Ý nghĩa và cùng đích của việc học

Tu sĩ Micah Kim, OP

Đã từng cắp sách đến trường, ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về sự căng thẳng trong mùa thi. Đầu óc và cuộc sống của chúng ta trong những ngày ấy dường như đều bị bao vây bởi những ghi chú, những điều cần phải học thuộc lòng, và trên hết là những câu hỏi. Chẳng hạn như: tế bào là gì? Tuyên ngôn độc lập được ký khi nào? Chu vi của mặt trời là bao nhiêu?…

Tìm kiếm giải đáp cho những câu hỏi này nhiều khi rất nhàm chán, mệt mỏi, và thậm chí, rất vô vị. Việc cảm thấy mệt mỏi khi học thi hé lộ cho thấy chúng ta đang đặt việc học của mình không đúng chỗ. Nói cách khác, để có thể xác định gốc rễ của vấn đề, chúng ta thử đưa ra một câu hỏi: “Chính xác thì tại sao chúng ta lại phải dày công học tập?” Các câu trả lời thông thường bao gồm: “Để đạt được kết quả cao ở trường,” “Để có một công việc tốt”, “Để trở thành một người toàn diện”. Những câu trả lời này đều đúng và rất nên là một phần lý do thúc đẩy chúng ta học tập. Tuy nhiên, tất cả đều chưa đủ, và thật, nếu chúng ta chọn bất kỳ câu trả lời nào trong số này là cùng đích chi phối việc học của chúng ta, thì đó sẽ là một sai lầm nghiêm trọng.

Lý do là vì, điều cốt lõi của việc học không phải chủ yếu là để đạt điểm cao, để có đủ điều kiện cho một công việc, hoặc để trở thành một người toàn diện. Đúng hơn, nghiên cứu, học hành là để tìm ra mục đích tối hậu của chúng trong bối cảnh của tình yêu.

Thực ra, theo nguyên nghĩa của tiếng Hy Lạp cổ, động từ “đặt câu hỏi”, có liên quan đến từ “yêu” — Theo đó “Từ ‘tôi thắc mắc’ (eroto) bắt nguồn từ từ ‘yêu’ (eros), bởi vì những người đặt câu hỏi về những điều mà họ khao khát tìm hiểu thì họ rất giống với những người đang yêu” (Etymologicum Magnum, 380). Người đặt câu hỏi là người đang yêu.

Chỉ cần nhìn một một cặp đôi đang yêu nhau, chúng ta sẽ thấy rõ điều này. Họ thường đặt câu hỏi cho nhau vì họ muốn biết thêm về nhau. Nhưng họ không phải ghi chú hoặc hoặc cố gắng để nhớ tên, ngày tháng hoặc bất kỳ chi tiết nào khác về cuộc sống của nhau. Thay vào đó, động cơ đằng sau việc tìm hiểu của họ là tình yêu, và tình yêu đó làm cho việc tìm kiếm, thắc mắc của họ trở nên dễ dàng, ngọt ngào, và thậm chí, rất sinh động.

Nhưng lại chẳng có ai để chúng ta yêu khi đang bận nghiên cứu về tế bào, về các sự kiện lịch sử năm 1776, hoặc về hệ mặt trời, phải không? Câu trả lời là, “ đấy!” Người mà chúng ta yêu, người mà chúng ta tìm hiểu bằng cách học hỏi, nghiên cứu, thắc mắc là chính Chúa Giêsu. Trong bất kỳ chủ đề nào, các câu hỏi của chúng ta có thể hướng đến việc học biết và yêu mến Chúa Giêsu trọn vẹn hơn. Trong môn lịch sử, Người mạc khải chính Người là Đức Chúa, Đấng luôn quan tâm chăm sóc mọi người mà Người đã hiến thân để cứu chuộc họ; Trong môn sinh học, Người mạc khải chính Người là Sự sống, là nguồn gốc của mọi thụ tạo được dựng nên; Trong môn vật lý, Người mạc khải chính Người là sự Khôn ngoan, Đấng được phản chiếu, dù chỉ là lờ mờ, theo trật tự khôn ngoan của vũ trụ; ….

Bất cứ khi nào chúng ta học tập thì Chúa Giêsu đang trao hiến chính Người cho chúng ta. Do đó, chúng ta hãy luôn khởi đầu và kết thúc việc học của mình bằng điều này: Cầu nguyện. Chúng ta hãy bắt đầu bằng việc cầu nguyện — nghĩa là bằng cách đặt câu hỏi và cầu xin Chúa Giêsu soi sáng tâm trí để chúng ta có thể nhìn thấy Người trong mọi điều mình nghiên cứu. Sau đó, chúng ta hãy kết thúc bằng việc cầu nguyện, qua tâm tình cảm tạ, ngợi khen Chúa Giêsu về những điều kỳ diệu của Tình yêu Người thể hiện trong lịch sử, trong khoa học tự nhiên và trong mọi khía cạnh của thực tế cuộc sống.

Có như thế, chúng ta sẽ thấy việc học của mình, dù ở bất kỳ khía cạnh nào, và ở một mức độ nào đó vẫn có những khó khăn, vẫn cần sự tận tâm, cố gắng nhưng sẽ không bị cảm giác thất vọng, chán nản, vô vị vì chúng ta đã tìm thấy ý nghĩa và cùng đích của việc mình đang làm: TÌNH YÊU!

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Chuyển ngữ từ: dominicanajournal.org (06. 5. 2022)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*