Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Hôm 19.5.2022, Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, phối hợp với Ban Tổng Thư ký Thượng hội đồng Giám mục đã tổ chức một phiên họp trực tuyến kéo dài 2 giờ đồng hồ dành cho những người Công giáo khuyết tật với chủ đề “Giáo hội là nhà của bạn: Sự đóng góp của người khuyết tật cho Thượng Hội đồng Giám mục về tính Hiệp hành“.
“Trao tiếng nói” trực tiếp cho người khuyết tật
Như một phần của tiến trình Thượng hội đồng Giám mục về tính Hiệp hành, phiên họp có sự hiện diện của vị đại diện các Hội đồng Giám mục và các hiệp hội quốc tế, cùng sự tham gia của khoảng 30 người bị khuyết tật được kết nối từ hơn 20 quốc gia trên thế giới. Là những người bị khuyết tật về giác quan, thể chất hoặc nhận thức, các tham dự viên đã có thể chia sẻ bằng ngôn ngữ riêng của họ (bao gồm cả ba ngôn ngữ ký hiệu).
Với mục đích “Trao tiếng nói” trực tiếp cho những người khuyết tật, vốn là những tín hữu thường bị gạt ra bên lề. Mặc dù nhiều người trong số họ đã tham gia vào các cuộc họp được tổ chức bởi các giáo xứ, giáo phận và các hiệp hội, cuộc họp này thực sự là bước khởi động của một tiến trình Thượng Hội đồng mang tính quốc tế dành riêng cho họ.
Vượt thắng mọi định kiến
Mở đầu phiên họp, Đức hồng y Mario Grech, Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của ngài: “Tôi mắc nợ những người khuyết tật. Một trong số họ dẫn tôi đến hành trình ơn gọi linh mục.” Hơn nữa, ĐHY nhấn mạnh “Nếu khuôn mặt của người anh chị em khuyết tật bị loại bỏ, thì chính Giáo hội cũng trở thành khuyết tật”.
Bốn chứng từ xúc động từ Liberia, Ukraine, Pháp và Mexico đã thu hút sự chú ý đến việc cần thiết phải vượt thắng sự phân biệt đối xử, sự loại trừ và não trạng gia trưởng. Một cách cụ thể, những chia sẻ của một giáo lý viên người Pháp mắc hội chứng Down đã khơi lên một cảm xúc sâu sắc: “Lúc mới sinh, tôi đã có thể bị sảy thai. Tôi hạnh phúc khi vẫn còn sống, Tôi yêu mọi người và tôi cám ơn Chúa đã dựng nên tôi”. Với tư cách là một giáo lý viên, cô nhận được một nhiệm vụ kép từ giám mục của mình: cầu nguyện và truyền giáo.
Cha Alexandre Awi Mello, Thư ký của Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, chia sẻ với những tham dự viên rằng trong quy trình Thượng Hội đồng, thử thách là “vượt thắng mọi định kiến của những người tin rằng những người gặp khó khăn trong việc thể hiện bản thân không có suy nghĩ riêng, cũng như không có bất cứ điều gì thú vị để giao tiếp với“.
Để kết thúc phiên họp, nữ tu Nathalie Bécquart, Phó Tổng thư ký Thượng Hội đồng giám mục, mời các tham dự viên hãy dành một khoảnh khắc thinh lặng, để “Lắng nghe“. “Chúa Thánh Thần đã nói với mỗi người như thế nào. Có những kho tàng của nhân loại đã được chia sẻ và được ban tặng cho Giáo hội”.
Một tài liệu chung đóng góp cho Thượng hội đồng
Với sự nhiệt thành, các tham dự viên đã cam kết soạn thảo một tài liệu chung dựa trên kinh nghiệm mang tính hiện sinh rất sâu sắc về thế giới người khuyết tật cũng như kiến thức qua những dấn thân mục vụ của họ trong từng cảnh huống, môi trường, văn hoá riêng. Sau đó, tài liệu này sẽ được chuyển đến Ban tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục như là một phần đóng góp của những người Công giáo khuyết tật trong tiến trình Thượng Hội đồng.
Được biết, phiên họp lần này là một phần của lộ trình được bắt đầu vào tháng 12.2021 của Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống với chiến dịch video #IamChurch, về quyền bảo vệ của giáo hội dành cho những người khuyết tật, cũng như phần nào đáp lại lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong thông điệp Fratelli tutti về tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội (số 98) khi ngài mời gọi các cộng đoàn “trao tiếng nói” cho những “người lưu vong ẩn mặt” … những người “cảm thấy họ sống mà chẳng thuộc về ai và cũng chẳng được tham dự vào việc gì”. Mối quan tâm của chúng ta “không chỉ là chăm sóc họ mà còn bảo đảm cho họ được “tham gia tích cực vào cộng đồng dân sự và Giáo hội”.
Thánh Bộ và văn phòng Thượng hội đồng hy vọng tiến trình này sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới với một cuộc thảo luận trực tiếp tại Roma.
Theo: laityfamilylife.va (20. 5. 2022) và
catholicnewsagency.com (20. 5. 2022)
Để lại một phản hồi