Trong số 3 người nữ mới được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm thành viên Bộ Giám mục có nữ tu Yvonne Reungoat, cựu bề trên tổng quyền dòng Con Đức Mẹ Phù hộ. Sơ Yvonne sinh năm 1945 tại Plouenan (Finistère, Pháp). Theo đặc sủng Salêdiêng Don Bosco, sơ đặc biệt quan tâm chú ý đến việc đào tạo giới trẻ, dấn thân giúp đỡ những người rốt cùng nghèo khổ, đào tạo các linh hoạt viên, và đặc biệt có khả năng hội nhập văn hóa trong thực tế của Phi châu.
Sơ Yvonne đã chia sẻ với Vatican News một số suy nghĩ về bổ nhiệm mới của Đức Thánh Cha.
Thưa sơ, sơ có mong đợi việc bổ nhiệm này không?
Không, tôi hoàn toàn không mong đợi điều đó. Tôi đã thấy rằng Đức Giáo hoàng đã có ý định này, và tôi xem đó là một tin tốt, nhưng tôi hoàn toàn không nghĩ rằng tôi cũng có thể ở trong số đó. Tôi rất ngạc nhiên khi biết được điều này từ những tin nhắn chúc mừng mà tôi nhận được.
Đây là những bổ nhiệm như là việc áp dụng nhanh chóng Tông hiến Praedicate Evangelium. Sơ nhận xét thế nào về tiến trình dẫn đến tài liệu này?
Tôi nghĩ rằng tài liệu đã được hoàn thiện trong chín năm giáo hoàng. Ngay lập tức, với Hội đồng Hồng y cố vấn, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt đầu nghĩ đến một cuộc cải tổ Giáo triều. Một thời gian chắc chắn cần làm việc, suy tư, phân định rất nhiều để đi đến việc ban hành Tông hiến này. Đối với tôi, đó là một dấu hiệu rất rõ ràng về sự nhất quán của Đức Thánh Cha Phanxicô; ngài đã nhận được sự trao phó và đã thực hiện yêu cầu và nhu cầu của Giáo hội, thông qua một số cải cách tiến bộ. Theo tôi, đây là một tài liệu mang lại một bộ mặt quan trọng cho Giáo triều Rôma, bởi vì vai trò của giáo dân và phụ nữ, những người có thể đảm nhận những trách nhiệm hàng đầu trong một số Bộ, đã được công nhận. Đó là dấu hiệu của một não trạng, của một sự thay đổi sâu sắc, theo quan điểm của tôi, của một tinh thần hướng dẫn Đức Giáo hoàng theo đường hướng của Công đồng Vatican II và điều đó đang diễn ra dần dần. Đó là một dấu hiệu của niềm hy vọng lớn lao và cũng là của trách nhiệm bởi vì nó kêu gọi mọi người đồng trách nhiệm trong các ơn gọi khác nhau trong Giáo hội.
Chính xác thì nhiệm vụ của quý vị là gì?
Tôi không biết giải thích thế nào cho rõ ràng với bạn, tin tức mới là như vậy! Chúng tôi sẽ cộng tác trong việc bổ nhiệm các giám mục trên khắp thế giới. Dưới hình thức nào thì tôi không biết, vì tôi vẫn chưa có chỉ dẫn cụ thể. Điều mà người ta có thể nghĩ là chúng tôi có thể được mời gọi để nghiên cứu kết quả của các cuộc tham vấn mà các Sứ thần gửi cho Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nghiên cứu các hồ sơ này và đưa ra ý kiến để giúp cho việc lựa chọn các giám mục tương lai dễ dàng hơn.
Theo sơ thì đâu là phẩm chất ưu tiên nơi một giám mục?
Chắc chắn ngài là một mục tử, một linh mục thể hiện trong cách sống của mình một khả năng gần gũi với dân chúng, lắng nghe, đồng hành và liên kết với mọi ơn gọi trong Giáo hội địa phương của mình. Theo nghĩa này, tôi tin rằng con đường hiệp hành mà Giáo hội đang thực hiện là đặc biệt quan trọng. Mục tử có ý thức về trách nhiệm của mình nhưng đồng thời cũng lắng nghe thế giới bên ngoài Giáo hội. Vì Giáo hội không hiện hữu cho chính mình, nhưng cho thế giới, cho mọi người thiện chí, do đó, giám mục phải có một tinh thần truyền giáo, rất cởi mở.
