lại một phản hồi