Kinh nghiệm là Bề trên Tổng quyền của dòng và truyền giáo ở Châu Phi, theo sơ, sẽ có thể giúp sơ điều gì trong nhiệm vụ này?
Tầm nhìn về một Giáo hội phổ quát được lồng ghép trong một thế giới đang trải qua nhiều thay đổi sâu sắc ở khắp mọi nơi và phải đương đầu với nhiều thách thức đối với việc loan báo Tin Mừng và đối với các tương quan với các tôn giáo khác trên thế giới chắc chắn sẽ giúp ích cho tôi. Việc làm Bề trên Tổng quyền của một dòng như dòng của chúng tôi đã cho tôi một kinh nghiệm độc đáo trong việc hiểu biết về năm châu lục và tiếp xúc và hiểu biết trực tiếp về chúng qua các cộng đoàn của chúng tôi, hoặc qua các cuộc gặp gỡ với các giám mục ở nơi chúng tôi hiện diện và với mọi người. Trải nghiệm về những chân trời rộng lớn khiến tôi, ở một khía cạnh nào đó, thay đổi những khuôn mẫu suy nghĩ mà tôi có thể đã có trước đây. Nó cho tôi cảm thức vô cùng tôn trọng sự đa dạng, sự đa dạng văn hóa, cũng như thời gian, điều cần thiết để biết và không mong đợi. Cần phải lắng nghe nhiều, quan sát nhiều.
Và đặc sủng của dòng Con Đức Mẹ Phù hộ sẽ giúp sơ như thế nào?
Đặc sủng của chúng tôi là đặc sủng giáo dục. Một mặt, tôi tin rằng đó là một đặc sủng truyền giáo và cởi mở với tất cả mọi người. Đó chắc chắn là một yếu tố sẽ giúp tôi có cách tiếp cận cởi mở với các Giáo hội địa phương khác nhau. Và tôi tin rằng ngay cả các giám mục cũng phải hiểu rõ tầm quan trọng của giáo dục trong hành trình đức tin và trong hành trình của Giáo hội. Vì giáo dục là nền tảng của tất cả, là cơ sở của việc xây dựng xã hội. Đó là cơ sở nền tảng để đồng hành với việc xây dựng nhân cách bắt đầu từ những điều nhỏ nhất.
Theo quan điểm này, sơ có nghĩ rằng ngay cả các giám mục cũng nên “vâng theo” một kiểu “giáo dục” từ nền tảng của dân Chúa?
Chắc chắn rồi; vì vậy tôi đang nói về lắng nghe, lắng nghe sâu sắc. Trên thực tế, chúng ta giáo dục lẫn nhau. Tôi nghĩ rằng một người không thể trở thành một mục tử nếu trước tiên không biết lắng nghe và để cho mình được dạy dỗ, hướng dẫn bởi người dân, từ nền tảng. Nếu không có thái độ căn bản này thì sẽ có nguy cơ xây dựng các công trình bắt đầu từ mái nhà và không đặt nền móng cho việc loan báo Tin Mừng, không đến được lòng người. Và nếu bạn không đi vào lòng người, bạn không loan báo Tin Mừng, bạn không bước đi cùng nhau. Tất cả chúng ta đều được kêu gọi để lắng nghe thực tại và cùng nhau phân định những cách thức mà Chúa Thánh Linh có thể chỉ ra cho chúng ta.
Trong cuộc phỏng vấn với Televisa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói – trong số những điều khác – rằng nếu ngài từ nhiệm, ngài muốn được gọi là “nguyên giám mục”. Và ngài muốn giải tội cho người dân và thăm hỏi những người bệnh. Những tuyên bố của ngài đánh động sơ như thế nào?
Những lời đó đã chạm đến trái tim tôi. Bởi vì Đức Thánh Cha Phanxicô thuộc hàng ngũ những mục tử luôn dấn thân phục vụ, trong sự giản dị. Tương ứng với những gì ngài là. Tôi rất ấn tượng bởi sự nhất quán của Đức Thánh Cha Phanxicô, giữa những gì ngài nói, những gì ngài dạy và những lựa chọn mà ngài đưa ra. Và đây là một trong những điều đó, cũng là một dấu hiệu cho tôi, rằng tôi đã kết thúc sứ vụ Bề trên Tổng quyền vào tháng 10 năm ngoái và bây giờ tôi đang sống như một người con của Đức Mẹ Phù hộ, như tất cả các chị em khác. Nó khiến tôi phải suy nghĩ.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Để lại một phản hồi